Vai trò của VAMC trong việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu tập trung
Diễn đàn tài chính tiền tệ - Ngày đăng : 08:30, 25/05/2019
Ngày nhận bài: 19/4/2019 - Ngày biên tâp: 19/4/2019 - Ngày duyệt đăng: 22/4/2019 (Bài viết đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 9, 2019)
Tóm tắt: Sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 là dấu mốc quan trọng đối với hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đánh dấu bước phát triển mới, tất yếu trong quá trình xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Cùng với sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động xử lý nợ và sự chủ động triển khai của mình, VAMC thực hiện thành công việc mua nợ theo giá trị thị trường đầu tiên vào tháng 8/2017 và đến nay đã thực hiện mua hơn 45 khoản nợ xấu với giá mua là 5.959 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy các TCTD đã bước đầu nhập cuộc. Đây sẽ là những viên gạch đầu tiên cho việc hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
Bài viết tập trung nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn khi phát triển thị trường đồng thời đánh giá khả năng phát triển của thị trường mua bán nợ xấu tập trung trong đó VAMC hoạt động với vai trò là trung tâm thúc đẩy thị trường.
Từ khóa: VAMC, thị trường mua bán nợ xấu tập trung, thị trường mua bán nợ, giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc doanh nghiệp
Roles of VAMC in developing centralized debt market
Abstract: The issuance of Resolution No.42/2017/QH14 is an important milestone to the activities of Vietnam Asset Management Company (VAMC), marking new and inevitable development stage in the process of non - performing loans (NPLs) handling. With the support from the National Assembly, the Government, the State Bank of Vietnam in the perfecting legal framework for NPLs handling and the proactive implementation of VAMC, VAMC successfully bought the first debt based on market value in August 2017 and up to now, it has bought more than 45 debts with buying price of VND 5.959 billion. This is a very first stone for the formation of debt market in Vietnam. The article focuses on reviewing advantages, difficulties in developing centralized debt market, at the same time evaluates its development capability, in which VAMC plays as a central accelerator of the market.
Key words: VAMC, centralized debt market, NPLs handling, corporate restructuring
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh trao Cờ thi đua cho VAMC - Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017 |
Sau khi mua nợ, VAMC triển khai ngay các biện pháp xử lý bao gồm đôn đốc thu hồi nợ, bán khoản nợ/tài sản bảo đảm, thu giữ tài sản bảo đảm và phối hợp với cơ quan chính quyền địa phương hỗ trợ khách hàng hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan nhằm chuyển nhượng các dự án bất động sản dở dang,… Tính lũy kế đến ngày 31/12/2018, VAMC đã thu hồi được 3.549 tỷ đồng, trong đó thu hồi cơ bản các khoản nợ đã mua trong năm 2017. Tính đến thời điểm này, 7 TCTD đã thực hiện mua bán nợ theo giá trị thị trường với VAMC.
1. Những thuận lợi và khó khăn khi phát triển thị trường mua bán nợ xấu tập trung
1.1 Thuận lợi
Thứ nhất, nợ xấu là một tồn tại khách quan, do vậy luôn có nguồn cung hàng hóa cho thị trường mua bán nợ xấu, là điều kiện cần để phát triển thị trường mua bán nợ
Trong hoạt động tín dụng, dù muốn hay không thì nợ xấu vẫn tồn tại. Ở Việt Nam, nếu theo dõi quá trình hình thành nợ xấu tại các TCTD thì chủ yếu nợ xấu phát sinh trong giai đoạn 2012-2014, sau khi nền kinh tế có vấn đề như bong bóng bất động sản vỡ, thị trường chứng khoán đổ vỡ... có thể khẳng định nguyên nhân chính dẫn tới nợ xấu chính là sự bất ổn của nền kinh tế hình thành nên nợ xấu. Như vậy, nợ xấu là một tồn tại khách quan của xã hội, nó là nguồn cung hàng hóa, là điều kiện cần để phát triển thị trường mua bán nợ xấu.
Thứ hai, chủ trương phát triển thị trường mua bán nợ xấu được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm
Khái niệm “mua bán nợ xấu theo giá thị trường” được đề cập tới trong định hướng chung tại một số văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan đề xuất nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, tiến tới hình thành thị trường mua bán nợ xấu tập trung. Cụ thể: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh: “Hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ”; Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh mua bán nợ...
Thứ ba, Chính phủ thành lập hai công ty mua bán nợ của Nhà nước (VAMC và DATC), góp phần quan trọng trong việc giải quyết nợ xấu, hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, VAMC đã thể hiện được vai trò của mình, góp phần trong việc giải quyết nợ xấu, giúp các TCTD chuyển một lượng nợ xấu lớn ra khỏi bảng cân đối kế toán, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Đồng thời với hoạt động mua bán nợ theo cơ chế thị trường, VAMC giúp các TCTD xử lý nhanh nợ xấu, có thêm dòng tiền quay vòng vốn cho hoạt động tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Còn với DATC, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, DATC cũng đạt được một số kết quả nhất định, thông qua công tác mua và xử lý nợ các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ đã được DATC xử lý để lành mạnh hóa tài chính, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động. Sau khi được tái cơ cấu, các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần đáng kể vào ngân sách nhà nước, giúp cho việc tái cấu trúc các doanh nghiệp thành công.
Thứ tư, quy định pháp luật có liên quan đến thị trường mua, bán nợ đã từng bước được hoàn thiện
Khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ xấu từng bước được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ, cụ thể: Việc xác định thế nào là khoản nợ xấu đã được quy định khá chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định pháp luật về điều kiện để các chủ thể tham gia thị trường mua, bán nợ xấu đã khá đầy đủ, hoạt động mua, bán nợ xấu trên thị trường mua, bán nợ đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Pháp luật có liên quan đến thị trường mua, bán nợ như Luật kinh doanh bất động sản, chính sách thuế, chính sách tín dụng, quy định về phân loại nợ, xử lý tài sản bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với Hợp đồng mua, bán nợ; đồng thời các quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các công ty mua bán nợ của Nhà nước đã được xây dựng và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, quy định về điều kiện kinh doanh mua bán nợ (Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh mua bán nợ). Đặc biệt, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD với nhiều giải pháp mang tính đột phá, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức mua bán nợ xấu tại Việt Nam. Nghị quyết 42 đã khẳng định rõ ràng hơn quyền của chủ nợ của VAMC và TCTD; góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc trả nợ, không còn tâm lý chây ỳ, né tránh không thực hiện nghĩa vụ của mình; tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường; giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu.
Thứ năm, thị trường sơ cấp mua bán nợ xấu đã được hình thành
Các khoản nợ xấu được TCTD bán ra dưới các hình thức TPĐB hoặc theo giá trị thị trường (TCTD bán nợ cho VAMC; TCTD bán cho DATC, TCTD hoặc AMC của TCTD khác dưới hình thức do TCTD lựa chọn: đấu giá, chào giá cạnh tranh hoặc thỏa thuận trực tiếp…).
Tuy khối lượng giao dịch chưa nhiều nhưng kết quả đạt được đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của thị trường mua bán nợ nói chung và thị trường mua bán nợ xấu nói riêng. Khối lượng giao dịch bắt đầu chuyển biến từ khi VAMC đi vào hoạt động tháng 10/2013 và đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được kiểm soát ở mức dưới 3%.
1.2 Khó khăn
Thứ nhất, thị trường mua bán nợ xấu chưa phát triển và thiếu tính cạnh tranh, số lượng chủ thể tham gia còn ít
Để thị trường mua bán nợ xấu phát triển, điều quan trọng là phải có nhiều bên tham gia, trong đó các tổ chức mua bán nợ chính là lực lượng chủ yếu. Tại các quốc gia đã hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, số lượng chủ thể tham gia thị trường tương đối nhiều và đa dạng. Tại Thái Lan, sau một quá trình hoạt động lâu dài, thị trường mua bán nợ xấu thực sự là một thị trường năng động với nhiều người mua, người bán và cả người mua, người bán đều rất tích cực kết nối, trao đổi thông tin để thực hiện các giao dịch trên thị trường. Tính đến hiện tại, toàn Thái Lan có khoảng 60 AMCs đang hoạt động tích cực và hiệu quả. Tại Hàn Quốc, một trong những đặc điểm thành công của thị trường là có sự tham gia đa dạng của các công ty xếp hạng tín dụng. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện tại dù nguồn cung về nợ xấu khá lớn nhưng số lượng công ty chuyên về mua bán nợ xấu lại không nhiều, mới chỉ có VAMC, DATC, AMC của các TCTD và một số tổ chức, cá nhân khác tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu, trong đó, một số AMC của TCTD hiện nay chỉ hoạt động trong phạm vi các tài sản và khoản nợ của chính TCTD đó, thay vì tham gia thị trường mua bán nợ như các AMC khác. Ngoài ra, các chủ thể trung gian tham gia thị trường: các đơn vị xếp hạng, các đơn vị môi giới chuyên nghiệp, tư vấn tại Việt Nam chưa thực sự phát triển, số lượng còn hạn chế, thậm chí chưa được hình thành.
VAMC đã và đang là một công cụ xử lý nợ xấu đặc thù hữu hiệu và có tính khả thi nhất |
Thứ hai, năng lực tài chính của các chủ thể tham gia thị trường còn yếu
Trong số các chủ thể tham gia mua bán nợ xấu, ngoài VAMC và DATC có quy mô vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng trở lên, các AMC và một số chủ thể khác đều hạn chế về vốn. Con số này so với khối lượng nợ xấu cần xử lý trên thị trường còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ. Nguồn vốn bị hạn chế, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chậm (có những khoản nợ phải mất vài năm để xử lý) lại càng gây khó khăn cho các thủ thể tham gia. Hoạt động mua bán nợ xấu hiện cần có một đơn vị đầu mối đủ năng lực đóng vai trò trung tâm thúc đẩy thị trường.
Có quá ít công ty mua nợ dẫn tới tình trạng độc quyền mua. Chính vì vậy, giá chào mua của DATC rất thấp, chỉ từ 30 - 40% giá trị nợ gốc, điều này đã làm hạn chế sự phát triển của thị trường và tác động đến nhu cầu muốn bán nợ của các TCTD. Trong khi đó, từ khi thành lập đến nay, trung bình mỗi năm, DATC xử lý được gần 1.000 tỷ đồng nợ xấu, một con số quá nhỏ so với dư nợ xấu cần giải quyết.
Thứ ba, thông tin về hàng hóa nợ xấu trên thị trường thiếu minh bạch, còn nhiều bất cập
Thị trường mua bán nợ hiện nay thông tin còn thiếu đồng nhất và minh bạch.
Nguồn cung hàng hóa cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp về nợ xấu chủ yếu từ các TCTD, tuy nhiên số liệu về nợ xấu của các TCTD hiện nay chỉ được báo cáo với Cơ quan quản lý Nhà nước, việc tiếp cận số liệu là rất khó khăn. Các TCTD rất hạn chế trong việc công khai về các khoản nợ xấu, chủ yếu việc bán nợ của các TCTD là do sức ép từ quy định giới hạn về tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều TCTD chưa chủ động, tích cực trong việc bán nợ xấu cho các công ty mua bán nợ, thêm vào đó, TCTD có thể dùng kỹ thuật tài chính để đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, khi đó các TCTD sẽ không có sức ép để xử lý tiếp nợ xấu, khiến cho thị trường mua bán nợ xấu sơ cấp ít hoạt động, thị trường mua bán nợ xấu nói chung khó có thể phát triển do nhu cầu mua bán nợ không còn lớn, không tạo được hàng hóa cho thị trường hoạt động.
Ngay cả khi hàng hóa hiện hữu trên thị trường và các bên tham gia thị trường có quan tâm, có nhu cầu thực hiện giao dịch mua bán, việc tiếp cận thông tin về các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu cũng rất khó khăn, độ chính xác của thông tin cũng không được chứng thực, bảo đảm bởi các đơn vị có uy tín, điều này ảnh hưởng đến quyết định mua bán của các chủ thể trên thị trường.
Thứ tư, phương thức mua bán thiếu đa dạng
Các phương thức mua bán nợ xấu còn thiếu đa dạng, chủ yếu do thỏa thuận, việc mua, bán nợ xấu bằng các phương thức khác như: đấu thầu, đấu giá hiện chưa được áp dụng rộng rãi. Đối với một thị trường hàng hóa, cần sự phong phú và đa dạng trong mua bán và trao đổi hàng hóa thì mua bán, trao đổi bằng những phương thức như trên là quá đơn giản và sẽ hạn chế sự phát triển của thị trường.
Thứ năm, thiếu các nhà môi giới chuyên nghiệp
Đơn vị môi giới trên thị trường mua bán nợ là đội ngũ nắm giữ toàn bộ các thông tin thị trường, đầu mối sắp xếp cho bên mua, bên bán gặp nhau. Nhờ có đội ngũ này, hoạt động mua bán nợ mới được thực hiện một cách chuyên nghiệp, hợp pháp, cũng như bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Thứ sáu, thiếu một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, minh bạch và đầy đủ thông tin
Cơ sở hạ tầng công nghệ nói chung chưa được xây dựng để làm cơ sở hỗ trợ cho hoạt động mua bán nợ xấu. Các thông tin về hàng hóa nợ xấu, thông tin người có nhu cầu bán nợ xấu không đến được với người có nhu cầu mua nợ xấu. Việc hình thành cơ sở hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, minh bạch và đầy đủ thông tin về các ngành nghề, lĩnh vực, các doanh nghiệp và các khoản nợ đã được chuẩn hóa giao dịch trên thị trường sẽ tạo cơ sở thuận tiện cho bất cứ nhà đầu tư nào có ý định tham gia thị trường, cũng như tiết kiệm chi phí, thời gian, gia tăng hiệu quả trong việc ra các quyết định đầu tư.
Thứ bảy, thiếu một tổ chức có vai trò đứng ra tạo lập thị trường mua bán nợ xấu
Hình thành thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam là rất cần thiết để tăng tính thanh khoản cho các khoản nợ xấu, tạo kênh đầu tư mới trên thị trường, thúc đẩy kinh tế phát triển và là giải pháp bền vững để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn. Tuy nhiên để tạo lập thị trường mua bán nợ xấu, hiện nay vẫn thiếu một tổ chức là trung tâm với vai trò kết nối các chủ thể trên thị trường; là đầu mối tập trung, quản lý, cung cấp thông tin các khoản nợ xấu; ngoài ra có thể kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan đến thị trường nhằm giúp thị trường mua bán nợ xấu vận hành trơn tru và hiệu quả.
2. Đánh giá khả năng phát triển của thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC hoạt động với vai trò là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường
Xuất phát từ tầm quan trọng của một đơn vị dẫn dắt, tạo lập thị trường, VAMC rất phù hợp với vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam:
Thứ nhất, VAMC được giao sứ mệnh là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm xử lý nhanh nợ xấu
Trong điều kiện Việt Nam không sử dụng trực tiếp vốn ngân sách nhà nước, VAMC đã và đang là một công cụ xử lý nợ xấu đặc thù hữu hiệu và có tính khả thi nhất, góp phần xử lý nợ xấu cho hệ thống các TCTD, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, thậm chí được tiếp cận vốn vay của TCTD, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
5 năm qua, VAMC đã và đang thể hiện được một phần vai trò của mình trong việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ trong đó với vai trò là trung tâm của thị trường, điều đó được minh chứng: (i). Thông qua việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đã và đang đồng hành cùng các TCTD đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về và duy trì dưới 3%. (ii). Triển khai bước đầu có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH thông qua việc đẩy mạnh mua nợ theo giá trị thị trường và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kể cả việc áp dụng những biện pháp mạnh như thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu. (iii). Trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu, VAMC đã tranh thủ và nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: công an, tòa án, các cấp chính quyền địa phương...
5 năm qua, VAMC đã và đang thể hiện được một phần vai trò của mình trong việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ trong đó với vai trò là trung tâm của thị trường |
Thứ hai, VAMC là trung tâm thu thập, phân loại, xác thực và quản lý thông tin về nợ xấu
Nợ xấu xử lý qua VAMC (bán qua VAMC) đến cuối năm 2018 đạt trên 310.000 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. Như vậy, với khối lượng nợ xấu bán sang VAMC rất nhiều, VAMC có thể được coi là trung tâm thu thập, phân loại nợ xấu. Hơn nữa, ngay sau khi mua nợ, VAMC đã tiến hành các biện pháp phân loại khoản nợ theo các biện pháp xử lý nợ và dự kiến khả năng thu hồi, phối hợp với các TCTD để triển khai biện pháp xử lý nợ nhằm thu hồi nợ đạt hiệu quả. Điều đó được minh chứng, sau khi mua nợ từ các TCTD, VAMC đã phối hợp với các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ, với tổng số nợ xấu đã được xử lý, thu hồi đến hết 31/11/2018 là 105.520 tỷ đồng, trong đó, số nợ xấu được xử lý, thu hồi có xu hướng tăng đều qua các năm.
Thứ ba, VAMC là đơn vị có thể đề xuất với Nhà nước và Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ
Thời gian qua, để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu, VAMC tham gia đề xuất xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của VAMC, điều đó được thể hiện: VAMC tham gia tích cực xây dựng và cho ý kiến đối với Nghị quyết số 42/2017/QH14. Ngay sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, để triển khai thực hiện VAMC phối hợp và tham gia ý kiến để ban hành nhiều văn bản nghiệp vụ như: Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/07/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết 42, Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; VAMC đã tích cực, chủ động tham gia ý kiến để NHNN hoàn thiện và ban hành “Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 và hướng tới 2022”; Tham gia ý kiến đối với dự thảo các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động mua, bán và xử lý nợ; sửa đổi và ban hành các văn bản nội bộ hướng dẫn nghiệp vụ phù hợp với Nghị quyết 42, Thông tư số 09/2017/TT-NHNN, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật mới được ban hành.
Thứ tư, VAMC được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ, phối hợp nhằm tăng hiệu lực trong xử lý nợ xấu
VAMC là doanh nghiệp đặc thù của Nhà nước do vậy trong quá trình xử lý nợ xấu VAMC nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các bộ ngành, địa phương, đặc biệt trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm như: Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, khi VAMC thực hiện các quyền thu giữ tài sản bảo đảm; Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn các thủ tục rút gọn, Bộ Tài chính hướng dẫn thứ tự ưu tiên thu thuế khi xử lý tài sản bảo đảm, Chính quyền địa phương đã hỗ trợ tích cực VAMC trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm....
Thứ năm, VAMC có đủ khả năng, tiềm lực trở thành trung tâm kết nối, thiết lập mối quan hệ với các đối tác, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới để áp dụng hiệu quả, phù hợp với hoạt động của thị trường Việt Nam
VAMC đã kết nối được với nhiều đối tác trong và ngoài nước như: JICA, World Bank, IPAF, IGPI, Raysum, Ngân hàng Kasikorn, Công ty quản lý tài sản Sukhumvit, Kamco... qua đó nhận được sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, mua nợ thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng mô hình bán đấu giá trực tuyến và hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu; Đồng thời, củng cố và phát triển các hoạt động nghiệp vụ của VAMC như định giá khoản nợ, phân tích, đánh giá, quản lý khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu... Ngoài ra, VAMC đã và đang kết nối, thiết lập mối quan hệ với một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Qua đó, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư tiềm năng cho các tài sản VAMC đang quản lý, góp phần đẩy nhanh và hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu.