Notgeld đồng tiền độc đáo
Thư giãn - Ngày đăng : 10:00, 04/02/2019
Nội dung của nó hoàn toàn tự do, ngẫu hứng, muốn đưa cái gì lên cũng được, bao gồm cả những yếu tố thần kỳ, ma quái lẫn những câu chuyện khôi hài, châm biếm. Đó là đồng Notgeld (“tiền khẩn cấp” trong tiếng Đức) của Đức và Áo, ra đời vào các năm đại chiến thế giới thứ nhất và nửa cuối đại chiến lần hai.
Do thiếu bạc, nikel để sản xuất tiền xu, hơn thế tiền xu còn trượt giá, với giá trị ghi trên bề mặt thấp hơn nhiều so với hàm lượng kim loại được đúc, nên các ngân hàng đã quyết định thay thế tiền xu bằng các loại tiền giấy mệnh giá nhỏ, in như tờ rơi và dùng “ăn liền” nhằm đảm bảo việc giao dịch, buôn bán. Mỗi địa phương đều in một tờ tiền riêng, song gọi chung là đồng Notgeld, với đơn vị heller, mark hoặc pfenning.
Thoạt đầu, đồng Notgeld khá mộc mạc, ví dụ như ở các tờ mệnh giá 25, 50 và 75 pfenning, chỉ có một vài màu sắc, hình vẽ. Thế nhưng, sau đó nó trở nên sặc sỡ và chứa nhiều thông điệp, từ những câu chuyện cổ tích của Đức tới các sự kiện đương đại, các trò chơi, con vật... Trên đó còn ghi những lời chú giải từng hình, ví dụ như không có vàng bạc thì chúng ta không thể thanh toán nên từ nay sẽ trả bằng tiền giấy. Hoặc đen trắng là màu cờ của Dreusen, cũng là màu lông của giống bò Herdbuch vì thế hãy nuôi bò Herdbuch (có ý quảng cáo về chúng).
Nhiều minh họa được dựa trên quan điểm kỳ thị, hay có minh họa quá hồn nhiên, ngây thơ như tờ 2 mark với một chú lừa vừa ăn cỏ vừa đại tiện, và như một phép ẩn dụ của tác giả về chuỗi thức ăn !? Có nhiều hình ảnh trên các tờ tiền là những hình mang lại cảm giác nghĩ thế nào, vẽ thế ấy, không hề có định hướng, quy chuẩn. Và người ta có thể vẽ bất cứ những gì họ thấy trong đời sống và ở địa phương để đưa lên tiền. Ngoài in trên giấy, những đồng tiền còn được in trên lụa, gỗ, nhôm, lá bài và tựu chung là mọi loại chất liệu in được. Dù phát hành nhiều, song đồng Notgeld vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của chiến tranh, nên vào năm 1921, Đức còn phải dùng cả tem bưu chính để làm tiền. Tổng số đồng Notgeld lúc đó có thể lên tới hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, đến năm 1923, Ngân hàng Reichsbank đã cho ra một tờ tiền mới, tờ Rentenmark tạm chấm dứt thời đại của đồng Notgeld.
Một lần nữa, Notgeld lại xuất hiện trong chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc này, nền kinh tế Đức đã có nhiều hồi phục, song có lẽ do mánh khóe, tại các trại tập trung nhà cầm quyền vẫn cho lưu hành đồng Notgeld, ép các nạn dân phải đổi tiền mặt ra “tiền địa phương”. Và một trại tập trung như vậy là trại Oranienburg ở ngoại ô thành phố Berlin. Trong các họa sĩ được giao làm đồng Notgeld ở trại, có họa sĩ Horts-Willi Lippert. Anh bị bắt vì đã chống lại chủ nghĩa phát xít, chế độ độc tài của Hitler và phải thiết kế các bản in của đồng tiền Notgeld để tránh những hình phạt. Bằng sự khéo léo, anh đã bí mật gửi những thông điệp về sự hà khắc của trại ra bên ngoài. Ví dụ như trong tờ 5 pfenning đã khắc họa một tòa tháp nổi trên dây thép gai, tương tự ở tờ 50 pfenning là hai người lính cứng nhắc đứng canh trước dây thép và ở tờ 1 mark là một ông già đang cầm xẻng đào hầm… Không dừng tại đó, ở lần in tiền thứ hai anh còn cạo góc của chữ g trong từ Konzentrationslager (trại tập trung), biến nó thành Konzentrationslayer (kẻ sát nhân hàng loạt), và nhờ nhà cầm quyền không để ý, nó đã được in ở tất cả các trại của Reich.
Có thể nói Notgeld là một đồng tiền tình thế của Đức và Áo đầu thế kỷ 20, tuy có thời gian lưu hành ngắn ngủi, nhưng nó cũng đã chứng thực được một giai đoạn lịch sử hết sức bi hùng của thế giới. Những tờ tiền cũng khá đẹp, đặc tả đặc sắc nhiều phong cảnh, văn hóa dân gian Đức, trong đó có nhiều chi tiết huyền bí, dí dỏm. Đa số chúng đều là sản phẩm của sự phóng tác, thiên về dân gian hồn nhiên thay vì chuẩn mực, quy tắc. Ngay từ khi ra đời, vì vẻ sặc sỡ, phong phú, nhiều nhà nghệ thuật đã nhận ra điều ấy và thu thập chúng như những tác phẩm hội họa, dẫn tới đồng tiền vừa xuất hiện đã được mua sạch. Hiện nay, còn rất ít đồng Notgeld trên thế giới vì chúng đều nằm trong các bộ sưu tập tiền cổ hiếm quý.