Hiệu quả hoạt động tín dụng tiêu dùng và giải pháp hạn chế tín dụng đen trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:20, 08/06/2019
Ngày nhận bài: 17/5/2019; Ngày biên tập: 20/5/2019; Ngày duyệt đăng: 22/5/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10 năm 2019
Tóm tắt: Dưới góc độ quản lý và quản trị kinh doanh ngân hàng, hoạt động tín dụng tiêu dùng góp phần đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng và là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nhờ kích cầu tiêu dùng. Với ý nghĩa đó, về mặt chính sách trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách về hoạt động này: từ cơ chế cho vay đến phát triển các định chế tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng… nhằm tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển và hoạt động an toàn, hiệu quả - đạt được các mục tiêu vĩ mô: góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, tạo điều kiện bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trật tự, góp phần hạn chế tín dụng đen bền vững. Bài viết đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh - địa bàn có dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tỷ trọng cao so với cả nước, đồng thời nêu ra một số bài học kinh nghiệm, giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tín dụng đen bền vững- nhìn từ góc độ hoạt động ngân hàng.
Từ khóa: tín dụng tiêu dùng, tín dụng đen
Consumer credit effectiveness and black credit limitation measures in the area of Ho Chi Minh City
Abstract: From banking management activity’s perspective, consumer credit help diversify banking products and services, increase the efficiency in banking activities and be a momentum for economic growth and development due to pushing up consumption demand. With that meaning, during the recent past time, the State Bank of Vietnam has issued systems of mechanisms and policies on consumer credit: from lending mechanism to the development of micro finance institutions, consumer finance companies… to create favorable conditions for the safe, sound development of credit consumer activity in line with macro targets, i.e. contributing to the development and growth of the national economy, social security assuring and sustainably black credit limitation. The article assesses the effectiveness of consumer credit activity in the area of Ho Chi Minh City, where the outstanding consumer loans are high, at the same time, raises some experience lessons, effective measures to limit black credit sustainably.
Key words: consumer credit, black credit
Hiệu quả hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 5 năm trở lại đây đã tăng trưởng ở mức cao.
Thứ nhất, tăng trưởng cao và quy mô ngày càng tăng: Trong giai đoạn 5 năm 2014-2018, tín dụng tiêu dùng mở rộng và tăng trưởng ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng dư nợ tín dụng với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 40 -50%/năm.
Thứ hai, chất lượng tín dụng tiêu dùng ngày càng đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực tiêu dùng có xu hướng giảm trong giai đoạn 2014-2018. Một số TCTD trên địa bàn đã chú trọng phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, tích cực hỗ trợ khách hàng cá nhân trong quá trình lập hồ sơ, tư vấn cho vay mục đích tiêu dùng, phát triển nhiều gói sản phẩm tiêu dùng đa dạng và phù hợp với nhu cầu của người dân.
Thứ ba, tín dụng tiêu dùng cho vay qua hình thức thẻ tín dụng tăng trưởng cùng với quá trình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Mặc dù dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, song đây là hình thức tín dụng ngày càng phát triển nhờ sự tiện ích, tiện lợi và hiệu quả của hoạt động tín dụng này.
Thứ tư, tín dụng tiêu dùng trung dài hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dư nợ tiêu dùng trên địa bàn. Diễn biến này phù hợp với xu hướng vay tiêu dùng với mục đích mua nhà ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở và mua sắm phương tiện đi lại (ô tô, xe máy…), điện thoại thông minh… ngày càng tăng.
Tín dụng tiêu dùng ngày càng phát triển và chuyên nghiệp hơn với sự phát triển của các công ty tài chính tiêu dùng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của người dân tùy theo mục đích sử dụng vốn vay của người dân. Sự đa dạng này gắn liền với xu hướng phát triển của các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và mục tiêu phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng của mỗi tổ chức tín dụng và loại hình tổ chức tín dụng. Theo đó, khối NHTM cho vay mua nhà ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay lĩnh vực tiêu dùng. Trong khi đó, khối công ty tài chính, dư nợ cho vay mua, thuê, thuê mua phương tiện đi lại và mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Xu hướng phát triển của tín dụng tiêu dùng thời gian tới
Dự báo, quy mô và tốc độ tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục mở rộng và tăng trưởng trong những năm tiếp theo với tốc độ tăng trưởng bình quân năm ở mức 2 con số: khoảng 20-30%. Đánh giá này, gắn liền với 3 yếu tố chính sau:
Thứ nhất, dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong đó có tín dụng tiêu dùng tăng trưởng và phát triển là xu hướng tất yếu. Đặc biệt công nghệ và ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ cho phép các TCTD phát triển hiệu quả dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong đó có tín dụng tiêu dùng.
Thứ hai, môi trường kinh tế xã hội - với tốc độ tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng, cùng với nhu cầu tiêu dùng và nhận thức về tiêu dùng của người dân thành phố ngày càng tăng kích thích tiêu dùng, kích thích nhu cầu vốn vay để đáp ứng. Trong đó tăng trưởng kinh tế Thành phố luôn duy trì ở mức trên 8% trong giai đoạn vừa qua, và cũng là chỉ tiêu kế hoạch của các năm tới; cùng với thị trường khoảng 13 triệu dân, năng động và nhu cầu tiêu dùng cao - là yếu tố môi trường rất thuận lợi để tín dụng tiêu dùng tăng trưởng và phát triển trong những năm tới.
Thứ ba, thị trường tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và động lực cho tăng trưởng và phát triển. Trong đó sự phát triển của thị trường bán lẻ, của hàng hóa tiêu dùng trong thời gian qua, với nhiều sự xuất hiện của các thương hiệu lớn - là minh chứng cho tiềm năng phát triển này.
Một số giải pháp hạn chế tín dụng đen bền vững
Dưới góc độ hoạt động ngân hàng, việc phát triển hiệu quả hoạt động tín dụng tiêu dùng là một giải pháp căn bản, song chỉ là giải pháp thành phần. Vì vậy cần một hệ thống giải pháp gắn với chương trình hành động cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách về tín dụng, các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW và UBND thành phố. Cụ thể:
(1). Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng nông nghiệp & nông thôn; hoạt động tín dụng HTX (các Quỹ tín dụng nhân dân), qua đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo thu nhập, tạo việc làm cho người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm trật tự an ninh xã hội, cuộc sống người dân – là yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi và hạn chế tín dụng đen bền vững.
Trong quá trình này, tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi để hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân phát triển lành mạnh, đồng bộ, đi đôi với việc hoàn thiện phương thức giám sát đối với loại hình TCTD này.
(2). Tiếp tục tổ chức và triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách thông qua hệ thống tổ chức của NHCSXH nói chung và trên địa bàn thành phố nỏi riêng: đặc biệt là các chương trình tín dụng xóa đói giảm nghèo; tạo việc làm; học tập và khám chữa bệnh.. nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn tín dụng chính sách theo quy định, qua đó hạn chế hiệu quả hoạt động tín dụng đen phát triển ở những vùng, khu vực khó khăn. Liên quan giải pháp này, tiếp tục tạo nguồn vốn đủ lớn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách thuộc đối tượng cho vay theo quy định.
(3). Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó về mặt pháp lý tiếp tục xem xét chỉnh sửa, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, theo hướng phải công khai, minh bạch về mức lãi suất, điều kiện cho vay. Đặc biệt các công ty tài chính tiêu dùng cần quan tâm đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh, trong hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị rủi ro và tiết giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó giảm chi phí đầu ra và giảm lãi suất cho vay bền vững.
(4). Phát huy và phát triển hiệu quả tổ chức tài chính vi mô, nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, qua đó hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen đối với khu vực và nhóm đối tượng, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tổ chức tài chính vi mô để tạo điều kiện mở rộng phát triển loại hình này theo hướng hoạt động an toàn, hiệu quả, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân.
(5). Làm tốt công tác truyền thông về các chương trình tín dụng chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi; hoạt động của hệ thống tín dụng tiêu dùng, của tài chính vi mô để người dân nắm bắt, hiểu rõ và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn. Đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan mà còn là nhiệm vụ của mỗi TCTD trong quá trình mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng. Nhất là những hoạt động, những thông tin mang tính hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu sản phẩm dịch vụ và cách thức tổ chức thực hiện…
(6). Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.