Vì đâu nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận thị trường vốn Việt Nam?
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 09:00, 09/05/2019
Sáng ngày 8/5/2019, Hội thảo “Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức đã đưa ra giải pháp nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cùng sản phẩm mới.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu |
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để cân bằng giữa sự thuận lợi của kinh doanh cũng như an toàn của xã hội, SSC và CIEM đang nỗ lực cùng các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi và Luật doanh nghiệp sửa đổi, nhằm điều tiết hoạt động doanh nghiệp chặt chẽ và hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn. Đại diện CIEM cho biết đã đến lúc và cần thiết phải đưa chứng chỉ không có quyền biểu quyết NVDR vào vận hành. Thế giới đã triển khai sản phẩm này đầu tiên năm 1920, tức là cách đây gần 100 năm. Ông mong muốn hội thảo hôm nay sẽ đánh giá công cụ mới một cách toàn diện để có thể áp dụng triển khai thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Drangon Capital, phát biểu |
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Dragon Capital, tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam là 310 tỷ USD, trong khi quy mô thị trường chứng khoán đạt 170 tỷ USD. Dữ liệu ngày 23/4/2019 của Dragon Capital cho thấy, tổng vốn hóa trên 2 sàn niêm yết là HOSE và HNX đạt tới 145 tỷ USD. Tổng vốn hóa nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ trên hai sàn này đạt 35 tỷ USD; số cổ phần tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài còn lại là 18 tỷ USD. Room của nhóm cổ phiếu 4 doanh nghiệp lớn như Vingroup, Vinamilk, Novaland và Điện lực dầu khí Việt Nam đã chiếm hơn nửa và chỉ còn khoảng 8,5 tỷ USD cho nhóm 751 cổ phiếu còn lại. Với thực trạng trên, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ gặp khó vì không có nhiều lựa chọn cổ phiếu phù hợp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu ngành lại hết room và có định giá thấp nhất thị trường. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến huy động vốn của doanh nghiệp.
Phân tích lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài chưa được mở room lên mức tối đa, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách Hội đồng quản trị HOSE cho rằng phải kể đến những khó khăn trong việc xác định ngành nghề kinh doanh có nhiều điều kiện và thủ tục; khi công ty nới room lên trên 51% thì họ sẽ được xem là doanh nghiệp nước ngoài, trong một số ngành nghề họ sẽ bị hạn chế như y tế và công nghệ thông tin. Mặc dù vậy, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam rất lớn. Hiện nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 24,6% giá trị giao dịch tại VN-Index, tương đương khoảng 31 tỷ USD và 27,35% trong VN30, top 3 ngành nắm giữ là tiêu dùng thiết yếu (trên 50%), ngành công nghệ thông tin (48%) và y tế (trên 40%), ngành sở hữu thấp nhất là thiết yếu (5%).
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách Hội đồng quản trị HOSE |
Để giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp cận thị trường vốn Việt Nam, sau khi nghiên cứu những nước phát triển như Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia,… , bà Việt Hà thông tin Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh đã nghiên cứu 2 sản phẩm là cổ phiếu không có quyền biểu quyết, chứng chỉ không có quyền biểu quyết (Non – voting Depository Receipt, NVDR) và đã đề xuất lên UBCKNN để đưa vào dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi.
Về NVDR, Sở giao dịch chứng khoán sẽ thành lập công ty con để phát hành loại chứng chỉ lưu ký này, sau đó sẽ được tự động niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, trực tiếp phát hành trên thị trường thứ cấp mà không thông qua sơ cấp. NVDR được giao dịch và khớp lệnh cùng với các lệnh mua/bán cổ phiếu trên cùng một sổ lệnh, 1 NVDR tương ứng với 1 cổ phiếu cơ sở. Tổ chức phát hành NVDR chỉ chuyển giao quyền lợi tài chính, không chuyển giao quyền biểu quyết và không giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên một số vấn đề lưu ý trước khi triển khai như điều kiện thành lập tổ chức phát hành NVDR (TCPH NVDR); giới hạn số lượng NVDR được phát hành, cách thức chuyển đổi NVDR và quá trình tham dự, biểu quyết. Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, nếu theo quá trình thông thường thì dự kiến ít nhất phải 2 – 5 năm sau mới triển khai hoàn thiện thực tế, vậy nên cách nhanh nhất là lấy NVDR của Thái Lan làm cơ sở để hiệu chỉnh cho phù hợp với điều kiện tại Việt Nam và tạo ra sản phẩm NVDR Việt Nam. Đầu tiên là “thí điểm” cho phép Sở GDCK được thành lập công ty con là tổ chức phát hành NVDR, quy định rõ điều kiện thành lập công ty con; giới hạn số lượng NVDR phát hành nhỏ hơn 15%, NHNN có cơ chế đặc thù ưu tiên cho TCPH NVDR; chỉ được phép chuyển đổi từ NVDR sang cổ phiếu khi NVDR bị hủy niêm yết.
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu cho rằng những sản phẩm nêu trên sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và nâng hạng TTCK Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, rất nhiều những ý kiến đóng góp đã được ghi nhận để giúp cơ quan chức năng lấy đó làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế và khung pháp lý.