Khảo sát hoạt động tài chính vi mô tại TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang và Bến Tre
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:49, 03/06/2019
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc về hoạt động tài chính vi mô tại TP. Hồ Chí Minh |
Tham dự buổi làm việc của Phó Thống đốc tại NHNN chi nhánh TP.HCM sáng 30/5 có: đại diện lãnh đạo và chuyên viên của một số đơn vị liên quan thuộc NHNN (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Văn phòng NHNN, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Truyền thông, Thời báo Ngân hàng); Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Giám đốc NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ); đại diện Nhóm Công tác TCVM Việt Nam; đại diện các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM tại TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành phố; đại diện các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, hiện nay, tại TP.Hồ Chí Minh có 2 tổ chức TCVM đang hoạt động với mạng lưới khá rộng khắp và hiệu quả. Trong đó, Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) hiện có 17 chi nhánh tại các quận, huyện trên địa bàn với tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 4/2019 đạt 3.820 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hồ Chí Minh hiện cũng có dư nợ cho vay khoảng 50 tỷ đồng đối với hàng chục ngàn hộ gia đình khó khăn trên địa bàn các quận, huyện.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đạt được trong thời gian qua. Phó Thống đốc cho rằng, hoạt động TCVM rất phù hợp với các đối tượng là hộ nghèo ở cả thành thị và nông thôn; những kết quả đạt được trong những năm qua cho thấy đây là loại hình rất thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động của các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh thời gian qua đã giải quyết được nhu cầu vốn của nhiều hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn - những đối tượng không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng hoặc do các ngân hàng chưa đủ mạng lưới để tiếp cận cho vay; qua đó, góp phần cải thiện đời sống của người dân nghèo, hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Về những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tại buổi làm việc liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM, Phó Thống đốc cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu và kết quả khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế tại một số địa phương, NHNN sẽ có tổng hợp, đánh giá toàn diện về hoạt động TCVM, những khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, xử lý; trên cơ sở đó sẽ sớm có những bổ sung, chỉnh sửa về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của NHNN, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định 20/2017/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động TCVM tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực hơn vào công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khảo sát một số hộ gia đình vay vốn của Quỹ CEP tại Q.8, TP.HCM |
Chiều 30/5 và ngày 31/5, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cùng các thành viên trong Đoàn công tác đã đi thăm chi nhánh, cụm vay vốn và khách hàng của Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP) tại TP. Hồ Chí Minh; làm việc với Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh (CWED); khảo sát thực tế hoạt động tại Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (Quỹ MOM), Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre (Quỹ BTWU).
Tại các nơi đến thăm, Phó Thống đốc và các thành viên trong đoàn đã lắng nghe, tìm hiểu, ghi nhận những thông tin cụ thể về tình hình hoạt động và các vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức TCVM, Quỹ hỗ trợ trên địa bàn như: bộ máy quản lý, điều hành, đội ngũ nhân viên; quy trình, cách thức cho vay, thu nợ, cơ chế quản lý, giám sát rủi ro; vai trò của các nhóm trưởng, cụm trưởng, hội liên hiệp phụ nữ xã, phường trong việc cho vay, thu nợ; các hoạt động hỗ trợ của Quỹ đối với thành viên ( tư vấn, đào tạo, hoạt động từ thiện…); những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất …Đoàn công tác cũng đã đi thăm một số khách hàng vay vốn của tổ chức TCVM và các Quỹ, qua đó tìm hiểu, nắm bắt nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hoạt động của các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM tại các địa phương trên.