Những ngày khẩn trương tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ
Sống đẹp - Ngày đăng : 08:00, 29/04/2019
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, ngày 19/4/1975, Trung ương Cục ở miền Nam có Chỉ thị: “Gấp rút chuẩn bị bộ máy tiếp quản hệ thống ngân hàng, tín dụng, quản lý các kho tiền và kim khí quý, nắm tình hình hoạt động ngân hàng, tín dụng qua hồ sơ tài liệu và các nguồn khai thác. Nghiên cứu đề xuất giải quyết các đề nghị rút tiền hoặc thanh toán liên hàng. Theo dõi tình hình biến động tiền tệ trên thị trường, phát hiện kịp thời các thủ đoạn chống phá của địch phá rối thị trường tiền tệ…”.
Bắt đầu từ miền Trung
Tỉnh Quảng Trị được giải phóng tháng 5/1972. Đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký và hình thành khu vực thuộc quyền quản lý của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam ở đây. Cùng với bộ máy chính quyền cách mạng, Ty Ngân tín Quảng Trị đã được thành lập.
Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế được giải phóng. Đoàn cán bộ của Ngân hàng Nhà nước vào tiếp quản các ngân hàng của chế độ cũ và thành lập Ngân hàng Thừa Thiên Huế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.
Ông Ngô Tuấn Kiệp, người được giao tiếp quản và thành lập Ngân hàng Thừa Thiên Huế viết trong hồi ký: “Chúng tôi đã tiếp quản các Trụ sở: Ty ngân khố (kho bạc) Thừa Thiên Huế, Đại Nam Ngân hàng, Ngân hàng Phát triển kỹ nghệ, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp, Trung Việt Ngân hàng, Ngân hàng Phát triển nông thôn Hương Thủy, Ngân hàng Phát triển nông thôn Phú Vang. Về thực chất chỉ tiếp quản trụ sở làm việc gồm: Nhà cửa, bàn ghế, tủ quầy giao dịch và kho tàng. Còn về tài sản tiền bạc và các hồ sơ tài liệu quan trọng họ đã chuyển vào Đà Nẵng và thành phố Sài Gòn từ trước. Các nhà quản lý các Ngân hàng này cũng đã cao chạy xa bay rồi.
Ngày 5/5/1975, Ngân hàng Thừa Thiên Huế khai trương hoạt động gồm có: Ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế, trụ sở đóng tại 6 Hoàng Hoa Thám, thành phố Huế, chi nhánh Ngân hàng Hữu Ngạn và chi nhánh Ngân hàng Tả Ngạn, trụ sở ở hai bên bờ sông Hương. Tiếp nối một tháng sau, các chi nhánh ngân hàng huyện ra hoạt động gồm có Hương Thủy, Phú Vang, Hương Điền, Phong Điền, Phú Lộc, sau cùng là hai huyện miền núi A Lưới, Nam Đông”.
Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng – thành phố lớn nhất của miền Trung Việt Nam được giải phóng. Tại đây, các công sở của Chính quyền cũ trong đó có các ngân hàng được quản lý bằng lực lượng quân quản. Tất cả các ngân hàng công và tư đều bị đóng cửa, có Quân giải phóng bảo vệ, chờ chỉ thị của cấp trên.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cử đoàn cán bộ 7 người do ông Lê Đình Khôi (lúc đó đang làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Yên Bái) làm trưởng đoàn vào tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng, ngân hàng cũ được tiếp quản đầu tiên là Nam Việt Ngân hàng, tiếp đến là Trung Việt Ngân hàng, Đông Phương Ngân hàng, Thương Tín Ngân hàng.
Chấp hành lệnh của Chính phủ là phải thành lập các ngân hàng để đảm bảo cho hoạt động kinh tế không bị gián đoạn. 12 ngày sau khi đoàn cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Đà Nẵng, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Đà Nẵng đã được thành lập. Công việc đầu tiên của chi nhánh ngân hàng mới thành lập này là kiểm soát toàn bộ hồ sơ chứng từ, tiền gửi tiết kiệm, khế ước cho vay, bảng cân đối tài sản… của các ngân hàng cũ vừa mới được tiếp quản. Đồng thời bố trí lực lượng để giải quyết các khâu cấp bách lúc đó như: xử lý ngoại hối nói chung, thu quét USD và các ngoại tệ khác đang lưu hành trong dân ở Đà Nẵng và các tỉnh thuộc khu V, xử lý vàng, đá quý lưu giữ trong các ngân hàng và đã thực hiện ngay một số hoạt động dịch vụ ngoại hối.
Tiếp quản thành công hệ thống ngân hàng của chế độ cũ tại Sài Gòn
Tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Sài Gòn, có nghĩa là tiếp quản toàn bộ hệ thống ngân hàng ở miền Nam vì Sài Gòn là trung tâm kinh tế - tài chính của toàn bộ miền Nam. Vì vậy, kế hoạch tiếp quản các ngân hàng ở Sài Gòn được đặt ra kỹ càng và thực hiện nhanh gọn.
Ông Trần Quang Bút, tức Năm Hải, nguyên là Trưởng phòng kế hoạch của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, đi B từ năm 1968, sau đó làm việc tại Trung ương Cục kể: “…5 giờ sáng ngày 29/4, tất cả các khối Quân Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam đồng loạt lên xe thoát ra khỏi các khu rừng của tỉnh Tây Ninh. Cả đoàn xe của quân tiếp quản đủ loại, gần 400 chiếc, cắm cờ đỏ sao vàng, cờ mặt trận nối đuôi nhau chạy dài hàng mấy cây số. Tối 29/4, chúng tôi nghỉ lại ở rừng cao su Dầu Tiếng, 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, chúng tôi tiếp tục hành quân từ ngã tư Củ Chi vào thành phố. Vào đến trung tâm thành phố lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, thấy cả một cảnh lộn xộn. Đường phố không có dân đi lại. Các góc phố, gốc cây không có một nơi nào không có quần áo, giầy mũ, súng đạn của ngụy quân vứt lại.
Ban Quân quản Ngân hàng lúc này gồm có: Ông Lữ Minh Châu, Trưởng Ban; Ông Ba Dũng, Phó Ban Thường trực; ông Năm Hải, Phó Ban; Tất các cán bộ ngân hàng (C.32) Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam đều được huy động về tiếp quản.”
Lực lượng cán bộ tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Sài Gòn được hình thành từ 3 nguồn: Nguồn từ Trung ương Cục miền Nam, đứng đầu là ông Trần Dương, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lúc đó là Phó ban Kinh tài miền Nam. Nguồn tại chỗ là số cán bộ “nằm vùng” tại Sài Gòn, trước đây đã từng làm việc trong các ngân hàng của chế độ cũ. Đặc biệt, nguồn cán bộ đông đảo và quan trọng nhất là từ miền Bắc chi viện vào. Phần lớn số cán bộ này đã có nhiều thâm niên công tác tại Vietcombank hoặc có kinh nghiệm về hoạt động ngân hàng tại thị trường tài chính tiền tệ ở phương Tây (do đã trưởng thành trong nghiệp vụ ngân hàng đối ngoại sau những năm “chốt” ở trục tứ giác “Hồng Kông – Bắc Kinh – Mátxcơva – Pari” thuộc đường dây của B.29 (đơn vị thanh toán đặc biệt) và một số khác được luân phiên thực tập dài ngày tại Eurobank Paris.
Theo sát bước chân của quân giải phóng, đoàn cán bộ tiếp quản hệ thống ngân hàng cũng hành quân thần tốc, làm việc khẩn trương, nên đến sáng ngày 1/5/1975, đoàn cán bộ tiếp quản ngân hàng dưới sự lãnh đạo của Trưởng Ban Quân quản ngân hàng Lữ Minh Châu đã lần lượt đến tiếp quản: Ngân hàng Quốc gia ở 17 Bến Chương Dương, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín ở 79 Hàm Nghi và tất cả các ngân hàng còn lại khác chỉ trong ngày 1/5/1975.
Ban Quân quản ngân hàng đặt trụ sở làm việc tại Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn, số 17 Bến Chương Dương. Từ đó, các cán bộ ngân hàng tỏa đi các cơ sở để nắm bắt tình hình, xử lý các vấn đề và triển khai những việc cấp bách. Những viên chức trọng yếu của các ngân hàng cũ, kể cả Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn trước đây cũng lần lượt được mời đến để cung cấp tình hình và giải trình những nội dung chưa rõ.
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng một đội ngũ cán bộ hùng hậu để tiếp quản và nghiêm túc chấp hành các chỉ thị của cấp trên, nên việc tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ đã diễn ra nhanh gọn ở Sài Gòn và các tỉnh, thành phố. Ban Quân quản Ngân hàng đã tiến hành niêm phong và bảo vệ tất cả các loại tài sản; quỹ tiền mặt nội, ngoại tệ, kim khí, đá quý cùng các hồ sơ tài liệu của ngân hàng để chuẩn bị cho bước xử lý tiếp theo.
Việc tiếp quản thành công hệ thống ngân hàng của chế độ cũ đã cung cấp cho chính quyền cách mạng những tài liệu và số liệu vô cùng quý giá.
Sau khi tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ, Chính quyền cách mạng đã nắm được công cụ phát hành tiền trong tay, nắm được kho tiền của Ngân hàng Quốc gia và đã tập trung được quỹ tiền mặt của các ngân hàng tư nhân để làm phương tiện chi trả phục vụ các hoạt động của chế độ mới.
(Biên soạn theo cuốn Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951-2016)