Cơ hội phát triển Fintech tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 07:36, 15/04/2019
Đổi mới trong lĩnh vực tài chính ở châu Á
Các nền kinh tế châu Á - đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang trở thành những cường quốc đi đầu trong việc đổi mới lĩnh vực Fintech. Năm 2018, Đông Nam Á trở thành khu vực năng động nhất thế giới về những sáng chế Fintech, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đóng góp khoảng 72,6% bằng sáng chế Fintech trên toàn cầu.
Nguồn: Tính toán của ADB dựa trên dữ liệu bằng sáng chế từ Relecura |
Fintech đã nhanh chóng mở ra nhiều cơ hội giảm thiểu các chi phí dịch vụ tài chính, thúc đẩy lợi nhuận và tăng hiệu năng công việc. Điều này đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho các nhà hoạch định chính sách và Chính phủ cần hiểu rõ những vấn đề trong các sản phẩm tài chính để đánh giá chính xác những rủi ro tiềm ẩn.
Công nghệ số hóa đã cung cấp các dịch vụ tài chính và các ứng dụng bao gồm tiền điện tử và hợp đồng thông minh. Các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ như P2P Lending, tư vấn robot đã thay thế một số mô hình tài chính truyền thống, đặt ra những thách thức cho việc cải cách và tái cấu trúc hệ thống.
Một trong những đổi mới mang tính đột phá nhất là việc thanh toán thông qua các ứng dụng sử dụng mạng di động internet. Cùng với đó, việc sử dụng AI, big data và hệ thống mạng liên kết với hệ thống ngân hàng thay thế cho những yếu tố truyền thống hiện cũng đang diễn ra rất phổ biến.
Công nghệ phục vụ cho quá trình thanh toán chưa có dấu hiệu chững lại sau nhiều thập kỷ phát triển rất mạnh. Trong những năm gần đây, châu Á nhận được nhiều sự chú ý về đầu tư nước ngoài, nơi mà thanh toán di động sẽ giúp rất nhiều người, đặc biệt khu vực nông thôn, có thể tiếp cận tới các dịch vụ và sản phẩm tài chính - giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm.
Bên cạnh thanh toán di động, rất nhiều mảng Fintech khác cũng có tốc độ tăng trưởng cao như cho vay P2P, tiết kiệm và tư vấn đầu tư. Tại châu Á, ngoại trừ một số bằng sáng chế liên quan tới công nghệ tiền điện tử, những mảng khác chiếm tới hơn 50% bằng sáng chế về Fintech toàn cầu.
Những cải tiến Fintech không chỉ từ các dự án khởi nghiệp về công nghệ mà còn từ các nhà sản xuất, hệ thống ngân hàng thương mại và các công ty phần mềm, máy tính. Các công ty công nghệ lớn đang củng cố vị thế của mình trong cuộc đua cạnh tranh với các công ty công nghệ bằng việc thu thập lượng lớn dữ liệu khách hàng thông qua dịch vụ thanh toán, một trong những mảng tăng trưởng mạnh của Fintech. Các doanh nghiệp với chỗ đứng vững chắc trên thị trường hiện nay như Alibaba, Tencent,… đang hưởng lợi rất lớn khi lượng khách hàng thanh toán qua dịch vụ Fintech ngày càng cao, và mảng dịch vụ thanh toán sẽ là bước đệm cho các doanh nghiệp cung cấp tới khách hàng những dịch vụ khác.
Cơ hội và thách thức
Dựa trên những xu hướng và sự phát triển lĩnh vực Fintech khu vực châu Á, những cơ hội và thách thức liên quan đến đổi mới tài chính công nghệ như sau:
Thứ nhất, Fintech có tiềm năng cải thiện và thúc đẩy tài chính toàn diện hơn ở châu Á. Trong tương lai, Fintech sẽ góp phần chuyển đổi toàn bộ hệ thống tài chính, từ tiền tệ đến hạ tầng kinh tế sang các tổ chức tài chính liên quan, tuy nhiên để thực hiện được điều này cần phân tích rủi ro cẩn trọng để đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế các nước.
Thứ hai, Fintech sẽ tập trung vào một số ngành công nghiệp thông qua một số ít các tập đoàn công ty lớn có sức mạnh chi phối thị trường. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những biện pháp cụ thể để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, tránh tình trạng độc quyền nhóm, lạm dụng quyền lực thao túng thị trường.
Thứ ba, với nền tảng công nghệ học máy và phân tích dự báo dựa trên trí tuệ nhân tạo và kho dữ liệu khổng lồ đang được ứng dụng vào nhiều các dịch vụ tài chính khác nhau, dữ liệu thông tin sẽ dễ bị đánh cắp, sử dụng vào những mục đích tội phạm, tác động tiêu cực tới người tiêu dùng. Vì vậy, an ninh mạng, quyền riêng tư người dùng, các vấn đề bảo vệ khách hàng liên quan đến Fintech là rất quan trọng, cần được phát triển song song với các sản phẩm, dịch vụ cung cấp tới người dùng.
Khi những thay đổi trong lĩnh vực tài chính đang diễn ra được số hóa với tốc độ rất nhanh, các hình thức dịch vụ cũng có sự biến chuyển nhất định và sẽ có những rủi ro, lỗ hổng mà các vấn nạn như rửa tiền, khủng bố, tin tặc… sẽ lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Các cơ quan quản lý cần có những động thái, hành động nhanh chóng để đảm bảo ổn định cho sự phát triển kinh tế các quốc gia châu Á.
Giải quyết các vấn đề chính sách
Các nhà hoạch định chính sách và tổ chức tài chính quốc tế cần phải đánh giá, thảo luận và đưa ra phương án xử lý với 4 vấn đề chính sách chính sau:
Thứ nhất, đổi mới trong quản trị công nghệ thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện. Các công nghệ mới đã giảm thiểu đáng kể tình trạng thông tin bất cân xứng và giảm chi phí giao dịch để cung cấp dịch vụ tài chính tốt hơn cho toàn thể người dân và doanh nghiệp. Mặc dù những tiến bộ công nghệ ngày một đa dạng và phong phú song vẫn có đến 2 tỷ người trên thế giới so với 7 tỷ người trên toàn cầu chưa có cơ hội tiếp cận đến các dịch vụ tài chính, và khoảng một nửa trong số đó ở khu vực châu Á. Chính phủ và cơ quan liên quan cần phải giải quyết những vấn đề để đảm bảo đổi mới của Fintech hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng khả năng tiếp cận đầy đủ tới các tiện ích dịch vụ tài chính công nghệ; cách thức mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật tới các khu vực xa trung tâm để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận đến dịch vụ tài chính hiện đại.
Thứ hai, phát triển hệ sinh thái nhằm hỗ trợ sáng tạo, phổ cập và mở rộng quy mô công nghệ và đổi mới cải cách. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân chưa được hỗ trợ áp dụng công nghệ mới, những chính sách cải cách mới trong mô hình kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ một số quốc gia đã triển khai những dự án hỗ trợ về tài chính để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận tốt hơn, tích cực đóng góp nhằm xây dựng hệ sinh thái phát triển trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều thay đổi. Xét trên một số khía cạnh từ học thuyết Schumpeter, Chính phủ các nước cần đưa ra những chính sách dựa trên hệ thống đổi mới quốc gia nhằm tạo nên môi trường kinh tế đầy đủ cho các chủ thể tham gia, đồng thời phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa những bên liên quan.
Trong lĩnh vực Fintech, có những minh chứng cho thấy khu vực tư nhân đã áp dụng tốt sự đổi mới mà không cần đến trợ cấp nhiều từ phía Chính phủ. Nhưng điều đó chỉ diễn ra ở những nền kinh tế phát triển, nơi mà Chính phủ thể hiện tốt vai trò quan trọng trong việc tạo liên kết giữa các công ty tài chính và công nghệ. Hỗ trợ thể chế, hướng dẫn thực thi hợp đồng, chính sách cạnh tranh hoặc cấu trúc thị trường khuyến khích việc tạo ra các mối liên kết này sẽ là những vấn đề các nước khu vực châu Á cần xem xét kỹ càng hơn để có sự điều chỉnh phù hợp.
Thứ ba, thúc đẩy vai trò của Ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính trong quản trị rủi ro và tăng cường môi trường pháp lý nhằm bảo vệ khách hàng và cân bằng giữa sáng tạo đổi mới và ổn định về tài chính. Ở mức độ vĩ mô, những rủi ro liên quan đến công nghệ cần được đánh giá cẩn trọng vì rủi ro công nghệ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống rất nhanh và hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Ở cấp độ vi mô, khả năng quản trị yếu kém và kiểm soát thiếu chặt chẽ sẽ làm tăng rủi ro đối với việc cung cấp dịch vụ tài chính. Ngoài ra còn có những rủi ro hoạt động khác như an ninh mạng, tin tặc tấn công, bảo mật thông tin,…
Thứ tư, xác định rõ vai trò của những tổ chức tài chính quốc tế và doanh nghiệp khu vực trong việc giải quyết những thách thức và lỗ hổng. Cần có sự hợp tác để củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ về phần cứng lẫn phần mềm, tăng cường bảo mật dữ liệu, thông tin người dùng, theo dõi chặt chẽ các hoạt động bất hợp pháp xuyên quốc gia. Phải tận dụng tiềm năng công nghệ Fintech, khai thác hiệu quả những lợi ích mà nó đem lại để có thể xây dựng hệ thống tài chính toàn diện trong khu vực châu Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.