Những bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 08:25, 19/06/2019
|
Trên tờ báo “Sự thật” nhà báo Hồ Chí Minh đã dùng bút danh A.G trong 2 bài viết có tựa đề: “Giữ bí mật” ra ngày 30/7/1948, và bài “Rút kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm” xuất bản ngày 31/10/1949).
C.B là bút danh của nhà báo Hồ Chí Minh đã sử dụng trong khoảng 70 bài báo, phần nhiều đăng trên tờ Nhân Dân từ năm 1951 - 1957. Còn CK cũng là bút danh của bài viết của Bác đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 10/1/1960.
Bút danh CHIẾN SĨ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong khoảng 20 bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ năm 1963 – 1967.
Bút danh D.X là của nhà báo Hồ Chí Minh sử dụng trong 50 bài viết đăng trong chuyên mục “thường thức chính trị” của báo “Cứu Quốc” từ 16/1/1953 đến 23/9/1953 và một số bài viết trên báo Nhân Dân của cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bút danh ĐIN trong bài viết đăng trên tạp chí “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân” ngày 21/8/1953 cũng là của tác giả Hồ Chí Minh.
Bút danh “G” được Bác Hồ sử dụng trong bài viết tựa đề “Bệnh khẩu hiệu” trên báo “Sự Thật” ra ngày 15/3/1949. L.T cũng là bút danh của Hồ Chí Minh trong bài “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” đăng trên báo “Sự thật ra ngày 15/4/1949. LA LẬP là bút danh Bác ký trong bài “Tổng Giôn đã phạm tội ác tày trời” đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 10/8/1966. LÊ NHÂN là bút danh Bác dùng trong bài “Thất bại và thành công” đăng trên báo Sự Thật ngày 19/8/1949. LÊ NÔNG là bút danh nữa của Bác đã sử dụng trong các bài viết đăng trên báo Nhân Dân các năm 1964-1965. Còn LÊ QUYẾT THẮNG là bút danh Bác dùng ở báo Cứu Quốc trong các số báo xuất bản từ ngày 30/5/1949 đến ngày 2/6/1949. LÊ THANH LONG cũng là bút danh Bác ký trên báo Nhân Dân ra ngày 4/2/1963. L.M.WANG là bút danh của Hồ Chí Minh do Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Đức cấp thẻ chứng nhận là phóng viên của tờ báo “Thế giới” (27/2/1930).
N là bút danh của Bác Hồ trên tờ báo “Người cùng khổ” - (Le Paria - số 11,13,14,15 năm 1923 và số 22 năm 1924). N.A.Q, là bút danh Bác sử dụng trong bài đăng trên bản tin tiếng Pháp ra ngày 15/10/1927, chuyên mục Thư tín Quốc tế. Bút danh NG.A.Q, là tên viết tắt của Bác Hồ trong bài viết và tranh vẽ được đăng trên báo “Người cùng khổ” (Le Paria số 5 ra ngày 1/8/1922 và số 2 ra tháng 6/1922). NG.ÁI QUỐC là bút danh của Bác Hồ trong bài đăng trên báo “Người cùng khổ” (Le Paria xuất bản ngày 4/5/1925. NGUYỄN A. Q là bút danh Bác ký trong các bài viết ở tờ “Đời sống” số 233 năm 1922, tờ “Nhân Đạo” ra ngày 25/5/1922) và trong tác phẩm tranh châm biếm đăng trên tờ Le Paria số 5 xuất bản vào tháng 8/1922.
NGUYỄN ÁI QUỐC là tên và cũng là bút danh Bác dùng từ năm 1919, ký lần đầu tiên trên “Bản yêu sách nhân dân An Nam” gửi đến Đại hội Versailles (1919) và sau đó trên rất nhiều bài viết đăng trên các báo “Nhân Đạo” (L’Humanité), báo “Dân chúng” (Le Populaire), “Tạp chí Cộng sản” (La Revue Communiste), Báo “Tự do” (La Liberté), Báo “Đời sống công nhân” (La vie ouvrìere), Báo “Nhân dân” (Journal du Peuple), Báo “Người cùng khổ” (Le Paria)... hoặc tờ báo tiếng Nga “Quốc tế nông dân” của Đảng Cộng sản Liên Xô. P.C.LINE là bút danh Bác dùng trong thời gian trở lại hoạt động tại Quảng Châu Trung Quốc năm 1938 và ở một số bài báo viết trong năm 1939. QUAC E. WEN, là bút danh Bác ký trong bài “Uy quyền của đế quốc Pháp ở Đông Dương” ra ngày 5/3/1931. T.L là bút danh của Bác Hồ trong 30 bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ năm 1955 đến 1969. TÂN SINH là bút danh của Bác trong tác phẩm “Đời sống Mới” (20/3/1947). THANH LAN, là bút danh Bác Hồ trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân ngày 26/6/1963.
LINE là bút danh Bác ký trong tác phẩm: “Thư từ Trung Quốc. Hoạt động của bọn Tơ-rốt-xki ở Trung Quốc” đăng trên tờ (Tiếng nói của chúng ta - Notre voix 28/7/1939 và 11/8/1939) và trong bản báo cáo gửi Ban chấp hành Quốc tế cộng sản - viết tháng 7/1939). TRẦN LỰC, bút danh Bác ký trong các bài đăng trên báo Nhân Dân (từ 1958 - 1961). U.L., bút danh Bác ký đăng trên báo “Người cùng khổ” (Le Paria - 1922). VIỆT HỒNG, bút danh Bác ký trong bài “Vừa đi đường vừa nói chuyện về Các Mác trên báo Nhân Dân ngày 5/5/1968. VICTOR, bút danh Bác ký dùng cho một bài gửi cho báo Pháp “Thế Giới” (Le monde - 1934). WANG, bút danh Bác ký trong một số bài đăng trên tạp chí “Thư tín Quốc tế” 1927 - 1928.
X.Y.Z., là bút danh của Bác ký trong các tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947) và một số bài trên báo “Sự Thật” từ 1948 - 1950.