Thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - sự đổi mới tư duy về hoạt động ngân hàng trong kinh tế thị trường

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 06:30, 13/05/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Làm thế nào để biến ngân hàng thành ngân hàng toàn dân, nhiều người dân, trong đó có chính đội ngũ cán bộ, công nhân viên của ngân hàng hiểu, đồng tình và tham gia tích cực vào hoạt động ngân hàng. Đây là một trong những tư tưởng chủ đạo thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam”, ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam chia sẻ.

Để hiểu rõ hơn bối cảnh ra đời, những người đã có công góp phần xây dựng nên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chúng tôi tìm đến người lãnh đạo cao nhất của ngành trong thời kỳ đó - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam Cao Sĩ Kiêm.

Ông Cao Sĩ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN việt nam

Ông Cao Sĩ Kiêm lãnh đạo NHNN Việt Nam trong giai đoạn (1989-1997) khi ngành Ngân hàng, song hành cùng đất nước chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới và hội nhập. Thời kỳ mà rất nhiều cơ chế, chính sách quản lý, điều hành còn theo kiểu “dò đá tìm đường” (theo cách nói của ông Cao Sĩ Kiêm). Thành công nhiều, cũng có những trả giá, sai lầm… nhưng không có một thời kỳ như vậy thì không có ngày hôm nay.

Tư tưởng đổi mới đã bắt đầu từ Đại hội VI (tháng 12/1986) đến Đại hội VII (tháng 6/1991) của Đảng, đã nêu rõ cơ chế vận hành nền kinh tế là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Có thể xem đây là một bước tiến lớn trong nhận thức, trong tư duy về thị trường, cơ chế thị trường của Đảng ta. Ngày đó, Đảng và Nhà nước trực tiếp chỉ đạo hoạt động ngân hàng rất chặt chẽ, thường xuyên. Cho đến bây giờ, ông Cao Sĩ Kiêm còn nhớ như in lời nói của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười lúc đó: “Phải biến ngân hàng từ của quốc doanh, tập thể thành ngân hàng của toàn dân”.

Ông Kiêm nói, là lãnh đạo ngành, ông đã suy nghĩ làm thế nào để biến ngân hàng thành ngân hàng toàn dân, nhiều người dân, trong đó có chính đội ngũ cán bộ, công nhân viên của ngân hàng  hiểu, đồng tình và tham gia tích cực vào hoạt động ngân hàng. Đây là một trong những tư tưởng chủ đạo thúc đẩy NHNN Việt Nam thành lập các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức công đoàn ngành Ngân hàng, Vụ Tổng kiểm soát nội bộ NHNN Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam).

Ông Cao Sĩ Kiêm nói: “Khi bắt đầu đổi mới, hội nhập, Việt Nam chưa có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng, mô hình quản lý về cơ chế thị trường và hội nhập. Vì vậy, chúng tôi xác định song song với đổi mới nghiệp vụ phải đổi mới về tư tưởng, nhận thức về hoạt động ngân hàng trong kinh tế thị trường. Để làm được như vậy phải làm công tác vận động quần chúng. Phải xây dựng các tổ chức có tính quần chúng để tập hợp mọi người. Đây cũng là yêu cầu phải thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - tổ chức nghề nghiệp của ngành nhằm các mục đích: (i) Tuyên truyền chính sách pháp luật; (ii) Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức ngân hàng, kể cả quyền lợi về đời sống của cán bộ công nhân viên ngân hàng trong kinh tế thị trường; (iii) Đoàn kết các tổ chức tín dụng, cùng nhau hoạt động theo Điều lệ được mọi tổ chức thành viên đồng tình; (iv) Giúp các tổ chức tín dụng đào tạo, giáo dục nghiệp vụ cho cán bộ.

Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (ngoài cùng, bên phải) phát biểu tại phiên họp thường niên đầu tiên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có sự tham dự của lãnh đạo NHNN, ông Cao Sĩ Kiêm Thống đốc (thứ ba từ phải sang)

Ông Cao Sĩ Kiêm nhớ lại những ngày vất vả để xin chủ trương và làm thủ tục thành lập Hiệp hội. HHNH Việt Nam là hiệp hội nghề nghiệp đầu tiên xin thành lập ở Việt Nam trong bối cảnh chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này. Vì vậy, mọi công việc có liên quan đến thành lập HHNH Việt Nam đều vừa tìm tòi, học hỏi, vừa thuyết phục cấp trên (Tổng bí thư, Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ…). Lúc đó, việc thành lập Hiệp hội phải trình Thủ tướng Chính phủ (có lúc trình Chủ tịch nước) duyệt chủ trương, điều lệ, thậm chí Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bố trí cả nhân sự của Hiệp hội. Bởi thế, thời gian làm thủ tục thành lập HHNH Việt Nam khá lâu, bổ nhiệm cũng cân nhắc kỹ càng. Bù lại, do có sự chuẩn bị kỹ càng và xem xét nhân sự chặt chẽ nên ngay từ khi mới ra đời, HHNH Việt Nam đã phát huy tác dụng được ngay. Một thuận lợi nữa theo ông Cao Sĩ Kiêm là các ngân hàng thương mại ngay từ đầu đã hưởng ứng, tham gia tích cực Hiệp hội. 

“Lúc đầu hoạt động của Hiệp hội cũng đơn giản thôi, nhưng càng ngày càng đi vào thực chất, phát triển, Hiệp hội đã phát huy được vai trò của mình, ngày càng quan trọng hơn trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên, hỗ trợ tốt NHNN trong các hoạt động tham vấn chính sách, cầu nối giữa tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý Nhà nước…”, nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm nhận xét.

Trịnh Ngọc Lan - Phan Hoàng Mai