Khó khăn, thách thức trong tăng vốn điều lệ của các ngân hàng năm 2019
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:21, 19/06/2019
Ngày nhận bài: 31/5/2019 - Ngày biên tập: 31/5/2019 - Ngày duyệt đăng: 3/6/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 11/2019.
Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích một số khó khăn và thách thức về tăng vốn điều lệ mà các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đối diện trong năm 2019 từ những góc nhìn khác nhau như: (i) thị trường chứng khoán (TTCK), (ii) lộ trình thực hiện một số văn bản pháp quy…, từ đó góp thêm cơ sở lý luận cho các nhà điều hành và quản trị ngân hàng tham khảo trong quá trình đề ra chiến lược tăng vốn điều lệ trong năm 2019.
Từ khóa: khó khăn, thách thức, tăng vốn điều lệ, NHTM
Difficulties and challenges in capital increase of commercial banks in 2019
Abstract: The article focuses on analyzing some difficulties and challenges in capital increases which commercial banks may face with in the year 2019 from very different perspective, from that to put more theoretical bases for banks ‘managers to refer in the process of planning legal capital increase strategy in 2019.
Key words: difficulties, challenges, legal capital increase, commercial banks
Thị trường chứng khoán đã qua thời kỳ mua bán “bầy đàn” và theo “cảm xúc”
Qua theo dõi TTCK hơn một năm (sau thời điểm tháng 5/2018 - thời kỳ TTCK lập đỉnh sau nhiều năm trì trệ nhờ hiệu ứng bầy đàn và cảm xúc thăng hoa của các nhà đầu tư) đến nay cho thấy: các nhà đầu tư đã bắt đầu có cái “đầu lạnh” trước mọi thông tin: tốt, thậm chí là rất tốt, hay ngược lại xấu và rất xấu… chẳng hạn như thông tin Mỹ lựa chọn Hà Nội làm nơi gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 2/2019. Nếu như trước đây, thông tin này được đề cập đến thì chắc chắn TTCK phải chứng kiến nhiều phiên kịch trần, và tinh thần lạc quan lại ào ạt tràn đến với các nhà đầu tư…. Nhưng nay, trên thực tế không diễn ra như vậy. Các nhà đầu tư bắt đầu thận trọng hơn trước những nhận định mang tính lạc quan về các diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước, cũng như các thông tin tích cực từ bên ngoài.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và phủ bóng mây đen lên thương mại thế giới… càng làm cho TTCK thế giới nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng chao đảo và khó dự báo trong năm 2019. Đặc biệt, để đáp trả các đòn tăng thuế của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc, việc phía Trung Quốc vừa đánh thuế vào hàng hóa của Mỹ, vừa tiến hành điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ, vừa bán trái phiếu Chính phủ Mỹ… càng làm cho tình hình thương mại nói chung, chính sách tiền tệ của các nước nói riêng có mối quan hệ thương mại với Trung Quốc hay Mỹ gặp rất nhiều bất lợi. Không dừng tại đây, phía Mỹ tiếp tục gây áp lực trực tiếp vào công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei… bằng cách cấm các công ty công nghệ của Mỹ (như Qualcomm, Intel, Google…) cung cấp linh kiện và công nghệ cho công ty Huawei…vì lý do an ninh quốc gia. Điều này làm cho tình hình kinh doanh giữa các bên có liên quan thêm nghiêm trọng. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra một làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang các nước lân cận trong đó có Việt Nam (như Tổng thống Mỹ đã đề cập trên trang twitter của mình)… càng đẩy cuộc chiến lún sâu hơn, khó đoán định và khó dự báo hơn trong tương lai. Trước diễn biến đó, qua theo dõi, kể từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019, các nhà đầu tư chủ yếu chuyển sang hình thức “lướt sóng” ngay trong tuần (T+3), thay vì đầu tư dài hạn như trước đây để bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ nhanh chóng khi xu hướng thị trường thế giới nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng có biến động. Đây cũng là nguyên nhân làm cho TTCK luôn nằm trong tình trạng trồi, sụt thường xuyên, và rất ít có cơ hội vàng cho các doanh nghiệp tiến hành niêm yết trên thị trường, trong đó có các NHTM.
TTCK tác động gì đến lộ trình tăng vốn điều lệ của các NHTM?
Rõ ràng, sự “trồi - sụt” của TTCK đang gây khó khăn cho hai nhóm NH, đó là: (i) nhóm các NHTM đang lên kế hoạch cổ phần hóa (CPH) và niêm yết trên TTCK trong năm 2019-2020, và (ii) nhóm các NHTM đã niêm yết trên 2 sàn Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu:
+ Đối với nhóm các NHTM đang lên kế hoạch CPH và niêm yết: hiện tại ngành NH có tổng cộng 35 NHTM (31 NHTMCP, 4 NHTM Nhà nước), trong số 31 NHTMCP đã có 13 NHTMCP niêm yết trên TTCK, gồm: VCB, BIDV, CTG, TPB, STB, MBB, HDB, TCB,EIB,VPB, ACB, SHB, NVB; còn lại 18 NHTMCP chưa niêm yết và đang có kế hoạch niêm yết trong năm 2020. Rõ ràng, xu hướng của TTCK hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho các NHTM dự kiến niêm yết trên TTCK trong năm 2019. Đặc biệt, nếu theo chủ trương của Chính phủ, toàn bộ các NHTM còn lại phải hoàn thành niêm yết trên TTCK trong năm 2020 thì tình hình sẽ diễn biến như thế nào? Nếu diễn tiến TTCK vẫn khó đoán định, xu hướng đi ngang và xuống chiếm phần chủ đạo thì rõ ràng mức giá mà các NHTM đưa ra chắc chắn sẽ rất thấp, và như vậy không thể đạt được mục tiêu của niêm yết.
+ Đối với nhóm NHTM đã niêm yết: mức giá khớp lệnh khá cao vào cuối năm 2017 và vài tháng đầu năm 2018 của các NHTM đã làm cho làn sóng mua cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, tạo nên sự hấp dẫn khôn lường đối với “cổ phiếu vua”…; Tận dụng giai đoạn vàng này, một số NHTM đã hoàn thành sứ mệnh niêm yết trên TTCK như Techcombank, HDBank, VPBank… trong đó Techcombank lập đỉnh với mức giá 106.000 đ/cổ phiếu vào tháng 6/2018 (nay chỉ còn 23.950 đồng/CP vào ngày 31/5/2019), VPBank đạt 69.500 đồng/cổ phiếu (nay còn 18.400 đồng/cp vào ngày 31/5/2019…. Trước diễn biến bất lợi như hiện nay, việc các NHTM đã niêm yết muốn phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cũng gặp không ít khó khăn do giá phát hành thấp, và có thể các nhà đầu tư quay lưng với cổ phiếu ngân hàng. Hiện, hầu hết các NHTM niêm yết đã hoàn thành kỳ đại hội cổ đông, trong đó phần lớn NH đều thống nhất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu mà không chia cổ tức bằng tiền mặt cho các nhà đầu tư.
Đối với các NHTM có cổ phần Nhà nước chi phối (như BIDV, VietinBank, Vietcombank) thì việc tăng vốn điều lệ không hề đơn giản, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu vẫn là khả năng chịu đựng của ngân sách Nhà nước (NSNN) đến đâu, trong khi NSNN luôn nằm trong tình trạng thâm hụt, khó có nguồn để hỗ trợ cho việc tăng vốn điều lệ trong năm nay. Do đó các ngân hàng nhóm này chủ yếu vẫn xin phép Bộ Tài chính cho phép giữ lại nguồn lợi nhuận năm 2018 để tăng vốn điều lệ. Mặc dù vào cuối năm 2018, các NHTM này đồng loạt tiến hành phát hành trái phiếu với kỳ hạn 10 năm để huy động vốn qua đó tăng vốn tự có (vốn tự có cấp 2), nhưng hầu hết cũng chỉ mới huy động nội lực của chính từng NH, trong khi các nhà đầu tư bên ngoài vẫn không mấy mặn mà với trái phiếu NH, đó cũng là một trong những khó khăn, do tác động bởi TTCK.
Từ những phân tích trên có thể thấy, việc lựa chọn tăng vốn điều lệ trong năm 2019 thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với những NH đang có kế hoạch niêm yết trong năm 2019 hay 2020, cũng như các NHTM đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng là không hề dễ dàng, cần phải tính toán và tìm thời điểm thích hợp, với mục tiêu cuối cùng là thành công trong IPO và thành công trong bán cổ phiếu với giá cả kỳ vọng.
Lộ trình thực hiện một số quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đến gần
Việc thực hiện một số Quyết định của Chính phủ và Thông tư của NHNN đang tạo áp lực cho quá trình tăng vốn điều lệ của các NHTM. Để đạt được mục tiêu đề ra tại một số Quyết định và Thông tư này, buộc các NHTM phải “gồng” hết sức mình mới có thể đáp ứng, cụ thể:
+ Thông tư 41: Theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN về “quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Như vậy chỉ còn hơn 6 tháng nữa, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của tất cả các NHTM phải đáp ứng theo Thông tư này, nói đúng hơn là theo chuẩn Basel II (CAR>8%). Đây là một trong những thông tư có thời hạn ban hành so với thời gian hiệu lực thi hành là 3 năm, cụ thể: Thông tư ban hành ngày 30/12/2016 và đến ngày 1/1/2020 mới có hiệu lực thi hành. Nhìn vào quãng thời gian 3 năm mà NHNN đưa ra để các NHTM chuẩn bị cho thấy sự phức tạp và khó khăn như thế nào trong việc thực thi Thông tư. Bên cạnh đó, Thông tư cũng cho phép các NHTM, nếu có đủ năng lực thực hiện tỷ lệ an toàn vốn trước thời hạn 1/1/2020 thì đăng ký với NHNN để được xem xét chấp thuận.
Ngay khi ban hành, NHNN đã lựa chọn 10 NHTM có tình hình tài chính tốt nhất để triển khai thí điểm gồm: 3 NHTM có vốn Nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, và 7 NHTMCP là MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPbank, VIB và MSB (phần lớn trong số 10 NHTMCP được lựa chọn thì có 8 NHTM đã niêm yết trên TTCK). Tính đến nay đã có 7 NHTM được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II gồm: Vietcombank, VPBank, ACB, VIB, MB….và 2 NH TMCP không nằm trong diện thí điểm cũng đã đạt chuẩn Basel II đó là OCB và TPBank. Đặc biệt trong số 3 NHTM có vốn Nhà nước chi phối, mới chỉ có Vietcombank đạt chuẩn Basel II, còn lại BIDV và VietinBank vẫn đang cố gắng để đạt chuẩn trong thời gian tới. Nguyên nhân khó khăn đối với 2 NH này chủ yếu vẫn là giải bài toán về nguồn vốn để tăng vốn điều lệ vì còn phụ thuộc vào NSNN…
Lướt qua con số 10 NHTMCP tốt nhất được lựa chọn thực hiện Basel II kể từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2019, cho thấy: mới chỉ hơn 1/2 trong số các NHTM được lựa chọn là đạt chuẩn. Vậy là chỉ còn 6 tháng nữa sẽ chạm đến ngưỡng buộc tất cả các NHTM còn lại phải đạt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn theo tinh thần Basel II (đó là chưa kể Agribank, cùng với 3 NHTM NHNN mua lại với giá 0 đồng). Để đạt chuẩn Basel II phụ thuộc rất lớn vào quá trình tăng vốn tự có của các NHTM, mà quá trình này lại phụ thuộc rất lớn vào (i) tình hình thị trường chứng khoán (kể cả các NHTM đã niêm yết lẫn chưa niêm yết), (ii) quá trình xử lý nợ xấu của từng NH, (iii) quá trình nâng cấp hệ thống công nghệ lõi của từng NH để giải bài toán hàng ngày liên quan đến thông tin đầu vào và đầu ra phục vụ cho công tác tính toán CAR, (iv) quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy theo chuẩn Thông tư 41 và việc nhà nước sớm xem xét lựa chọn phương án nâng vốn điều lệ cho 4 NHTM nhà nước.
+ Quyết định 986/QĐ-TTg: Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tại Điều 1, Mục 2, b về mục tiêu cụ thể, có quy định cụ thể như sau: “phấn đấu đến cuối năm 2020 các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II, trong đó có ít nhất 12 – 15 NHTM áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên; có ít nhất 1 đến 2 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á”.
Như vậy, Quyết định số 986 một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thực hiện Basel II của hệ thống NHTM Việt Nam, cụ thể hơn là thực hiện đầy đủ Thông tư 41 của NHNN. Tuy nhiên, Quyết định 986 cũng nhận thấy việc thực hiện Basel II là một bước tiến lớn, khó khăn, phức tạp và đầy thử thách đối với NHTM. Đặc biệt trong bối cảnh hệ thống NHTM vừa tập trung xử lý nợ xấu, vừa phải thực hiện đề án tái cơ cấu… do đó Quyết định cũng chỉ yêu cầu phấn đấu đến hết năm 2020 có khoảng 12 - 15 NHTM trong tổng số 35 NHTM áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)
Kỷ nguyên 4.0 với các nền tảng IoT (internet kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), In 3D... đang đưa thế giới vào một giai đoạn phát triển vượt bậc trên mọi phương diện, thậm chí có những thành tựu khoa học đạt được nằm ngoài sức tưởng tượng của con người.... Để đón đầu xu hướng này, vào cuối tháng 4/2019, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) đã thành lập Bộ Triển vọng (Ministry of Possibilities) với phương châm “không gì là không thể” theo quyết định của Hoàng thân Mohammed Bin Rashid Al Maktoum, Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UEA, đồng thời là tiểu vương của Dubai. Lý giải cho sự ra đời của Bộ Triển vọng, Thủ tướng UEA cho rằng: “thế giới đang biến chuyển quá nhanh, đòi hỏi Chính phủ phải thường xuyên được tái cơ cấu, Chính phủ không thể thụ động chờ vấn đề nảy sinh rồi mới tìm cách xử lý, mà phải tiên lượng trước vấn đề để có hướng giải quyết kịp thời”. Rõ ràng, đứng trước xu hướng phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, hàng loạt vấn đề nảy sinh trên thực tế, nhưng các chính sách quản lý vẫn chưa thể theo kịp.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng có chủ trương cho các startup thử nghiệm trước các sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ trong một không gian thử nghiệm nhất định (gọi là Sandbox) rồi mới áp chính sách quản lý vào sau. Đối với ngành Ngân hàng, đặc biệt là trung gian thanh toán, chắc chắn sẽ không thể nằm ngoài xu hướng phát triển chung của cuộc cách mạng 4.0, do đó việc đồng hành cùng các thực thể trong một môi trường phẳng “không gì là không thể” được coi là hiển nhiên. Việc tuân thủ và hướng tới chuẩn mực về an toàn vốn theo tinh thần Hiệp ước Basel II (cụ thể là Thông tư 41 và Quyết định 986) là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù những khó khăn và thách thức từ góc nhìn TTCK, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung….đang gây ra cho nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng nhiều khó khăn thách thức, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có cơ hội để phát triển. Cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau, năm 2019 sẽ là năm có nhiều bứt phá của toàn ngành Ngân hàng trong việc thực thi thành công Thông tư 41 và Quyết định 986 để hướng tới các chuẩn mực quốc tế, góp phần cùng các thực thể trong nền kinh tế bắt nhịp nhanh chóng với kỷ nguyên 4.0.
Tài liệu tham khảo:
- Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về “quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
- Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8.8.2018 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2030.
- Các thông tin trên trang web của NHNN Việt Nam (https://www.sbv,gov.vn)
- Các thông tin kinh doanh hàng ngày trên các Sàn chứng khoán HOSE và HNX;
- Các nguồn thông tin trên các Báo viêt: Thời báo NH (của NHNN). Báo Đầu tư (của Bộ KH&ĐT), Thời báo kinh tế Việt Nam (của Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam)…;
- Các thông tin trên các báo mạng.