Tín dụng đen - dấu hiệu nhận diện và giải pháp
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 17:00, 26/05/2019
Ngày nhận bài: 4/4/2019 - Ngày biên tập: 5/4/2019 - Ngày duyệt đăng: 22/4/2019 (Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 9/2019)
Tóm tắt: Không có khuôn mẫu cố định cho việc nhận biết một khoản vay có khả năng là một khoản tín dụng đen, đặc biệt khi tín dụng đen hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có đội ngũ tiếp thị/chào mời mọi người vay vốn, chứ không đơn thuần là ngồi đợi khách hàng có nhu cầu đến tìm vay như trước đây, thì những dấu hiệu để nhận biết một khoản vay có khả năng là một khoản tín dụng đen trước khi quyết định vay vốn là không đơn giản. Bài viết nêu những dấu hiệu nhận diện và đề xuất các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen.
Từ khóa: tín dụng đen, nhận diện, giải pháp
Black credit: Recognition signals and solutions
Abstract: There are no concrete models for recognition of a possible black credit, especially when black credit seems to be more professional in operation: there is marketing team offering loans, not just wait for customers to come... making it difficult to recognize signals of a black credit. The article shows signals of a black credit and suggests some solutions to repel black credit.
Key words: black credit, recognition, solution
Lãi suất phải trả cho khoản vay rất cao, nếu quy ra lãi suất năm từ 108%/năm trở lên thì nhất quyết phải cân nhắc trước khi vay |
Tín dụng phi chính thức và tín dụng đen
Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, nền kinh tế luôn tồn tại hai khu vực tín dụng là tín dụng chính thức và tín dụng phi chính thức. Trong đó, tín dụng phi chính thức là những giao dịch vay mượn với bên cho vay là cá nhân hoặc tổ chức không được pháp luật cho phép thực hiện hoạt động cấp tín dụng. Tín dụng phi chính thức cấu phần bởi ba nhóm: i) Nhóm thứ nhất: nguồn vay mượn từ người thân hay bạn bè (relatives/friends) của người thiếu vốn, quan hệ vay mượn này linh hoạt cả về số lượng tiền vay và thời gian vay mượn, có thể có lãi hoặc không có lãi; ii) Nhóm thứ hai: vay mượn từ hụi/họ/biêu/phường (ROSCA – Rotating savings and credits association), đối với những quốc gia đang phát triển thì ROSCA còn được coi là ngân hàng của mọi đối tượng người dân, nơi mà tiền nhàn rỗi có thể được xoay vòng nhanh chóng, đáp ứng những nhu cầu tài chính bất chợt nảy sinh của người tham gia; iii) Nhóm thứ ba: vay mượn những cá nhân hoặc tổ chức chuyên cho vay với những người không thể tiếp cận với nguồn tín dụng chính thức với lãi suất cao (private lenders). Do đó, khi nhóm thứ hai và ba trong tín dụng phi chính thức cho vay với lãi suất rất cao (có khi còn lại gọi là lãi suất cắt cổ) đi kèm với đó là phương thức đòi nợ kiểu xã hội đen, khủng bố về tinh thần và thể xác thường được xếp vào tín dụng đen. Căn cứ vào hình thức trả gốc và lãi hiện nay trên thị trường có thể sắp xếp thành 2 loại: Cho vay cộng gộp, theo đó người vay sẽ phải trả gốc và lãi hàng ngày; Cho vay nóng, theo đó khách hàng phải trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định.
Khách hàng và dấu hiệu nhận biết tín dụng đen
Xã hội luôn có những cá nhân và doanh nghiệp bị thiếu hụt vốn để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng, do đó, nếu không nhận được hỗ trợ hoặc vay mượn được từ người thân quen hoặc nhận được vốn vay từ các kênh chính thức như ngân hàng/công ty tài chính… thì cá nhân/doanh nghiệp sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính là điều tất yếu. Không những thế, kênh tín dụng chính thức thường có những tiêu chuẩn nhất định về khách hàng, mục đích sử dụng vốn, tài sản bảo đảm cũng như thủ tục vay vốn, trong khi những tiêu chuẩn ngặt nghèo đó trong tín dụng đen lại được loại bỏ nên hình thức này sẽ dễ thích hợp với tâm lý muốn giản tiện của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là những khách hàng không muốn vay từ kênh chính thức (là những người có nhu cầu vay những khoản nhỏ, tức thời và không thường xuyên) và những khách hàng dưới chuẩn (underbanked – không đủ điều kiện vay từ kênh chính thức).
Tổng kết những hoạt động của tín dụng đen thì những dấu hiệu sau có thể gợi ý để nhận biết: i) Về hình thức tiếp thị, các quảng cáo cho vay tín chấp tại các hiệu cầm đồ, dán tờ rơi tại các cột điện, ngã tư, trên tường nhà trong ngõ hẻm... hầu hết đều là cho vay tín dụng đen. Hoặc các tư vấn viên/cò/môi giới tín dụng ráo riết giới thiệu cơ hội đầu tư bạc tỷ, từ đó dụ dỗ vay vốn tại chỗ để họ thực hiện các cơ hội đầu tư đó; ii) Về thủ tục vay vốn, nếu thủ tục vay vốn cực kỳ nhanh chóng và đơn giản, thậm chí chỉ cần những giấy tờ tùy thân đơn giản như chứng minh thư, thẻ ATM… cũng là dấu hiệu để nghi ngờ đó là tổ chức tín dụng đen; iii) Về phương thức ký kết hợp đồng, giao dịch với tín dụng đen có thể bằng miệng hoặc nếu bằng văn bản thì cũng rất đơn giản sơ sài, không có những điều khoản rõ ràng; iv) Về lãi suất vay vốn, lãi suất phải trả cho khoản vay rất cao, nếu quy ra lãi suất năm thì từ 108%/năm trở lên thì nhất quyết phải cân nhắc trước khi vay; v) Về hình thức xử lý vi phạm cam kết, phương thức đòi nợ chủ yếu theo luật giang hồ, khủng bố người vay và những người có liên quan đến người vay vốn cả về tinh thần và thể xác. Ngoài ra, địa điểm hoạt động của tổ chức tín dụng đen thường chỉ tại một địa điểm nhỏ, các thông tin về giấy phép hoạt động của công ty cho vay thường không rõ ràng.
Các giải pháp giảm bớt tín dụng đen
Quyết tâm của Chính phủ
Chính phủ thời gian này khá quyết liệt khi yêu cầu các bộ, ngành mở rộng tín dụng, tăng cường đáp ứng nhu cầu vay chính đáng của người dân và đẩy lùi tín dụng đen, cụ thể Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng; phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đấu tranh, ngăn chặn tín dụng đen… Tháng 12/2018, Ngân hàng Nhà nước thông báo dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng, xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kì hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn, cụ thể hơn là gói tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng được triển khai bởi Agribank.
Agribank triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen |
Ngoài ra, từ ngày 1/3/2019 mức người nghèo được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nâng từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ mà không cần phải bảo đảm tiền vay. Cùng đó, Nghị định 19 quy định về họ, hụi, biêu, phường mà Chính phủ vừa ban hành, cũng được xem là bước tiến lớn trong việc đưa những hoạt động tín dụng phi chính thức vào tầm quản lý chính thức của Pháp luật. Nghị định với 5 chương, 28 điều quy định khá cơ bản và toàn diện những vấn đề mà hoạt động của hụi/họ/biêu/phường thường gặp trong thực tiễn. Nếu việc thực thi những quy định được bảo đảm thì chắc chắn sẽ giúp giảm tín dụng đen trong xã hội. Những nỗ lực này rất đáng ghi nhận, điều này thể hiện mong muốn và quyết tâm của nhà quản lý trong việc mong muốn đẩy lùi vấn nạn đang gây nhức nhối cho toàn xã hội.
Vai trò cho vay tiêu dùng của công ty tài chính
Với tốc độ tăng bình quân khoảng 50 - 65% mỗi năm và dự báo chiếm từ 18 -20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế năm 2019, thị trường tín dụng tiêu dùng được đánh giá là tiềm năng và sẽ thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 5 năm vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường cho vay tiêu dùng, số lượng các doanh nghiệp cung có nhiều biến động theo xu hướng hoàn thiện dần cả về mô hình tổ chức lẫn nghiệp vụ hoạt động. Nếu như từ năm 2012 trở về trước, phần lớn các công ty tài chính trực thuộc doanh nghiệp nhà nước, đóng vai trò như một đơn vị đầu tư trong nội bộ doanh nghiệp mẹ, thực hiện thu xếp các khoản cho vay, quản lý nguồn tiền mặt và tình hình tiền mặt, quản lý đầu tư các khoản tiền chưa sử dụng đến cho các công ty con trong nội bộ thì từ năm 2016 đến nay, nhiều ngân hàng trong nước và chủ sở hữu nước ngoài thông qua hoạt động mua lại, đã và đang sở hữu cho riêng mình công ty tài chính với mảng cho vay tiêu dùng phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí nhiều công ty tài chính được coi là “gà đẻ trứng vàng”. Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có nhiều ưu điểm như cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo được tính an toàn cho người vay và được nhiều ý kiến cho rằng có thể thay thế tín dụng đen. So với các tiêu chuẩn, quy định và thủ tục từ phía ngân hàng thì vay vốn tại công ty tài chính dễ dàng hơn, hệ thống đại lý khá rộng khiến sự nối dài hoạt động của công ty tài chính thời gian vừa qua khá tốt.
Tuy nhiên, nhận xét khách quan với thị trường 60 triệu dân sống tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì sự hiện diện của hệ thống tín dụng chính thức vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu, cộng với tâm lý e ngại của người dân tiếp xúc với kênh tín dụng chính thức nên tín dụng đen vẫn “có chỗ” hoạt động. Do đó, bên cạnh công ty tài chính, cần nhiều hơn nữa sự đa dạng của những hình thức tổ chức cung cấp tín dụng để phù hợp với từng phân khúc khách hàng với mục đích vay vốn và độ rủi ro khác nhau, từ đó đẩy lùi được tín dụng đen.
Giải pháp giải quyết cung – cầu về vốn
Với phía cung
Cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý các hoạt động tín dụng phi chính thức để chuyển những hoạt động này thành chính thức, nằm dưới sự quản lý của pháp luật.
Rà soát, tổ chức lại hoạt động của hệ thống ngân hàng chính sách, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân theo cả hướng mở rộng quy mô lẫn nâng cao chất lượng để các loại hình tổ chức này hoạt động hiệu quả và an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân.
Nghiên cứu triển khai thêm những hình thức cấp tín dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa khác mà các nước đã triển khai hiệu quả như công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), trung tâm thương mại (rent to own centers),… để bảo đảm các phân khúc đa dạng của thị trường vay vốn đều được phục vụ.
Nghiên cứu để đưa vào quản lý các hình thức tín dụng dựa trên công nghệ như cho vay ngang hàng, đặc biệt khi hoạt động cho vay này đang nở rộ trong thực tế thì rất cần những quy định kịp thời của pháp luật để điều chỉnh.
Xử phạt nghiêm minh các hành vi thúc ép khách hàng vay vốn, cho vay nặng lãi, thu nợ bằng các biện pháp xã hội đen.
Với phía cầu
Về ngắn hạn, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình tuyên truyền và giáo dục nhận thức của người dân về tài chính, nâng cao hiểu biết về các tổ chức cấp tín dụng, dấu hiệu nhận biết tín dụng đen… Và quan trọng hơn là hình thành nhận thức, ý thức về việc lập kế hoạch và kỷ luật tài chính trước bất kỳ một ý định vay vốn nào.
Về dài hạn, nhanh chóng đưa các kiến thức của tài chính cá nhân vào khung đào tạo, trải dần từ bậc phổ thông đến đại học, việc này nhằm mục đích trang bị kiến thức về tài chính từ cơ bản đến chuyên nghiệp.