AMRO: Triển vọng và thách thức kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 09:14, 05/05/2019
Chu kỳ kinh doanh bão hòa tại các quốc gia thuộc nhóm G3, sự chậm lại mang tính chu kỳ của chi tiêu cho công nghệ và đầu tư phát triển, cùng với các bất ổn tiếp diễn xuất phát từ xung đột thương mại cho thấy động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ điều chỉnh trong giai đoạn 2019 - 2020. Đối với các nền kinh tế mở và phụ thuộc vào xuất khẩu, lực cản từ cầu bên ngoài yếu có thể trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, hầu hết các nước ASEAN+3 đều đang nỗ lực hết sức để củng cố các giá trị kinh tế cơ bản; và phần lớn các quốc gia đang trong pha giữa của chu kỳ kinh doanh, khi mà tăng trưởng kinh tế tiệm cận đường xu hướng dài hạn với mức chênh lệch sản lượng tiềm năng thu hẹp về không và lạm phát nằm trong ngưỡng mục tiêu chính sách hoặc gần với đường xu hướng dài hạn. Mặc dù không gian chính sách của phần lớn quốc gia đã bị thu hẹp, các nhà hoạch định chính sách vẫn nên tận dụng các loại đòn bẩy hoặc sử dụng bộ đệm kinh tế để giảm thiểu tác động của các trở ngại và quản lý các bất ổn mang lại bởi tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế vĩ mô.
Nhiều thị trường trong khu vực đã trải qua biến động nửa cuối năm 2018, xuất phát chủ yếu từ bất ổn thương mại toàn cầu. Sự kết hợp giữa chi phí vay cao hơn và sự tăng giá đồng USD dẫn đến căng thẳng tài chính tại các thị trường mới nổi, đặc biệt đối với các nước có cấu trúc kinh tế dễ bị tổn thương, làm gia tăng rủi ro và mức độ bán tháo tại các thị trường mới nổi. Thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu được cảm nhận mạnh mẽ tại khu vực châu Á, mà cụ thể là tại Indonesia và Philippines là 2 quốc gia có chi phí huy động vốn vay tăng mạnh. Dòng vốn chảy ra khỏi thị trường mới nổi lên đến 6 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 10 khi nhà đầu tư nước ngoài thanh lý danh mục đầu tư của họ. Đối với Việt Nam, thặng dư ở tài khoản vãng lai và tài khoản vốn đã giúp củng cố nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Tính đến cuối tháng 11/2018. Sau khi dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi chuyển hướng, các khoản vốn đầu tư nước ngoài giảm xuống khiến nhu cầu USD giảm, USD mất giá khoảng 2,1%.
Chuyển dịch lập trường chính sách tiền tệ gần đây của các quốc gia lớn sẽ làm giảm bớt áp lực lên dòng vốn chảy ra khỏi khu vực. Bước vào năm 2019, chỉ tiêu kinh tế vĩ mô suy yếu cùng với kinh tế toàn cầu (bao gồm Trung Quốc) dự kiến tăng trưởng chậm trên diện rộng sẽ làm tăng bất ổn trên thị trường. Sự “đối đầu” trong lập trường chính sách tiền tệ giữa Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – mặc dù đang trong giai đoạn bình thường hóa - đã phần nào củng cố mối quan ngại của thị trường về tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại một cách đồng bộ, dẫn đến gia tăng bất ổn. Tuy nhiên, trong tương lai, việc nới lỏng chính sách tài chính toàn cầu vẫn có thể hỗ trợ cho tăng trưởng miễn là các định hướng chính sách được thông báo một cách cụ thể và các thị trường không phải liên tục đón nhận các bất ngờ.
Theo dự đoán, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 dự kiến sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn 2019 - 2020, chi phối bởi bất ổn tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên nền tảng tăng trưởng kinh tế trong khu vực vẫn ổn định. Tăng trưởng kinh tế khu vực theo kịch bản cơ sở dự kiến ở mức 5,1% cho giai đoạn 2019 – 2020 (năm 2018 ở mức 5,3%), đã tính đến các ảnh hưởng ngắn hạn từ các biện pháp bảo hộ thương mại toàn cầu được triển khai từ trước đến nay. Lạm phát cơ bản dự kiến duy trì ổn định ở mức khoảng 2%, tương đương năm 2018. Chúng tôi cũng điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc theo hướng tăng nhẹ, lên mức 6,3% cho năm 2019 (trước đây ở mức 6,2% trong báo cáo AMRO 2019) và 6,2% cho năm 2020. Dự báo tăng trưởng chung cho khu vực ASEAN duy trì ở mức 5,1% cho năm 2019 và tăng nhẹ lên mức 5,2% cho năm 2020.
Kinh tế khu vực sẽ tiếp tục chịu thử thách từ tác động bất lợi của suy giảm thương mại toàn cầu. Các bất ổn xung quanh thương mại vẫn duy trì ở mức cao, và rủi ro leo thang xung đột thương mại vẫn còn lớn, mặc dù gần đây đã đạt được 1 số kết quả trong thỏa thuận đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ chuyển dịch đến khu vực ASEAN chủ yếu thông qua kênh xuất khẩu và kênh chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs), và ảnh hưởng có thể bị khuếch đại do tác động từ tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế trong khu vực xuất khẩu trực tiếp lớn sang Trung Quốc, cũng như gián tiếp thông qua Chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) định hướng theo cầu bên ngoài khu vực, sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về mặt tích cực, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam thông qua chuyển hướng thương mại, cũng như việc di chuyển các công ty nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Các nhà hoạch định chính sách khu vực cần luôn tỉnh táo và linh hoạt trong trong bối cảnh rủi ro có tính chất tiêu cực ngày càng trở nên rõ rệt. Một vài quốc gia đã lựa chọn các biện pháp chính sách có tính phủ đầu để giảm bớt các quan ngại của thị trường. Ở một vài quốc gia, chính sách tiền tệ được thắt chặt nhằm mục tiêu duy trì ổn định giá trong nước và nước ngoài, và cũng để ngăn ngừa rủi ro gia tăng đối với sự ổn định tài chính bắt nguồn từ thời kỳ duy trì mức lãi suất thấp kéo dài. Các biện pháp khác, ví dụ như việc đình chỉ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nặng về nhập khẩu, cũng được thực hiện để giảm bớt áp lực lên cán cân vãng lai. Về tài khóa, nền chính sách công lành mạnh sẽ cho phép chính sách tài khóa giữ vai trò quan trọng trong việc nghịch chu kỳ kinh tế. Các nước thành viên đã lựa chọn hoặc là chính sách tài khóa mở rộng, hoặc là, đối với các quốc gia bị ràng buộc bởi các quy định về tài khóa, lựa chọn việc tái cơ cấu các khoản ưu tiên chi ngân sách, kể cả khi không gian tài khóa nhìn chung bị thu hẹp trong khu vực.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ổn định năm 2018 và dự kiến duy trì tốc độ phát triển trong năm 2019. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng điện tử và dịch vụ bán buôn, bán lẻ góp phần đưa GDP tăng 7,1% năm 2018, dự kiến năm 2019 sẽ là 6,6% do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Trong nỗ lực giảm thiểu áp lực lạm phát, Chính phủ đã siết chặt quản lý việc điều chỉnh giá cả, đồng thời hoãn việc tăng thuế bảo vệ môi trường. Lạm phát năm 2018 ổn định ở mức 3,5% thấp hơn so với mức dự kiến là 4%.
Tăng trưởng tín dụng đã được kiểm duyệt, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã giảm mục tiêu từ 18% trong năm 2017 xuống 17% vào năm 2018, nhằm bảo vệ sự ổn định tài chính. Tăng trưởng tín dụng thực tế của hệ thống ngân hàng đã giảm từ 18% trong năm 2017 xuống còn 14% vào năm 2018. Mặc dù tăng trưởng tín dụng không cao, các quy định về tiền tệ vẫn được duy trì tốt, một phần là do việc Ngân hàng Nhà nước hạ thấp lãi suất chính sách cho các hoạt động thị trường mở từ 5 phần trăm đến 4,75 phần trăm vào tháng 1/2018.
Trong trung và dài hạn, các nước ASEAN+3 cần triển khai nhiều hơn các chính sách hỗ trợ triển vọng tăng trưởng khu vực và củng cố đà phục hồi. Các ưu tiên chính sách về dài hạn, ví dụ như xây dựng năng lực sản xuất và tính kết nối và phát triển thị trường vốn trong nước, nên được ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng khu vực. Cả khu vực về tổng thể đã phát triển thịnh vượng trong hai thập kỷ vừa qua, với chiến lược “sản xuất để xuất khẩu” đóng vai trò trụ cột tăng trưởng chính đối với hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang ngành dịch vụ là điều không thể tránh khỏi và các vấn đề liên quan đến đầu tư cho các ngành, lĩnh vực cần thiết để tạo ra và duy trì đà tăng trưởng sẽ cần phải tiếp tục được nghiên cứu, giải quyết.