Vai trò của thẻ ngân hàng trong việc xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và chính phủ điện tử ở Việt Nam
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 09:29, 25/03/2019
Toàn cảnh Hội nghị thường niên năm 2019 của Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam |
Vai trò của thẻ ngân hàng trong xây dựng Chính phủ điện tử
Báo cáo của ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam - cho thấy, tại thị trường Việt Nam có khoảng 86 triệu thẻ đang lưu hành năm 2018, tăng 12% so với năm 2017, trong đó số thẻ phát hành mới tăng 17 triệu thẻ, tăng trưởng 11%. Mặc dù tỷ lệ sử dụng thẻ (thẻ ghi nợ nội địa) để rút tiền mặt vẫn còn cao (khoảng 80%), tuy nhiên doanh số sử dụng chi tiêu thẻ đã có mức tăng trưởng đạt 32%, trong đó doanh số sử dụng chi tiêu thẻ quốc tế tăng 54%. Tổng doanh số thanh toán thẻ năm 2018 đạt 3.507 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2017, trong đó doanh số thanh toán chi tiêu tăng trưởng nhanh hơn, ở mức 30%.
Cùng với sự phát triển của các hình thức thanh toán mới như Ecom, QR, mPOS, doanh số thanh toán chi tiêu tại các kênh này cũng tăng trưởng ở mức độ cao tương ứng với số lượng. Tổng doanh số thanh toán chi tiêu tại các kênh bao gồm cả kênh POS truyền thống và kênh mới đạt tăng trưởng 50% so với năm 2017. Các số liệu cho thấy sự phát triển của thẻ ngân hàng, xu hướng thanh toán chi tiêu của chủ thẻ - là những yếu tố tích cực, thuận lợi để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Cường - Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ - hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trong đó có hoạt động thanh toán thẻ thời gian qua đã có những bước chuyển biến khá mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, mang lại lợi ích cho khách hàng, đóng góp cho nền kinh tế, đặc biệt là có ý nghĩa rất tích cực đối với cộng đồng thông qua việc phát triển thanh toán dịch vụ công. Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán không thể thiếu do những lợi ích, ý nghĩa cộng đồng mang lại, cụ thể:
Tiết kiệm chi phí xã hội Việc sử dụng các phương tiện TTKDTM như thẻ ngân hàng trong thanh toán dịch vụ công sẽ góp phần giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết kiệm chi phí phát hành và sử dụng tiền mặt, giảm chi phí cho xã hội. Thông qua các phương tiện TTKDTM, các khoản thanh toán dịch vụ công có thể tiến hành với khối lượng lớn, giá trị cao, tránh được những chi phí kiểm đếm, vận chuyển như đối với thanh toán tiền mặt.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Nâng cao năng lực quản lý, giám sát, điều hành chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá nền kinh tế, tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng: Từ nhiều năm nay, việc sử dụng tiền mặt với khối lượng lớn trong lưu thông đã khiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước gặp phải không ít khó khăn trong việc thực hiện chức năng của mình. Do các giao dịch thanh toán tiền mặt với đặc điểm là vô danh và không để lại dấu vết đã tạo điều kiện thuận tiện cho các hoạt động rửa tiền; nếu không có biện pháp hữu hiệu, các quốc gia có thể trở thành nơi rửa tiền của tội phạm quốc tế. Đồng thời, việc kiểm soát luồng giao dịch thương mại để thu thuế trên thực tế cũng vấp phải rất nhiều khó khăn, do lưu lượng hàng hoá, dịch vụ luân chuyển được thanh toán bằng tiền mặt thường khó xác thực đối với các cơ quan thuế. Do đó, TTKDTM qua ngân hàng nói chung và thanh toán thẻ nói riêng góp phần tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch các giao dịch tài chính tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công và tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Tăng cường phổ cập tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng: Thông qua các phương thức TTKDTM như thẻ ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công và người bán hàng hóa và dịch vụ bán lẻ được tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán với nhiều tính năng và chất lượng tốt hơn, tính ổn định, chính xác cao và an toàn. Người dân được thanh toán các dịch vụ công qua kênh thanh toán hiện đại, tiện dụng, nhanh chóng, tiết giảm thời gian và chi phí, đặc biệt chi phí di chuyển an toàn, nhanh chóng và thuận tiện.
Thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng nói chung, thẻ ngân hàng nói riêng
Trên thực tế, nhằm thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ công phải phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ công như tiền điện, nước, học phí, viện phí…
Chia sẻ về thực trạng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tại Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc NAPAS - cho biết, đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan; 26 ngân hàng thỏa thuận với công ty điện lực; 11 ngân hàng triển khai thu tiền học phí; 6 ngân hàng triển khai dịch vụ thu hộ viện phí. Bên cạnh đó, hiện nay 21% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH nhận các khoản thanh toán qua tài khoản ATM. Một số ứng dụng thanh toán dịch vụ công qua thẻ khác đang triển khai thí điểm như thanh toán phí đỗ xe ô tô (iparking) tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thu phí phương tiện cửa khẩu Chalo, thanh toán dịch vụ thông quan tại cảng Sài Gòn, cấp phép nhập khẩu thiết bị và trang bị bức xạ… Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, quá trình triển khai thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại như môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, hệ thống quản lý thông tin chưa tập trung. Đối với hệ thống thanh toán, mức phí hiện nay được cho là chưa phù hợp, giao dịch thẻ còn phức tạp và việc triển khai đang có tính đơn lẻ, manh mún (kết nối song phương), lãng phí nguồn lực của hệ thống ngân hàng (hạ tầng nguồn lực kết nối và vận hành). Cùng quan điểm này, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Thẻ - dẫn chứng, việc chưa có chính sách đồng bộ phát triển TTKDTM trong lĩnh vực giao thông, các ngân hàng phát triển tự phát, manh mún trong khi lĩnh vực này cần đầu tư lớn và đồng bộ theo mô hình quốc gia, cần sự hợp tác chung của tất cả các ngân hàng. Hay việc ngân hàng không thu được phí từ triển khai thanh toán dịch vụ công do đơn vị không có cơ chế chi trả phí dịch vụ ngân hàng cũng là hạn chế để có thể thúc đẩy phát triển thanh toán dịch vụ công…
Ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Để thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua thẻ ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chính sách thúc đẩy chi trả lương qua tài khoản; chỉ đạo các đơn vị chi tiêu công, các ngành lớn như giao thông, cầu đường, y tế, giáo dục… đẩy mạnh triển khai dự án để có thể sử dụng thẻ dể thanh toán các loại phí, xem xét chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán thẻ; hỗ trợ quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng để khuyến khích người dân sử dụng thẻ và sử dụng các chương trình, tiện ích ngân hàng điện tử để quản lý giao dịch và thông tin thẻ của cá nhân.
Ông Nguyễn Đăng Hùng đã đưa ra mô hình kết nối thanh toán dịch vụ công đề xuất, trong đó NAPAS đóng vai trò là cổng thanh toán tập trung, thực hiện chức năng chuyển mạch và bù trừ điện tử và những khuyến nghị đối với ngân hàng. Theo đó, đối với các ngân hàng thanh toán, đẩy mạnh phát triển thị trường, hợp tác với các ban/ngành, cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính công, hành chính sự nghiệp cũng như phối hợp với NAPAS để phát triển cổng thanh toán điện tử tập trung cho dịch vụ công; đối với các ngân hàng phát hành, phối hợp triển khai các hình thức thanh toán mới (tokenization- số hóa thẻ, QR pay, Autopa) cùng NAPAS, phối hợp với NAPAS xây dựng chính sách phí cho dịch vụ công, tăng cường công tác truyền thông cho người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ Kinh tế Tổng hợp Văn phòng Chính phủ - lưu ý, ngân hàng cần tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán thẻ nói riêng, tạo niềm tin cho người dân; thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ về an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm hạn chế các rủi ro; đồng thời phát hiện sớm các vi phạm để chấn chỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các khoản phí dịch vụ công.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trong Hội thẻ cũng cần quan tâm nghiên cứu, phối hợp với tổ chức chuyển mạch thẻ trong nước đẩy mạnh việc phát hành thẻ tín dụng nội địa, tăng cường khuyến khích sử dụng thẻ nội địa trong thanh toán tại Việt Nam nhằm làm giảm chi phí thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thẻ, qua đó mở rộng thêm các điểm chấp nhận thẻ và tạo cơ chế tăng thêm nguồn thu cho các ngân hàng.
Những giải pháp và sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, NHNN và sự tham gia tích cực của các ngân hàng, trong thời gian tới việc sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán nói chung và thanh toán cho dịch vụ công nói riêng tại Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần vào việc thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đang được Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm.