Tọa đàm, đối thoại: “Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ bứt phá”
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:37, 16/03/2019
Buổi Tọa đàm, đối thoại xoay quanh 2 chủ đề chính là "bứt phá" trong tăng trưởng kinh tế và trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Phiên tọa đàm 1 với sự tham gia của các diễn giả: ông Hoàng Trường Giang - Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước; ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái; ông Lương Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo Quản trị Kinh doanh BizUni; ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia Tổ chức tài chính Quốc tế IFC và bà Bùi Thị Phương Chi - Giám đốc kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV với vai trò người điều phối |
Trả lời câu hỏi về những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam “bứt phá” trong năm 2019, ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định có 3 yếu tố chính là nguồn vốn, lao động và cơ chế chính sách. Hiện nay, nguồn vốn từ phía Nhà nước không đủ dồi dào cho quá trình đầu tư, phát triển doanh nghiệp, trong khi đó, nguồn vốn FDI chỉ tiêu Chính phủ đặt ra hằng năm là 10 tỷ USD/ năm, năm 2018 tăng mạnh đến 19 tỷ USD, nên nhìn chung nguồn vốn từ phía khu vực tư nhân có tiềm năng tốt mà chưa khai thác tối đa. Dân số Việt Nam đang ở ngưỡng là dân số vàng, năng suất lao động đang trên đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt, Chính phủ phải điều chỉnh cách thức triển khai thể chế chính sách đến các ngành, cấp cơ sở liên quan một cách đồng bộ và linh hoạt.
Về lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng để doanh nghiệp tư nhân có thể bứt phát tốt cần có sự đảm bảo về nguồn vốn ổn định trong nội lực doanh nghiệp, phải phân bổ tín dụng hiệu quả vào những khu vực tiềm năng như nông thôn, công nghiệp phụ trợ,… Hơn nữa các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực vận hành quản lý, đưa hệ số tín dụng lên bậc để tạo nên sự liên kết bền vững giữa các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp. Các tổ chức tài chính hiện nay cần ứng dụng sâu hơn nữa công nghệ Fintech để hỗ trợ tối ưu hoạt động và đón đầu xu hướng công nghệ mới.
Trong phiên thảo luận thứ hai về “bứt phá” trong cải thiện môi trường kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định rằng yếu tố thành công trong cải cách đó chính là con người và trách nhiệm Nhà nước trong việc cải cách. Phải xem xét lại cách thức triển khai những cơ chế chính sách mới từ cấp trên xuống bộ, ngành, địa phương một cách nhanh chóng và đồng bộ vì độ trễ trong quá trình này hiện còn lớn.
Phiên tọa đàm 2 với sự tham gia của các diễn giả ông Hoàng Trường Giang - Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương; ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương; ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Vinasme, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng, ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào & Đồng Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam; ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt; ông Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn Dược IMC và bà Bùi Thị Phương Chi - Giám đốc kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV với vai trò là người điều phối |
Những diễn giả khác trong buổi đối thoại phần lớn đều cho rằng: Doanh nghiệp không thể chờ bứt phá rồi mới tăng tốc, chỉ mình Chính phủ cải cách thôi thì chưa đủ, doanh nghiệp cũng cần cải cách, để không bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Doanh nghiệp tư nhân cần phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình, bằng cách tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế…