Xây dựng Tầm nhìn xanh hóa cho ngành dệt may Việt Nam
Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 17:17, 26/02/2019
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và Môi trường; một số dự án/tổ chức quốc tế như GIZ, WWF, USAid, ông Trường Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS, bà Hoàng Ngọc Ánh, Phó Tổng Thư ký VITAS, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng nhiều đại diện các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Hoàng Ngọc Ánh - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban chính sách Vitas - đã đưa ra những nhận định tổng quan về ngành dệt may Việt Nam, cơ hội và thách thức của ngành cũng như những cơ sở lý luận và sự cần thiết phải xây dựng tầm nhìn xanh hóa ngành dệt may quốc gia, hướng tới sự phát triển bền vững. Theo đó, sau một thời gian phát triển rất nhanh và là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, với 4 triệu lao động, 6000 nhà máy, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt 40 tỷ USD, ngành dệt may hiện đang ở ngã ba đường phải xem xét lại định hướng phát triển tương lai theo hướng bền vững, giải quyết những bất cân đối về hạ nguồn và thượng nguồn... Vì vậy, việc xây dựng tầm nhìn ngành giúp có thể chỉ ra phương hướng phát triển nhằm cho phép Chính phủ điều chỉnh kế hoạch phát triển ngành dệt may, xây dựng niềm tin giữa các nhà đầu tư quốc tế về chất lượng chuỗi cung ứng và xây dựng kế hoạch hợp tác với những đối tác hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành.
Ông Hoàng Việt - Giám đốc Chương trình WWF Việt Nam - phát biểu tại cuộc họp |
Theo ông Hoàng Việt - Giám đốc Chương trình của WWF Việt Nam - Tầm nhìn Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam nên xác định theo từng giai đoạn phát triển. Chẳng hạn như, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may dự kiến đạt 45 tỷ USD năm 2020 và trong dài hạn đến năm 2050, ngành dệt may Việt Nam sẽ trở thành ngành công nghiệp xanh sạch, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng trong quá trình hoạt động, định hướng trong tương lai sẽ phát triển cạnh tranh hiệu quả và tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều vấn đề mà các bên liên quan cần phải xem xét, giải quyết như xử lý chất thải nhà máy, sự bất cân đối trong chuỗi cung ứng khi các hoạt động “thượng nguồn” như dệt, nhuộm,.. còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
Ông James Phillips - Phó Chủ tịch Tập đoàn TAL, Phó Trưởng Ban Môi trường VITAS - trình bày một số tiêu chí về phát triển bền vững gắn với 3 chữ P: profit (lợi nhuận), people (con người) và planet (hành tinh), trong đó con người là nền tảng cốt lõi để xây dựng kế hoạch triển khai nhằm tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu những chi phí và đảm bảo giữ gìn yếu tố môi trường xanh sạch với mục đích phát triển ngành dệt may tăng trưởng ổn định, bền vững.
Ông James Phillips - Phó Chủ tịch Tập đoàn TAL, Phó Trưởng Ban Môi trường VITAS - trình bày một số tiêu chí về phát triển bền vững |
Trong cuộc tham luận giữa các bên về xây dựng Tầm nhìn xanh hóa cho ngành dệt may, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, ngành dệt may hiện nay cần cân bằng giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững, đồng thời quan tâm đến áp dụng công nghệ mới, vừa giúp tăng năng suất lao động, giảm thiểu tác động đến môi trường. Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong chủ trương hoạt động đã đưa ra vấn đề về phát triển ngân hàng xanh, trong đó bản thân ngân hàng cũng cần xanh hóa hoạt động, cho vay có trách nhiệm thông qua tín dụng xanh. Đối với trái phiếu xanh của doanh nghiệp, ông Thắng cho hay, hiện nay nhà đầu tư chính vẫn là ngân hàng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - phát biểu tại cuộc họp |
Cũng tại cuộc họp, nhiều vấn đề khác đã được các đại biểu nêu ra và cùng thảo luận như sự liên kết dự án của các đơn vị để xây dựng nên những kế hoạch hành động đồng bộ, xây dựng hướng tiếp cận đúng đắn để có một lộ trình rõ ràng, hoàn thiện nhằm hiện thực hóa tham vọng Tầm nhìn xanh hóa ngành dệt may...
Kết luận buổi họp, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS - cho rằng, muốn phát triển bền vững, xây dựng được Tầm nhìn xanh hóa ngành dệt may, phải có sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ Chính phủ cho tới doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của khách hàng, nhãn hàng trong công tác xây dựng và triển khai các kế hoạch vì đây là vấn đề mang tính quốc gia.