Phát triển cơ chế quản lý vốn với định giá điều chuyển vốn nội bộ của các NHTM Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:07, 14/04/2019
Ngày nhận bài: 23/3/2019 - Ngày biên tập: 26/3/2019 - Ngày duyệt đăng: 27/3/2019 (Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 7, tháng 4/2019)
Tóm tắt: Quản lý vốn là một nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng thương mại (NHTM). Trong giai đoạn đầu, mặc dù cơ chế quản lý vốn phân tán có những thành công nhất định đối với các ngân hàng Việt Nam nhưng khi trải qua các giai đoạn tăng trưởng, giao dịch tăng lên nhiều thì cũng là lúc cơ chế vốn phân tán cho thấy những hạn chế. Quản lý vốn tập trung với công cụ định giá điều chuyển vốn nội bộ (Funds Transfer Pricing – FTP) hiện nay cho thấy là sự lựa chọn hiệu quả. Bài viết so sánh hai cơ chế quản lý vốn này để minh chứng cho bước đi đúng đắn của các ngân hàng Việt Nam, gắn với việc đánh giá tình hình thực tế về phát triển hệ thống FTP tại Việt Nam và những định hướng trong phát triển FTP tại các ngân hàng Việt Nam.
Từ khoá: FTP, ngân hàng, phân tán, quản lý vốn, tập trung
DEVELOP THE MECHANISM OF CAPITAL MANAGEMENT BY FUNDS TRANSFER PRICING: STEADY STEPS OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS
Abstract: Capital management is a key task of commercial banks. At the early stage, although the decentralized capital management mechanism has certain success for Vietnamese banks, after periods of growth and increasing transactions at banks, this mechanism shows limitations. Currently, centralized capital management with funds transfer pricing (FTP) tool reveals that this is an effective choice. This paper would compare these two capital management mechanisms to demonstrate the right option of Vietnamese banks, along with the assessment of the context of developing FTP in Vietnam. Finally, the orientation in FTP development for Vietnamese banks would also be presented.
Keywords: FTP, banks, decentralization, capital management, centralization
Giới thiệu
Ngân hàng sử dụng nguồn vốn của mình, trong đó bao gồm vốn từ huy động và vốn từ các nguồn vốn khác, để cho vay khách hàng là cấu thành chính trong mảng hoạt động cấp tín dụng, từ đó hình thành nên phần lớn tài sản có của ngân hàng.
Chính từ bản chất hoạt động kinh doanh như thế nên cách thức mà ngân hàng tổ chức quản lý vốn chiếm một vị thế vô cùng quan trọng. Một hệ thống quản lý vốn hiệu quả và hài hoà sẽ giúp ngân hàng phát huy vai trò quản trị nguồn vốn huy động và sử dụng nguồn vốn để cho vay nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh cao nhất, hạn chế được rủi ro phát sinh. Theo đó, quản trị nguồn vốn là bài toán cần lời giải cho quản trị tài sản nợ và quản trị tài sản có. Cơ chế quản lý vốn là tập hợp các quy trình, công cụ để phục vụ công tác quản lý về tài sản nợ – tài sản có của NHTM.
Việc quản trị tài sản nợ của ngân hàng gắn liền với quản trị nguồn vốn phải trả với mục tiêu đảm bảo cho ngân hàng luôn có đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu thanh khoản với chi phí thấp nhất, đồng thời có thể duy trì và phát triển một cách hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Công tác này có thể bao gồm xây dựng kế hoạch nguồn vốn, thực hiện công tác điều hành vốn trong toàn hệ thống; phân tích, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nguồn vốn trong từng thời kỳ của toàn hệ thống; theo dõi việc áp dụng lãi suất, chênh lệch lãi suất bình quân cho vay và huy động,…với trọng tâm hướng vào nguồn vốn huy động là cấu phần chính của tài sản nợ.
Các NHTM ngày nay là những tổ chức kinh doanh phân cấp với nhiều đơn vị kinh doanh trong cùng hệ thống. Trong quá trình vận hành, có thể xảy ra hiện tượng thừa thiếu vốn ở mỗi đơn vị kinh doanh. Trong cùng thời điểm có đơn vị kinh doanh thừa vốn, có đơn vị sẽ thiếu vốn, hoặc có những đơn vị kinh doanh ở những địa bàn thuận lợi trong công tác cho vay khách hàng hay cũng có những đơn vị có thế mạnh trong việc huy động vốn ở những địa bàn khác. Cách thức mỗi ngân hàng để cho các đơn vị kinh doanh của mình điều hoà nguồn vốn kinh doanh cũng sẽ hình thành nên các cơ chế quản lý vốn khác nhau, với mục tiêu chung là khắc phục tình trạng thừa, thiếu vốn cục bộ tại từng đơn vị kinh doanh, quản lý thanh khoản và gia tăng lợi nhuận do giảm được lãng phí vốn.
Tùy vào các cách thức quản lý tài sản nợ – tài sản có của ngân hàng và cách thức điều chuyển vốn nội bộ giữa trụ sở chính và các đơn vị kinh doanh của ngân hàng, cơ chế quản lý vốn sẽ gồm có: (i) Cơ chế quản lý vốn phân tán; và (ii) Cơ chế quản lý vốn tập trung.
Quản lý vốn phân tán
Cơ chế quản lý vốn phân tán thực hiện quản lý vốn từ các đơn vị quản lý đặt tại các chi nhánh nằm trong hệ thống ngân hàng. Theo đó, các chi nhánh sẽ tiến hành hoạt động như một ngân hàng con, với tính chất độc lập và tự chủ động trong cân đối tạo lập nguồn vốn và sử dụng vốn, trên cơ sở tuân thủ các quy định của ngành và của hệ thống về quản lý rủi ro, quản lý thanh khoản và dự trữ bắt buộc tại ngân hàng trung ương. Gần như một bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh riêng sẽ được thiết lập và ở đó thì mọi rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản đều do chi nhánh chịu trách nhiệm. Cơ chế quản lý vốn phân tán hoạt động trên cơ sở vay – gửi với lãi suất áp dụng là lãi suất điều chuyển vốn nội bộ cho từng loại tiền, mỗi chi nhánh chỉ chuyển hoặc nhận vốn đối với phần chênh lệch giữa các khoản vốn huy động và nhu cầu sử dụng vốn tại chi nhánh mình để cho vay hay thực hiện các khoản đầu tư vào tài sản có. Trong cơ chế này thì trụ sở chính của ngân hàng chỉ có vai trò đứng ra nhận hoặc chuyển vốn đối với phần vốn dư hay thiếu của chi nhánh.
Về tính chất “như một ngân hàng con” vừa được đề cập, giả sử nếu NHTM là một tổ chức không có chi nhánh, khi đó nó chỉ là một đơn vị kinh doanh tiền tệ đơn thuần. Trong trường hợp ngân hàng huy động vốn nhiều nhưng cho vay ít dẫn đến tình trạng thừa vốn, phần vốn thừa đó có thể được ngân hàng duy trì dưới dạng tiền mặt vốn được xem là tài sản không sinh lời, hoặc đầu tư vào các tài sản khác như ngoại tệ, trái phiếu hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng là các tài sản sinh lời. Ngược lại khi thiếu vốn, ngân hàng có thể có nhiều cách thực hiện như sử dụng trái phiếu trên thị trường mở, chuyển đổi từ ngoại tệ thành nội tệ, hoặc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng để bù đắp phần vốn thiếu hụt. Với cơ chế quản lý vốn phân tán, trụ sở chính của ngân hàng là chủ thể đóng vai trò như thị trường giúp xử lý về cơ cấu nguồn vốn cho chi nhánh được xem là một ngân hàng trong thị trường đó.
Tóm lại, nguyên tắc triển khai của cơ chế quản lý vốn phân tán là hoạt động theo cơ sở vay – gửi, các chi nhánh ngân hàng chỉ chuyển vốn phần chênh lệch giữa tài sản nợ và tài sản có, trách nhiệm của trụ sở chính là nhận vốn hay chuyển vốn đối với phần vốn dư thừa hay thiếu hụt của chi nhánh. Và theo đó thì lãi suất điều chuyển vốn nội bộ (nếu có) khi giao dịch nội bộ cũng chỉ áp dụng cho phần chênh lệch này.
Ưu điểm của cơ chế quản lý vốn phân tán
Sự ra đời và phát triển của cơ chế quản lý vốn phân tán phục vụ sự vận hành của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn công nghệ ngân hàng chưa phát triển mạnh mẽ. Xét trong cùng một hệ thống ngân hàng, các chi nhánh quản trị tài sản tốt thì việc áp dụng cơ chế quản lý vốn phân tán giúp đáp ứng nhanh nhạy với diễn biến thị trường để qua đó mang lại hiệu quả cạnh tranh cao. Các chính sách thuộc quy trình quản lý vốn được xây dựng linh hoạt đáp ứng nhu cầu đối với công tác huy động và sử dụng vốn một cách tổng thể. Tình trạng bất cân xứng thông tin giữa nội bộ ngân hàng xuất phát từ một bên quản lý trung tâm là trụ sở chính ngân hàng và đơn vị tiếp nhận thông tin là chi nhánh cũng được giảm thiểu.
Về phía phục vụ khách hàng, cơ chế quản lý vốn phân tán được xem là đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu khách hàng với phương châm không tách rời hoạt động huy động và sử dụng vốn, hoàn toàn có tính đến lợi ích tổng hòa của khách hàng mang lại trên tất cả mảng hoạt động khác của ngân hàng. Cơ chế này trao quyền và khuyến khích chi nhánh tự chủ động trong chính sách huy động và cho vay, với những điều chỉnh cơ cấu tài sản và nguồn vốn một cách linh hoạt.
Bởi tính đơn giản trong tổ chức và vận hành nên cơ chế quản lý vốn phân tán bên cạnh những điểm tích cực không tránh khỏi những nhược điểm gắn liền với bản chất được nêu ra dưới đây:
Nhược điểm của cơ chế quản lý vốn phân tán
Trong cơ chế quản lý vốn phân tán thì mỗi chi nhánh hoạt động như một ngân hàng con mang tính độc lập và hoàn toàn chủ động quyết định trong vấn đề cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn. Do đó, có thể thấy chức năng quản lý vốn đã bị phân tán, đi kèm với vấn đề quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất không tập trung mà bị đẩy về phía chi nhánh một cách dàn trải. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong kiểm soát rủi ro và gây lãng phí vốn trong toàn hàng khi mà các đơn vị kinh doanh đã được thiết kế với trọng tâm là bán hàng. Khi phải gánh vác thêm nhiều chức năng khác sẽ gây quá tải, hiệu quả mang lại chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng xấu và rủi ro phát sinh là điều khó tránh khỏi.
Trường hợp các ngân hàng triển khai cơ chế quản lý vốn phân tán thì vấn đề điều hành cân đối vốn toàn hàng sẽ rất bị động do không có một đơn vị đầu mối đứng ra điều hoà và thu xếp, dẫn đến công tác quản trị nguồn vốn trong toàn hệ thống chưa hiệu quả. Một điểm trừ lớn nữa là về chính sách đánh giá kết quả kinh doanh và động viên khen thưởng trong hoạt động. ở đó, mức độ đóng góp của chi nhánh vào kết quả chung toàn hệ thống chưa được thể hiện chính xác, nhất quán và bình đẳng. Từ đó ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh của chi nhánh, tính chất động viên bị triệt tiêu.
Ngoài ra, một thực tế hiển nhiên là khi quy mô hoạt động của ngân hàng ngày càng được mở rộng, hệ thống các chi nhánh ngày càng lớn mạnh sẽ đồng nghĩa với khối lượng phát sinh giao dịch vốn nội bộ ngày càng tăng, đòi hỏi số lượng thao tác, thời gian xử lý nghiệp vụ chuyển vốn ngày càng nhiều. Lúc bấy giờ thì cách thức hoạt động của cơ chế quản lý vốn phân tán tỏ ra khá lạc hậu và không thể đáp ứng yêu cầu của toàn hệ thống.
Từ những hạn chế của cơ chế quản lý vốn phân tán, các ngân hàng hoàn toàn ý thức được tính cấp thiết của việc xây dựng và ứng dụng cơ chế quản lý vốn mới nhằm khắc phục những hạn chế và phát huy các thế mạnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các chi nhánh và hướng đến hiệu quả chung cao nhất của toàn ngân hàng. Theo đó các NHTM hiện nay đang dần chuyển sang cơ chế quản lý vốn tập trung mà ở đó có thể nói công cụ định giá điều chuyển vốn nội bộ (funds transfer pricing – FTP) chính là linh hồn.
Quản lý vốn tập trung
Nhằm định hướng cho công tác quản lý vốn của toàn hệ thống đáp ứng mục tiêu sử dụng vốn phù hợp với định hướng và kế hoạch kinh doanh chung; kiểm soát rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trong hoạt động một cách có hiệu quả nhất; đồng thời phát huy được lợi thế kinh doanh của các chi nhánh trên các địa bàn khác nhau và tiến hành đánh giá công bằng về mức độ đóng góp của các đơn vị vào thu nhập chung của toàn hệ thống là những nhân tố dẫn đến sự hình thành của cơ chế quản lý vốn tập trung của NHTM.
Khoảng thời gian trước đây tại các hệ thống ngân hàng ở các nước, đặc biệt là tại Việt Nam khi ngành ngân hàng còn khá non trẻ và chỉ đang ở bước đầu phát triển, trụ sở chính của mỗi ngân hàng là cơ quan đầu não nhưng chỉ ở mức điều hành chung về các mặt nghiệp vụ, việc quản trị trực tiếp nguồn vốn và sử dụng vốn nằm ở từng chi nhánh trong quan hệ với khách hàng và cơ chế quản lý vốn phân tán được áp dụng. Khi đó quyền hành của các chi nhánh là rất lớn và có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng. Cơ chế quản lý vốn tập trung của NHTM ra đời để đáp ứng yêu cầu về quản trị ngân hàng, đồng thời làm cho quyền hạn của chi nhánh thu hẹp rất nhiều so với trước đây. Trụ sở chính ngân hàng tiến hành lãnh đạo toàn đơn vị trong hệ thống trong công tác quản lý nguồn vốn thông qua ALCO (asset liability committee – ủy ban điều hành tài sản nợ và tài sản có) với việc ban hành chính sách mua bán vốn trong toàn đơn vị mà FTP là công cụ trọng tâm. Lúc bấy giờ, chi nhánh chỉ còn là điểm bán hàng theo mức giá được đề ra trong chiến lược kinh doanh và đồng thời các chức năng về cân đối trong quá trình huy động vốn, cho vay vốn, đầu tư, quản trị rủi ro,… được trả về cho trụ sở chính, được thực hiện thông qua cơ chế mua bán vốn với trụ sở chính. Cơ chế quản lý vốn tập trung hiện tại phù hợp với quy định pháp lý trong ngành ngân hàng của Việt Nam khi phải tuân thủ nguyên tắc hạch toán toàn ngành, chi nhánh không được chi cấp vốn điều lệ để hoạt động độc lập.
Khi chuyển sang cơ chế quản lý vốn tập trung, cách điều hành vốn nội bộ được chuyển từ cơ chế vay và gửi sang cơ chế mua và bán vốn. Cùng với sự chuyển đổi này, toàn bộ rủi ro về vốn như rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất có thể được chuyển về cho trụ sở chính của ngân hàng quản lý. Lãi suất hay giá của hoạt động mua bán vốn tức giá điều chuyển vốn FTP trong từng thời điểm do trụ sở chính xác định và thông báo tới các chi nhánh trên toàn hệ thống. Trụ sở chính của ngân hàng đứng ra quản lý vốn tập trung và thống nhất, tiến hành xây dựng cho cả hệ thống một bảng tổng kết tài sản duy nhất. Chi nhánh thực sự trở thành đầu mối kinh doanh, tập trung tìm kiếm lợi nhuận từ các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng mà không còn bị chi phối bởi các vấn đề khác gây hao phí nguồn lực.
Khái quát qua về yếu tố giá điều chuyển vốn, trong môi trường ngân hàng, đây là công cụ quan trọng trong công tác điều hành vốn tại trụ sở chính ngân hàng với cơ chế quản lý vốn tập trung và là căn cứ để xác định hiệu quả hoạt động trong kỳ của mỗi chi nhánh. Khi đó, hiệu quả hoạt động của chi nhánh sẽ được đánh giá theo tiêu thức thống nhất trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất thực hiện với khách hàng và giá điều chuyển vốn nội bộ. Ví dụ đơn giản, khi chi nhánh huy động từ một khách hàng với lãi suất 8%/năm, trụ sở chính sẽ mua lại khoản vốn trên với lãi suất 9%/năm với cùng kỳ hạn mà khách hàng đăng ký gửi. Mức chênh lệch lãi suất 1%/năm được xem là thu nhập của chi nhánh. Ngược lại, khi chi nhánh cho vay khách hàng thì bắt buộc phải mua một lượng vốn tương ứng từ trụ sở chính với mức giá tạo ra chi phí cho chi nhánh. Cơ chế mua bán vốn một cách cơ bản được tiến hành như thế này, với các mức giá FTP ban hành thông thường là mức giá thống nhất mà trụ sở chính áp đặt cho chi nhánh trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Ưu điểm của cơ chế quản lý vốn tập trung
Khi áp dụng cơ chế quản lý vốn tập trung, việc quản lý các rủi ro như rủi ro thanh khoản, rủi ro ngoại hối và rủi ro lãi suất sẽ được chuyển về trụ sở chính quản lý. So sánh với cơ chế quản lý vốn phân tán, các chi nhánh hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về việc quản lý rủi ro trong vận hành nên sẽ dẫn đến sự phân tán nguồn lực trong quá trình thực hiện các chiến lược kinh doanh. Khi đó, trụ sở chính sẽ không kiểm soát được thường xuyên hoạt động của các chi nhánh. Với cơ chế quản lý vốn tập trung, các chi nhánh chỉ hướng vào công việc chính là kinh doanh, toàn bộ rủi ro nêu trên chuyển về trụ sở chính quản lý.
Cũng với cơ chế quản lý vốn tập trung, tất cả mọi giao dịch của chi nhánh đều phải tập trung về trụ sở chính thông qua trung tâm điều hành vốn, khi chi nhánh huy động được nguồn tiền gửi hoặc cho vay khách hàng thì đều thực hiện bán hoặc mua vốn với trụ sở chính. Như vậy, với cơ chế quản lý vốn tập trung thì trụ sở chính đóng vai trò điều phối vốn giữa các chi nhánh trong toàn hệ thống của ngân hàng với nhau, đảm bảo vấn đề thanh khoản và tình trạng thừa hoặc thiếu thanh khoản tại chi nhánh của mình cũng không còn là bài toán khó nan giải.
Kết quả hoạt động kinh doanh của từng chi nhánh được đánh giá mỗi ngày thông qua hệ thống quản lý báo cáo của cơ chế quản lý vốn tập trung được xây dựng rất khoa học với hệ thống công nghệ thông tin để vận hành cơ chế thông suốt. Hiệu suất của mỗi chi nhánh trong hệ thống luôn được cập nhật, một mặt để đánh giá năng lực thực hiện đảm bảo tính công bằng dựa trên những tiêu chí thống nhất, mặt khác tạo sự khuyến khích động viên trong toàn hệ thống để hướng đến mục tiêu chung toàn ngân hàng. Ngoài ra nền tảng vận hành cũng được xây dựng trên bộ máy quản lý gọn nhẹ, khắc phục được những hạn chế từ một số công tác báo cáo thủ công.
Nhược điểm của cơ chế quản lý vốn tập trung
Cơ chế quản lý vốn tập trung ở một góc độ nào đó vẫn bị đánh giá là có những điểm hạn chế nhất định. Đáng kể nhất có thể kể đến vấn đề về chi phí ứng dụng cao, để đảm bảo triển khai đồng bộ đến tất cả các chi nhánh của ngân hàng trên toàn hệ thống. Ngày nay hầu hết các ngân hàng đều mong muốn sở hữu mạng lưới hoạt động rộng lớn, việc đầu tư cho phát triển công nghệ để ứng dụng cơ chế quản lý vốn tập trung đòi hỏi phải có tiềm lực vốn rất lớn và đây hoàn toàn là một thách thức đối với các ngân hàng nhỏ với nguồn lực giới hạn.
Phát triển định giá điều chuyển vốn nội bộ trong xu thế hiện đại hóa ngành ngân hàng tại Việt Nam
Sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành dịch vụ tài chính đã làm giảm tiềm năng của các hoạt động truyền thống để tài trợ cho các khoản vay thông qua tiền gửi. Bối cảnh ngành hiện nay buộc các NHTM phải xem xét lại các cách tiếp cận truyền thống để nâng cao hiệu quả của các ngân hàng: tăng sự chú ý đến việc tạo ra vốn ngân hàng nội bộ, đổi mới tài chính, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, giảm chi phí quản lý,… hướng đến sự bền vững kinh doanh và đây là một trong những lý do chính tại sao xây dựng quy trình điều chuyển vốn nội bộ và giá điều chuyển rất quan trọng đối với các ngân hàng.
Chương trình FTP có lẽ không còn mới lạ đối với các ngân hàng Việt Nam, khi mà hầu hết các ngân hàng đều đã áp dụng trên những nền tảng công nghệ và phương pháp vận hành cốt lõi khác nhau. Từ đầu thập niên 90, một số đơn vị nước ngoài đã từng sang Việt Nam để chào bán mô hình thí điểm trong đào tạo chương trình FTP nhưng chi phí khá đắt, không nhiều ngân hàng Việt Nam bấy giờ có khả năng đáp ứng với công cụ tích hợp rất nhiều lợi ích này. Hơn thế nữa, có thể nói cơ chế FTP tập trung vào những ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá và quản lý nội bộ của ngân hàng, chưa tác động ngay đến khách hàng nên ít thu hút sự quan tâm phân tích của xã hội.
Theo xu hướng hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng và theo yêu cầu đòi hỏi Basel II và Basel III, các ngân hàng cần xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, khách quan, đảm bảo hoạt động ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay hầu hết các ngân hàng của Việt Nam đều đã có hệ thống công nghệ hiện đại, trang bị máy tính cho toàn thể nhân viên, có trung tâm xử lý dữ liệu và phần mềm kế toán khách hàng nối mạng toàn ngành theo mô hình giao dịch phân tán và xử lý dữ liệu tập trung. Tại từng ngân hàng đều có cơ sở dữ liệu chi tiết đến từng giao dịch và được xử lý, lưu trữ tập trung tại trụ sở chính. Đây là đặc điểm thuận lợi cho từng ngân hàng trong hệ thống khi chuyển sang áp dụng các phương pháp FTP hiện đại với yêu cầu nền tảng công nghệ cao trong điều chuyển vốn nội bộ.
Việc định hướng nghiên cứu, áp dụng phương pháp FTP phù hợp, hiện đại cho hoạt động điều chuyển vốn nội bộ của các ngân hàng tại Việt Nam đã trở thành nhu cầu cấp thiết để các ngân hàng tồn tại và phát triển trong môi trường đầy cạnh tranh hiện nay. Đồng thời thực tế cho thấy các ngân hàng đã hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để áp dụng phương pháp FTP trên nền tảng công nghệ được trang bị cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ trong điều chuyển vốn nội bộ của mình.
Định hướng trong áp dụng định giá điều chuyển vốn nội bộ
Cả lý thuyết và thực tiễn về các hoạt động FTP tại các ngân hàng đã cho thấy đa dạng cách thức mà FTP được sử dụng trong ngành, với mức độ phức tạp khác nhau. FTP quan trọng bởi vì chúng có thể ảnh hưởng đến phân bổ lợi nhuận của ngân hàng và ảnh hưởng đến công tác quản lý rủi ro. Ngoài các tác động đối với các ngân hàng riêng lẻ, thực tiễn FTP có thể ảnh hưởng đến giá của đối thủ cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng đến lập trường chung của chính sách tiền tệ và tạo ra rủi ro cho sự ổn định của hệ thống tài chính.
Do đó, việc quản trị chặt chẽ các hệ thống FTP trong các ngân hàng là rất quan trọng để đảm bảo rằng chức năng quản lý rủi ro và quản trị kinh doanh được xây dựng phù hợp. Tuy nhiên, liệu FTP có thực sự cần thiết, hoặc một ngân hàng có thể xoay sở mà không có nó? Hệ thống FTP là cần thiết để quản lý thành công bất kỳ tổ chức tài chính lớn nào, tất cả các ngân hàng lớn đã thực hiện một trong các phương pháp FTP. Trong một môi trường cạnh tranh cao, với lịch sử lãi suất ghi nhận nhiều biến động, các ngân hàng cần cải thiện khả năng quản lý hiệu suất để đạt được lợi nhuận bền vững. FTP là công cụ tốt nhất để phân tích thu nhập lãi ròng, là thành phần lớn nhất trong lợi nhuận của ngân hàng. Hệ thống FTP là nền tảng cho các tổ chức tài chính và không ngân hàng nào có thể được quản lý tốt mà không sở hữu một hệ thống điều chuyển vốn hiệu quả.
Một câu hỏi quan trọng khác được đặt ra là làm thế nào để xây dựng một hệ thống FTP hiệu quả ? Xây dựng được một hệ thống FTP cơ bản tương đối đơn giản và cách dễ nhất để thực hiện một hệ thống FTP ban đầu là thông qua việc sử dụng phương pháp đơn giá. Hệ thống này rẻ và dễ áp dụng, thực sự không cần đầu tư vào công nghệ thông tin hoặc nền tảng quá phức tạp. Để khắc phục những hạn chế thì nó có thể được nâng cấp dần lên thành các phiên bản phát triển hơn, phương pháp hai nhóm giá rồi đến phương pháp đa nhóm giá, với những tinh chỉnh bổ sung. Việc lựa chọn phương pháp FTP phụ thuộc phần lớn vào các nguồn lực sẵn có như nguồn nhân lực, chất lượng cơ sở dữ liệu, năng lực hệ thống công nghệ thông tin và ngân sách dành cho FTP. Các ngân hàng hầu như đang tìm cách phát triển cơ chế FTP hoàn hảo trên cơ sở phương pháp khớp kỳ hạn. Đây là một phương pháp phức tạp, đòi hỏi đầu tư và nguồn lực phân bổ đáng kể.
Tương lai của định giá điều chuyển vốn nội bộ tại ngân hàng
Sự bất cập trong thực tiễn vận hành FTP có thể có ý nghĩa đối với cả khía cạnh vi mô cũng như các khía cạnh vĩ mô của mục tiêu ổn định tài chính của ngân hàng trung ương. Như vậy nghiên cứu về FTP đặt dưới góc nhìn của ngân hàng trung ương cũng là một vấn đề cần được quan tâm và khai thác. Mối quan hệ này bắt nguồn từ ý tưởng khi một ngân hàng đánh giá thấp giá điều chuyển vốn nội bộ của mình và tính lãi suất thấp hơn cho các khoản vay mới, các ngân hàng cạnh tranh có thể quyết định tính lãi suất thấp hơn, để bảo vệ thị phần của họ. Điều này cũng có thể khuyến khích các đối thủ cạnh tranh chuyển các hoạt động cho vay của họ sang các lĩnh vực khác, nơi họ có thể thiếu chuyên môn, khuếch đại rủi ro cho sự an toàn và lành mạnh của chính họ và cho toàn bộ hệ thống. Những hành vi này có thể dẫn đến sự phân bổ sai nguồn lực trong nền kinh tế với tình trạng dư cung cho vay ở một số thị trường nhất định, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh lời và khả năng thanh toán chung của toàn hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, truyền tải chính sách tiền tệ hiệu quả tùy thuộc vào mức độ thay đổi của lãi suất ngân hàng được chuyển qua lãi suất thị trường và lãi suất mà các ngân hàng tính cho các khoản vay và tiền gửi. Cách tiếp cận FTP của ngân hàng có thể có ý nghĩa đối với lập trường chung của chính sách tiền tệ, bằng cách ảnh hưởng đến mức độ chi tiêu và áp lực lạm phát trong nền kinh tế. Khi một ngân hàng đánh giá quá cao giá điều chuyển nội bộ của mình và tính lãi suất cao hơn cho các khoản vay mới, điều này có thể dẫn đến việc giảm khối lượng cho vay trong nền kinh tế. Và nếu giá điều chuyển bị đánh giá thấp, các ngành nghề kinh doanh có thể cung cấp các khoản vay rẻ hơn, giá cả phải chăng hơn và tạo ra nhiều khoản vay hơn. Những ảnh hưởng này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu các ngân hàng đối thủ cũng bắt đầu có những thay đổi về giá.
Kết luận
FTP là một công cụ quan trọng để đối phó với rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh của tổ chức. Tuy nhiên, các ngân hàng khác nhau có thể có mô hình kinh doanh đặc thù, với những đặc điểm riêng của họ trong bối cảnh ở cùng một hệ thống ngân hàng và cạnh tranh với những ngân hàng khác. Mô hình kinh doanh của các ngân hàng sẽ có những đối tượng khách hàng mục tiêu nằm trong chiến lược kinh doanh riêng, cũng phản ánh quy mô của chính ngân hàng, loại hình cho vay mà nó đảm nhận, tiềm lực và cơ cấu vốn. Do các yếu tố này, mỗi ngân hàng cần phát triển một cách tiếp cận riêng với FTP có tính đến các thuộc tính riêng của mình để phát triển khung FTP, nhằm giữ được sự bền vững và hiệu quả trong giai đoạn áp dụng cơ chế quản lý vốn tập trung của ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
Quan, L. 2009. Funds transfer pricing and performance evaluation. Prifysgol Bangor University.