Ngành Ngân hàng không chủ quan, tiếp tục triển khai quyết liệt cải cách hành chính
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 18:01, 17/06/2019
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tham dự và chủ trì hội nghị |
Sáng 17/6/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp tục triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ. Hội nghị được tổ chức tại điểm cầu NHNN trung ương và điểm cầu NHNN 63 tỉnh thành phố. Phó Thống đốc NNHN Đào Minh Tú tham dự và chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú hoan nghênh, biểu dương các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng đã hết sức quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất để tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương, nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, của ngành Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng như xuất phát từ chính quan điểm cải cách thực chất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, công tác cải cách hành chính đã được chỉ đạo triển khai tích cực và sâu rộng trong toàn ngành Ngân hàng trên tất cả các mặt, các nội dung thủ tục hành chính, cải cách hành chính. Trong đó coi mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi là mục tiêu cốt lõi nhằm góp phần quan trọng vào mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các chương trình hành động của ngành, không chỉ đề ra nhiệm vụ cụ thể mà còn phân công đơn vị chủ trì triển khai thực hiện với yêu cầu về thời hạn và sản phẩm mục tiêu trong từng giai đoạn. Điều này thể hiện trách nhiệm của NHNN đối với các tổ chức tín dụng, của các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, người dân, cũng chính là trách nhiệm chung của ngành ngân hàng đối với toàn xã hội.
Với sự nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10/2018, Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam hiện xếp hạng 32/190 (đạt 75/100 điểm), ngang bằng với Singapore và Malaysia – các nước đứng đầu trong nhóm ASEAN 4. Đồng thời, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 2 chỉ số của Việt Nam đạt trung bình của ASEAN 4 (cùng với chỉ số Tiếp cận điện năng). Mặt khác, NHNN đã 4 lần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) các bộ, ngành.
Chánh văn phòng NHNN Phạm Đức Ấn cho biết, trên cơ sở bám sát mục tiêu, phạm vi cải cách đã được xác định, NHNN đã tổ chức triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP và Thông tư số 17/2018/TT-NHNN của NHNN về cắt giảm, đơn giản hóa 31% các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 24/2018/TT-NHN cắt giảm 20% chế độ báo cáo định kỳ cho các tổ chức tín dụng.
Toàn bộ các thủ tục hành chính của NHNN đã được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân giám sát quá trình giải quyết TTHC. Việc tiếp nhận, xử lý, quản lý văn bản của NHNN được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử; việc gửi, nhận văn bản giữa NHNN với các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện qua trục liên thông quốc gia bằng văn bản điện tử thay thế cho nhiều loại văn bản giấy; hệ thống truyền hình trực tuyến đã phục vụ tích cực cho hoạt động điều hành, đào tạo, tập huấn… góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm đáng kể giấy tờ, chi phí đi lại, hội họp.
Về hoạt động cải cách, đổi mới của hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ. Năm 2018 hệ thống các tổ chức tín dụng đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý; đồng thời cung cấp gần 100 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng với đó là việc chủ động rà soát tổng thể về phí, giá dịch vụ và giảm nhiều loại phí, trong đó có nhiều dịch vụ miễn phí hoàn toàn.
Các ngân hàng tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, hệ thống Core Banking để hoàn thiện các dịch vụ e.Banking và đã cung cấp nhiều sản phẩm online mới, hiện đại, tiện dụng đáp ứng yêu cầu về thương mại điện tử của doanh nghiệp. Các quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất được công bố công khai và cập nhật liên tục trên trang tin điện tử của ngân hàng, các phần mềm tiện ích sử dụng trên điện thoại được cung cấp giúp khách hàng tra cứu thông tin, trao đổi về chất lượng, giá cả dịch vụ…
Đã có trên 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc; các ngân hàng đã cho vay mới hơn 50.000 doanh nghiệp; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 doanh nghiệp.
Những kết quả nêu trên mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người dân mà còn mang lợi nhiều lợi ích cho NHNN cũng như các tổ chức tín dụng. Nói như ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc BIDV, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành ngân hàng đã nhận thức và thấy rõ được lợi ích thiết thực của việc thực hiện cải cách hành chính đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng mình thông qua những việc làm cụ thể nên đã có chỉ đạo rất sát sao với cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể đã ban hành mới thay thế 40 văn bản nhằm cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục hướng tới khách hàng và phù hợp với quy định của cơ quan quản lý; đối với quy trình cấp tín dụng thì giảm thiểu thời gian xử lý từng khoản vay thông qua áp dụng thống nhất quy trình cấp tín dụng bán lẻ cho hầu hết sản phẩm tín dụng bán lẻ; công bố thời gian xử lý từng giao dịch đối với khách hàng; quy định rõ thời gian xử lý từng khoản vay tại từng bộ phận; áp dụng quy trình giải ngân một cửa với doanh nghiệp siêu nhỏ; giảm tầng nấc trung gian xét duyệt cấp tín dụng trong nội bộ ngân hàng; giảm thiểu số lượng chữ ký, hồ sơ của khách hàng nhưng vẫn đảm bảo đúng theo quy định của NHNN và an toàn hoạt động ngân hàng….
Tuy nhiên, trong ý kiến phát biểu tại hội nghị, đại diện tới từ các ngân hàng thương mại như BIDV, Vietcombank, TP Bank, Techcombank cũng đã thẳng thắn trao đổi những vướng mắc khi triển khai thực hiện cải cách hành chính như liên quan đến các quy định pháp luật về cho vay; phòng chống rửa tiền; kết nối thông tin bộ, ngành; liên quan đến giao dịch bảo đảm; nghị quyết về xử lý nợ xấu….
Nhìn chung, các ý kiến đều tập trung vào vấn đề pháp lý, làm thế nào để các ngân hàng thương mại triển khai được mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại hiện nay trong việc đưa ra các sản phẩm và chính những sản phẩm đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người trong trong quan hệ vay vốn, sử dụng dịch vụ thanh toán, tiền tệ của các ngân hàng.
Qua nắm bắt ý kiến, Phó Thống đốc Đào Minh Tú kết luận tại hội nghị những kết quả đạt được nêu trên của ngành Ngân hàng mới là bước đầu. Còn nhiều việc phải làm, phải triển khai để khắc phục những hạn chế, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng như phải làm sao để các doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cũng như dịch vụ ngân hàng thuận lợi hơn.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, NHNN sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có một môi trường kinh doanh tốt hơn, từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho đến việc phải giải quyết nhanh hơn những vướng mắc của ngân hàng thương mại. Đồng thời, đồng hành cùng tổ chức tín dụng phối hợp làm tốt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên tinh thần một ngành dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Phó Thống đốc nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ quan trọng cần triển khai. Thứ nhất là nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế của NHNN để sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về lề lối làm việc, thẩm quyền của thủ trưởng các đơn vị, về phân cấp, phân quyền quản lý, cơ chế phối hợp công tác, về đánh giá theo phương pháp lượng hóa chất lượng công việc của đơn vị, thủ trưởng đơn vị.
Thứ 2 là hoàn thiện về pháp luật cải cách thủ tục hành chính và cải thiện điều kiện kinh doanh. Trong đó, đáng phải nhắc tới là đặc thù kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, cần bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời các khó khăn mang tính tổng thể, vùng miền và đến từng đối tượng. Đối với các đơn vị trên trung ương cần quyết liệt về việc xây dựng, ban hành văn bản, không để xảy ra tình trạng chậm trễ.
Thứ 3 là cần tập trung nâng cao chất lượng công chức, công vụ. Đây là nhiệm vụ NHNN sẽ triển khai mạnh mẽ và quyết liệt trong năm 2019.
Thứ 4 là hiện đại hóa nền hành chính, trong đó có vấn đề về công nghệ, hạ tầng, áp dụng chỉ số ISO để có bộ máy hành chính hoạt động ngày càng hiệu quả, gắn với việc thực hiện Chính phủ điện tử...