IIB tăng cường hợp tác với Việt Nam

Sự kiện - Ngày đăng : 14:49, 12/03/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhân dịp chuyến thăm và làm việc của đoàn Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) tại Việt Nam, ngày 12/3/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Tọa đàm giới thiệu về IIB.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì Tọa đàm

Tọa đàm thu hút sự tham gia đông đảo đại diện các bộ ngành, ngân hàng thương mại (NHTM), các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đến tham dự và đồng chủ trì Tọa đàm.

IIB là tổ chức quốc tế được thành lập từ năm 1970 trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ quốc tế khối Séc cũ có trụ sở tại Moscow, Liên bang Nga. Nhiệm vụ chính của IIB là cho vay trung, dài hạn phục vụ các dự án đầu tư và chương trình phát triển tại các nước thành viên. IIB hiện có 9 thành viên là các quốc gia gồm Liên bang Nga, Bungary, Hungary, Slovakia, Rumani, nước cộng hòa Séc, Cuba, Mông Cổ và Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ 1970 – 1990, IIB hoạt động ổn định và hỗ trợ tích cực cho phát triển nền kinh tế các nước thành viên. Tuy nhiên từ giai đoạn 1991 – 2000, do ảnh hưởng khách quan của nền kinh tế, chính trị tại các nước thành viên, hoạt động IIB gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2000, đặc biệt là những năm gần đây, IIB đã khắc phục khó khăn về tài chính và hoạt động ổn định trở lại và bắt đầu thực hiện công cuộc tái cơ cấu ngân hàng.

IIB đã triển khai mạnh mẽ hàng loạt các cải cách nhằm chuyển đổi IIB thành một ngân hàng phát triển hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, khôi phục vị trí và quan hệ hợp tác đầu tư với các nước thành viên.

Việt Nam gia nhập IIB từ năm 1977, từ năm 1977 – 1990, IIB đã hỗ trợ khá hiệu quả, tích cực cho Việt Nam thông qua cho vay các dự án tái thiết và phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn thời kỳ hậu chiến. Trong giai đoạn hoạt động, IIB gặp nhiều khó khăn về tài chính, quan hệ tín dụng giữa Việt Nam và IIB phần nào bị ảnh hưởng và hạn chế. Tuy nhiên, từ khi IIB chuyển hướng sang hoạt động mới, quan hệ hợp tác giữa IIB và Việt Nam đã có những khởi sắc tích cực. IIB đã phối hợp với NHNN để xây dựng, triển khai chiến lược quốc gia của IIB với Việt Nam. Theo đó, IIB tập trung vào lĩnh vực tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cho vay các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng lớn của Việt Nam.

Kể từ cuối năm 2012, được sự ủng hộ của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, IIB đã triển khai một loạt các biện pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại toàn diện chuyển đổi IIB thành một ngân hàng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau thời gian triển khai khẩn trương và quyết tâm cao, trong 2 năm qua, các biện pháp cải cách IIB đã đem lại những kết quả tích cực ban đầu, thể hiện trên các lĩnh vực như: thúc đẩy phát triển hoạt động tín dụng ở cả quy mô lẫn địa bàn tài trợ; nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, cụ thể là từ năm 2014, IIB đã triển khai và đưa vào hoạt động hệ thống quản lý rủi ro theo các chuẩn mực Basel II. IIB được xếp hạng quốc tế với triển vọng ngày càng tích cực, tăng cường tiềm lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ, sửa đổi hiệp định thành lập và điều lệ nhằm thúc đẩy IIB theo mô hình ngân hàng phát triển quốc tế hiện đại phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam đang đổi mới và đẩy mạnh mô hình tăng trưởng, gắn với các mô hình tái cơ cấu để hướng tới mô hình phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, bao gồm khai thác nguồn vốn CDOA từ các tổ chức quốc tế có ý nghĩa quan trọng do Việt Nam đã chuyển sang nước thu nhập trung bình và khai thác nguồn vốn ODA bị hạn chế.

Để tiếp tục khai thác nguồn lực cần thiết cho đầu tư phát triển trong bối cảnh tăng cường hiệu quả quản lý nợ công và đảm bảo an toàn bền vững nguồn tài chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị các tổ chức tài chính và các đối tác phát triển quốc tế chú trọng hỗ trợ Việt Nam thông qua khu vực ngoài nhà nước, khu vực tư nhân mà không cần bảo lãnh của Chính phủ nhằm khai thác nguồn lực của khu vực này cho đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời đảm bảo kiểm soát nợ công. Trong bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan đại diện của Chính phủ tại các tổ chức tài chính quốc tế, NHNN đã chủ động làm việc với các đối tác quốc tế để tìm kiếm cơ hội và phương thức hợp tác phù hợp trong tình hình mới, qua đó khai thác tốt hơn nguồn vốn đa dạng của các tổ chức này phục vụ cho phát triển.

Thời gian tới các tổ chức quốc tế đều có định hướng đẩy mạnh cho vay và hợp tác thông qua các định chế tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, dự án do tư nhân đầu tư tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, NHNN tổ chức tọa đàm này nhằm mục đích tạo cầu nối hiệu quả giữa IIB với các đối tác tiềm năng của Việt Nam, tạo cơ hội cho các bên liên quan tìm hiệu khả năng hợp tác các sản phẩm tài chính có thể được sử dụng, cách thức giải quyết các khó khăn có thể gặp phải khi triển khai cách tiếp cận mới…

Ông Nikolay Kosov – Chủ tịch HĐQT IIB phát biểu

Ông Nikolay Kosov – Chủ tịch HĐQT IIB cho biết, IIB được thành lập với sứ mệnh tạo ra sự gắn kết và hội nhập kinh tế giữa các nước thành viên, tạo điều kiện để phát triển kinh tế hài hòa và tăng trưởng bao trùm cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh trên cơ sở các mối quan hệ lịch sử. Vốn thực góp của các cổ đông 325,96 triệu EUR. Nhiệm vụ chính là cung cấp các khoản vay trung, dài hạn thông qua các chương trình hợp tác cũng như cung cấp các khoản vay hỗ trợ kinh tế cho các nước hội viên. IIB đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và tài trợ quan hệ thương mại giữa các nước hội viên.

IIB đưa ra chiến lược tái cấu trúc toàn diện và hoàn thành năm 2018. IIB đã điều chỉnh lại điều lệ và áp dụng cơ chế bỏ phiếu mới. Năm 2019, IIB sẽ chuyển trụ sở chính sang Budapest, Hungary.

Tại Tọa đàm, các đại diện của IIB đã giới thiệu hoạt động của IIB cũng như các hoạt động của IIB đã thực hiện tại các nước hội viên và các nước thứ ba.

Toàn cảnh Tọa đàm

Giới thiệu tổng quan về IIB, ông Georgy Potapov – Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, từ năm 2012, IIB đưa ra chiến lược tái khởi động trở thành ngân hàng hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và nhận được nguồn vốn bổ sung từ các thành viên. Nhờ đó, các danh mục cho vay của IIB cũng tăng lên đáng kể, đồng thời, lần đầu tiên, IIB cũng nhận được mức xếp hạng đầu tư quốc tế của tổ chức Fitch Rating.

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của IIB đạt 1.194 triệu ERO và danh mục các khoản vay đạt 753 triệu EUR, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,9% (các khoản nợ xấu này đã được trích lập dự phòng rủi ro). Trong những năm gần đây, IIB đã nỗ lực cơ cấu lại một cách mạnh mẽ nhằm chuyển đổi ngân hàng thành một ngân hàng phát triển hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, khôi phục vị thế và cải thiện quan hệ hợp tác với các nước thành viên. Hiện IIB đã nhận được các mức xếp hạng tín nhiệm thuộc nhóm đầu tư, cụ thể BBB+ (Fitch); A- (Standard & Poors); A3 (Moody’s).

IIB cũng đang xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam. Không những tăng lượng vốn mà còn tăng hình thức cơ hội đầu tư tại Việt Nam như phát hành trái phiếu… và cân nhắc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các trung gian tài chính tại Việt Nam; đồng thời xem xét hình thức tài trợ cho các dự án xuyên biên giới, các lĩnh vực ưu tiên như xử lý và chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghệ, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ ngành công nghiệp và hỗ trợ các định chế tài chính ở trong nước… IIB sẽ nỗ lực tăng tối đa danh mục cho vay tại Việt Nam lên 200 triệu EUR vào năm 2023.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, tích cực, từ đó đề xuất sản phẩm tài chính, cơ chế hợp tác phù hợp cũng như phương hướng hợp tác bền vững trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu giải quyết vốn đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Cũng tại Tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng vay vốn giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và IIB.

Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB và ông Nikolay Kosov – Chủ tịch HĐQT IIB ký kết hợp đồng vay vốn

Việc hợp tác hai bên sẽ mở ra cơ hội phát triển, thúc đẩy hợp tác thương mại song phương 2 bên, đồng thời đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa SHB và IIB nói riêng, cũng như Việt Nam và liên bang Nga nói chung.

Phạm Hiếu