Cho vay ngang hàng: Thực tế và kỳ vọng

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 10:02, 14/04/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Những năm gần đây, cho vay ngang hàng (peer to peer lending - P2P lending) phát triển nhanh chóng và trở thành mối quan tâm rất lớn của các cơ quan quản lý tiền tệ cũng như các nhà đầu tư. Tuy nhiên, mô hình cho vay ngang hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây mất ổn định kinh tế - xã hội khi các bên có liên quan không trả được nợ, để lại những hệ lụy kéo dài và rất nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.

Về khái niệm, P2P Lending được cho là một giải pháp công nghệ mới về hoạt động cho vay, cho phép vay và cho vay tiền trực tiếp, không cần thông qua một tổ chức trung gian khác. Nhờ tiến bộ của công nghệ 4.0 và cơ sở dữ liệu lớn, P2P Lending có khả năng kết nối người vay với các nhà đầu tư một cách nhanh chóng và tiện lợi.
P2P Lending là hình thức tư duy mới, kiểm soát quá trình cho vay ngoài các định chế truyền thống. Người vay có thể vay tiền thông qua sàn trực tiếp, nhất là đối với những khoản vay cá nhân, thường không có bảo đảm và có thể do một hay nhiều nhà đầu tư ngang hàng cho vay. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Sàn cho vay ngang hàng không phải là người cho vay thực tế, mà là trung gian tạo thuận lợi cho quá trình cho vay và cung ứng nền tảng cho vay ngang hàng. 
Trên thế giới, hoạt động P2P Lending bắt đầu xuất hiện từ năm 2005 tại Vương quốc Anh với sự ra đời của sàn cho vay Zopa. Cho đến năm 2018, doanh số cho vay qua sàn giao dịch này đã đạt trên 2,9 tỷ USD. Sau đó, P2P Lending mở rộng tại Mỹ, Australia, Trung Quốc và nhiều nước khác.
 Tuy nhiên, Mỹ mới là thị trường dẫn dắt sự phát triển của P2P Lending, sau khi công ty cho vay ngang hàng Prosper được thành lập và khai trương hoạt động từ tháng 2/2006 tại San Francisco. Tiếp đến là Lending Club, SoFi, OnDeck, Avant. Trong số này, Lending Club là sàn cho vay ngang hàng lớn nhất thế giới tại Mỹ và trên thế giới với hoạt động chính là cung cấp các khoản vay trên thị trường thứ cấp. Thành lập vào năm 2007, Lending Club cũng là doanh nghiệp P2P Lending đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (tại New York). 
Lending Club điều hành một hệ thống cho vay trực tuyến, cho phép người vay tiếp cận khoản vay có giá trị từ 1.000 USD đến 40.000 USD (đối với khách hàng cá nhân) với kỳ hạn trung bình là 3 năm, riêng khách hàng doanh nghiệp có thể vay tối đa 300.000 USD. Theo thời gian, P2P lending tại Lending Club ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực, kể cả cho vay mua xe hơi và cầm cố, và là đối tác quan trọng của Google Business Solutions.  
Về quy trình và thủ tục cho vay, người có nhu cầu vay vốn chỉ cần điền thông tin và nộp đơn trực tuyến tại trang web LendingClub.com. Sau đó, hệ thống máy tính của Lending Club sẽ phân tích các dữ liệu và đánh giá rủi ro một cách nhanh chóng, chấm điểm tín dụng và đưa ra mức lãi suất thích hợp, tiến hành kết nối người vay với các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể quan sát các khoản vay, được thống kê trên website của Lending Club và chọn một khoản đầu tư thích hợp dựa trên những thông tin về người đi vay như xếp hạng tín dụng, mục đích vay vốn, lịch sử tín dụng…
Năm 2008, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi đó, các ngân hàng phải thận trọng trong hoạt động tín dụng, và người vay bắt đầu có xu hướng chuyển sang sàn P2P Lending. Khủng hoảng cũng khiến các nhà đầu tư né tránh những bất ổn trên thị trường chứng khoán và nhận thấy rằng, sàn P2P Lending ít rủi ro hơn. Ý tưởng đó tiếp tục phát triển đến ngày nay và những người vay trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có khả năng tiếp cận tín dụng với mức lãi suất cạnh tranh hơn, trong khi hầu hết các nhà đầu tư đều sẵn sàng cho vay. 
Theo ước tính của các nhà đầu tư, mức thu nhập ròng qua các sàn giao dịch sơ cấp và thứ cấp của Prosper và Lending Club đạt khoảng 5-9%. Theo số liệu thống kê của Lending Club, tính đến ngày 30/6/2016, đã có hơn 20 tỷ USD được cho vay qua hệ thống giao dịch P2P Lending của doanh nghiệp này. Riêng trong năm 2014, Lending Club đã cho vay 4,4 tỷ USD. Trong khi nhà đầu tư kiếm tiền từ lãi suất, Lending Club kiếm tiền bằng cách thu phí từ cả người vay và cho vay. 

Dư nợ cho vay qua các sàn P2P Lending dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2050

Theo thống kê của Marketwatch, P2P Lending trên toàn thế giới đạt 3,5 tỷ USD vào năm 2013, sau đó tăng lên 9 tỷ USD vào năm 2014 và 64 tỷ USD vào năm 2015. Với đà này, dư nợ cho vay qua các sàn P2P Lending có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2050. Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận sự chuyển dịch đáng kể về nguồn vốn cho vay, chủ yếu đến từ các tổ chức đầu tư như quỹ dự phòng hơn là các nhà đầu tư cá nhân.
Tại Mỹ, 26% dân số thừa nhận đã sử dụng giao dịch thanh toán ngang hàng với tổng giá trị giao dịch khoảng 9 tỷ USD trong năm 2014, và ước tính đạt 86 tỷ USD trong năm 2018. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán ngang hàng trực tuyến được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể, từ 53 triệu người vào năm 2014 lên 126 triệu người vào năm 2020. 
Cuối năm 2016, ngay sau khi nghỉ việc tại Ngân hàng Morgan Stanley, cựu CEO John Mack đã đổ tiền vào hàng loạt doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) như Lending Club, Orchard. Cùng với  nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Larry Summers và một số nhà đầu tư nổi tiếng khác, John Mack hiện là thành viên chủ chốt trong hội đồng quản trị của Lending Club.    
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, nếu cho vay ngang hàng tiếp tục mở rộng, lợi nhuận của ngân hàng này có thể giảm khoảng 7%. Vì thế, ngân hàng 147 tuổi này bắt đầu đầu tư vào sàn cho vay ngang hàng từ năm 2016. 

P2P Lending vẫn là lĩnh vực tương đối mới và còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng

Tại Trung Quốc, P2P Lending bắt đầu hình thành từ cuối năm 2006 và mở rộng trong những năm 2014-2015. Đối tượng vay vốn chủ yếu là các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, với hạn mức cho vay rất nhỏ, phổ biến là dưới 100 nhân dân tệ (16,10 USD). Tháng 6/2018, cho vay qua sàn P2P Lending đạt đỉnh điểm với tổng dư nợ khoảng 6,6 tỷ nhân dân tệ (1,063 tỷ USD), tăng 8% so với tháng trước đó. Theo dữ liệu của Wangdaizhijia, số lượng trang web của các doanh nghiệp P2P Lending tăng nhanh, từ 1.627 vào cuối năm 2017 lên 2.028 vào cuối tháng 6/2018. 
Mặc dù phát triển nhanh chóng, nhưng dư nợ cho vay ngang hàng tại Trung Quốc vào cuối tháng 7/2018 chỉ tương đương với 0,7% tín dụng ngân hàng chính thức và tài sản của các doanh nghiệp P2P Lending chỉ bằng khoảng 0,5% tổng tài sản của các ngân hàng thương mại. Do thiếu kiểm soát và sự phát triển nhanh chóng của mô hình tín dụng trực tuyến, cho vay ngang hàng tại Trung Quốc không thể tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ, nhất là khi bitcoin và hàng loạt đồng tiền ảo khác lao dốc không phanh trong những tháng cuối năm 2018. Theo dự báo, trên 5.400 sàn cho vay ngang hàng có nguy cơ đổ vỡ hoặc phá sản trong năm 2019 này, đẩy trên 2 triệu nhà đầu tư vào nguy cơ mất vốn. 
Cùng với sự phát triển công nghệ, các doanh nghiệp P2P Lending là một trong số những doanh nghiệp phát triển nhất về dịch vụ công nghệ tài chính, ngân hàng và tài chính. Tuy nhiên, các quy định và điều chỉnh mang tính pháp lý đóng vai trò rất quan trọng, nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển này. Với mức lãi suất cạnh tranh, khách hàng vay vốn hưởng lợi rất lớn từ P2P Lending và những sản phẩm dịch vụ tài chính khác. Nếu các quy định pháp lý phát triển song hành cùng sự phát triển của thị trường, kịp thời thích ứng với những thay đổi về đặc điểm cho vay và đầu tư, P2P Lending sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.
Có thể nói, đến nay, P2P Lending vẫn là một lĩnh vực tương đối mới và còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Người dân tại Mỹ và những quốc gia khác còn lo ngại về nguy cơ phát sinh rủi ro của nó khi có biến động lãi suất, vỡ nợ và các vụ kiện vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, với những con số biết nói về kết quả kinh doanh của Lending Club, cũng như sự tham gia của nhiều nhân vật kỳ cựu trong giới tài chính Mỹ như nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - Larry Summers và cựu CEO Ngân hàng Morgan Stanley - John Mack, người dùng tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung có thể tiếp cận và sử dụng các giải pháp Fintech mới, nhằm tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi và đạt được những mục tiêu tài chính đề ra. 

Thực tế tại Việt Nam

Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm hoạt động P2P Lending, trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng. Mô hình P2P Lending này xuất hiện cách đây khoảng 2 năm với 40 công ty đang hoạt động theo dạng thức truyền thống nêu trên.
Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động P2P Lending tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, các NHTM cũng còn nhiều khó khăn/ hoặc chưa sẵn sàng hỗ trợ các dịch vụ vay vốn quy mô nhỏ (micro finance), do chi phí vận hành lớn, mạng lưới hoạt động hạn chế, thiếu nguồn nhân lực... Chính vì vậy, cho vay tiêu dùng thông qua hình thức cho vay ngang hàng trực tuyến đang được một bộ phận dư luận cho là giải pháp có khả năng giải quyết bài toán nan giải về vốn, nhất là tại những vùng và địa phương mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân và các doanh nghiệp nhỏ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chi phí thấp và thủ tục đơn giản.
Tuy nhiên, mô hình P2P Lending cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây mất ổn định kinh tế - xã hội khi các bên có liên quan không trả được nợ, để lại những hệ lụy kéo dài và rất nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá trong thời gian qua. 
Thực tế hoạt động của mô hình P2P Lending này trong thời gian qua cho thấy, vẫn còn tồn tại như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia. Một số doanh nghiệp cho vay ngang hàng đã tiến hành những hoạt động biến tướng, vi phạm các quy định pháp lý về ngân hàng và tín dụng. Nếu xảy ra tranh chấp do không đòi được các khoản tiền đã cho vay, nhà đầu tư cho vay có thể mất tiền, khó truy cứu trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending. Ngoài ra, hoạt động P2P Lending còn tiềm ẩn rủi ro, như: Thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật, hệ thống lưu trữ thông tin của doanh nghiệp P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa; Một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố, hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp; Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất cho vay 20%/năm theo qui định pháp luật.
Để tránh những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia các nền tảng P2P Lending, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng.
Về mặt pháp lý, Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) nêu rõ: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.” Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh huy động tiền gửi hoặc cấp tín dụng phải tuân thủ các quy định của Luật NHNN và Luật các TCTD.
Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với quan hệ cho vay trực tiếp - không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân, không được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P Lending - có thể coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật NHNN và Luật các TCTD.
NHNN đã và đang phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để có đề xuất xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng, phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đổi mới, sáng tạo của thành tựu công nghệ, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia, đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của người dân, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia
Nguồn tham khảo: Finder, Marketwatch, NHNN

ThS. Vũ Xuân Thanh