Ngành Dệt May nỗ lực thay đổi để thân thiện với môi trường

Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 16:40, 07/05/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Doanh nghiệp Dệt May đã và đang có nhiều nỗ lực thay đổi công nghệ để thân thiện hơn với môi trường. Ghi nhận chung của các đại biểu tại cuộc họp thường kỳ Ủy ban Môi trường VITAS do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tổ chức sáng 7/5/2019 tại Hà Nội.

Toàn cảnh cuộc họp Ủy ban Môi trường VITAS

Ủy ban Môi trường của VITAS được thành lập năm 2017 với nhiều thành viên chủ chốt là doanh nghiệp hội viên với mục tiêu và kim chỉ nam là hướng các doanh nghiệp tới sự phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam. Theo bà Hoàng Ngọc Ánh, Phó Tổng thư ký VITAS, thời gian qua thành viên tham gia Ủy ban đã không ngừng mở rộng với sự tham dự của doanh nghiệp trong nước, một số nhãn hàng quốc tế, và nhiều tổ chức quốc tế.

Những hoạt động nổi bật của Ủy ban Môi trường trong năm 2017-2018 có thể kể tới gồm: Họp bàn kế hoạch hành động xây dựng chương trình “Thương hiệu Dệt May Việt Nam” phát triển bền vững trong năm 2017; Hội thảo “Xây dựng Thương hiệu - Môi trường dệt may bền vững thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng”; Hội thảo “Áp dụng chỉ số HIGG trong xây dựng thương hiệu bền vững cho ngành Dệt May Việt Nam; Ký kết biên bản ghi nhớ với WWF xây dựng chương trình hành động “Xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam”…

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS - phát biểu tại cuộc họp thường kỳ

Về định hướng hoạt động của Ủy ban trong năm 2019 và thời gian tới, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS - khẳng định, Ủy ban sẽ tiếp tục các hoạt động để thực hiện hiệu quả chương trình hành động xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam đóng góp vào Chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Việt Nam cho ngành công nghiệp như: Chia sẻ, thảo luận, lấy ý kiến về Dự thảo khung Chiến lược Xanh hóa ngành Dệt May; Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung phương pháp luận, câu hỏi phỏng vấn, thực hiện kiểm toán năng lượng tại 300 nhà máy dệt nhuộm và 200 nhà máy may; So sánh với các văn bản quy định hiện có để đưa ra các khuyến nghị cho việc sử dụng chỉ số Higg trong ngành dệt may Việt Nam như một chỉ số tiêu chuẩn; Hợp tác với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để đề xuất và thúc đẩy một hạn mức tín dụng xanh chuyên dụng cho xanh hóa ngành dệt may. Tổ chức hội thảo về tài chính trong chuỗi sản xuất ngành dệt may với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, các nhãn hàng, đại diện các nhà máy.., Tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các ngân hàng về các vấn đề liên quan đến nước và năng lượng cũng như các cơ hội cho ngành dệt may….

Cũng theo ông Cẩm, dệt may là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu trọng điểm của cả nước. Năm 2017, ngành đã đạt 31,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu; năm 2018 đạt 36 tỷ USD. Năm 2019 đặt mục tiêu 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những ngành công nghiệp có mức độ phát thải khí nhà kính cao, sau ngành điện và nhiệt, nông nghiệp, giao thông đường bộ và sản xuất dầu khí. Do vậy, việc chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam từ ngành có chi phí sản xuất và tiêu chuẩn môi trường thấp trở thành một ngành sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường là hết sức quan trọng và cấp thiết. Bản thân các doanh nghiệp trong ngành đều đã ý thức được điều đó nhờ vậy công nghệ toàn ngành nói chung và công nghệ xử lý nước thải nói riêng (vấn đề gây nhiều lo lắng nhất thời gian qua) đã được chú trọng đầu tư thích đáng. Doanh nghiệp và ngành Dệt May cũng đã nhận được sự hỗ trợ đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước có liên quan.

Các đại biểu dự cuộc họp Ủy ban Môi trường VITAS ngày 7/5

Tham dự cuộc họp, đại diện tới từ các Vụ Tiết kiệm Năng lượng Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; Vụ Chính sách Pháp chế, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chương trình Phát triển bền vững WWF … đã ghi nhận những nỗ lực thay đổi, đầu tư vào công nghệ của các doanh nghiệp ngành Dệt May trong thực thi pháp luật bảo vệ môi trường; chia sẻ những khó khăn cùng các doanh nghiệp; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin thiết thực liên quan đến yêu cầu định hướng phát triển bền vững của ngành Dệt May phù hợp với định hướng chung của Luật, những sửa đổi dự kiến và một số kế hoạch liên quan đến Chiến lược hành động tăng trưởng xanh của Việt Nam trong ngành công nghiệp.

Bà Lê Thị Minh Ánh, đại diện Vụ Chính sách pháp chế, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng bên cạnh ý thức về môi trường thì những thay đổi công nghệ của các doanh nghiệp ngành Dệt May đã có đặc biệt từ năm 2017-2018, nhưng cần phải thuyết phục hơn. Đồng thời, cần có tiếng nói của VITAS, Ủy ban Môi trường VITAS với các cơ quan liên quan để cung cấp thông tin, thuyết phục được cơ quan quản lý nhà nước để chứng minh công nghệ ngành Dệt May đã có thay đổi theo hướng thân thiện với môi trường hơn, lúc đó, sự nhìn nhận với ngành Dệt May sẽ khác đi, tiến tới đưa Dệt May khỏi danh mục ngành cần kiểm soát cao về môi trường.

Mai Phan - Đạt Trịnh