Thủ tướng nghe các nhà khoa học góp ý Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm

Tin tức - Ngày đăng : 08:50, 14/05/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều 13/5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị “các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII của Đảng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Đây là cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với các nhà khoa học để lắng nghe ý kiến góp ý về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Cho biết đề cương chi tiết của 2 văn kiện đang được hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương tới đây, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học tập trung góp ý vào 3 nội dung. Trước tiên là đánh giá về thực trạng đất nước trên các mặt, kể cả kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Thứ hai là đánh giá, làm rõ hơn bối cảnh quốc tế trong nước thời gian tới và những khó khăn, thách thức, yêu cầu đặt ra đối với nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, độ mở nền kinh tế rất lớn. Vấn đề thứ 3 là quan điểm, định hướng, đột phá phát triển, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực mà Chiến lược 10 năm đưa ra, đặc biệt là sự phát triển bền vững, mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cũng như quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tại hội nghị, ý kiến các nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với phát triển. Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng phải thông qua con đường của sáng tạo, tăng trưởng xanh, bao trùm và phát triển bền vững. Cơ hội vàng cho tăng trưởng nhanh, sáng tạo và bền vững là cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ cấu dân số vàng. Có thể đột phá và có những bước nhảy vọt ở một số lĩnh vực có mức độ công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng giai đoạn tới. Phát triển nguồn nhân lực với trình độ và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu mới của kỷ nguyên số. Khuyến khích mạnh mẽ khu vực tư nhân đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.

Các thành phần kinh tế, các tầng lớp xã hội đều phải được khuyến khích sáng tạo và được truyền cảm hứng sáng tạo, cảm hứng về sự vươn lên của dân tộc, đạt được khát vọng. Đặc biệt chú ý tầng lớp trẻ luôn năng động, sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Cần bồi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, những người dẫn dắt nền kinh tế.

Bên cạnh góc độ kinh tế, các ý kiến cũng cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực xã hội, cần nhấn mạnh mục tiêu xã hội, văn hóa, con người. Sự ổn định xã hội đi liền với tăng tưởng kinh tế. Có ý kiến góp ý, cần có bộ chỉ số về phát triển xã hội. Đột phá dựa vào phát huy giá trị con người là điều rất có ý nghĩa.

Ghi nhận các ý kiến là một kênh quan trọng trong việc xây dựng văn kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các ý kiến nêu ra tại hội nghị hôm nay có thông tin mới, sát thực tế, chỉ ra nhiều vấn đề bức xúc, nhiều định hướng tháo gỡ, đặc biệt là lối ra cho phát triển; bày tỏ mong muốn trong hội nghị sắp tới sẽ có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn.

Về thực trạng kinh tế - xã hội, qua các ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhìn nhận, gam màu sáng vẫn là phổ biến, chủ đạo mặc dù vẫn còn những đốm đen nguy hại, những nguy cơ, cần nhận diện và khắc phục. Lưu ý nguy cơ tụt hậu là hiện hữu nếu không tự vươn lên, không có khát vọng dân tộc để xây dựng đất nước, Thủ tướng tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua thách thức, những điểm ngăn trở để đưa đất nước phát triển hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh ý kiến cho rằng một động lực phát triển nhanh và bền vững là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, hoài bão của dân tộc. Vấn đề công nghệ, nông nghiệp nông thôn, du lịch là những lĩnh vực nhiều tiềm năng, trong đó, công nghệ và doanh nghiệp công nghệ là lối ra cho sự phát triển nhanh, bền vững. Không chỉ kinh tế, Thủ tướng cũng quan tâm nhiều ý kiến đề cập đến các vấn đề văn hóa, xã hội.

Thủ tướng cho biết, Tiểu ban sẽ tiếp tục mời các nhà khoa học góp ý trong quá trình xây dựng văn kiện, đồng thời nhấn mạnh tinh thần chủ động, không để nước đến chân mới nhảy, không để mất niềm tin, mất chế độ, phải sửa cái sai, cái khiếm khuyết, nhất là phải giữ gìn văn hóa, đạo đức, nâng cao năng lực, đặc biệt là nâng cao năng suất lao động. Thường trực Tiểu ban sẽ đặt hàng một số nhà khoa học có mặt hôm nay theo chuyên đề để nghiên cứu sâu hơn.

P.Chi