Ngành Ngân hàng nỗ lực góp phần ngặn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:42, 06/06/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngay mở đầu phiên chất vấn sáng 4/6 tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhận được chất vấn liên quan đến vấn đề “tín dụng đen”. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian qua những kết quả bước đầu trong đấu tranh trấn áp loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được nhân dân đánh giá cao. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục duy trì trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng đen và không được chủ quan với loại tội phạm này.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 4/6/2019

Tiếp tục duy trì trấn áp tội phạm

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và một số đại biểu về thực trạng của tội phạm “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hoạt động tín dụng đen xuất phát từ quan hệ kinh tế thông thường giữa người cho vay và người đi vay nhưng chính bọn tội phạm đã lợi dụng được quan hệ này để tiến hành hoạt động tội phạm.

Theo đánh giá của Bộ Công an, người đi vay tín dụng đen, có nhiều dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Vì hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường thì khó có thể trả lãi cao lên tới 300%, nên những người đi vay đó cũng có mục tiêu sử dụng tiền để vi phạm pháp luật như cờ bạc, buôn bán gian lận thương mại, họ cần khoản tiền rất nhanh để giải quyết phi vụ.

Với người cho vay lập ra các tổ chức tín dụng đen cũng là tổ chức tội phạm. Đằng sau những ông chủ cho vay nặng lãi đó bản thân thường là đối tượng hình sự, nếu không thì cũng chăm sóc số lượng đối tượng hình sự để thực hiện hoạt động tín dụng đen. Nếu người vay không trả được nợ thì người cho vay sử dụng các đối tượng xăm trổ, đối tượng hình sự để đòi nợ thuê. Thậm chí cướp lại tài sản của người vay.

Từ phân tích trên, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, hoạt động tín dụng đen là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm và những phức tạp khác từ tín dụng đen. Hay nói cách khác, bản chất tín dụng đen là quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế nhưng lại vượt qua giới hạn đó thì nó trở thành vấn đề hình sự.

Thứ hai, về mặt pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã có hướng dẫn để giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen. Đặc biệt là giải quyết những ranh giới giữa dân sự và hình sự; và một số quy định của luật pháp liên quan đến xử lý đối tượng tín dụng đen và chính các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở về luật pháp để gây khó khăn trong việc xử lý loại tội phạm này.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục duy trì trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng đen và không được chủ quan với loại tội phạm này.

Về việc phối kết hợp với ngành Ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là những nguồn vốn lành mạnh để từ đó không có cơ hội cho tín dụng đen hoạt động.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức - Đắk Lắk về vấn đề xử lý tín dụng đen. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen và hoạt động băng nhóm theo kiểu xã hội đen, Bộ Công an đã có đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 về phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen…

Nỗ lực của ngành Ngân hàng

NHNN đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của NHNN. Sự vào cuộc quyết liệt mạnh mẽ của NHNN thể hiện tiếp ở Quyết định 1178/QĐ-NHNN, Thống đốc NHNN vừa ban hành về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, một trong những nguyên nhân dẫn đến tín dụng đen là do sự chênh lệch tương đối lớn giữa thành thị và nông thôn. Giữa miền núi xa xôi hẻo lánh với khu vực trung tâm. Ở đó mức độ hiểu biết và thái độ của người dân với tiền tệ và tài chính rất khác nhau, khiến họ vẫn dựa vào tín dụng đen, vay từ họ hàng hơn là tiếp cận ngân hàng.

Đề cập đến những giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen của NHNN thời gian qua, ông Alwaleed Alatabani hiện là Chuyên gia Trưởng Lĩnh vực Tài chính của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, một ví dụ tốt mà tôi nhận thấy thời gian qua Việt Nam đã làm được, đó là chú trọng đến giáo dục tài chính, và có sự phân chia cho các độ tuổi khác nhau, từ trẻ em cho đến người lớn, người dân vùng sâu vùng xa. Đáng chú ý là việc triển khai chúng thông qua những hình thức dễ hiểu, dễ xem như thông qua truyền hình như Tiền khéo tiền khôn…, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Nếu không nâng cao được nhận thức người dấn, thì không thể nói đến loại bỏ tín dụng đen. “Thống đốc ngân hàng nhà nước cũng yêu cầu: các ngân hàng thương mại phải xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh giúp người dân không phải vay nặng lãi trả nợ ngân hàng. Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt để đem tín dụng ngân hàng đến tận tay người có nhu câu vay chính đáng, đẩy lùi tín dụng đen”, ông Alwaleed Alatabani nhấn mạnh.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) luôn nỗ lực tìm mọi cách để đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa của đất nước, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Điển hình là Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày.

Năm 2017 được sự phê duyệt của NHNN, Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa. Sau thời gian thử nghiệm và đem lại hiệu quả, tháng 01/2018, Agribank đã chính thức triển khai Điểm giao dịch lưu động tại 62 tỉnh, thành phố với tổng số 68 xe. Sau 1 năm triển khai, tính đến cuối tháng 4/2019, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng Agribank đã thực hiện được 4.000 phiên giao dịch. Qua đánh giá của chính quyền và nhân dân các địa phương, từ khi điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đi vào hoạt động đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng; giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo an toàn về tài sản và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Đối với Agribank, việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng giúp tiết giảm chi phí, nguồn nhân lực rất lớn so với việc mở thêm phòng giao dịch.

Ngân hàng lưu động Agribank đã mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng

“Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng của Agribank mang lại nhiều tiện lợi cho bà con nông dân, mọi khi phải đi tới 50km đường đồi núi để đến các điểm giao dịch của ngân hàng. Việc rút ngắn được khoảng cách và thời gian tiếp cận với ngân hàng sẽ giúp cho chúng tôi có thêm thời gian yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất và đặc biệt là mỗi khi bà con cần tiền cũng sẽ có cơ hội được giải ngân nhanh hơn rất nhiều so với trước đây”, đó là tâm sự của anh Đinh Văn Giêng ở bản Nà Mường 2, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, Sơn La sau khi thực hiện giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động của Agribank.

Còn tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo… việc cho vay thông qua tổ vay vốn, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… đang liên kết với ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chỉ khoảng 1%. Có thể thấy VBSP luôn là công cụ hữu hiệu chống tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, kể từ đầu tháng 3/2019, VBSP đã nâng hạn mức cho vay lên 100 triệu đồng không cần tài sản thế chấp.

Cán bộ VBSP chi nhánh Hà Tĩnh trao đổi với anh Lê Văn Hiếu thôn Trung Tiến  huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vay vốn vay 30 triệu đồng của VBSP mua 3 con bò thịt, nay đàn bò đã phát triển lên gần chục con

Ngành Ngân hàng đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của NHNN. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. NHNN cũng kỳ vọng rằng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.

NQ/sbv.gov.vn