Kết quả tích cực của một số NHTM sau hơn một năm thực hiện đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:56, 24/03/2019
Ngày nhận bài: 6/11/2018 - Ngày biên tập: 13/11/2018 - Ngày duyệt đăng: 3/12/2018 (Bài viết đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ số 23/2018)
Tóm tắt: Sau hơn 1 năm toàn ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg, ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đến nay đã đạt một số kết quả quan trọng. Tín nhiệm quốc tế của nhiều Ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam được nâng lên, uy tín ở thị trường trong nước được củng cố. Một số tổ chức tài chính nước ngoài tiếp tục quan tâm đầu tư mua cổ phần của ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM NN) đã cổ phần hóa. Bài viết tập trung làm rõ những nội dung đó.
Từ khóa: tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, cổ phần hóa
Positive results of some commercial banks after 1 year implementation of Credit institution restructuring project phase II
Abstract: After one year implementation of Decision No.1058/QD-TTg by the Prime Minister dated July 19th 2017 on the approval of Project “Credit institution restructuring in association with NPL resolution period 2016-2020”, Resolution No.42/2017/QH14 on piloting bad debts of credit institutions, so far, several important results have been achieved. Credit rating of many Vietnamese banks is improved, reputation is much enhanced. Some foreign financial institutions have shown interest in buying shares of privatized commercial banks. The article focuses on these matters.
Key words: restructuring, bad debt resolution, privatization
Tổng quan kết quả tái cơ cấu
Đến nay về cơ bản các ngân hàng đã thực hiện dứt điểm việc Chủ tịch Hội đồng quản trị NHTM cổ phần không kiêm làm chủ tịch, đứng đầu doanh nghiệp khác. Các NHTM cổ phần đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều NHTM đạt tỷ lệ cao. Cả 3 NHTM NN đã cổ phần hóa đã và sẽ có cổ đông chiến lược nước ngoài. Việc thoái vốn của NHTM NN tại một số NHTM cổ phần đang diễn ra theo đúng lộ trình.
Theo số liệu của NHNN công bố đầu tháng 11/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, về sở hữu chéo, số cặp tổ chức tín dụng (TCTD) trực tiếp sở hữu lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012 xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NHTM và doanh nghiệp giảm từ 56 cặp năm 2012 xuống hiện nay chỉ còn 2 cặp tại 2 NHTM cổ phần. Số lượng TCTD có cổ đông tổ chức sở hữu cổ phần vượt 15% vốn điều lệ đã giảm từ 19 TCTD năm 2012 xuống hiện nay chỉ còn 4 TCTD.
Về kết quả xử lý nợ xấu, trong hơn một năm qua các TCTD đã xử lý được khoảng 140.000 tỷ đồng nợ xấu. Riêng VAMC đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ đồng số nợ đã mua của các TCTD. Số liệu các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn nợ xấu khi báo cáo Quốc hội cuối năm 2016 là 10,08%, đến cuối 2017 còn 7,7% và đến tháng 6/2018 thì còn 6,7% và nợ xấu nội bảng đến hết tháng 6/2018 là 2,09%.
Về hiệu quả kinh doanh của các TCTD, số liệu tổng hợp từ Báo cáo tài chính quý III/2018 đã công bố của 26 NHTM cổ phần Việt Nam cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 16/26 NHTM đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 41%.
Quy mô lợi nhuận của các NHTM cổ phần Việt Nam
Có 15 NHTM cổ phần đạt quy mô lợi nhuận trên nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018. Bức tranh xếp hạng quy mô lợi nhuận đến quý III/2018 cũng đang cho thấy nhiều bất ngờ khi có thay đổi vị trí các NHTM đứng đầu của Top 5.
Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống TCTD tại Việt Nam về quy mô lợi nhuận, với cách biệt lớn so với các NHTM khác, với lợi nhuận trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, vị trí thứ 2 là Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ 2017. Với kết quả này, cùng với các nguồn thu dự kiến được hạch toán trong 3 tháng cuối năm, chắc chắn Vietcombank sẽ giữ vị trí đứng đầu toàn bộ các NHTM Việt Nam về quy mô lợi nhuận năm 2018. Trong khi đó, vị trí số 2 của Techcombank đang bị bám đuổi ráo riết ởi VietinBank, BIDV; 2 NHTM NN đã được cổ phần hóa này đang có quy mô lợi nhuận lần lượt là hơn 7.500 tỷ đồng và 7.200 tỷ đồng.
VPBank có tốc độ tăng trưởng cao về quy mô lợi nhuận trong 2 năm 2016 – 2017 lại đang có xu hướng tăng chậm lại khi chỉ đạt mức tăng trưởng gần 9% trong 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế hơn 6.100 tỷ đồng. MB vốn bị VPBank và Techcombank bỏ lại khá xa trong năm 2017 bất ngờ tăng trưởng tới hơn 50% trong 3 quý đầu năm 2018, đạt lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng, gần sát với VPBank.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tiếp tục cho thấy sự trở lại vị thế về cạnh tranh trên thị trường của nhiều năm trước đây, với lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2018 tăng tới 138% so với cùng kỳ 2017, đạt 4.776 tỷ đồng.
Nhóm NHTM cổ phần Việt Nam đạt được quy mô lợi nhuận từ 1.000 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 còn có sự góp mặt của 4 cái tên mới là OCB, VIB, Eximbank, TPBank với tốc độ tăng trưởng đạt lần lượt là 133%, 176%, 149%, 100%.
Mức độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đạt cao
Lợi nhuận của 26 NHTM cổ phần Việt Nam đạt được trong 9 tháng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Trong đó, có tới 21 trên tổng số 26 NHTM cổ phần đã hoàn thành được hơn 70% kế hoạch. Những NHTM quy mô lớn như Vietcombank, BIDV, Techcombank đã hoàn thành gần 90% kế hoạch chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018. Việc vượt kế hoạch cả năm hoàn toàn là hiện thực đối với 3 ngân hàng này, bởi vì quý IV hàng năm thường là quý bứt phá mạnh mẽ nhất do nhu cầu vốn tăng mạnh của các đối tượng khách hàng, thu lãi trong hoạt động cho vay, các giao dịch về dịch vụ phi tín dụng cũng tăng cao, mặc dù kết thúc năm tài chính, thường nhiều NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro lớn.
Một số NHTM cổ phần Việt Nam mới đến hết quý III /2018 đã vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2018 theo Nghị quyết Đại hội cổ đông, chủ yếu là những NHTM cổ phần quy mô nhỏ và trung bình, như: VietCapitalBank đạt lãi trước thuế 139 tỷ đồng, hoàn thành 179% kế hoạch; MSB đạt 290 tỷ đồng, hoàn thành 149%; VietBank 302 tỷ đồng, hoàn thành 101%; NamABank đạt 471 tỷ đồng, hoàn thành 147%.
Bên cạnh đó, một số NHTM cổ phần quy mô trung bình và quy mô nhỏ lại chưa đạt được nửa kế hoạch năm: SeABank mới chỉ đạt được 408 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng năm 2018, trong khi kế hoạch cả năm là 829 tỷ đồng; NCB hoàn thành 46% kế hoạch khi lợi nhuận đạt được 17 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018; VietABank đặt mục tiêu 312 tỷ đồng lợi nhuận cả năm nhưng cũng chỉ mới hoàn thành được 44% sau 3 quý của năm 2018.
Hiệu quả kinh doanh của một số NHTM
Đến ngày 31/10/2018, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) có quy mô lãi trước thuế ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gần 2 lần; tỷ lệ nợ xấu 1,98%; thu dịch vụ tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2017. Agribank đang nằm trong lộ trình cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Số liệu chi tiết được công bố cho hay, tại thời điểm hết tháng 6/2018, tổng tài sản của Agribank đạt 1,197 triệu tỷ đồng, tăng 3,9%; dư nợ cho vay khách hàng đạt 925.218 tỷ đồng, tăng trưởng 5,6%; huy động tiền gửi tăng 2,5% đạt 1,053 triệu tỷ đồng so với hết năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 3.796 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 11,9%, đạt 19.132 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 27,2% so với cùng kỳ, đạt 1.611 tỷ đồng.
Các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm: lãi từ hoạt động ngoại hối tăng 11% đạt 384 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác tăng 59% đạt 2.680 tỷ đồng. Chi phí hoạt động lại chỉ tăng nhẹ 7% lên 9.615 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2018, tổng nợ xấu tuyệt đối tại Agribank là 20.162 tỷ đồng, chiếm 2,18% tổng dư nợ cho vay. Agribank chỉ còn nắm 25.198 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm hơn 15.700 tỷ đồng so với đầu năm 2018.
NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) có quy mô lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm đạt 1.720 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước và đạt 86% kế hoạch cả năm 2018. Với con số này, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB đạt 19,4%. Tổng thu nhập từ hoạt động của VIB 9 tháng tăng 48% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 50% và 37%. Thu nhập ngoài lãi hiện chiếm 16% trong tổng doanh thu. Hệ số hiệu quả chi phí trên doanh thu (CIR) giảm mạnh từ 57% năm 2017 xuống còn 48%. Tổng tài sản của VIB đến cuối tháng 9 đạt hơn 132.500 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt gần 95.200 tỷ đồng, huy động vốn đạt gần 89.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 13,1% và 14,8% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,5% trên tổng dư nợ.
Hoạt động chuyển đổi chiến lược kinh doanh của VIB trong 2 năm qua tập trung mạnh mẽ vào khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ với doanh thu 9 tháng đầu năm đã tăng 92% so với cùng kỳ. Có được kết quả này là nhờ dư nợ tín dụng bán lẻ của VIB hiện nay đạt trên 67.400 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. VIB tiếp tục giữ vững thị phần hàng đầu về cho khách hàng vay vốn mua xe ô tô, với thị phần trên 25% trên toàn quốc. Mô hình tích hợp trong phát triển hoạt động phân phối bảo hiểm đã đưa thị phần bảo hiểm (bancassurance) của VIB lên top 3 toàn thị trường, với doanh số bán mới bảo hiểm tăng 202% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động thẻ cũng phát triển mạnh, với số lượng thẻ tín dụng tăng 84% so với cùng kỳ và tổng chi tiêu thẻ tín dụng quý III/2018 tăng 214% so với quý III/2017...
VIB cũng có hệ số an toàn vốn (CAR) đang ở mức 12,4%, hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 38,2% so với quy định hiện tại là 45%. VIB đã được NHNN chấp thuận để vận hành Basel II từ ngày 1/1/2019.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - HDB) có quy mô lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 2.884 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 73,3% kế hoạch lợi nhuận 3.933 tỷ đồng của năm 2018; tổng thu nhập hoạt động đạt 6.783 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong các hoạt động kinh doanh, thu nhập lãi thuần tăng 18,5% lên 5.484 tỷ đồng, và tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập. Các mảng hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư, kinh doanh chứng khoán tiếp tục mang lại hiệu quả với thu nhập thuần lần lượt đạt 128,8 tỷ đồng và 461,4 tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng đạt 340,9 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2017. HDBank kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động, với hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) hợp nhất giảm về mức 48% so với 52,4% thời điểm cuối quý III/2017. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã giảm mạnh 14,7% so với cùng kỳ do chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng hợp nhất tại thời điểm 30/9/2018 của HDBank được kiểm soát ở mức 1,39%; Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank là 1%. Dư nợ tín dụng của HDBank đạt 125.738 tỷ đồng. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 144.716 tỷ đồng - tăng 11%. Quy mô tổng tài sản đạt 199.380 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 15.955 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 13,6%.
Triển vọng cổ đông nước ngoài trong các NHTM NN đã cổ phần hóa
Mitsubishi UFJ Financial Group - MUFG, một định chế tài chính lớn của Nhật Bản, đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1920, hiện đang là cổ đông chiến lược tại VietinBank đã bày tỏ muốn nâng tỷ lệ góp vốn tại ngân hàng này lên 50% vốn điều lệ. Việc tăng vốn cho VietinBank là rất cần thiết để đảm bảo năng lực tài chính cho ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại VietinBank là 64,46% còn tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại VietinBank chạm trần 30% theo quy định của NHNN và đây cũng là một trong những lý do khiến ngân hàng này gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ. Hiện 2 cổ đông nước ngoài lớn đang sở hữu trên 5% vốn điều lệ tại VietinBank là MUFG (19,73%) và Công ty Tài chính quốc tế IFC (5,39%). Trong một diễn biến gần đây, nguồn tin Bloomberg cho biết IFC đang tìm kiếm đối tác mua lại cổ phần tại VietinBank sau 7 năm đầu tư. Đây có thể coi là một cơ hội nếu MUFG tiếp tục muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại VietinBank.
Trong tháng 10/2018, BIDV có tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc). Theo đó, tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành là hơn 603 triệu cổ phần. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá dự kiến là hơn 6.033 tỷ đồng và giá phát hành sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 40.220 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến là năm 2018 – 2019. Thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược là tối thiểu 5 năm kể từ khi đối tác lần đầu tiên trở thành cổ đông của ngân hàng.
Hiện nay cơ cấu cổ đông của BIDV có 4,72% thuộc về cổ đông ngoài nhà nước còn 95,28% là cổ đông Nhà nước. Sau tăng vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước sẽ giảm về 80,99%, cổ đông nước ngoài chiếm 15% và cổ đông ngoài nhà nước khác là 4,01%.
Vietcombank cho biết, ngày 17/10/2018 đã nhận được công văn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc đã nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Khối lượng phát hành tối đa là gần 360 triệu cổ phiếu VCB tương đương với tỷ lệ 10% vốn điều lệ hiện nay. Trong đó, dự kiến phát hành cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản để Mizuho giữ tỷ lệ sở hữu 15% tại ngân hàng này (dự kiến phát hành gần 54 triệu cổ phiếu cho Mizuho, tương đương tỷ lệ 1,36% tổng số cổ phần sau phát hành). Đồng thời phát hành 305,8 triệu cổ phần còn lại cho các nhà đầu tư khác, tương đương tỷ lệ 7,73% tổng số cổ phần sau phát hành. Giá phát hành được xác định trên nguyên tắc không thấp hơn giá định giá của tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp và giá bình quân số học của giá đóng cửa của 10 phiên giao dịch liền kề trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Các cổ phần chào bán bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm (theo quy định hiện hành), kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Dự kiến sau đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm 3.598 tỷ đồng lên 39.575 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các ngân hàng yếu kém, ngân hàng cần xử lý. Trong trường hợp đó, Chính phủ Việt Nam không khống chế, có thể xem xét để nhà đầu tư sở hữu hoàn toàn 100% ngân hàng đó.
Triển vọng về sáp nhập ngân hàng
Ngày 7/9/2018, NHNN Việt Nam đã có văn bản số 6785 chính thức chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu (PGBank ) vào HDBank. Theo báo cáo tài chính quý III/2018 của PGBank, đến hết tháng 9/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 27.064 tỷ đồng, giảm 7,6%; Cho vay khách hàng đạt 21.100 tỷ đồng, giảm 1,5%; Tiền gửi khách hàng đạt 21.538 tỷ đồng, giảm 5,8% so với đầu năm 2018; lợi nhuận thuần trước thuế đạt 643 tỷ đồng.
PGBank hiện đang nắm giữ 2.354 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 1.714 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc nhà nước, 69 tỷ đồng trái phiếu do UBND TP.HCM phát hành, 436 tỷ đồng trái phiếu công ty và 133 tỷ đồng giấy tờ có giá do các NHTM khác phát hành và đang giữ 2.207 tỷ đồng trái phiếu do VAMC.
Đến hết tháng 9/2018, PGBank vẫn ghi nhận vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 1.200 tỷ đồng, chiếm 40% và có 460 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; các quỹ còn 223 tỷ đồng.
Kết luận và dự báo
Trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý vấn đề sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau. Tuy nhiên, do việc thoái vốn còn phụ thuộc vào việc tìm đối tác, bên cạnh đó, việc nắm giữ vốn ở các NHTM chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện lộ trình cơ cấu lại, cổ phần hóa nên cũng phải chọn thời điểm, giá cả phù hợp để đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 1058, NHNN Việt Nam đã yêu cầu các TCTD triển khai và xây dựng lộ trình phương án cơ cấu lại từng NHTM từ nay đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các vấn đề về sở hữu chéo cũng như sở hữu vượt quy định.
Việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, các TCTD đang gặp một số khó khăn liên quan tới các bộ, ngành và một số địa phương. NHNN đã có báo cáo chi tiết tới Chính phủ để tới đây, tiếp tục phối hợp với các Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là cơ quan Thi hành án các cấp để triển khai quyết liệt hơn nữa.
Kết thúc năm tài chính 2018, hầu hết NHTM Việt Nam có quy mô lợi nhuận tăng cao hơn các năm trước, nhiều ngân hàng sẽ vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ giảm xuống mức 2% hoặc thấp hơn. NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu, thực hiện nghiêm túc việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn các dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo tài chính quý III/2018 đã công bố của 26 NHTM cổ phần Việt Nam, tháng 10/2018
- www.sbv.gov.vn
- www.agribank.com.vn
- www.vneconomy.vn
- www.cafef.vn
- Một số nguồn khác