Giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 09:22, 23/04/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt từng bước được người dân lựa chọn thay cho hình thức chi trả tiền mặt thông thường. Song vẫn còn bất cập và hạn chế, khiến việc phổ cập và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân gặp khó khăn, nhất là đối với những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bài viết đề cập đến các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn.

Ngày nhận bài: 13/12/2018 - Ngày biên tập: 18/12/2018 - Ngày duyệt đăng: 2/4/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8/2019

Tóm tắt: Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán không dùng tiền mặt đã phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng hơn 7,7% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2016. Tại Thụy Điển, tiền mặt chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng tiền trong nền kinh tế. Ngày càng nhiều Chính phủ kêu gọi chuyển đổi các giao dịch bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt từng bước được người dân lựa chọn thay cho hình thức chi trả tiền mặt thông thường. Song vẫn còn bất cập và hạn chế, khiến việc phổ cập và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân gặp khó khăn, nhất là đối với những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bài viết đề cập đến các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn.

Từ khóa: thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức thanh toán, khu vực nông thôn

Solutions to accelerate non- cash payment in rural areas

Abstract: According to a survey of the World Bank, non-cash payment has become popular in many developed countries with spending volume accounts for more than 90% of total daily transactions. The cash/total money in circulation of the whole economy accounts for 7,7% in the US and 10% in the Euro zone respectively in 2016. In Sweden, cash only accounts for approximately 2% of the total money in the economy. More and more governments are calling citizens to swift from cash based transactions to non-cash transactions. In Vietnam, non-cash payment is gradually replacing cash payment. Still, there are obstacles and constraints making this habit change difficult, especially in rural and remote areas. This article mentions some solutions to accelerate  non-cash payment in rural areas

Key words: non cash payment, mode of payment, rural area

1. Văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) không chỉ là chủ trương của Chính phủ mà còn là xu hướng mang tính thời đại, đặc biệt có tác dụng hữu ích trong việc ngăn chặn các hành vi tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền… Người dân, đặc biệt là những người ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng sẽ không cần đến ngân hàng để giao dịch mà có thể thanh toán ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào (24/7). Giao dịch dễ dàng, nhanh chóng hơn góp phần kích thích hoạt động thương mại. Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản đẩy mạnh TTKDTM. Cụ thể:

(1) Về cơ sở pháp lý: NHNN đã nghiên cứu xây dựng và tham mưu cho Chính phủ và Thống đốc NHNN ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thanh toán, cụ thể như Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, thay thế một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; Thông tư số 20/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012/TT-NHNN quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động và Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán; Thông tư số 30/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán; Thông tư số 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Quyết định số 637/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo Quyết định số 2545, Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu “Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020”; đồng thời đề ra giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn; Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó định hướng đẩy mạnh phát triển TTKDTM, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8% và đặc biệt quan tâm phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn.

(2) Về cơ sở hạ tầng, công nghệ: NHNN đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-NHNN ngày 30/12/2015 về chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ gắn vi mạch điện tử. Theo đó chậm nhất đến ngày 31/12/2020, toàn bộ thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip. Gần đây nhất, ngày 28/12/2018, NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN quy định cụ thể lộ trình chuyển đổi, theo đó, đến ngày 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đến ngày 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Ngoài ra, ngày 9/6/2016, Thống đốc đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-NHNN thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án xây dựng Hệ thống ACH tại Việt Nam để thực hiện triển khai xây dựng Hệ thống ACH, phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ.

(3) Về đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và quyền lợi khách hàng: NHNN đã ban hành Thông tư số 30/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán, đặc biệt quy định về tiếp quỹ, xử lý sự cố, giải quyết các tra soát, khiếu nại, các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho ATM cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán. Thông tư số 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet. Gần đây nhất, NHNN đã ban hành Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định về giám sát các hệ thống thanh toán với mục tiêu đảm bảo tính an toàn, ổn định và hiệu quả của các hệ thống thanh toán quan trọng; đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật có liên quan đến các hệ thống thanh toán quan trọng; phát hiện kịp thời và cảnh báo tổ chức vận hành nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống thanh toán quan trọng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, tăng cường niềm tin của khách hàng vào các dịch vụ thanh toán.

2. Thực trạng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua

Thời gian qua, hoạt động TTKDTM tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, nhận thức và thói quen người dân, doanh nghiệp về TTKDTM có sự cải thiện. Theo số liệu từ Vụ Thanh toán – NHNN tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 còn khoảng gần 12% vào năm 2017, đến tháng 11/2018 tỷ lệ này khoảng 11,57% (Thống kê, sbv.gov.vn).

Hiện các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam bao gồm: thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm thu hoặc chi, séc; thanh toán qua thẻ ngân hàng; thanh toán trực tuyến (Internet banking), thanh toán qua ví điện tử.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, tính hết năm 2018, toàn thị trường có 18.434 máy ATM, 268.290 máy POS và mPos (số lượng POS khá gần đến mục tiêu Đề án 2545/QĐ-TTg của Chính phủ đặt ra đến năm 2020, toàn thị trường có hơn 300 nghìn POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn và đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học). Số tài khoản cá nhân đạt trên 72 triệu, tăng 5% so với cuối năm 2017. Số người có tài khoản ngân hàng tăng lên 43 triệu người, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên.

Thẻ ngân hàng tiếp tục là phương tiện thanh toán phổ biến, tiện lợi và tốc độ phát triển nhanh. Theo số liệu của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, số lượng thẻ lưu hành năm 2018 đạt 86 triệu thẻ, tăng 12% so với cuối năm 2017, trong đó số thẻ phát hành mới tăng 17 triệu thẻ, tăng trưởng 11%. Doanh số sử dụng chi tiêu thẻ đạt 32%, tổng doanh số thanh toán thẻ năm 2018 đạt 3.507 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2017.

Thẻ được tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng thanh toán thẻ ngân hàng sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến. Cùng với đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán qua thẻ, các ngân hàng cũng tích cực phối hợp cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước thực hiện hiệu quả việc thu, nộp ngân sách nhà nước; hợp tác cung ứng các dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ công... Ðã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện; 26 ngân hàng triển  khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố ...

Hầu hết các ngân hàng hiện đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), đồng thời phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, tích hợp đa kênh thanh toán hiện đại từ thanh toán trên di động, trên Internet, dịch vụ tin nhắn chủ động,…đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Đến nay đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động; 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (bao gồm các dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ thu hộ, chi hộ, dịch vụ ví điện tử,…)…

Đến cuối năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt gần 230,7 triệu giao dịch (tăng 19,02% so với năm 2017) với tổng số tiền giao dịch là 592 nghìn tỷ đồng. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 255,6 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 16,2 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 33,6% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 185,1 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch gần 1.859,9 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 41,4% và 169,5% so với cùng kỳ năm 2017).

Đến ngày 31/12/2018, cả nước có 4,2 triệu ví điện tử đã liên kết với tài khoản ngân hàng và trong năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 214 triệu giao dịch, đạt giá trị 91.000 tỷ đồng, giảm 4,5 % so với 2017.

Bên cạnh hình thức thanh toán qua ví điện tử (như thanh toán ví điện tử Momo, nạp rút ví điện tử Payoo, thanh toán thẻ qua di động Moca…) công nghệ QR Pay cũng được triển khai mở rộng tại các ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại di động. Với phương thức này, khách hàng có thể sử dụng thiết bị di động, ví điện tử trên điện thoại di động để quét mã QR tại các đơn vị chấp nhận thẻ liên kết với ngân hàng, thay vì sử dụng thẻ để thanh toán qua máy POS hoặc chuyển khoản. Đáng chú ý, 18 ngân hàng đã triển khai 5.000 điểm giao dịch thanh toán qua mã QR.

Đối với khu vực nông thôn, NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Đến nay, NHNN đã chấp thuận triển khai thí điểm 3 mô hình: Dịch vụ chuyển tiền nhanh của PGBank trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại các khu vực nông thôn; dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Vietcombank trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; dịch vụ chuyển tiền của MB trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán NHNN, tính đến cuối quý I/2018, các mô hình thí điểm trên đã xây dựng được trên 72.000 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên toàn quốc, phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt khách hàng bao gồm cả các khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng. Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông được phát triển rộng khắp, khá tiên tiến, kể cả khu vực nông thôn, hải đảo, có thể phục vụ tốt cho thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối tháng 5/2018, tổng số thuê bao di động đạt mức gần 124 triệu, có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet (đạt mức cao so với các nước trong khu vực). Đây là cơ sở để mở rộng phát triển thanh toán qua Internet và di động trong thời gian tới.

NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Chiến lược tài chính toàn diện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế...

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và quyền lợi khách hàng cũng được NHNN quan tâm, chú trọng thông qua việc chỉ đạo, hướng dẫn các NHTM các quy trình nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến kiến thức về thanh toán điện tử rộng rãi cho công chúng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đến thời điểm hiện nay việc phát triển TTKDTM ở Việt Nam đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân là do:

Thứ nhất, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt của người dân. Theo số liệu từ World Bank trong năm 2017 chỉ ra, 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Tỷ lệ này giảm xuống còn 80% năm 2018. Việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa còn rất lớn. Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỷ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn. Lấy ví dụ từ lĩnh vực thuế, việc nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014, với 95% DN đã đăng ký nộp thuế điện tử qua các ngân hàng thương mại. Doanh thu thực tế từ nộp thuế điện tử tăng từ 55% lên 70% tiền nộp vào Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý thích nộp thuế trực tiếp hơn nộp qua tài khoản... Tương tự, trong lĩnh vực thanh toán tiền điện, đến nay mới có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm 18,47% số khách hàng sử dụng điện trên cả nước. Một trong những nguyên nhân là thói quen của DN và người dân tiêu dùng bằng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí; đồng thời thanh toán bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân. 

Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng nông nghiệp, nông thôn còn ít. Người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Theo thống kê đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 59% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, 60% dân số ở khu vực nông thôn chưa có tài khoản và gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính. Do địa bàn rộng, đòi hỏi đầu tư lớn nên hiện số lượng điểm giao dịch ngân hàng thương mại bình quân chỉ có 2,2 điểm/khu vực hành chính nông thôn. Trong khi đó, con số này tại các quận/thành phố/thị xã xấp xỉ 40 điểm giao dịch, tức chênh lệch nhau 18 lần. Số liệu này đặc biệt thấp tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc (0,7 điểm giao dịch/huyện) và khu vực duyên hải miền Trung (1,3 điểm giao dịch/huyện). Hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… trong khi đó ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày.

Thứ ba, tâm lý e ngại tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, lo ngại về an ninh, an toàn. Thực tế tại Việt Nam đã xuất hiện các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao ăn cắp tiền của tài khoản cá nhân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa biết tự bảo vệ thông tin tài khoản và nhận thức chưa đầy đủ về giao dịch an toàn. Hiện có tới 50% người dùng bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện các giao dịch điện tử.

Thứ tư, một số sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa được thiết kế để phù hợp với hành vi, nhu cầu người sử dụng ở khu vực nông thôn, nhất là dịch vụ tài chính số, thanh toán qua điện thoại di động.

3. Giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn

Trong thời gian tới để đẩy mạnh TTKDTM ở khu vực nông thôn, ngân hàng nên quan tâm đến các vấn đề:

Một là, giúp người dân hiểu rõ tiện ích của phương tiện TTKDTM. Cần đẩy mạnh tuyên truyền một cách cụ thể hoạt động TTKDTM cho người dân hiểu biết đầy đủ hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, rồi từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp với mình. Những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân khiến cho khách hàng dần từ bỏ đi thói quen và tập quán chi tiêu bằng tiền mặt.

Hai là, tạo thuận lợi về mặt pháp lý cho lĩnh vực phi ngân hàng tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, phù hợp với địa bàn nông thôn, trong đó bao gồm việc xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực Fintech, công nghệ, mô hình thanh toán mới; đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ngân hàng – Fintech nhằm mở rộng địa bàn và đối tượng phục vụ để cung ứng dịch vụ ngân hàng – tài chính tiện ích, phù hợp nhu cầu, chi phí hợp lý tới khách hàng, góp phần tích cực phổ cập dịch vụ ngân hàng – tài chính tới người dân ở khu vực nông thôn.

Ba là, đầu tư, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới. Nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán, hoạt động ngân hàng nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch, gia tăng các tiện ích/tính năng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng.

Bốn là,  xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về an ninh, an toàn, bảo mật, bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán di động. Áp dụng các biện pháp tiên tiến, bảo đảm an toàn cho hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ, tăng cường giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, có sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị có liên quan trong bảo đảm an ninh. Trước những phương thức và thủ đoạn mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán, cần thường xuyên rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời phát hiện sớm các vi phạm để chấn chỉnh, tuân thủ các quy định về an toàn trong hoạt động thanh toán.

Năm là, hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch của ngân hàng theo hướng số hóa, tự động hóa, an toàn và thuận tiện. Kết hợp giữa ngân hàng và viễn thông phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số…) nhằm thúc đẩy TTKDTM ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác.

Tài liệu tham khảo:

- Phương Linh (2017). Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn

- Anh Minh (2018). Ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Truy cập tại http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Nganh-ngan-hang-day-manh-thanh-toan-khong-dung-tien-mat/336602.vgp

- Nhuệ Mẫn (2018). Thanh toán không dùng tiền mặt: Con số còn khá khiêm tốn. Truy cập tại https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-con-so-con-rat-khiem-ton-239898.html

- An Hạ (2018). Smartphone và Internet rất phổ biến, sao thanh toán không tiền mặt phát triển chậm? Truy cập tại https://dantri.com.vn/kinh-doanh/smartphone-va-internet-rat-pho-bien-sao-thanh-toan-khong-tien-mat-phat-trien-cham-20180928145346034.htm

- Hồng Anh (2018). Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (kỳ 1). Truy cập tại http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37581202-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-ky-1.html

- Các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, các Quyết định, Thông tư, văn bản của Ngân hàng nhà nước.

- Các trang web, báo điện tử: https://www.sbv.gov.vn; https://www.worldbank.org; https://thuvienphapluat.vn

ThS. Nguyễn Thị Phúc Hậu