Hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng

Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng - Ngày đăng : 17:21, 05/04/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn đầy đủ, chi tiết việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng1, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời gian qua, thống nhất cách hiểu trong việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

Ngày 11/1/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 01). Nghị quyết 01 hướng dẫn việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất phạt vi phạm trong hợp đồng cho vay giữa cá nhân, pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng với nhau (cho vay dân sự) và trong hợp đồng cho vay giữa tổ chức tín dụng và khách hàng (hợp đồng tín dụng). Đối với việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng, Nghị quyết 01 đã có những hướng dẫn cụ thể phù hợp với đặc thù của hoạt động ngân hàng và phù hợp với hệ thống pháp luật chuyên ngành ngân hàng. Có thể nói, Nghị quyết 01 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn đầy đủ, chi tiết việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng1, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời gian qua, thống nhất cách hiểu trong việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

1. Về áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng

Điều 7 Nghị quyết 01 quy định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật các TCTD và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật các TCTD. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của pháp luật ngân hàng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.
Như vậy, theo quy định nói trên, đã xác định một cách rõ ràng và tạo một cách hiểu thống nhất là lãi, lãi suất trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng với khách hàng không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất tại Bộ luật Dân sự mà thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành là Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn Luật các TCTD.
Hiện nay, quy định về lãi, lãi suất trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng được quy định tại Luật các TCTD, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.... Theo các văn bản nói trên, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp phải tuân thủ mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên2. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, các văn bản nói trên cũng quy định trong quá trình ký kết hợp đồng cho vay, TCTD phải công khai, minh bạch các thông tin đối với khách hàng vay, đặc biệt là thông tin về lãi, lãi suất cho vay để đảm bảo quyền lợi của khách hàng vay.
2. Về xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng đến thời điểm xét xử sơ thẩm

Điều 8 Nghị quyết 01 quy định chia theo hai trường hợp: (a) lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 01/01/2017; và (b) lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01/01/2017.
Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 01/01/2017 được xác định như sau: (i) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo lãi suất các bên thỏa thuận; (ii) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên. Lãi, lãi suất các bên thỏa thuận nói trên phải phù hợp với Luật các TCTD và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.
Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01/01/2017 ngoài lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn được xác định giống như hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 01/01/2017 nói trên thì trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng còn phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định (theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì mức lãi suất giới hạn là 10%/năm).
Như vậy, theo Nghị quyết 01 thì đối với hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực), thì khi xác định các khoản tiền lãi còn có thể có thêm khoản tiền lãi đối với việc chậm trả lãi, quy định này là phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành ngân hàng và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nghị quyết 01 cũng quy định rõ các mốc thời gian để tính lãi:
Thứ nhất, thời điểm xét xử sơ thẩm được xác định là ngày tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ngày tòa án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại (khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 01).
Thứ hai, thời gian chậm trả tiền nợ gốc bắt đầu kể từ ngày chuyển nợ quá hạn đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 01).
Thứ ba, thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày phải trả lãi trên nợ gốc đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 01).

3. Về xác định lãi, lãi suất từ sau thời điểm xét xử sơ thẩm đến khi thi hành án xong

Điều 13 Nghị quyết 01 quy định rõ khi giải quyết vụ việc liên quan đến lãi, lãi suất thì cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án đến thời điểm xét xử sở thẩm, Tòa án phải quyết định trong bản án việc xác định lãi từ sau thời điểm xét xử sơ thẩm đến khi bên phải thi hành án thi hành án xong. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp quy định của pháp luật.
Thứ hai, mức lãi suất hai bên thỏa thuận là mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc tại Tòa án; trường hợp các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn.
Như vậy, theo các quy định tại Điều 8 và Điều 13 Nghị quyết 01, việc tính lãi đối với hợp đồng tín dụng không bị gián đoạn cho đến khi khách hàng vay thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho TCTD. Quy định này là hoàn toàn hợp lý, bảo đảm được quyền lợi chính đáng của bên cho vay.

4. Về xử lý thỏa thuận về lãi, lãi suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định

Điều 9 Nghị quyết 01 quy định đối với hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi pháp luật quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay.     

5. Về xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay

Điều 12 Nghị quyết 01 quy định trường hợp hợp đồng vay vừa có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì tòa án căn cứ quy định tương ứng của Bộ luật Dân sự, Luật các TCTD và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự, Luật các TCTD tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn. Quy định này được hiểu là tòa án không công nhận việc vừa áp dụng lãi suất quá hạn trên nợ quá hạn và vừa áp dụng phạt vi phạm đối với hành vi khách hàng không trả nợ đúng hạn theo thỏa thuận.
Ngoài các nội dung quy định về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng,  Nghị quyết 01 cũng hướng dẫn áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản giữa cá nhân, pháp nhân không phải là TCTD với nhau, bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng (Điều 2), về xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 1995, 2005, 2015 (Điều 3, Điều 4, Điều 5), xử lý thỏa thuận về lãi, lãi suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định (Điều 9), xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản (Điều 12)… Theo đó, đối với hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng phải bảo đảm tuân thủ quy định về mức trần lãi suất tại Bộ luật Dân sự (mức lãi suất nợ trong hạn không được vượt quá 20%/năm), trường hợp hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất cao hơn mức lãi suất Bộ luật Dân sự quy định thì mức lãi suất, lãi vượt quá không có hiệu lực.
Nghị quyết 01 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019. Đối với những vụ việc đã được Tòa án thụ lý trước ngày 15/3/2019 nhưng sau ngày 15/3/2019 mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Nghị quyết 01 để giải quyết. Đối với những vụ việc đã được Tòa án thụ lý giải quyết và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 15/3/2019 thì không áp dụng Nghị quyết 01 để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩmu
Chú thích:
1 Trước khi Nghị quyết 01 được ban hành, việc hướng dẫn áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm nằm rải rác tại các văn bản khác nhau, có giá trị pháp lý thấp, như: Công văn hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ…
2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN; Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN

PHẠM TIẾN SỸ - NGUYỄN THỊ LƯƠNG TRÀ