Sự cần thiết phải có người đại diện - là tiếng nói của các tổ chức tín dụng
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 07:30, 11/05/2019
Ông Ngô Tuấn Kiệp - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ I |
Trong ký ức những cán bộ đã từng làm việc tại Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam), hình ảnh người Tổng Thư ký Hiệp hội nhiệm kỳ I Ngô Tuấn Kiệp luôn hiện lên rõ nét, ghi dấu ấn rất quan trọng trong việc khai sinh và định hướng cho hoạt động thời kỳ đầu trứng nước của Hiệp hội, đặc biệt trên lĩnh vực đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế…
Tìm đến căn nhà của ông nằm trong một ngõ nhỏ của phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội mang thiết kế, nội thất hơi hướng giản dị như thời bao cấp, chúng tôi được ông kể cho nghe nhiều câu chuyện thú vị. Trước khi làm Tổng Thư ký HHNH Việt Nam nhiệm kỳ I, ông Kiệp đã trải qua nhiều vị trí công tác, vừa làm thực tiễn, vừa làm chính sách tại hội sở chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trung ương. Thời kỳ làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, ông chủ yếu phụ trách mảng xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách để đổi mới hoạt động ngân hàng và phụ trách một phần lĩnh vực tín dụng của ngành. Nhiều cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng trong giai đoạn chuyển mình đổi mới của đất nước và ngành Ngân hàng (1986-1989) có dấu ấn của ông.
Qua câu chuyện, thấy rõ ông Kiệp là một trong những cán bộ của đất nước đã sớm có ý thức đổi mới, cải tổ, học hỏi kinh nghiệm thế giới để tìm giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra đối với ngành Ngân hàng, đặc biệt, trong việc xây dựng đề án “Đổi mới hoạt động ngân hàng”, dự thảo hai Pháp lệnh về Ngân hàng ban hành năm 1990 và đề án thành lập HHNH Việt Nam.
Các thành viên Ban trù bị thành lập HHNH Việt Nam |
Ông Ngô Tuấn Kiệp chính là người đã thay mặt Ban trù bị thành lập HHNH Việt Nam ký tên trên Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Ông Kiệp kể lại: Trong công cuộc đổi mới hệ thống Ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo soạn thảo và trình lên Nhà nước và Chính phủ 3 đề án lớn. Trong đó, hai đề án về Pháp lệnh Ngân hàng và chính sách tiền tệ của NHNN được thông qua trước. Từ khi có được công cụ này, NHNN đã sử dụng tốt, đem lại kết quả kiềm chế được lạm phát. Tuy nhiên, đến tận năm 1993, vẫn còn một đề án nữa cần phải tiếp tục, đó là về việc xây dựng, hình thành một tổ chức nghề nghiệp phi Chính phủ để chăm lo việc nâng cao trình độ quản lý kinh doanh cho các ngân hàng thương mại (NHTM), tạo lập sự thuận lợi trong việc thi hành các chính sách của Nhà nước. Trong đó, trình độ quản lý kinh doanh là điều mà các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài còn lo ngại bởi trình độ nghề nghiệp kinh doanh và dịch vụ của hệ thống NHTM Việt Nam đang còn nghèo nàn và yếu kém.
Chương trình tài trợ của IMF thông qua dự án VIE 90/005 đã đề cập đến việc rất cần thiết phải thành lập HHNH và dự án tài trợ song phương của Cộng hòa Liên bang Đức đã ghi vào chương trình trợ giúp cho Việt Nam việc thiết lập được một tổ chức hiệp hội ngân hàng đủ năng lực hoạt động.
Vì Việt Nam chưa có Hiệp hội Ngân hàng nên chưa thể liên hệ với các Hiệp hội Ngân hàng các nước và Hiệp hội Ngân hàng khu vực châu Á - để có được những thông tin về kinh nghiệm quản lý kinh doanh ngân hàng và tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho Việt Nam.
Các đoàn trợ giúp kỹ thuật ở các nước và quốc tế lúc bấy giờ muốn vào giúp đỡ hệ thống NHTM Việt Nam rất cần có tổ chức Hiệp hội Ngân hàng làm đầu mối để phổ cập chung kinh nghiệm không chỉ cho các NHTM quốc doanh mà cả cho các ngân hàng cổ phần khác một cách bình đẳng.
Kinh nghiệm ở các nước, Hiệp hội Ngân hàng có những ban nghiên cứu các đề án phối hợp hoạt động trong các lĩnh vực xác lập mạng lưới thông tin, tin học, tổ chức thanh toán liên ngân hàng và bù trừ, lập thị trường tiền tệ liên ngân hàng về vốn ngắn hạn… Ở Việt Nam cho đến năm 1993, vì chưa có Hiệp hội Ngân hàng, nên NHNN phải gánh vác mọi lĩnh vực hoạt động của NHTM, chậm khắc phục tâm lý ỷ lại và hạn chế việc nâng cao ý thức tự chủ tài chính. Lẽ ra NHNN chỉ tập trung vào việc ban hành những quy chế quản lý và kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đến đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20, Việt Nam đã có 4 NHTM quốc doanh, 23 NHTM cổ phần, 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 3 ngân hàng liên doanh, 40 tổ chức tín dụng khác. Số lượng ngân hàng phát triển ngày càng đông đảo. Vì vậy, Ban lãnh đạo NHNN thấy cần thiết phải xúc tiến thiết lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của các NHTM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 47/QDMTQ ngày 11/3/1993 thành lập Ban trù bị để tổ chức vận động xây dựng đề án thành lập Hiệp hội Ngân hàng trình Chính phủ duyệt.
Ban trù bị đã tổ chức thu thập tài liệu kinh nghiệm hoạt động của nhiều Hiệp hội Ngân hàng như: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Hồng Kông, Thượng Hải, Nhật, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Úc, Malaysia… Đặc biệt, Hiệp hội Ngân hàng Pháp đã giúp đỡ tổ chức giới thiệu kinh nghiệm và cho những lời khuyên rất bổ ích.
Trong Tờ trình Thủ tướng về việc xin thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nội dung hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam được nêu như sau:
- Đặt mối quan hệ thường xuyên giữa các hội viên, cung cấp diễn đàn phổ cập các chủ trương, chính sách của Chính phủ và của Ngân hàng Trung ương để phối hợp hành động có hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước.
- Thu thập ý kiến đề nghị của hội viên để nghiên cứu và đại diện cho các ngân hàng kinh doanh phát biểu với Ngân hàng trung ương, với các cơ quan của Chính phủ và Nhà nước về chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
- Tổ chức nghiên cứu và thiết lập các đề án phát triển các nghiệp vụ kinh doanh và dịch vụ đa dạng, phổ cập kinh nghiệm trong nước, ngoài nước, lập chương trình phối hợp với các trường đại học và nghiệp vụ để đào tạo nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa Ngân hàng.
- Đặt mối quan hệ với Hiệp hội Ngân hàng các nước và quốc tế, để tuyên truyền hoạt động Ngân hàng Việt Nam Việt Nam và tiếp nhận kinh nghiệm chuyên môn kỹ thuật hiện đại, để có các giải pháp ứng dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
- Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp phi chính phủ, kinh phí để hoạt động do hội viên đóng góp.
Ông Ngô Tuấn Kiệp phát biểu tại hội nghị bàn tròn khu vực tư nhân về ảnh hưởng và ứng phó trước khủng hoảng tài chính khu vực Asean tổ chức tại Indonesia tháng 3/1998 |
Ông Kiệp cho biết, cho đến khi xin thành lập HHNH Việt Nam, chưa có một tổ chức hiệp hội nghề nghiệp nào được thành lập. Vì vậy, khi đề án đưa ra, cũng có một số lãnh đạo phản đối, trong đó có ý kiến cho rằng: “Ngân hàng kinh doanh đi, bày vẽ làm gì hội với hè…”. Tuy nhiên, Đề án thành lập Hiệp hội Ngân hàng lại được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ và sự đồng tình của đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Chính phủ, Hội đồng tài chính tiền tệ của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân... Và ngày 18/8/1993, tại phiên họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước đã thông qua Đề án thành lập Hiệp hội Ngân hàng, nhất trí việc trình lên Chính phủ.
Kết quả, ngày 14/5/1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 247/TTg cho phép thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Quyết định do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh ký.