“Đông Á trỗi dậy, định hướng trong một thế giới đang thay đổi”
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 16:50, 30/01/2019
Báo cáo cho rằng khu vực Đông Á sẽ khó giữ được mức độ phát triển như hiện nay trong tương lai. Mô hình phát triển mang tên “Phép màu Đông Á” sẽ phải điều chỉnh để thích ứng với công nghệ thay đổi, sự tăng trưởng thương mại chững lại và sự thay đổi bối cảnh các quốc gia, nếu muốn giữ mức độ phát triển như hiện nay.
“Trong vòng 25 năm qua, Đông Á nổi lên là khu vực phát triển thành công nhất. GDP của khu vực này tăng gấp ba lần kể từ năm 2000 và giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo. Bên cạnh những thành tựu nổi bật này, khoảng cách về năng suất lao động, vốn nhân lực và mức sống của các quốc gia trong khu vực này vẫn cách khá xa so với các quốc gia có thu nhập cao. Báo cáo này chỉ ra rằng bài học thành công của giai đoạn trước chưa chắc còn phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, khi các quốc gia trong khu vực đang dần chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình sang thu nhập cao” - bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết.
Nửa thế kỉ trước, nhiều quốc gia trong khu vực vẫn còn là nước nông nghiệp nghèo đói và gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các xung đột tồn đọng và sử dụng cơ chế kinh tế tập trung. Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động kinh tế trong khu vực này đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm cả các quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập cao và đóng góp gần một phần ba GDP toàn cầu.
Hơn 90% dân số khu vực Đông Á đang sinh sống tại 10 quốc gia có thu nhập trung bình, gồm: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nhiều trong số này có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong một hoặc hai thế hệ nữa.
“Một tổ hợp các chính sách thúc đẩy tăng trưởng hướng ngoại, thâm dụng lao động, đồng thời tăng cường vốn nhân lực cơ bản và cung cấp quản trị kinh tế lành mạnh đã mang lại sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững và giúp hàng trăm triệu người ở Đông Á thoát nghèo và đảm bảo về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì những thành tựu đã đạt được đó có thể là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh thế giới và trong khu vực có nhiều thay đổi nhanh chóng. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần điều chỉnh các yếu tố của mô hình phát triển Đông Á truyền thống để giải quyết một cách hiệu quả những thách thức mới này” - ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Đông Á - Thái Bình Dương cho biết.
Báo cáo xem xét bản chất của những thách thức này và gợi ý cách thức giải quyết vấn đề cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực Đông Á trong thập kỷ tới. Báo cáo khuyến nghị sự kết hợp của cả hai ưu tiên chính sách mới và cũ trong năm lĩnh vực chính đó là:
Thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế. Ngoài việc tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh và pháp lý, các ưu tiên mới bao gồm cải cách khu vực dịch vụ, tăng cường thỏa thuận thương mại, có các chính sách đổi mới sáng tạo rộng hơn và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xây dựng các kĩ năng. Ngoài tập trung vào phát triển vốn nhân lực cơ bản, hỗ trợ phát triển các kỹ năng tiên tiến, bao gồm các kỹ năng cảm xúc - xã hội và kiến thức số sẽ ngày càng quan trọng.
Tăng cường hòa nhập. Ngoài các chương trình bảo trợ xã hội truyền thống, cần có các chương trình chuyển đổi giúp những người lao động dễ bị tổn thương tìm các cơ hội việc làm mới và để đảm bảo việc tiếp cận công nghệ kỹ thuật số phải chăng.
Tăng cường thể chế Nhà nước. Các quốc gia sẽ cần tăng hiệu quả của nhà nước thông qua tăng cường tiếng nói và sự tham gia của công dân, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ.
Hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang tình trạng thu nhập cao. Các Chính phủ sẽ phải tìm nguồn tài chính để đạt mục tiêu đầy tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao bằng tăng huy động nguồn thu trong nước.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về bản chất và tốc độ của sự thay đổi, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là sự thay đổi đang diễn ra và bỏ qua nó không phải là một lựa chọn.
“Một khu vực Đông Á trỗi dậy kết luận rằng nếu các nhà hoạch định chính sách trong khu vực không hành động quyết đoán, họ có thể sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội để duy trì tốc độ phát triển vượt trội của Đông Á”, báo cáo khuyến nghị.