Giới thiệu kết quả nghiên cứu Đề tài “Hoàn thiện khung pháp lý về xử lý ngân hàng thương mại có vấn đề”
Tin tức - Ngày đăng : 09:29, 24/03/2019
Hội thảo giới thiệu đề tài nghiên cứu khoa học |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Hiền đánh giá cao nội dung và chất lượng nghiên cứu của Đề tài. Theo bà đây là đề tài có tính thực tiễn cao và đã được triển khai nghiên cứu song song với quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu các NHTM trong thời gian vừa qua. Vì vậy, Đề tài đã cập nhật và kịp thời đề xuất một số giải pháp phù hợp đối với NHNN và NHTM để xử lý NHTM có vấn đề.
Đại diện Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Tạ Quang Đôn cho biết, Đề tài đã tập trung nghiên cứu thực tế xử lý NHTM có vấn đề ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế của các nước Hàn Quốc, Inđônêsia, Nhật Bản, Thái Lan, Hungary… rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Rà soát, nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam về xử lý NHTM có vấn đề qua đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý xử lý.
Đề tài có tính thực tiễn cao, tập trung nghiên cứu một vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của ngành Ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Tại cuộc Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận và đặt ra nhiều câu hỏi với Nhóm nghiên cứu. Như việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý để hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Nhất là cơ chế liên quan tới thủ tục xét xử rút gọn, tái cấp vốn cho các TCTD được kiểm soát đặc biệt; quy định pháp luật về Bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao vai trò của BHTG Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu TCTD…và một số quy định pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các NHTM có vấn đề, giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các NHTM.
Các đại biểu tham dự nhất trí cao với nhận định cho rằng việc xử lý các NHTM có vấn đề nhất là xử lý nợ xấu cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống kinh tế – chính trị, đặc biệt là vai trò của các bộ, ngành liên quan. Chỉ khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể triển khai được giải pháp toàn diện để xử các NHTM có vấn đề và xử lý nợ xấu có hiệu quả.
Nhóm Nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp quan trọng như: Sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD; tiếp tục ban hành và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để thực hiện tốt Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu… Đặc biệt, trong ngắn hạn, nhóm Nghiên cứu đề xuất cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017 và sửa đổi, bổ sung các văn bản chưa phù hợp với Luật các TCTD; Ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn cơ chế tài chính đối với các TCTD yếu kém.