Tọa đàm khoa học “Kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các Quỹ Tín dụng nhân dân”
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 17:39, 14/06/2019
Tính đến tháng 4/2019, hệ thống QTDND Việt Nam có tổng tài sản 118.270 tỷ đồng, vốn điều lệ 4.548 tỷ đồng. Việc nghiên cứu, xây dựng và chuẩn hóa các cơ chế, quy trình hoạt động trong các lĩnh vực nghiệp vụ cụ thể của QTDND là hết sức cần thiết. Đặc biệt là công tác thiết lập, vận hành hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ sao cho thực sự hiệu quả, tuân thủ theo pháp luật nhằm quản lý, kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động.
PGS.TS Lê Văn Luyện, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Với những yêu cầu thực tiễn trên Học viện Ngân hàng phối hợp Hiệp hội QTDND (VAPCF) tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các Quỹ tín dụng nhân dân”. Đây là diễn đàn, nơi các lãnh đạo cơ quan quản lý, người làm thực tiễn và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cùng nhau trao đổi những vấn đề liên quan tới hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ của QTDND và tham gia đóng góp ý kiến nhằm giúp hoàn thiện cuốn sách “Kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các Quỹ tín dụng nhân dân” do VAPCF soạn thảo.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Trường Giang, Giám đốc NHNN Chi nhánh Phú Thọ, cho biết Phú Thọ là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc bộ về số lượng QTDND với 39 Quỹ, 42.426 thành viên. Theo đánh giá khách quan của NHNN chi nhánh tỉnh, do nhiều nguyên nhân nên trong thực tế kết quả hoạt động Ban Kiểm soát của nhiều QTDND còn rất hạn chế như: Không chủ động trong việc xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát; Chưa thể hiện được quan điểm, kiến nghị, đề xuất với các cấp có liên quan; Thụ động trong công việc; Chất lượng báo cáo, thông tin, thống kê rất thấp; Vai trò, vị thế của Ban Kiểm soát, nhất là kiểm soát trưởng thấp, mờ nhạt…
Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại nói trên là do ý thức chấp hành pháp luật, quy định, điều lệ và quy chế làm việc của Ban kiểm soát các Quỹ còn thấp; Chưa có cơ chế, quy định cụ thể, phù hợp về bảo vệ cái đúng, xử lý sai phạm trong công tác kiểm soát và kiểm toán nội bộ của QTDND; Một số cán bộ Quỹ chuyên môn, nghiệp vụ không biết, không sâu, không chắc do đó không biết, không làm được, không nói được. Bên cạnh đó, vai trò kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hoạt động cho Ban Kiểm soát của cấp ủy, chính quyền địa phương, của NHNN tỉnh và của Quỹ tín dụng cũng có lúc, có mặt còn hạn chế.
Cũng theo ông Phạm Trường Giang để khắc phục tình trạng trên, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ đối với công tác kiểm soát và kiểm toán nội bộ của QTDND trên địa bàn. Ông Phạm Trường Giang cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát và kiểm toán nội bộ các QTDND thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh đến khâu đột phá là yếu tố con người.
Ông Trần Đức Tiến, Giám đốc QTDND Vân Canh, Hà Nội nhận xét tại Việt Nam, hoạt động của QTDND gặp rất nhiều rủi ro, gian lận và sai sót có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, hoạt động kiểm toán nội bộ tốt có thể trợ giúp, giúp người quản trị QTDND ngăn chặn gian lận và sai sót, giúp cho kiểm toán độc lập có được những bằng chứng tin cậy trong việc đánh giá tính trung thực và hợp lý tình hình tài chính của Quỹ. Tuy nhiên, theo ông Tiến thì vai trò kiểm toán nội bộ của các QTDND còn nhiều điểm hạn chế, chưa phát huy hết khả năng; Việc bố trí sắp xếp cán bộ làm công tác kiểm toán là kiêm nhiệm, cán bộ chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu; Nội dung kiểm toán nội bộ còn mang tính hình thức nhằm hợp thức các quy định của NHNN; Nhận thức của lãnh đạo Quỹ về vai trò, hoạt động kiểm toán nội bộ còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng kiểm toán nội bộ chưa cao.
Ông Trần Đức Tiến kiến nghị do các QTDND có quy mô hoạt động khác nhau, có những Quỹ hoạt động chủ yếu là huy động và cho vay nên việc bố trí bộ máy kiểm toán sẽ chồng chéo với chức năng kiểm soát nội bộ, gia tăng chi phí. Vì vậy, kiến nghị VAPCF nghiên cứu xây dựng quy trình kiểm soát và kiểm toán nội bộ phù hợp với quy mô hoạt động của các QTDND.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam giới thiệu dự thảo cuốn sách “Kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các Quỹ tín dụng nhân dân” |
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam giới thiệu nội dung tóm tắt cuốn sách “Kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các Quỹ tín dụng nhân dân” mà VAPCF đang dự thảo. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, để hệ thống QTDND ngày càng phát triển ổn định, bền vững đi đúng tôn chỉ mục đích thì cần phải thiết lập hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ hiệu quả, tuân theo pháp luật nhằm quản lý và kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động. Cuốn sách do VAPCF soạn thảo nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các hội viên, tạo hành lang hoạt động và định hướng thống nhất trong kiểm soát và kiểm toán nội bộ của QTDND. Cuốn sách hướng tới sự chuẩn hóa và thống nhất về tài liệu nghiên cứu, áp dụng phục vụ hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ của QTDND.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chuyên gia ngân hàng cho rằng quản trị rủi ro là vấn đề quan trọng đối với các tổ chức tín dụng nói chung và các QTDND nói riêng. Việc VAPCF dự thảo cuốn sách “Kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các Quỹ Tín dụng nhân dân” là hết sức có ý nghĩa. Thể hiện tốt vai trò hướng dẫn nghiệp vụ cho các thành viên, giúp họ hiểu và thực hiện đúng hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh thì “cuốn sách của VAPCF cần viết đơn giản, dễ hiểu như cuốn sổ tay/cẩm nang”.
“Đặc biệt, ở QTDND vấn đề rủi ro đạo đức, vấn đề về con người dễ xảy ra phức tạp, chi phối hoạt động quản trị, điểu hành và kiểm soát. Tôi được biết, vừa qua Hiệp hội Ngân hàng có xây dựng Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngân hàng, Hiệp hội QTDND có thể tham khảo để xây dựng tiêu chuẩn đạo đức riêng cho cán bộ QTDND”, TS. Ngọc Anh gợi ý thêm.
Nhìn chung, ý kiến của các đại biểu dự tọa đàm đều hoan nghênh việc VAPCF soạn thảo cuốn sách “Kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại các Quỹ Tín dụng nhân dân”. Cuốn sách ra đời sẽ rất kịp thời và hữu ích với công tác kiểm soát và kiểm toán nội bộ của các QTDND. Nội dung cuốn sách nên dễ hiểu, nêu rõ căn cứ pháp lý, mẫu biểu cụ thể, chi tiết. Cuốn sách nên có “tính chất cầm tay chỉ việc” cho phù hợp với đặc điểm của QTDND.