Công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2019 tiếp tục đạt hiệu quả tích cực
Sự kiện nổi bật - Ngày đăng : 11:39, 01/04/2019
Phó Thống đốc NHNN chủ trì buổi họp báo |
Kết quả điều hành CSTT trong quý I/2019
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, trong quý I/2019, NHNN điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; linh hoạt điều hành các công cụ CSTT để điều hòa thanh khoản thị trường kịp thời với kỳ hạn hợp lý. Đến ngày 25/3/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018.
Ông Phạm Thanh Hà: NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ |
Về điều hành lãi suất, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo TCTD rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đầu năm 2019, các NHTMNN đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm.
Về điều hành tỷ giá, trong 3 tháng đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, nhờ đó NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Ông Trần Văn Tần: Đến ngày 25/3/2019, tín dụng tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018 |
Về điều hành tín dụng, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN - cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, NHNN đã có công văn chỉ đạo định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Đến ngày 25/3/2019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018. Tín dụng được tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng và triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Ông Nghiêm Thanh Sơn: Hoạt động thanh toán Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ |
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, trong năm 2018, hoạt động thanh toán Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và bám sát sự phát triển của công nghệ thanh toán.
Đến cuối năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt gần 230,7 triệu giao dịch (tăng 19,02% so với năm 2017) với tổng số tiền giao dịch là 592 nghìn tỷ đồng. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 255,6 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 16,2 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 33,6% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 185,1 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch gần 1.859,9 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 41,4% và 169,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử tiếp tục được coi trọng và tăng cường. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
Ngày 5/10/2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc tại Việt Nam tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa (gọi tắt là TCSS về thẻ chip nội địa). Việc áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip sẽ gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng, góp phần quan trọng cho thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ những tiện ích về độ an toàn, bảo mật và tiện dụng.
Để hoàn thiện khung khổ pháp lý áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa làm cơ sở cho các TCTD thực hiện, ngày 28/12/2018, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 41/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2019 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 41), trong đó có yêu cầu: (i) Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT), tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) phải tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ khi có BIN do NHNN cấp và áp dụng đối với ATM, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán của TCTTT; (ii) Quy định lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đối với TCPHT và TCTTT.
Ngày 13/3/2019, NHNN đã có Công văn số 1524/NHNN-TT đề nghị các TCPHT, TCTTT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ chủ động, nghiêm túc tổ chức triển khai áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư 41; yêu cầu các đơn vị nêu trên phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định và an toàn, đồng thời phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ trong quá trình thực hiện chuyển đổi. NHNN cũng khuyến khích các TCPHT, TCTTT hoàn thành triển khai việc áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa trước thời hạn so với quy định.
Cùng với việc ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của thẻ chip, ngày 05/10/2018, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1928/QĐ-NHNN công bố Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía Đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” để khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai thanh toán qua QR Code áp dụng theo một tiêu chuẩn kỹ thuật chung, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu, tránh việc lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể phát sinh.
Ông Nguyễn Trọng Du: Công tác tái cơ cấu lại các TCTD đã đảm bảo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD |
Thông báo về kết quả tái cơ cấu lại các TCTD, ông Nguyễn Trọng Du - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN cho biết, công tác tái cơ cấu lại các TCTD đã đảm bảo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, cụ thể: Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; Chất lượng tín dụng được cải thiện; Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; Năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao một bước...
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42: Đến ngày 31/1/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, công tác truyền thông được NHNN đặc biệt chú trọng, với việc phối hợp sản xuất các chương trình truyền hình, chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đưa trẻ thông thái”... qua đó nâng cao kiến thức, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM.
Định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng những tháng tiếp theo
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và triển vọng kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong những tháng tới đây, NHNN tiếp tục điều hành CSTT theo định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là:
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT.
Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ.
Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; Theo sát diễn biến tăng trưởng tín dụng tại từng TCTD để định hướng TCTD tăng trưởng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu: NHNN xác định mục tiêu: Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…
Trong hoạt động thanh toán, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân; Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016, và triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018; Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc; Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ...