Những bài học kinh nghiệm đối với các công ty cho thuê tài chính để tăng trưởng và phát triển bền vững
Diễn đàn tài chính tiền tệ - Ngày đăng : 11:21, 23/01/2019
Ngày nhận bài: 17/12/2018 - Ngày biên tập: 18/12/2018 - Ngày duyệt đăng: 18/12/2018. (Bài viết đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 24/2018 )
Tóm tắt: Có thể nói những năm đầu của giai đoạn 2008-2018 là những năm khó khăn nhất đối với hoạt động của các Công ty cho thuê tài chính (CTCTTC) Việt Nam do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008. Những khó khăn về thị trường, của doanh nghiệp (DN) và khách hàng xuất hiện đã tác động trực tiếp đến hoạt động và làm phát sinh nhiều khó khăn cho các CTCTTC, trong đó khó khăn lớn nhất là nợ xấu và kinh doanh thua lỗ, dẫn đến hệ quả có công ty phải ngưng hoạt động và bị rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên hoạt động của nhiều CTCTTC, với bản chất cấp tín dụng, dưới hình thức cho thuê tài chính tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn cho DN nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực kinh tế tư nhân. Bài viết nhìn lại giai đoạn 10 năm phát triển của loại hình này, trong bối cảnh những năm đầu giai đoạn 2008 - 2018, những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong hoạt động. Trên cơ sở đó đưa ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, quản trị kinh doanh, nhằm tăng trưởng và phát triển bền vững những năm tới.
Từ khóa: công ty cho thuê tài chính, khủng hoảng, tác động, kinh nghiệm
Experience lesson for finance leasing companies to develop and grow sustainably
Abstract: The first years of 2008-2018 period were difficult time for finance leasing companies in Vietnam due to impacts of global financial crisis happened in 2008. Difficulties of market, companies and customers have made direct influence to activities of this type of business, of which the most difficult ones are non performing loans and loss, leading to failure in operation and business license withdrawal. However, finance leasing business, with credit supply in the form of finance leasing continues meeting capital demand of enterprises, especially small and medium enterprises as well as the private sector. The article reviews the development of this business in the 2008-2018 period, achievements and constraints then withdraws experience lessons in management, corporate governance to develop and grow sustainably in coming years.
Key words: finance leasing company, crisis, impact, experience
Khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến hoạt động của các CTCTTC
Thứ nhất, tác động gián tiếp và chung nhất đối với hoạt động của các định chế tài chính nói chung và CTCTTC nói riêng là khó khăn kinh tế vĩ mô: lạm phát, lãi suất tăng, tỷ giá và giá vàng biến động; thị trường bất động sản, chứng khoán biến động… điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của các CTCTTC.
Thứ hai, trong giai đoạn này, nhất là những năm 2008 - 2013 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn từ thị trường tiêu thụ, đến chi phí đầu vào do giá cả và lãi suất tăng. Vì vậy tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng nói chung và các CTCTTC nói riêng theo mức độ khác nhau tùy vào đối tượng, lĩnh vực ngành nghề SXKD thông qua mối quan hệ ngân hàng – khách hàng. Trong đó những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, dẫn đến những khó khăn trong vay trả nợ, nợ xấu phát sinh – là vấn đề lớn nhất đối với các TCTD và CTCTTC trong giai đoạn này.
Thứ ba, khủng hoảng xảy ra, các ngành lĩnh vực vận tải biển, cơ khí, dệt may, da giày… và các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về thị trường, về sản xuất kinh doanh…Trong khi đó, đây là thị trường, là nhóm đối tượng khách hàng chủ yếu của các CTCTTC. Điều này không chỉ làm hạn chế rất nhiều đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng mà còn làm phát sinh nợ xấu, gây khó khăn trực tiếp cho các CTCTTC nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.
Tuy nhiên, dù chịu tác động ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khó khăn như phân tích ở phần trên, đặc biệt có công ty ngưng hoạt động, rút giấy phép, song đánh giá giai đoạn 10 năm (2008-2018), hoạt động của các CTCTTC vẫn đạt được những kết quả quan trọng, là động lực và là nền tảng để tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo của định chế tài chính này.
Những kết quả đạt được
Dưới góc độ quản lý, hoạt động của các CTCTTC trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2008-2018, đạt được 3 kết quả quan trọng sau:
(1). Duy trì hoạt động ổn định và đạt kết quả kinh doanh lãi qua các năm. Trong giai đoạn này, ngoại trừ vài CTCTTC gặp rất nhiều khó khăn, do cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, song số công ty còn lại vẫn duy trì kết quả kinh doanh lãi liên tục qua từng năm giai đoạn 2008-2018. Theo đó, trong 8 CTCTTC trên địa bàn, có 6 công ty hoạt động kinh doanh có lãi ở mức độ khác nhau tùy theo quy mô, hiệu quả hoạt động. Mặc dù lãi không cao, nhưng kết quả này rất ý nghĩa đối với các CTCTTC trên địa bàn trong điều kiện nền kinh tế và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 2008-2013, bởi lẽ không chỉ bù đắp chi phí, dự phòng rủi ro và có lãi để duy trì hoạt động, tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn này.
(2). Các hoạt động kinh doanh chính duy trì được tốc độ tăng trưởng(1). Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của hoạt động huy động vốn khoảng 11,2%/năm và hoạt động cho thuê tài chính khoảng 12,5%/năm, tổng tài sản tăng 3,6 lần và vốn điều lệ tăng 2,8 lần so với năm 2008.
(3). Hoạt động của các CTCTTC, cùng với các định chế tài chính khác trên địa bàn góp phần quan trọng trong việc duy trì, ổn định và phát triển SXKD của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và các thị trường gặp khó khăn về tiêu thụ, khó khăn về tiếp cận vốn và lãi suất trong giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Theo đó dư nợ cho thuê tài chính liên tục tăng trưởng qua từng năm và năm 2018 tăng 4,9 lần so với năm 2008.
Ở góc độ vĩ mô đây là kết quả quan trọng, không chỉ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp mà còn góp phần phục hồi, ổn định và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ tín dụng trong giai đoạn này.
Những tồn tại, hạn chế
Thứ nhất: Hiệu quả kinh doanh chưa cao. Mặc dù duy trì được kết quả kinh doanh có lãi trong suốt giai đoạn 2008-2018 (không bao gồm CTCTTC đã ngưng hoạt động), tuy nhiên hiệu quả chưa cao, các chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh thấp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không tương xứng với tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ và tốc độ tăng trưởng hoạt động cho thuê tài chính. Theo đó so với năm 2008 tổng dư nợ tăng 4,9 lần, song kết quả kinh doanh chỉ tăng 1,3 lần. Nguyên nhân chính của tình hình này chủ yếu do nợ xấu phát sinh và chi phí trích lập dự phòng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các CTCTTC.
Thứ hai: Hệ số sử dụng vốn cao, các CTCTTC chủ yếu vay từ các TCTD, các Ngân hàng thương mại. Vì vậy chi phí vốn cao, cũng là một trong yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng và hiệu quả kinh doanh của các công ty tài chính này.
Về mặt cơ cấu nguồn vốn để sử dụng cho hoạt động cho thuê tài chính của các CTCTTC gồm: vốn điều lệ; vốn huy động (từ tiền gửi của tổ chức và phát hành chứng chỉ tiền gửi) và vốn vay của tổ chức (chủ yếu từ các NHTM). Trong đó nguồn vốn huy động chiếm tỷ lệ rất thấp. Điều này xuất phát từ chính đặc điểm hoạt động, cũng như các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng đối với loại hình CTCTTC(2). Mặt khác thương hiệu và uy tín của CTCTTC cũng là yếu tố tác động đến hoạt động huy động vốn và cho thuê tài chính, đến quá trình mở rộng và tăng trưởng hoạt động của các CTCTTC hiện nay.
Thứ ba: Năng lực quản trị kinh doanh và chất lượng nguồn nhân lực, với nội hàm về tính chuyên nghiệp, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ lãnh đạo và nhân viên vẫn còn hạn chế. Đây đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động, quá trình tồn tại, tăng trưởng và phát triển bền vững của các CTCTTC trong thời gian qua, cần đặc biệt quan tâm.
5 bài học kinh nghiệm
Bài học về hoạt động phù hợp với đặc điểm và đảm bảo nguyên tắc gắn với bản chất cho thuê tài chính. Ý nghĩa của bài học này xuất phát từ yêu cầu đảm bảo các khoản vay (cho thuê tài chính) phải được sử dụng đúng mục đích, đúng nguyên tắc và điều kiện tín dụng. Đây là bài học mang tính pháp lý mà các CTCTTC cần tuân thủ và tuân thủ nghiêm trong quá trình hoạt động. Những rủi ro trong hoạt động của CTCTTC đã ngưng hoạt động về mặt bản chất xuất phát từ chính việc cho thuê tài chính, thuê mua sử dụng vốn không đúng mục đích hoặc đánh giá, định giá máy móc thiết bị, phương tiện không đúng làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các khoản cho thuê tài chính.
Đây là bài học lớn mà các CTCTTC cần phân tích, đánh giá nguyên nhân nợ xấu phát sinh và tăng nhanh, hoạt động cho thuê giảm, kết quả kinh doanh thấp và lỗ… phục vụ cho công tác quản lý, quản trị kinh doanh đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Bài học về phát huy lợi thế và sự khác biệt trong hoạt động của các CTCTTC. Là định chế tài chính phi ngân hàng, cùng bản chất cấp tín dụng, song dưới hình thức là cho thuê tài chính và đối tượng là động sản và thị trường chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhằm đáp ứng vốn (chủ yếu là trung dài hạn) cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, đầu tư máy móc thiết bị, phương tiện vận tải…bằng hình thức cho thuê tài chính, thuê máy móc thiết bị, phương tiện phục vụ SXKD, với thủ tục cho thuê tài chính thuận lợi, chủ yếu là tín chấp…do vậy rất phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng này – trở thành lợi thế, sự khác biệt và chuyên môn hóa trong hoạt động của CTCTTC so với các NHTM. Vì vậy, nếu các CTCTTC khai thác tốt lợi thế này, bám sát mục tiêu, định hướng hoạt động, hoạt động chuyên nghiệp thì hiệu quả mang lại rất lớn, bởi tiềm năng thị trường này là không nhỏ.
Bài học về khai thác và sử dụng an toàn, hiệu quả. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu, về quản trị tài sản có, tài sản nợ đối với mọi định chế tài chính nói chung và các CTCTTC nói riêng; yêu cầu các CTCTTC không chỉ khai thác, huy động các nguồn vốn có hiệu quả: về lãi suất, về cơ cấu nguồn vốn và chất lượng nguồn vốn mà còn phải đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro và mang lại lợi nhuận. Gắn liền với quá trình này là việc không ngừng nâng cao chất lượng thẩm định các khoản đầu tư, cho thuê tài chính, chất lượng quản trị rủi ro, công tác kiểm tra trước, trong suốt quá trình cho thuê tài chính, đảm bảo hiệu quả và có các giải pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động cho thuê tài chính.
Bài học về tăng trưởng và phát triển bền vững. Duy trì tốc độ tăng trưởng, ổn định và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng yêu cầu các CTCTTC sử dụng hiệu quả các nguồn lực: vốn, công nghệ và con người. Trong đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ những tồn tại hạn chế của các CTCTTC trong thời gian qua, nguyên nhân bản chất xuất phát từ chính yếu tố con người, trình độ, chuyên môn ngân hàng và am hiểu trình độ công nghệ, máy móc thiết bị… và đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, không chỉ đảm bảo cho các CTCTTC hoạt động hiệu quả mà còn là yếu tố cạnh tranh mềm của các tổ chức này trong việc hình thành văn hóa kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thương hiệu, uy tín và sức mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, các CTCTTC cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó giảm chi phí đầu ra, giảm lãi suất (phí) cho thuê tài chính để mở rộng và tăng trưởng hiệu quả, hình thành mối quan hệ khách hàng, ngân hàng bền vững.
Tổ chức và nghiên cứu đánh giá thị trường, đánh giá tình hình tăng trưởng và phát triển của các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế đặt trong môi trường kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới để có đánh giá và dự báo tốt làm cơ sở cho việc mở rộng và tăng trưởng hoạt động cho thuê tài chính, đầu tư cho thuê đối với doanh nghiệp thuộc các ngành lĩnh vực kinh tế có xu hướng tăng trưởng và phát triển tốt – sẽ là nền tảng vững chắc để các CTCTTC phát triển, cũng như phục vụ tốt cho công tác quản trị rủi ro và xử lý hiệu quả các khoản tín dụng, các khoản cho thuê tài chính đối với những ngành, lĩnh vực không có khả năng phát triển và tiềm ẩn rủi ro thị trường.
Bài học về động lực cho tăng trưởng và phát triển. Môi trường kinh tế xã hội, pháp lý ngày càng hoàn thiện, minh bạch cùng với hệ thống cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHTW tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng phát triển. Bên cạnh đó, với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân và trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhu cầu về đổi mới và phát triển máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị sản xuất… sẽ rất lớn – tạo ra thị trường rất tiềm năng cho hoạt động của các CTCTTC trong thời gian tới. Đây chính là động lực cho các CTCTTC phát triển. Bên cạnh việc nhận thức và quyết tâm thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD, các Công ty tài chính, CTCTTC sẽ là động lực nội tại thúc đẩy các CTCTTC tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn đến 2020 và những năm tiếp theo.
CHÚ THÍCH:
(1) Số liệu phân tích đã loại trừ CTCTTC II
(2) Quy định tại điều 112 luật TCTD về hoạt động ngân hàng của CTCTTC