Thách thức và triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 16:26, 27/02/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kinh tế toàn cầu năm 2018 đã không duy trì được diễn biến tích cực như những dự đoán được đưa ra cuối năm 2017. Đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu chỉ duy trì được trong quý I và diễn biến chậm lại trong quý II và quý III. Với những diễn biến kém tích cực trong năm 2018 và những rủi ro kinh tế chính trị vẫn còn tiếp tục gia tăng, các tổ chức quốc tế lớn cùng chung nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.

Những điểm nổi bật của kinh tế toàn cầu năm 2018

Tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những tháng gần đây

Theo thống kê của Focus Economics, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 3,5% trong quý I/2018, cao hơn mức tăng 3,4% của quý IV năm 2017. Tuy nhiên, sự chững lại tại các nền kinh tế phát triển, bảo hộ thương mại đang có chiều hướng gia tăng, những rủi ro địa chính trị có những diễn biến theo chiều hướng phức tạp, kéo theo các biến động trên các thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu đang là những nhân tố tạo áp lực đã làm giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã liên tục đi xuống, lần lượt đạt mức 3,4% trong quý II và 3,3% trong quý III/2018.

Diễn biến kém tích cực trong tăng trưởng được ghi nhận tại nhiều nền kinh tế chủ chốt như khu vực EU, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế mới nổi cũng phải đối mặt với những khó khăn bất ổn, điển hình là tại các quốc gia như Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina,… Với những diễn biến như vậy, theo IMF tăng trưởng tại các nhóm nền kinh tế trong năm 2018 không có nhiều cải thiện, cụ thể tăng trưởng của nhóm nước phát triển ước đạt 2,4% và nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ước đạt 4,7% (thấp hơn 0,2% so với mức dự báo trước được đưa ra vào tháng 4/2018).

Diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu phân theo nhóm nước

Nguồn: WEO Report (10/2018)

Thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại

Tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới cũng được phản ánh qua những diễn biến kém tích cực trong hoạt động thương mại.

Báo cáo của WTO về triển vọng thương mại toàn cầu 2018 và dự báo 2019 đưa ra đầu tháng 9/2018 cho biết trong nửa đầu năm 2018, thương mại hàng hóa toàn cầu ước đạt mức tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 4,2% của cùng kỳ 2017. Tăng trưởng chậm của thương mại toàn cầu chủ yếu xuất phát từ sự chững lại trong hoạt động xuất nhập khẩu của nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, với mức tăng qua 6 tháng lần lượt đạt 3,6% đối với xuất khẩu và 4,9% với nhập khẩu, thấp hơn so với mức tăng trưởng của kỳ năm 2017[1]. Trong khi đó, tăng trưởng thương mại trong 6 tháng đầu năm 2018 tại nhóm các nền kinh tế phát triển có sự cải thiện  với mức tăng xuất nhập khẩu đều đạt 3,5%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017[2].

Với những diễn biến kém tích cực, các tổ chức quốc tế đều thống nhất nhận định tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 thấp hơn so với mức tăng trưởng năm 2017. Cụ thể, theo IMF, tổng giá trị thương mại toàn cầu năm 2018 chỉ đạt mức tăng trưởng ước khoảng 4,2%, thấp hơn mức tăng trưởng 5,2% của năm ngoái. Còn theo WTO, sản lượng thương mại toàn cầu ước đạt mức tăng 3,9% năm 2018, thấp hơn mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 là 4,4% và cũng thấp hơn mức tăng trưởng năm 2017 là 4,7%.

Có nhiều nhân tố giải thích cho sự chững lại của hoạt động thương mại. Trước hết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại khiến nhu cầu hàng hóa thế giới giảm sút đi kèm với giá cả hàng hóa có nhiều biến động đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy thương mại. Bên cạnh đó, động thái gia tăng bảo hộ thương mại của Mỹ, kéo theo những biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác là nguyên nhân chính gây cản trở các dòng lưu thông thương mại. Cụ thể, theo thống kê của WTO, trong thời gian từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 10/2018, các quốc gia thành viên đã đưa ra 137 biện pháp giới hạn thương mại, tương đương mức trung bình 11 biện pháp/tháng, cao hơn so với mức trung bình 9 biện pháp/tháng của kỳ trước đó.

 

Dòng vốn đầu tư trực tiếp sụt giảm mạnh trong khi dòng vốn gián tiếp vẫn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi

Theo thống kê của UNCTAD, vốn FDI toàn cầu nửa đầu năm 2018 đạt 432 tỷ USD, sụt giảm mạnh 44% so với nửa đầu năm 2017. Sự sụt giảm được ghi nhận chủ yếu tại các nền kinh tế phát triển, đặc biệt tại khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu. Trong khi đó, vốn FDI luân chuyển qua các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đạt 310 tỷ USD qua 6 tháng, chỉ có sự sụt giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Với những diễn biến kém tích cực như vậy, nhiều khả năng dòng vốn FDI toàn cầu sẽ không thể đạt được mức tăng trưởng 5% như dự đoán của UNCTAD đưa ra hồi đầu 2018.
Những bất ổn về chính trị, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, các cải cách thuế của Mỹ và cuộc cạnh tranh về thuế, cũng có những ảnh hưởng tới xu hướng vận động của các dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Diễn biến dòng vốn FDI theo quý (QI/2014 – QII/2018)

 

Năm 2018 cũng đánh dấu những biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp. Việc các nền kinh tế phát triển rút dần các chương trình nới lỏng tiền tệ đã duy trì trong một thời gian dài trước đây khiến chi phí vốn đang có sự gia tăng mạnh trong những tháng vừa qua. Sự thay đổi này cùng với những lo ngại về căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các rủi ro địa chính trị đã khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp có xu hướng tiếp tục rút ra khỏi các thị trường đang phát triển và mới nổi. Thống kê của Global Fund Flow cho thấy, tính đến thời điểm đầu tháng 11/2018 đã ghi nhận 6 tháng dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Một tín hiệu cho thấy nhiều khả năng các dòng vốn đang chảy khỏi các thị trường mới nổi đó là chỉ số MSCI Emerging Index của Bloomberg đo lường biến động các thị trường chứng khoán mới nổi cũng đã giảm 15,4%.

 

Mặt bằng giá cả thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá dầu

Năm 2018, chỉ số giá cả hàng hóa toàn cầu biến động khá mạnh. Trong 5 tháng đầu, chỉ số giá cả hàng hóa chung duy trì xu hướng tăng giảm đan xen. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5, xu hướng giảm giá bắt đầu hình thành và duy trì hầu như liên tục. Kết thúc tháng 12, chỉ số giá cả hàng hóa chung chốt ở mức 159,72 điểm, giảm 11,46% so với cuối năm ngoái, trong đó riêng tháng 12 chỉ số giá hàng hóa chung đã giảm 6,89%. Sự suy giảm của giá cả hàng hóa toàn cầu trong năm 2018 chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm của nhu cầu do tăng trưởng kinh tế thế giới đi xuống và những biến động trên thị trường năng lượng, đặc biệt là giá dầu.

Các nhóm hàng chính cũng có diễn biến tương tự như giá hàng hóa chung. Nhiều mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh và mức độ giảm cũng tập trung trong 2 quý cuối năm, cụ thể là nhóm kim loại sản xuất như đồng giảm 21,66%, nhôm giảm 18,54%, kẽm giảm 27,93%; nhóm các sản phẩm nông nghiệp thô như gạo giảm 11,2%, đậu nành giảm 5,32%, cà phê giảm 19,88%, đường giảm 18,25%, cao su giảm 19,67% và cotton giảm 6,16%.

Những biến động trên thị trường dầu mỏ góp phần quan trọng chi phối đến xu hướng biến động của giá cả hàng hóa toàn cầu năm 2018. Giá dầu ghi nhận xu hướng tăng giảm xen kẽ trong 3 quý đầu năm, trong đó có những thời điểm vào tháng 6, tháng 9 và tháng 10, giá dầu đã liên tục tăng mạnh, đạt mức kỷ lục gần chạm ngưỡng 80 USD/thùng. Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, giá dầu đã có những biến động giảm mạnh, xuống thấp hơn cả mức giá được ghi nhận hồi cuối năm 2017. Sự biến động của giá dầu bên cạnh việc tiếp tục chịu sự chi phối từ các yếu tố nguồn cung còn chịu ảnh hưởng từ yếu tố căng thẳng thương mại gia tăng và xung đột chính trị tại khu vực Trung Đông đang bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá dầu Brent và giá dầu WTI ngày càng giãn rộng, hiện ở mức khoảng 6 USD/thùng do giá dầu khu vực biển Bắc còn chịu áp lực từ sản lượng khai thác dầu đá phiến gia tăng tại Mỹ. Tính đến cuối tháng 12/2018, giá dầu Brent hiện đang ở mức 53,88 USD/thùng, giảm 16,73% so với cuối năm ngoái; giá dầu WTI ở mức 45,41 USD/thùng, giảm 22,79% so với cuối năm 2017.

Áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng

Trong năm 2018, lạm phát toàn cầu ghi nhận nhiều biến động do tác động của diễn biến giá cả hàng hóa thế giới và xu hướng thặt chặt CSTT tại các NHTW chủ chốt. Nhìn chung, chỉ số lạm phát toàn cầu theo thống kê của Focus Economics đã hình thành xu hướng tăng trong gần hết cả năm 2018 nhưng đà tăng không diễn ra liên tục mà có sự ngắt quãng giữa các tháng. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm xu hướng giảm đã quay trở lại do giá cả hàng hóa toàn cầu có sự lao dốc mạnh. Kết quả là chỉ số lạm phát toàn cầu đã tăng thêm 0,7% trong năm 2018, từ mức 2,5% thời điểm đầu năm lên mức 3,2% vào cuối năm 2018.

 

Xu hướng diễn biến lạm phát như trên thể hiện rõ tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada, EU, Anh. Lạm phát tại nhóm nước này đã có sự gia tăng nhanh chóng trong 10 tháng đầu năm và đều đã vượt mức mục tiêu 2%, tuy nhiên lại có xu hướng điều chỉnh giảm trong 2 tháng cuối năm. Ngay cả Nhật Bản vốn phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ giảm phát cũng duy trì được mức lạm phát dương liên tục trong cả năm 2018, trong đó riêng tháng 10 lạm phát còn tăng lên đạt mức đỉnh trong nhiều năm qua là 1,4%.

Diễn biến lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi có sự biến động khác nhau. Một số quốc gia trước áp lực mất giá đồng nội tệ và dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng mạnh đạt mức 2 con số. Lạm phát tại Ấn Độ cũng có chiều hướng gia tăng nhanh so với năm ngoái hiện đang đạt mức xấp xỉ 5%. Ngược lại, lạm phát vẫn được kiểm soát khá ổn định dưới ngưỡng 4% tại các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Brazil, khu vực Đông Nam Á,...

 

Các thị trường tài chính ghi nhận nhiều biến động vượt dự đoán của giới đầu tư

Những diễn biến địa chính trị phức tạp, những biến động mới xoay quanh tình hình kinh tế vĩ mô và xu hướng điều hành chính sách tại các nền kinh tế chủ chốt đã tạo ra những tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu. Từ các thị trường ngoại hối, thị trường vàng cho đến thị trường chứng khoán đều chứng kiến những biến động mạnh mẽ.

Trên thị trường ngoại hối, đồng USD đã tăng giá khá mạnh. Tính đến hết tháng 12/2018, chỉ số USD index đã tăng lần lượt là 4,4% và 4,26% đối với USD giao ngay và USD kỳ hạn. Tuy nhiên xu hướng này không xuất hiện ngay từ đầu năm 2018 mà chỉ rõ nét nhất trong quý II và 2 tháng của quý IV. Diễn biến đồng USD trong năm 2018 mặc dù chịu nhiều áp lực từ việc gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác nhưng được hỗ trợ nhiều từ diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực và xu hướng điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng của Fed. Trái ngược lại, hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác như EUR, GBP, CNY và JPY đều đã có xu hướng giảm giá. Diễn biến của các đồng tiền trong năm 2018 như vậy về cơ bản đã đi ngược với xu hướng của năm 2017 và vượt ngoài dự báo của giới đầu tư.

 

Tương tự như vậy, diễn biến giá vàng năm 2018 cũng không đi theo kỳ vọng của giới đầu tư. Giá vàng chỉ giữ đà tăng trong quý I, tháng 10 và tháng 12 là thời điểm thị trường chứng khoán toàn cầu có nhiều biến động. Tuy nhiên, chốt năm 2018 giá vàng vẫn giảm 2,06% đối với vàng giao ngay và 1,91% đối với vàng kỳ hạn so với năm trước đi ngược lại với kỳ vọng về xu hướng tiếp tục gia tăng của giá vàng mà giới đầu tư đặt ra vào cuối năm ngoái. Có thể nhận thấy, trong năm vừa qua diễn biến của giá vàng bị ảnh hưởng bất lợi từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ và sức mạnh của đồng USD. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư các tài sản an toàn mờ nhạt trong môi trường chính trị, thương mại còn bất ổn cũng không hỗ trợ nhiều cho đà tăng của giá vàng.

 

Tuy nhiên, những biến động mạnh mẽ nhất phải kể đến đó là thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2018 đã đi vào xu thế giảm tốc với nhiều phiên biến động mạnh. Thị trường ghi nhận diễn biến tăng giảm đan xen giữa các tháng nhưng mức độ giảm diễn ra nhiều hơn. Đặc biệt, thị trường ghi nhận những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 2, tháng 10 và tháng 12 trước tác động của các biến động kinh tế, địa chính trị trên toàn cầu. Theo đó, chỉ số MSCI ACWI toàn cầu đo lường sự biến động chỉ số chứng khoán của 23 nền kinh tế phát triển và 24 nền kinh tế mới nổi vào thời điểm cuối tháng 12 hiện đang ở mức 455,66 điểm, giảm xấp xỉ 11% so với cuối năm ngoái, đánh dấu năm giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

 

Xu thế sụt giảm được ghi nhận trên tất cả các thị trường chủ chốt. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đi theo xu thế diễn biến chung của chứng khoán toàn cầu. Xu hướng giảm điểm mạnh được ghi nhận trong quý I và đặc biệt trong 3 tuần đầu tháng 12 với mức giảm lên đến xấp xỉ 20% đối với các chỉ số chủ chốt. Như vậy, trong năm 2018, cả 3 chỉ số chính trên thị trường Mỹ đã giảm điểm, trong đó chỉ số Dow Jones giảm 4,8%, S&P 500 giảm 5,3%, Nasdaq giảm 2,4% - đánh dấu năm kém tích cực nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể cuộc khủng hoảng 2008. Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận tại thị trường châu Âu và châu Á với chỉ số Euro Stoxx của khu vực châu Âu ghi nhận mức giảm 14,51% so với năm ngoái, trong khi chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 15,97% - đều là những mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua.

Định hướng điều hành CSTT tại các NHTW đi theo xu hướng thắt chặt rõ nét hơn

Xu hướng điều hành CSTT của NHTW các nước lớn kể từ đầu năm 2018 đến nay đã đi theo hướng thắt chặt rõ nét hơn với 3 NHTW chủ chốt đã tiến hành tăng lãi suất là NHTW Canada (BOC), NHTW Mỹ (Fed) và NHTW Anh (BOE), trong đó Fed đã tăng lãi suất 3 lần và BOC đã tăng 2 lần. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng tiến hành điều chỉnh tăng lãi suất nhiều lần trong năm như Indonesia, Philippines, Hồng Kông, Argentina, Mexico... trước áp lực biến động dòng vốn và để bảo vệ đồng nội tệ. Như vậy, tính đến hết tháng 11, có 41 NHTW đã tiến hành tăng lãi suất và 32 NHTW tiến hành giảm lãi suất. Hiện tại, chỉ số theo dõi lãi suất toàn cầu (GIRM) do Tổ chức Central Bank News thống kê đang ở mức 6,46%, tăng 4,69% so với cuối năm 2017.

 

Định hướng lãi suất điều hành của NHTW các nước cũng truyền dẫn tín hiệu tới lãi suất trên thị trường tín dụng và thị trường tài sản. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng tại những nền kinh tế có động thái thắt chặt chính sách như Mỹ, Canada, Anh, Indonesia, Hàn Quốc,… có xu hướng tăng rõ rệt. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại hầu khắp các nền kinh tế chủ chốt đều tăng cao hơn so với cuối năm ngoái, trong đó mức tăng mạnh được ghi nhận tại các quốc gia đã tiến hành điều chỉnh lãi suất chính sách như Mỹ, Canada.

 

Những thách thức đặt ra đối với kinh tế toàn cầu 2019

Trong năm 2019, kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục đối mặt với một số thách thức chính sau:

Căng thẳng thương mại là rủi ro hàng đầu đe dọa đến triển vọng tăng trưởng ổn định của kinh tế thế giới. Căng thẳng thương mại năm 2019 dự báo có thể có những diễn biến xấu đi khi tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn chưa có nhiều cải thiện. Theo dự báo của IMF, thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ có thể giãn rộng từ mức 3% GDP trong năm 2018 lên mức 3,4% GDP trong năm 2019. Điều này khiến chính quyền của tổng thống Donald Trump có thể gia tăng việc áp thêm các mức thuế quan lên các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó trọng tâm vẫn là Trung Quốc.

Trong tháng 12/2018, mặc dù hai nước Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm ngưng tranh chấp thương mại bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhưng mâu thuẫn hiện nay vẫn có thể chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế kéo dài. Theo ước tính của Bloomberg Economics, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi lời cảnh báo áp thuế bổ sung đối với trị giá 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 của Trung Quốc sẽ giảm thêm 1,5 điểm phần trăm, xuống còn mức thấp kỷ lục 5%. Điều đó sẽ tạo ra những tác động lan truyền thiếu tích cực đến tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới. Còn theo ước tính của WB, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục làm giảm kim ngạch nhập khẩu toàn cầu tới 3% (tương đương 674 tỷ USD) và làm giảm tổng thu nhập toàn cầu tới 1,7% (khoảng 1,4 nghìn tỷ USD).

Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ đã trở nên rõ nét hơn trong năm 2018 và tiếp tục trở thành định hướng điều hành chính sách của nhiều NHTW lớn cũng như tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Nếu xu hướng này diễn ra mạnh mẽ, tính thanh khoản trên các thị trường sẽ bị ảnh hưởng, mà biểu hiện rõ ràng nhất sẽ là các cú sốc xuất hiện trên thị trường cổ phiếu và lợi tức trái phiếu nhiều khả năng tăng vượt tầm kiểm soát như đã xảy ra trong năm 2018. Đi kèm với nó là các điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt, cụ thể là mặt bằng lãi suất sẽ tăng lên. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt, là tại những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi có tốc độ tăng trưởng tín dụng, khiến các doanh nghiệp này ngừng hoạt động hoặc phá sản. Một làn sóng phá sản và vỡ nợ doanh nghiệp có thể nhanh chóng tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, xu hướng chính sách này cũng có thể ảnh hưởng tới sự biến động của các dòng vốn và thay đổi trong chính sách tỷ giá của các nền kinh tế mới nổi.

Những biến động trên thị trường giá cả hàng hóa toàn cầu ngoài mức dự đoán trong năm 2018 có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2019 và có thể tạo ra áp lực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, thị trường hàng hóa 2019 sẽ phải vượt qua những thách thức chính xuất phát từ tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, các điều kiện tín dụng dần được thắt chặt và sự tăng giá của đồng USD. Trong bối cảnh đó, xu hướng giảm giá của thị trường hàng hóa toàn cầu có thể sẽ kéo dài, đặc biệt đối với mặt hàng nguyên liệu thô như dầu, các sản phẩm nông nghiệp, kim loại sản xuất,… Điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng tại nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi có sự lệ thuộc vào nguồn xuất khẩu dầu hay các sản phẩm nông nghiệp thô.

Những rủi ro địa chính trị bắt nguồn từ những năm trước có thể tiếp tục bùng nổ và gia tăng trong năm 2019. Trong đó, nổi lên là các vấn đề như Brexit, cuộc khủng hoảng ngân sách tại Ý, căng thẳng khu vực Trung Đông, các cuộc bầu cử tại các nền kinh tế chủ chốt như Canada, Australia hoặc các nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria có khả năng tạo ra sự dịch chuyển chính sách, rủi ro địa chính trị Đông Á,… Những biến động xoay quanh các sự kiện địa chính trị này sẽ tiếp tục tạo ra các xáo trộn tức thời trên các thị trường đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng ổn định của kinh tế toàn cầu.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2019

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ giao động trong khoảng từ 3% – 3,7%, thấp hơn so với mức tăng trưởng năm 2018 khoảng 0,2 – 0,3%. Tăng trưởng sụt giảm được ghi nhận tại nhiều nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản. Sự chững lại trong tăng trưởng của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á, trong khi đó áp lực mất giá đồng nội tệ, lạm phát gia tăng và biến động giá dầu sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tăng trưởng tại khu vực Mỹ La tinh, Đông Âu và Trung Đông.

Thương mại toàn cầu năm 2019 cầu tiếp tục suy giảm khi cầu nhập khẩu tại các nước phát triển giảm sút trong khi xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi cũng chững lại do tác động của các rào cản thương mại ngày càng gia tăng. Ngoài ra, việc thắt chặt các điều kiện tiền tệ ở các nước phát triển cũng làm suy yếu giá trị đồng tiền ở các quốc gia mới nổi, từ đó làm giảm cầu nhập khẩu tại nhóm nước này. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 ước đạt mức tăng 4%, thấp hơn mức tăng trưởng 4,2% của năm 2018 và cũng thấp hơn 0,5% so với dự báo được IMF đưa ra hồi đầu năm nay. Tương tự như vậy, WTO cũng dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục chậm lại trong năm 2019 với mức tăng 3,7%, thấp hơn mức tăng 3,9% dự kiến đạt được trong năm 2018.

Nhận định tổng quan trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” được WB công bố ngày 8/1/2019 cho thấy tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và 2019, xuống lần lượt 3% và 2,9%.

Bất ổn về chính trị, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, xu hướng tăng lãi suất và các cuộc cải cách về thuế dự kiến sẽ ảnh hưởng tới xu hướng vận động của đầu tư, khiến dòng vốn có thể có sự giảm sút trong những tháng tới và có sự phân phối lại trên phạm vi toàn cầu. Dòng vốn FDI có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước đang phát triển và mới nổi hoặc có thể dịch chuyển về các thị trường phát triển. Dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể chịu các đợt điều chỉnh mạnh khi các điều kiện tài chính toàn cầu đang có chiều hướng thắt chặt lại.

Thị trường giá cả hàng hóa toàn cầu sẽ tiếp tục có những biến động ngoài dự đoán tuy nhiên xu hướng đi xuống có thể tiếp tục xác lập. Với sự sụt giảm của giá cả hàng hóa toàn cầu, lạm phát sẽ tăng chậm hơn trong năm 2019. Theo dự báo của Focus Economics, lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ mức 3,1% năm 2018 xuống còn 2,9% năm 2019.


[1] Nửa đầu năm 2017, tăng trưởng thương mại xuất khẩu và nhập khẩu tại các nhóm nền kinh tế đang phát triển và mới nổi lần lượt đạt 5,9% và 6,9%.

[2] Nửa đầu năm 2017, tăng trưởng thương mại xuất khẩu và nhập khẩu tại nhóm các nền kinh tế phát triển lần lượt đạt 3,1% và 2,1%.

Lan Ngọc