Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ Trung Quốc thời gian qua

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 10:30, 25/01/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Không còn nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế và hệ thống tài chính – tiền tệ của Trung Quốc đã và đang bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bài viết phân tích những diễn biến tài chính – tiền tệ mới đây tại Trung Quốc.

Rủi ro tài chính từ nợ công của chính quyền địa phương tại Trung Quốc

Một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2018 và 2019 là giảm nợ, chủ yếu là nợ các ngân hàng, nợ công của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc  (NAO), bất chấp yêu cầu cắt giảm đòn bẩy tài chính của chính quyền trung ương Trung Quốc, chính quyền các địa phương của Trung Quốc tiếp tục gia tăng nợ trong năm 2018 và dự kiến đầu năm 2019 để bù đắp ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Trong báo cáo đánh giá quý II/2018 của NAO công bố ngày 25/9/2018, NAO đã phát hiện thêm khoản nợ công tiềm ẩn trị giá 8,9 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương khoảng 1,3 tỷ USD phát sinh mới trong năm nay. Khoản nợ này được một số chính quyền địa phương ngầm cam kết trả nợ mặc dù các khoản bảo lãnh đó là bất hợp pháp.

Báo cáo công bố đó của NAO được cho rằng mới chỉ là phần nổi của “tảng băng”, vì chúng xuất hiện ở nhiều trường hợp tương tự được phát hiện trong các cuộc kiểm toán NAO hàng quý trước đó và trong các cuộc điều tra riêng lẻ. Khối nợ tiềm ẩn tích lũy trong 3 năm qua ước tính là 20-50 nghìn tỷ NDT (2,9 nghìn tỷ USD đến 7,3 nghìn tỷ USD), tùy thuộc vào định nghĩa chính xác của khoản nợ đó. Tuy nhiên một số nguồn thông tin khác chỉ ra rằng, nợ công của chính quyền các địa phương của Trung Quốc đang ở mức 2.580 tỷ USD. Song cho dù con số nào đi nữa thì số nợ đó thực sự là lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Sự tăng trưởng liên tục các khoản vay này phản ánh một thách thức đang diễn ra đối với Trung Quốc và cho thấy Chính phủ có thể phải tăng cường can thiệp của mình ở cấp địa phương để ngăn chặn thực tế này.

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào để thắt chặt nợ chính quyền địa phương cũng có thể ảnh hưởng xấu đến nguồn tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng địa phương, mà đó lại là một phần quan trọng trong kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc để ổn định nền kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm nợ công của chính quyền địa phương và nợ tại các ngân hàng, dường như đã dần dần không còn là trọng tâm vì còn nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu tiếp tục giảm nợ, nhiều công ty Trung Quốc có thể sẽ phá sản, kể cả doanh nghiệp thi công, thực hiện các dự án từ nguồn vốn vay của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, nếu quá trình giảm nợ chậm lại, rủi ro tài chính sẽ tiếp tục chồng chất. Vì vậy, các chuyên gia tài chính Trung Quốc đang hết sức lo lắng về những rủi ro có thể xẩy ra đối với nền kinh tế.

Một thông báo công khai của Chính phủ Trung Quốc cho biết, các chuyên gia tài chính và lãnh đạo một số cơ quan điều hành chính sách trong một cuộc họp đã đồng thuận rằng chính sách kinh tế Trung Quốc cần tạo ra một khung hỗ trợ gồm 3 nội dung lớn: chính sách tiền tệ trung lập, khu vực doanh nghiệp sôi động và thị trường chứng khoán hoạt động tốt. Cụ thể, khuyến cáo các ngân hàng Trung Quốc nên “dừng, cắt, rút hoặc ngừng” các khoản vay cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và các công ty tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều rủi ro. Các ngân hàng cần được đảm bảo trung lập, hay độc lập trong hoạt  động cho vay. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải thực sự trung lập trong xem xét kỹ lưỡng các diễn biến thị trường tài chính quốc tế, kinh tế vĩ mô trong nước để xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ. Đây được xác định là các biện pháp cần thiết để củng cố niềm tin vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ 6,5 % trong quý III/2018, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Ngoài nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2018 cũng khá ảm đạm, với chỉ số SHCOMP ở sàn giao dịch Thượng Hải thấp kỷ lục trong 4 năm qua vào tháng 10/2018. Giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại tạo gánh nặng cho các thị trường mới nổi. Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2019, dự báo chỉ chỉ quanh 6% và năm 2020 cũng chỉ đạt 5,7 – 5,8%,

Cân bằng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC)

Một câu hỏi đặt ra hiện nay đó là trước diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, thì PBoC điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng? Những phân tích dưới đây sẽ cho câu trả lời đó.

 Sau nhiều năm cân nhắc về tăng trưởng tín dụng trong điều hành chính sách tiền tệ, cuối cùng thì khoảng giữa năm 2017, PBoC đã bắt đầu nghiêm túc tập trung vào hạn chế tăng trưởng tín dụng, nhằm hạn chế khoản nợ rất lớn của nền kinh tế tại hệ thống ngân hàng, đe dọa gây ra những rủi ro cho hệ thống tài chính nước này. Tuy nhiên căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng khiến cho biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng của PBOC trở nên phức tạp hơn.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra vào thời điểm nước này chỉ vừa mới bắt đầu nghiêm túc tập trung vào giải quyết các vấn đề rủi ro đối với nền kinh tế, đặc biệt là các khoản nợ ngân hàng ở mức rất cao. Tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đó chính là tác động của thuế quan lên niềm tin kinh doanh, hoạt động đầu tư và sau đó là tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Những tác động gián tiếp có thể tích tụ dẫn đến thiệt hại lớn.

Ngày 6/7/2018, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Ngay trong ngày hôm đó Trung Quốc cũng đã có động thái tương tự để đáp trả. Đến tuần sau đó thì Mỹ công bố danh sách các mặt hàng trị giá khoảng 200 tỷ USD bị áp thuế 10%; tiếp đó, trong năm 2019, quy mô hàng hóa của Trung Quốc dự kiến bị đánh thuế mới sẽ lên tới 500 tỷ USD. Tất cả những điều này đặt Trung Quốc vào một tình thế rất khó khăn. Bên cạnh những tác động trực tiếp thì về mặt thời điểm xẩy ra cuộc chiến thương mại cũng gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc khi nợ ngân hàng tăng cao, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, NDT mất giá, thiên tai ảnh hưởng đến giá cả nông sản thực phẩm và cuối cùng là chỉ số lạm phát có xu hướng tăng cao.

Nhìn lại năm 2016, sau khi Chính phủ thực hiện các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm kích thích tăng trưởng bằng cách mở rộng tín dụng, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay số vốn tín dụng với tổng trị giá lên tới 1.880 tỷ USD, một con số cao kỷ lục. Tín dụng tăng trưởng quá nóng làm dấy lên nỗi lo về các nguy cơ đối với hệ thống tài chính. Do đó kể từ đầu năm 2018, điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Trung Quốc đều bị thắt chặt. Quá trình giảm đòn bẩy tài chính (deleveraging) được đẩy mạnh thông qua chủ trương siết chặt các quy định quản lý của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm tránh rủi ro cho hệ thống tài chính đang phải đối mặt với nhiều “làn gió ngược” trong mấy tháng gần đây.

Nợ công “ngầm” của các chính quyền địa phương Trung Quốc có thể đã lên tới 40.000 tỷ NDT hoặc hơn, tương đương khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2017. Đây là con số đáng báo động trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang dần hạ nhiệt trong khi sản xuất bắt đầu “thấm đòn” từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Những khoản nợ tiềm năng là “tảng băng trôi” với rủi ro tín dụng được ví như con tàu Titanic. Với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại trong khi hạn ngạch phát hành trái phiếu chính phủ dành cho địa phương không đủ để phát triển cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng, nhà chức trách các địa phương trên toàn Trung Quốc đã sử dụng “công cụ tài chính của chính quyền địa phương” (LGFV) để huy động tiền. Đây chính là vấn đề rủi ro tài chính đang đặt ra đối với nền kinh tế Trung Quốc. LGFV khiến mức nợ thực tế của chính phủ ở các địa phương có thể cao hơn vài lần so với mức công bố. Dù không được báo cáo nhưng thực tế, tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã đạt đến mức “đáng báo động”. Nợ ẩn dưới các LGFV khiến việc thống kê rất khó khăn.

Chính phủ Trung Quốc tạm ngừng tiến trình giảm nợ sẽ làm tăng tỷ lệ nợ/GDP của nước này thêm 12,3% lên mức 274,5% vào cuối năm 2018. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gây ra những nỗi lo ngại về sức mạnh lực cầu ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Cuộc chiến thương mại tác động trực tiếp và gián tiếp đến các ngành dịch vụ như logistics, bán buôn và tài trợ thương mại của hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng như đến niềm tin kinh doanh và dòng vốn đầu tư.

 Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang khuyến khích hệ thống ngân hàng tăng cho vay và đầu tư vào các loại trái phiếu doanh nghiệp có mức xếp hạng thấp hơn. PBoC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, nhằm hỗ trợ để kéo tăng trưởng lên cao trở lại. Các chính quyền địa phương cũng đang huy động 1.350 tỷ NDT từ trái phiếu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phải nhượng bộ nỗ lực giảm đòn bẩy trong nền kinh tế.

Các chuyên gia của JPMorgan khuyến nghị cách phản ứng tốt nhất đối với cuộc chiến thương mại hiện nay mà Trung Quốc nên chọn sẽ là nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ lực cầu, để đồng NDT tự do hấp thụ các tác động của cú sốc thương mại.

Thuế tăng sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nhưng NDT giảm giá sẽ giúp bù đắp lại. Tuy nhiên, JPMorgan cũng cảnh báo nới lỏng chính sách tiền tệ quá mạnh tay cũng sẽ khiến cam kết giảm nợ của Trung Quốc bị nghi ngờ. Nước này đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, Chính phủ Trung Quốc muốn thắt chặt chính sách tiền tệ để đẩy mạnh quá trình giảm nợ, nhưng cũng cần đến điều kiện tiền tệ dễ thở hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó đòi hỏi Trung Quốc cần phải rất cẩn trọng để có thể cân bằng chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ bị bó hẹp phạm vi sử dụng, có thể nghĩ đến các biện pháp tài khóa như tăng mức hoàn thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ các nhà xuất khẩu hay tăng lực cầu nội địa.

Nhân dân tệ giảm giá mạnh

Trước thời điểm ngày 6/7/2018 khi quyết định của Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, NDT đã giảm giá hơn 4% trong tháng 6/2018, diễn biến tệ nhất trong số 31 đồng tiền chủ chốt trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện những dấu hiệu bất ổn và căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.

Đến ngày 20/7/2018, NDT giao dịch trên thị trường tài chính quốc tế  giảm 0,7%, xuống mức 6,8367 nhân dân tệ đổi 1 USD, thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Áp lực giảm giá tăng lên sau khi PBoC thông báo giảm giá đồng nội tệ 0,9%, đặt tỷ giá tham chiếu ở mức 6.7671 NDT đổi 1 USD.

Trong khi mức điều chỉnh 0,9% là mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây, mốc 6,7 vẫn được thị trường nhìn nhận là dấu mốc quan trọng thể hiện thái độ của PBOC đối với đà giảm giá của NDT. Với động thái này, thị trường càng tin tưởng Trung Quốc đang lựa chọn con đường nới lỏng tiền tệ và không can thiệp để ngăn NDT giảm giá.

Theo nhận định của quỹ đầu tư PIMCO, Trung Quốc sẽ chấp nhận việc NDT biến động mạnh hơn và yếu đi ở mức độ vừa phải miễn là điều đó không đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính. Trung Quốc đang để cho các lực đẩy thị trường tác động đến NDT và sẽ không chọn ra ngưỡng cụ thể nào để ra tay bảo vệ tỷ giá.

Tuy nhiên nếu như đà giảm của NDT lớn sẽ gây ra áp lực dòng vốn tháo chạy và làm xói mòn sự ổn định của hệ thống tài chính. Trong thực tế diễn biến sau đó, khi Mỹ quyết định áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, thì NDT tiếp tục mất giá lớn hơn, tới 6,9012 NDT/USD, chạm mức tâm lý 7 NDT/USD. Như vậy, NDT mất giá 6,8% so với đầu năm 2018.

Đến thời điểm đầu tháng 10/2018, khi đồng NDT chạm đến mức tâm lý gần 7 NDT đổi 1 USD trong bối cảnh căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng với Mỹ, PBoC nhận định và cho rằng đồng nội tệ của Trung Quốc đang ở “mức cân bằng hợp lý. Sự biến động của đồng NDT thời gian qua được coi là bình thường. Đồng tiền có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt, mà hiện nay đang sử dụng cho thấy sự biến động mang tính hai chiều. Trong cả năm 2018, đồng NDT sẽ ở mức hợp lý so với đồng USD có tỷ giá cao. PBoC đã thiết lập tỷ lệ tham chiếu của đồng NDT ở mức 6,9154 đổi 1 USD vào giữa tháng 10/2018, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Đồng NDT giao dịch trong thị trường lục địa ở mức 6,9025, tiệm cận mức 7 NDT đổi 1USD. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất sang ASEAN để né tránh việc bị áp thuế. Các lĩnh vực như sản phẩm tiêu dùng, phần cứng công nghiệp, công nghệ, viễn thông, ô tô và hóa chất đang được chuyển dịch sang Đông Nam Á”, Chua Hak Bin và Lee Ju Ye, chuyên gia kinh tế của Maybank, nhấn mạnh.

Xu hướng này đang mang đến cho Đông Nam Á một số lợi ích bất chấp cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ở thời điểm hiện tại, khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ tại Trung Quốc đã và đang xem xét việc di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi quốc gia này bởi căng thẳng. Đích đến của họ là Đông Nam Á vì những điều kiện thuận lợi tương đồng mà khu vực này trao cho các nhà đầu tư.

Nguồn tài liệu tham khảo:

Bloomberg; Reuter, CNN, Financial Times

Café.vn, ttvn, vneconomy.com.vn

www.gso.gov.vn

www.mof.gov.vn

TS. Trần Thế Sao