Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội với doanh nghiệp

Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 15:12, 17/04/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ đô la cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên cũng như tạo điều kiện để đón đầu chính sách, định hướng hoạt động của doanh nghiệp theo chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của quốc gia.

Toàn cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đã chia sẻ những điều này tại Hội thảo “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” tổ chức sáng nay (17/4/2019) tại Hà Nội.

Ông Vinh cho biết Khái niệm kinh tế tuần hoàn tương đối mới trên thế giới, còn khá mới đối với doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Việt Nam, ngày 5/7/2018 tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lần đầu tiên kêu gọi doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn, ứng dụng, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Vinh, kinh tế tuần hoàn được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhắm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển Bền vững Heineken Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam là một trong những ví dụ tiêu biểu về việc doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển Bền vững Heineken Việt Nam - chia sẻ, tại doanh nghiệp này 99,01% phụ phẩm và phế liệu trong sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế. Đơn cử, nước thải từ nhà máy qua hệ thống xử lý được dùng để tưới cây và làm vệ sinh; bã bia được tái chế thành thức ăn gia súc, vỏ trấu được sử dụng làm nhiên liệu sinh khối sản xuất năng lượng cung cấp trở lại cho nhà máy…. Gần đây nhất, những nắp chai bia Tiger - một nhãn hiệu bia cao cấp của Heineken Việt Nam - với kích thước nhỏ bé, khó thu gom và có giá trị kinh tế thấp thường bị bỏ đi và thải ra môi trường đã được tái chế nung chảy và phối trộn với các nguyên liệu khác để trở thành nguyên liệu sắt dùng trong xây dựng, hỗ trợ việc xây những công trình ý nghĩa cho người dân tại Tiền Giang. Hoạt động này sẽ được mở rộng ra cả nước hứa hẹn sẽ mang đến nhiều công trình ý nghĩa cho cộng đồng.

Ngay tại Hội thảo, Nhóm làm việc về Hỗ trợ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cũng đã chính thức ra mắt, đây là nhóm mở với sự tham gia tự nguyện của các đại diện các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp lớn.

Ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác xử lý rác thải nhựa giữa Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam và Công ty TNHH Deep C

Các đại biểu dự Hội thảo cũng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác xử lý rác thải nhựa giữa Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam và Công ty TNHH Deep C thông qua việc xây dựng các con đường làm từ nhựa tái chế, đồng thời phát triển thị trường tốt hơn cho rác thải nhựa. Đoạn đường giao thông thử nghiệm đầu tiên dài 1km dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2019, sẽ chuyển hóa gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo – tương đương với khoảng 1 triệu bao bì nhựa được cùng cấp bởi khách hàng của Dow tại các khu vực lân cận. Sau khi hoàn thành, con đường mới này sẽ được Đại học Hàng hải Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án.

Được biết, Hội thảo tổ chức hôm nay là một trong ba hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019, được Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức theo chỉ đạo của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Các kiến nghị từ Hội thảo sẽ được tổng hợp để báo cáo tại Hội nghị toàn quốc dự kiến vào tháng 11/2019.

P.C