“Trong các bước đường phát triển và đổi mới hệ thống đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm của Việt Nam có dấu ấn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam”
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:05, 11/05/2019
Ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp |
Trong nền kinh tế thị trường, việc xác lập các giao dịch bảo đảm ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, việc công khai, minh bạch các giao dịch bảo đảm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch và khuyến khích hoạt động đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) đã tích cực, chủ động cùng với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đề xuất và thực thi nhiều cải cách trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, thể hiện trong các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển và các động sản khác.
Để đạt được các kết quả nêu trên, bên cạnh những nỗ lực của ngành Tư pháp, còn có những đóng góp tích cực, hiệu quả của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó chúng tôi đánh giá cao vai trò của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam). Có thể nói, trong các bước đường phát triển và đổi mới hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm của Việt Nam có dấu ấn của HHNH. Với tư cách là hội nghề nghiệp của các tổ chức tài chính Việt Nam, HHNH Việt Nam trở thành cầu nối quan trọng giữa Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) với các tổ chức tín dụng.
Thời gian qua, HHNH Việt Nam đã đồng hành cùng Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) đề xuất những sáng kiến và giải pháp hữu ích, góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách và hiện đại hóa hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm của Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, nay là Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP…), HHNH Việt Nam đã sát cánh cùng Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) trong việc góp ý kiến đối với dự thảo, tham vấn, lấy ý kiến của tổ chức tín dụng hội viên, qua đó đảm bảo cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh đó, HHNH Việt Nam cũng đã làm đầu mối tổng hợp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm của các tổ chức tín dụng, kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp giúp chúng tôi có cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật. Không chỉ tham gia vào quá trình hoàn thiện thể chế, HHNH Việt Nam còn phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo, tập huấn pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm cho các tổ chức tín dụng, qua đó, giúp thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Tọa đàm Đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật hiện hành về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ do HHNH Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chinh quốc tế IFC (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) tổ chức tháng 6/2018 |
Trong tất cả các hoạt động nêu trên, HHNH Việt Nam luôn thể hiện sự chủ động, tích cực phối hợp cùng với Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm). Chính những điều đó đã mang lại hiệu quả cao cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm được ban hành đảm bảo tính khả thi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực thi pháp luật. Chúng tôi đánh giá cao vai trò và những đóng góp của HHNH Việt Nam đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Những đề xuất, kiến nghị của HHNH Việt Nam là nguồn tham khảo có giá trị đối với Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) trong việc xây dựng các giải pháp hoàn thiện thể chế và đổi mới hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm, góp phần tạo lập hành lang pháp lý an toàn cho việc cho vay có bảo đảm, qua đó, thúc đẩy việc chuyển dịch nguồn vốn tín dụng từ các trung gian tài chính vào quá trình sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thời gian tới, chúng tôi hi vọng và tin tưởng rằng, với kinh nghiệm và khả năng của mình, HHNH Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn nữa vai trò liên kết hội viên và làm cầu nối giữa các tổ chức tín dụng với Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm), tiếp tục có những đóng góp, hỗ trợ tích cực cho Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đăng ký biện pháp bảo đảm để thúc đẩy hơn nữa tiến trình cho vay có bảo đảm bằng tài sản của Việt Nam.