Hội thảo Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp
Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 17:03, 18/06/2019
Toàn cảnh hội thảo |
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do nước ta có bở biển dài. Nhiều khu vực ven biển có bình độ thấp. Trước hết phải kể đến là đồng bằng sông Cửu Long - một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo tính toán dự báo của các chuyên gia, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, trong đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 - 0,70C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng “Những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam phải có những nỗ lực hơn nữa trong thực thi các chính sách, biện pháp, đồng thời, tăng cường nhận thức và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu”. Theo PGS.TS Lê Xuân Đình, Hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp” tổ chức lần này cũng nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận bổ ích từ các diễn giả chính như TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban phát triển và quan hệ đối tác (VBCSD-VCCI). TS. Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED), và đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cùng nhiều chuyên gia và đại diện các tổ chức…
TS. Nguyễn Trung Thắng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam đã khẳng định quan điểm: “Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống; phát huy vai trò chủ đạo trong quản lý, điều hành của Nhà nước, nâng cao tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp, phát huy sự tham gia và giám sát của các đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư”.
Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban phát triển và quan hệ đối tác (VBCSD-VCCI) nhấn mạnh đến vai trò và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Thắng và nhiều đại biểu khác đều cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ về biến đổi khí hậu cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đó là các cơ hội cho nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhận thức về biến đổi khí hậu của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải các-bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đặc biệt Hội thảo được nghe bài tham luận truyền nhiều cảm hứng của TS. Nguyễn Hữu Ninh về chủ đề: “Biến đổi Khí hậu và Doanh nghiệp: Cơ hội và Thách thức”. Trong đó, TS. Nguyễn Hữu Ninh nhấn mạnh đến các rủi ro mà biến đổi khí hậu có thể đưa đến cho các doanh nghiệp như: rủi ro khí hậu, rủi ro gây ảnh hưởng tài chính, rủi ro công nghệ và nhân sự, rủi ro vật lý, rủi ro chuyển đổi, rủi ro danh tiếng, rủi ro chính sách, rủi ro kiện tụng…Mức thiệt hại của các rủi ro này là rất lớn. Ví dụ, chỉ tính riêng năm 2016, bão, lụt, thời tiết cực đoan đã làm thế giới tốn hàng chục nghìn tỷ USD, riêng nông nghiệp, năng lượng của Việt Nam thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Vì sự tồn tại và phát triển của mình mà các doanh nghiệp, cộng đồng cần có những hành động chống biến đổi khí hậu. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng.