Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 10:05, 04/04/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) tiếp tục tổ chức tọa đàm tại TP. Hồ Chí Minh nhằm góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT

Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự, Tòa án Nhân dân, Ngân hàng Nhà nước và một số Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn; Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cùng đông đảo đại biểu là tổ chức hội viên HHNH khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Thiết Hùng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho rằng, giao dịch bảo đảm đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng vì hiện nay ở Việt Nam cho vay đều hầu như phải có tài sản bảo đảm (TSBĐ), trong đó TSBĐ chủ yếu là bất động sản. Bộ Tư pháp đang xây dựng và chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn việc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Để Thông tư ban hành hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tế triển khai, CLB Pháp chế Ngân hàng tổ chức buổi Tọa đàm lấy ý kiến góp ý tại TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, tại Hà Nội, một tọa đàm có nội dung tương tự cũng đã được CLB Pháp chế Ngân hàng tổ chức.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày một số nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT, các đại biểu đã thảo luận về các quy định được nêu trong dự thảo cũng như những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT như: về mở rộng đối tượng áp dụng là “cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khác có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật” không có nghĩa là khuyến khích cho tín dụng đen phát triển; đăng ký thay đổi bên thế chấp trong trường hợp bên mua tài sản bảo đảm để xử lý nợ tiếp tục dùng tài sản đó thế chấp cho tổ chức tín dụng để đảm bảo cho khoản vay để mua lại tài sản đó; đăng ký bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm để đảm bảo cho khoản vay của chủ thể mới; về quy định tại Khoản 10 Điều 11 dự thảo “Các bên tham gia hợp đồng thế chấp chỉ xóa đăng ký trong trường hợp đã xử lý xong toàn bộ tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”; về việc dự thảo Thông tư mới chỉ đề cập đến đăng ký thế chấp bất động sản mà chưa quy định đăng ký cầm cố bất động sản; về đăng ký thế chấp tài sản hình thành trong tương lai…

Diễn ra trong không khí sôi nổi, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của tọa đàm đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay.

Tổng kết nội dung thảo luận, bà Nguyễn Chi Lan - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - đánh giá cao kết quả đạt được của buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi được những nội dung cốt lõi cần quan tâm của dự thảo Thông tư. Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý của các tổ chức hội viên và sẽ chỉnh sửa luôn tại dự thảo Thông tư này. Còn một số nội dung khác do vướng mắc từ Luật hoặc các quy định khác, Ban soạn thảo sẽ ghi nhận để nghiên cứu xử lý tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm hoặc kiến nghị sửa đổi các Luật và quy định khác có liên quan.

Quỳnh Hoa