Vai trò của các AMC trong tăng cường sự ổn định, bền vững tài chính khu vực châu Á

Sự kiện - Ngày đăng : 18:47, 27/05/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đây là 1 trong những vấn đề nổi bật được đặt ra tại Hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6 với chủ đề “Khuôn khổ hoạt động và pháp lý trong hoạt động mua bán, xử lý nợ nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực” do DATC, VAMC và ADB, IPAF phối hợp tổ chức trong hai ngày 27-28/5/2019 tại Hà Nội.

Chủ tịch Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Chủ tịch IPAF Lê Hoàng Hải phát biểu khai mạc hội thảo đào tạo

Phát biểu khai mạc hội thảo đào tạo của Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 6, ông Lê Hoàng Hải – Chủ tịch Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Chủ tịch luân phiên của IPAF cho biết: Kể từ khi IPAF được thành lập đến nay, các thành viên IPAF đã tổ chức 5 chương trình hội thảo đào tạo tại các quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ, tạo ra những cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tế, hữu ích trong lĩnh vực quản lý tài chính, mua bán, xử lý nợ xấu cho các nhà hoạch định chính sách của từng quốc gia, khu vực, qua đó nhằm đảm bảo ổn định tình hình tài chính – kinh tế vĩ mô.

Hội thảo đào tạo lần này được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường do căng thẳng thương mại leo thang, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, nguy cơ xung đột vũ trang xảy ra đe dọa sự ổn định tài chính của từng quốc gia và khu vực, trong đó có khu vực châu Á. Vì vậy, Hội thảo đào tạo tập trung thảo luận, trao đổi và chia sẻ kiến thức trong phạm vi chủ đề “Khuôn khổ hoạt động và pháp lý trong hoạt động mua bán, xử lý nợ nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực”.

Các cách thức nâng cao khả năng chống đỡ về tài chính ở châu Á

Toàn cảnh hội thảo đào tạo

Ông Junkyu Lee - Kinh tế trưởng, Vụ Hợp tác khu vực và nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng Phát triển châu Á - chia sẻ, sau 20 năm khủng hoảng tài chính châu Á và 10 năm khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự ổn định tài chính của châu Á hiện đối mặt với những thách thức mới, đó là việc các thị trường tài chính châu Á đã trở nên kết nối hơn cả trong khu vực và với thế giới. Mạng lưới ngân hàng toàn cầu kết nối hơn có thể truyền dẫn rủi ro từ các nền kinh tế tiên tiến sang các nền kinh tế mới nổi. Trong bối cảnh đó, nếu nợ xấu tăng có thể gây ra những tác động trở lại đối với tài chính vĩ mô, với khả năng lan tỏa cao thông qua các thị trường tài chính với độ kết nối ngày càng tăng. Tính liên kết tài chính cao có thể truyền dẫn các cú sốc xuyên biên giới, điều này đã được chứng minh qua tác động của những rủi ro ngân hàng trực tiếp và gián tiếp đối với các quốc gia bị ảnh hưởng trên phương diện dòng chảy vốn trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, nợ xấu tăng có thể ảnh hưởng với khu vực thực và tạo hiệu ứng lan tỏa thông qua các mối quan hệ kết nối tài chính vĩ mô. Nghiên cứu cho thấy nợ xấu tăng dẫn đến giảm cầu tín dụng, tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm chậm lại trong hoạt động của nền kinh tế.

Ông Lee cũng lưu ý tỷ giá có những tác động nhất định trong các thị trường tài chính châu Á và tác động đến các điều kiện tài chính trong nước thông qua các kênh thương mại và tài chính, vì vậy làm tăng khả năng tổn thương của khu vực trước các cú sốc bên ngoài và làm thay đổi các điều kiện thanh khoản. Theo ông Lee, để tăng cường khả năng chống đỡ, các nước châu Á cần phát triển thị trường tài chính theo hướng phát triển các thị trường vốn sâu hơn, đặc biệt là thị trường trái phiếu nội tệ. Về chính sách tiền tệ, các nhà hoạch định CSTT cần cân nhắc cả kênh tài chính và kênh thương mại của tỷ giá; Thực hiện chính sách vĩ mô thận trọng, trong đó cân nhắc các mức độ của chính sách như qua tỷ lệ đảm bảo thanh khoản ngoại tệ.

Vai trò của các AMC trong tăng cường ổn định tài chính khu vực

Ban tổ chức và các diễn giả của hội thảo đào tạo cùng chụp ảnh kỷ niệm

Trình bày nghiên cứu về các yếu tố quyết định, tác động về tài chính vĩ mô của nợ xấu tại châu Á và vai trò của các AMC, ông Peter Rosenkranz – chuyên gia kinh tế Vụ Hợp tác khu vực và nghiên cứu kinh tế ADB - đưa ra lý giải vì sao nợ xấu lại là vấn đề cần quan tâm. Theo đó, nợ xấu tăng phản ánh các điều kiện kinh tế vĩ mô yếu và dư thừa đòn bẩy, là tác động trở lại nguy hiểm đối với toàn bộ nền kinh tế, gây ra tác động tiêu cực tới dòng chảy tín dụng xuyên biên giới, phá hoại tâm lý thị trường toàn khu vực, tác động tiêu cực tới tài sản, dẫn đến sự suy yếu các điều kiện kinh tế vĩ mô. Tác động tài chính vĩ mô của nợ xấu có thể lan tỏa sang các nền kinh tế khác thông qua nhiều kênh truyền dẫn khác nhau. Điều nguy hiểm, theo ông Peter, hệ thống tài chính châu Á chủ yếu dựa vào ngân hàng. Đã có những bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa hệ thống ngân hàng có vấn đề và các khoản nợ xấu. Các cú sốc với hệ thống ngân hàng có thể ảnh hưởng tới các chức năng của khu vực này, gây ra tình trạng đóng băng kênh tín dụng và sự chậm lại của các hoạt động kinh tế. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói tăng lên. Khủng hoảng tài chính châu Á 1997/1998, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009 và gần đây là khủng hoảng nợ châu Âu là những ví dụ cụ thể nhắc nhở về cách khủng hoảng tài chính cho thể ảnh hưởng tới sự suy thoái kinh tế thực ra sao. Khủng hoảng tài chính ngân hàng được ghi nhận khi có sự tăng lên bất thường về lượng tài sản xấu hay còn gọi là nợ xấu. Khi ấy, các AMC công là công cụ hữu dụng để phục hồi khu vực ngân hàng như đã được chứng minh qua thực tế khi vượt qua khủng hoảng tài chính châu Á.

Các công ty AMC công đã được sử dụng như một công cụ chiến lược để thoát khỏi khủng hoảng trong một số khủng hoảng trước đây (ví dụ như khủng hoảng cho vay và tiết kiệm tại Mỹ, khủng hoảng ngân hàng Thụy Điển, khủng hoảng ngân hàng Trung Á và khủng hoảng tài chính châu Á). Nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, các AMC công cũng được sử dụng như một công cụ hiệu quả để hỗ trợ các hoạt động kinh tế và tăng trưởng tín dụng cũng như khôi phục cho vay khu vực tư nhân. Điều này được thấy rõ qua thực tế hoạt động của một số AMC công thời gian qua như KAMCO (Hàn Quốc), SAM (Thái Lan)…

Bà Inyoung Hwang, Giám đốc Văn phòng quốc tế của KAMCO, dẫn chứng vai trò của công ty này được thể hiện rất rõ nét qua 4 cuộc khủng hoảng diễn ra trong lịch sử Hàn Quốc kể từ khi KAMCO được thành lập: Với khủng hoảng kinh tế năm 1997, KAMCO đã vận hành quỹ xử lý nợ xấu, mua được 111,6 nghìn tỷ won nợ xấu, cung cấp thanh toản và hỗ trợ tái cấu trúc cho 60 công ty để từ đó giúp đưa Hàn Quốc vượt qua  khủng hoảng; Với khủng hoảng thẻ tín dụng năm 2003, thành lập Quỹ khôi phục tín dụng, Quỹ hạnh phúc quốc gia và ra mắt Ngân hàng Hanmaeum và Heemangmoah để xử lý các khoản nợ tiêu dùng, từ đó hỗ trợ phục hồi tín dụng; Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, KAMCO vận hành Quỹ tài cấu trúc doanh nghiệp, Quỹ  tái cấp vốn ngân hàng, Quỹ REIT, Quỹ hỗ trợ đóng tàu và thu mua khoảng 10,2 nghìn tỷ won nợ xấu; đối với khủng hoảng nợ hộ gia đình năm 2013, KAMCO hỗ trợ các hộ nghèo, quản lý các tài sản công… Trong mỗi giai đoạn, vai trò và lĩnh vực kinh doanh của KAMCO có thể khác nhau, tuy nhiên đều được bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế và đã chứng minh là công cụ hiệu quả giúp Hàn Quốc vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Thanh Hương