Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 16:29, 11/06/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 11/6/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo nội dung từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh Toán (NHNN) tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”.

Hội thảo tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt - 16/6 có ý nghĩa rất lớn khi nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành (NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ) và UBND TP.Hồ Chí Minh.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết: Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức thanh toán điện tử...

Ngày không tiền mặt - 16/6 là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Trong tháng 6/2019, đặc biệt vào ngày 16/6, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ… sẽ có những chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017; Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên  61%; - Các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như: phân tích hành vi khách hành trên dữ lệu lớn (Big data); xác thực sinh trắc học; ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless), thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment),…nhờ đó các ngân hàng đã liên tục cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích cho khách hàng; - Hạ tầng thanh toán của nhiều ngân hàng đã kết nối, tích hợp và hỗ trợ phần lớn các giao dịch thanh toán cho dịch vụ của ngành Hải quan, Thuế, Điện lực, Viễn thông... và đang được tiếp tục triển khai, mở rộng tới các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tham dự hội thảo

Với phương châm chủ đạo lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN4.0 làm nhân tố quyết định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra một số định hướng như sau:

Thứ nhất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.

Thứ hai, xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục 24x7, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN4.0 trong ngành ngân hàng, tăng cường hợp tác ngân hàng-Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng.

Thứ tư, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống CNTT trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

 

Trao đổi của các diễn giả tại hội thảo

Trước mắt, trong năm 2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), cụ thể là: - Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề ra một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; - Tiếp tục triển khai có hiệu quả một số Đề án, Chiến lược về lĩnh vực thanh toán như: Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 2545; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ; - Triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Nghị quyết 01 và 02 năm 2019 của Chính phủ, như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện; Xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatoty Sandbox); Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía Đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam​”;  báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money), dịch vụ có bản chất tương tự việc cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng; - Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng; - Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng.

Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày, trao đổi để thấy được bức tranh toàn cảnh về TTKDTM tại Việt Nam, từ đó đề xuất những giải pháp, định hướng phù hợp với mục tiêu hướng đến xã hội không dùng tiền mặt.

Hội thảo gồm có 2 phiên. Phiên 1 về “Thanh toán không tiền mặt với dịch công” với các bài tham luận về đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công, về công nghệ thanh toán, những kết quả trong TTKDTM đối với dịch công; phần thảo luận về các giải pháp và chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt có sự tham gia của các diễn giả đến từ NHNN, Hiệp hội thẻ, một số NHTM, đại diện cơ quan Hải quan. Phiên 2 có chủ đề “Giải pháp và cơ hội cho người dùng trong xã hội không tiền mặt” với phần trình bày của Napas và Sài gòn Coop. Chủ đề thảo luận phiên 2 là: Kinh nghiệm trong chuyển dịch thanh toán không tiền mặt và sự bùng nổ của Mobile Payment/Digital Payment trên thế giới và những lợi ích cho người tiêu dùng khi thanh toán không tiền mặt.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh bày tỏ mong muốn kết quả từ hội thảo hôm nay sẽ truyền đi thông điệp tích cực về lợi ích của thanh toán điện tử đối với người dân và xã hội, thúc đẩy TTKDTM.

 Tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).

Đến cuối tháng 4/2019, trên toàn quốc có hơn 18.700 ATM, hơn (tăng tương ứng 4,25% so với cùng kỳ năm ngoái), số POS đạt được 266.700 POS và được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...).

Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên. Đến cuối tháng 3/2019 đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng. Đến 31/3/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch (tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng giá trị giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2018);

Đến ngày 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018).

 

H.P