Ngân hàng Nhà nước ban hành Tài liệu hướng dẫn Chỉ số Tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới

Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng - Ngày đăng : 17:40, 05/04/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thực hiện mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, ngày 29/3/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Tài liệu hướng dẫn Chỉ số Tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB).

Về tiếp cận tín dụng, Việt Nam đứng thứ 32 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát

Phân tích các tiêu chí chấm điểm Chỉ số Tiếp cận tín dụng của WB

Tài liệu nhằm hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, thống nhất về các chỉ số thành phần của Chỉ số Tiếp cận tín dụng, đánh giá thực trạng điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam, các quy định pháp lý ảnh hưởng tới điểm số; từ đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện điểm số và thứ hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng ở Việt Nam.

Tại tài liệu, NHNN phân tích kỹ những tiêu chí tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn của WB bao gồm chỉ số sức mạnh quyền pháp lý và chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng. Với mỗi chỉ số này, tài liệu đưa ra những căn cứ, cơ sở đánh giá, tiếp cận, thu thập dữ liệu của WB song hành với giải thích, phân tích các khái niệm, các cấu phần để các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể hiểu được cách chấm điểm tiếp cận tín dụng của WB.

Cũng trong tài liệu, NHNN chỉ rõ thực trạng điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam và khuôn khổ pháp lý ảnh hưởng tới điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam.

Theo đó, WB bắt đầu chấm điểm số tiếp cận tín dụng cho Việt Nam từ năm 2005 cho đến nay. Trong suốt 3 năm đầu tiên (từ 2005 đến 2007), điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam gần như không có sự thay đổi. Trong giai đoạn tiếp theo, từ 2008 đến 2010, điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể, tăng 50% so với điểm số được ghi nhận trong giai đoạn trước đó. Giai đoạn tiếp theo, từ 2011 đến 2014, giai đoạn này ghi nhận một sự tương đối ổn định về điểm số tiếp cận tín dụng và các điểm số của các chỉ số thành phần. Từ 2015 đến 2017, khuôn khổ pháp lý tác động đến điểm số về quyền pháp lý tại Việt Nam không có nhiều sự thay đổi, tuy nhiên, đối với điểm số về chiều sâu thông tin tín dụng, Việt Nam đã gần đạt điểm tuyệt đối, 07/08 điểm. Tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019, Chỉ số tiếp cận tín dụng, điểm thành phần (sức mạnh quyền pháp lý, chiều sâu thông tin tín dụng)… tại báo cáo của WB không có sự thay đổi so với điểm số được ghi nhận tại báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 nhưng thứ bậc của chỉ số tiếp cận tín dụng bị tụt 03 bậc (xếp thứ 32/190).

Từ việc đưa ra thực tế chấm điểm tiếp cận tín dụng qua các năm, NHNN nhấn mạnh: thứ bậc xếp hạng không chỉ phụ thuộc vào mức độ cải thiện cơ chế, chính sách của một quốc gia mà còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan như tốc độ cải thiện về mặt chính sách của các quốc gia khác. Một quốc gia không có sự cải thiện giữa các năm nhưng không đồng nghĩa với việc thứ hạng của quốc gia đó được giữ nguyên mà tùy vào sự cải thiện của các quốc gia khác nếu có sự vượt trội thì thứ hạng của quốc gia không có sự cải thiện thường bị tụt hạng.

Khi so sánh điểm số về tiếp cận tín dụng của Việt Nam với các nước láng giềng, NHNN cho rằng Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của WB đã cho thấy một bức tranh tương đối lạc quan về điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam. Cụ thể là, về tiếp cận tín dụng, Việt Nam đứng thứ 32 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, trong đó, điểm số về quyền pháp lý của Việt Nam đạt 8/12 điểm; điểm số về chiều sâu thông tin tín dụng Việt Nam cũng đạt được điểm số gần tuyệt đối, 7/8 điểm. Có thể nói, Việt Nam có một sự tiến bộ đáng được ghi nhận trong việc cải thiện các khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nói chung và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nói riêng.

Đặc biệt, nhằm để các tổ chức, cá nhân có cách hiểu đúng, thống nhất, Bộ tài liệu hướng dẫn của NHNN đã nêu ra chi tiết các yếu tố trong khuôn khổ pháp lý về giao dịch bảo đảm và phá sản của Việt Nam có liên quan đến các tiêu chí chấm điểm của WB ra sao, đồng thời cung cấp thông tin liên quan tới khuôn khổ pháp lý về chia sẻ thông tin tín dụng ảnh hưởng đến điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam.

Nội dung đặc biệt quan trọng trong cuốn tài liệu là những khuyến nghị nhằm cải thiện điểm số tiếp cận tín dụng ở Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, NHNN đã không ngừng nỗ lực trong việc cải thiện các chính sách về tiếp cận tín dụng (giai đoạn từ sau Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016) và những tiêu chí để WB đánh giá thuộc phạm vi quản lý của NHNN đều đã được ghi nhận và đạt điểm số tối đa. Tuy nhiên, để điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam được ghi nhận hơn nữa trong các bản Báo cáo Môi trường Kinh doanh của WB theo yêu cầu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, NHNN đã đưa ra những đề xuất để các Bộ, ngành liên quan phối hợp để khắc phục, cải thiện các vấn đề còn tồn tại.

Chỉ số Tiếp cận tín dụng là một tiêu chí quan trọng trong Báo cáo Môi trường kinh doanh

Trên thực tế, Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) của WB chỉ ra mức độ thuận lợi hoặc khó khăn đối với chủ doanh nghiệp trong nước trong việc thành lập và vận hành một doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa theo các quy định của pháp luật. Hàng năm, WB xem xét, đánh giá tính hiệu quả của quy trình lập pháp cũng như chất lượng của các quy định pháp lý có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời tiến hành xây dựng và công bố Báo cáo môi trường kinh doanh trên tổng số 11 tiêu chí, bao gồm: Khởi sự doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, thanh toán thuế, thương mại qua biên giới, thực thi hợp đồng, giải quyết phá sản và quy định về thị trường lao động. Việc đánh giá các tiêu chí trên xuất phát từ quan điểm cho rằng một quốc gia có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả sẽ cho phép chủ doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh một cách đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém, từ đó sẽ là động lực để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào quốc gia đó.

NHNN đưa ra các khuyến nghị tới các Bộ, ngành nhằm cải thiện điểm số và thứ hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng ở Việt Nam

Báo cáo Môi trường kinh doanh đưa ra thứ hạng tổng thể và chi tiết về chỉ số thuận lợi kinh doanh trên cơ sở hai chỉ số đo lường là điểm số về khoảng cách đến các nền kinh tế dẫn đầu (Distance to frontier - DTF) và xếp hạng chỉ số thuận lợi kinh doanh (Rank). Mặc dù Báo cáo Môi trường kinh doanh và các chỉ số tạo ra Báo cáo không đo lường tất cả các khía cạnh của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhà đầu tư nhưng thứ hạng cao theo đánh giá của WB tại Báo cáo có ý nghĩa thể hiện Chính phủ đã tạo dựng được môi trường pháp luật thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Một trong 11 yếu tố được coi là quan trọng đối với việc duy trì hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp là Tiếp cận tín dụng. Thực tế cho thấy, hai lĩnh vực có thể ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận tín dụng của một doanh nghiệp là một hệ thống thông tin tín dụng hoạt động hiệu quả và cơ chế an toàn về bảo đảm quyền lợi của người đi vay và người cho vay. Do vậy, Báo cáo Môi trường kinh doanh đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng thông qua 2 nhóm tiêu chí: Chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng (đo lường, đánh giá các quy định và thông lệ ảnh hưởng tới diện phủ, phạm vi và khả năng tiếp cận đối với thông tin tín dụng thông qua một cơ quan đăng ký tín dụng) và Chỉ số sức mạnh quyền pháp lý (đo lường các yếu tố hỗ trợ việc cho vay trên cơ sở các quy định về xử lý đối với tài sản bảo đảm và phá sản doanh nghiệp).

Do đó, Tài liệu này nhằm hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, thống nhất về các chỉ số thành phần của Chỉ số Tiếp cận tín dụng, đánh giá thực trạng điểm số tiếp cận tín dụng của Việt Nam, các quy định pháp lý ảnh hưởng tới điểm số… để từ đó, phối hợp và đề xuất những khuyến nghị đối với các Bộ, ngành nhằm cải thiện điểm số và thứ hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam.

H.Q