Hợp tác đào tạo kỹ năng lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp và các trường đại học tại Việt Nam
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:36, 19/06/2019
Ngày nhận bài: 16/4/2019 - Ngày biên tập: 18/4/2019 - Ngày duyệt đăng: 30/5/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 11 năm 2019.
Tóm tắt: Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trên thị trường lao động đang tồn tại một nghịch lý thường được gọi là “nghịch lý thiếu thừa”. Trong khi ở phía cung, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao và nhiều người lao động không thể tìm được việc làm thì từ phía cầu, doanh nghiệp cũng luôn than phiền rằng họ không thể tuyển đủ lao động. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới nghịch lý nói trên là vấn đề “khoảng trống kỹ năng” (skill gap) khi những kỹ năng sẵn có của lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Từ khóa: kỹ năng lao động, nhân lực đào tạo
Cooperation in labor skill training and human resource development between universities and enterprises
Abstract: In many countries in the world, including Vietnam, there exists a paradox usually called “superfluous paradox”. From supply side, unemployment rate is at high rate and many laborers cannot find jobs meanwhile enterprises say that they are difficult in recruiting enough labors. One of important cause that leads to that paradox is the problem of skill gap when skills available do not meet requirements from enterprises.
Key words: labor skill, skill gap, human resource development
Nghịch lý thiếu thừa trên thị trường lao động và vấn đề “khoảng trống kỹ năng”
Vấn đề này không chỉ xảy ra với nhóm lao động phổ thông, chưa qua đào tạo mà còn phổ biến cả với nhóm lao động đã tốt nghiệp đại học. Một khảo sát trên quy mô toàn cầu của QS năm 2018 đã chỉ ra rằng có tồn tại khoảng cách giữa các kỹ năng của ứng viên tốt nghiệp đại học với kỳ vọng của nhà tuyển dụng ở hơn 100 quốc gia tham gia khảo sát, bao gồm cả những nền kinh tế phát triển như Mỹ và EU đến những nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi (1).
Tại Việt Nam, vấn đề khoảng trống kỹ năng của lao động nói chung và lao động đã qua đào tạo nói riêng đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ dư luận trong những năm gần đây. Theo một khảo sát của Viện Khoa học Lao động & Xã hội, 2/3 doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết người lao động đang thiếu hụt kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác ngoài chuyên môn(2). Dựa trên số liệu khảo sát từ 386 doanh nghiệp Việt Nam về việc đánh giá chất lượng của nhóm lao động là sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ đang làm việc tại doanh nghiệp, nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Lan và Nguyễn Minh Hiển (2015), đã cho thấy trong 3 nhóm kỹ năng bao gồm: kỹ thuật; nhận thức; xã hội và hành vi, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng của nhóm kĩ năng kĩ thuật thấp hơn so với hai nhóm kĩ năng còn lại. Đặc biệt, ở nhóm lao động này, các kỹ năng như khả năng ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế, trình độ ngoại ngữ, năng lực tư duy sáng tạo, tính kỉ luật trong công việc được doanh nghiệp đánh giá là đặc biệt thiếu hụt về chất lượng. Một nghiên cứu tương tự của Mai Thị Quỳnh Lan (2018) với mẫu khảo sát nhỏ hơn gồm 25 doanh nghiệp có tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho kết luận tương tự về sự tồn tại khoảng cách giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng với những kỹ năng sinh viên được đào tạo tại trường đại học.
Thiếu kết nối thông tin là nguyên nhân chủ yếu của vấn đề “khoảng trống kỹ năng”
Vấn đề thiếu hụt kỹ năng của người lao động tại Việt Nam thường được gắn với trách nhiệm của trường đại học và cơ sở đào tạo liên quan đến các khía cạnh như: chương trình đào tạo lạc hậu, quá nặng về lý thuyết, thiếu các nội dung thực hành; phương pháp giáo dục chậm đổi mới; các ngành nghề đào tạo chưa sát với yêu cầu thị trường dẫn đến sự mất cân đối về cung cầu lao động theo ngành: trong khi thị trường đang thừa lao động thuộc các nhóm ngành kế toán, tài chính, ngân hàng thì lao động thuộc các nhóm ngành công nghệ, dược, xây dựng lại rất khan hiếm.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở các trường đại học, phân tích của các chuyên gia về lao động và nhân lực của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng “khoảng trống kỹ năng” tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt với nhóm lao động tốt nghiệp đại học bắt nguồn từ “sự thiếu kết nối” giữa người sử dụng lao động, sinh viên/học sinh/phụ huynh và các trường đại học/cơ sở đào tạo(3). Ba tác nhân nói trên đang có sự lựa chọn và hành động tách biệt nhau, thiếu sự trao đổi và phối hợp qua lại. Học sinh/phụ huynh học sinh chọn trường đại học chủ yếu dựa trên cảm tính cũng như đánh giá cá nhân và thường không có đủ thông tin và/hoặc năng lực để đánh giá khả năng đáp ứng thị trường của các chương trình đào tạo tại các trường đại học. Trường đại học không có đủ thông tin hoặc không đủ năng lực thu thập và phân tích thông tin về các kỹ năng cần thiết theo yêu cầu doanh nghiệp để làm cơ sở xây dựng hoặc bổ sung chương trình đào tạo. Doanh nghiệp thì thiếu sự trao đổi thông tin với trường đại học/ cơ sở đào tạo và thường lựa chọn “đào tạo lại” như một giải pháp để giải quyết vấn đề.
Như vậy, có thể thấy, để thu hẹp khoảng trống kỹ năng hiện có trên thị trường lao động Việt Nam, cần phải giải quyết vấn đề căn bản về thiếu kết nối thông tin, trong đó đòi hỏi sự phối hợp và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học. Đây cũng là mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp
Hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, những hoạt động hợp tác này chưa thực sự có nhiều tác động tích cực giúp giải quyết vấn đề khoảng trống kỹ năng.
Liên quan đến hợp tác đào tạo, các hình thức hợp tác chủ yếu tại Việt Nam bao gồm: (i) doanh nghiệp nhận sinh viên của trường vào các vị trí thực tập trong doanh nghiệp, qua quá trình thực tập, doanh nghiệp phối hợp với trường để xây dựng kỹ năng thực hành cho sinh viên; (ii) doanh nghiệp hợp tác với trường để tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp; (iii) nhân sự của doanh nghiệp tham gia giảng dạy một số nội dung trong chương trình đào tạo.
Hình thức hợp tác thứ nhất mặc dù phổ biến nhất nhưng hiệu quả mang lại không cao. Hoạt động thực tập ở nhiều nơi, đặc biệt với sinh viên khối ngành kinh tế thường mang nặng tính hình thức; một số chương trình thực tập có chất lượng của các công ty lớn lại chỉ tiếp cận được số lượng rất nhỏ sinh viên xuất sắc. Hình thức hợp tác thứ hai mặc dù giúp tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp nhưng thực chất không có nhiều ý nghĩa với việc đào tạo kỹ năng, và doanh nghiệp vẫn phải tốn nguồn lực để đào tạo lại sinh viên cho phù hợp với yêu cầu của mình. Hình thức thứ ba được kỳ vọng sẽ giúp các nội dung đào tạo tại đại học trở nên sát thực tiễn hơn nhưng trên thực tế, số lượng nhân sự từ doanh nghiệp có thể giảng dạy được ở đại học là rất ít và cũng không nhiều trường đại học hiện nay sẵn sàng cho việc hợp tác này.
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học chưa mang lại hiệu quả thực chất, nguyên nhân phần lớn là do chưa có đủ động cơ khuyến khích cả hai phía thúc đẩy sự hợp tác. Kết quả khảo sát của T&C Consulting cho thấy doanh nghiệp thường là bên chủ động trong việc khởi xướng và phát triển phương án hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học nhưng ngay cả với sự chủ động như vậy, rất ít doanh nghiệp xem đây là một mối quan hệ đối tác có tính chất dài hạn mà chủ yếu chỉ để phục vụ cho các nhu cầu và kế hoạch ngắn hạn, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng(4). Khảo sát gần đây của Trung tâm Dự báo - thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy các trường đại học công lớn thường không chủ động tìm kiếm sự hợp tác với doanh nghiệp trong khi các trường đại học tư nhân và đại học quốc tế (ví dụ: Đại học RMIT hay Đại học FPT) thường chủ động hơn cũng như có phương án hợp tác rõ ràng hơn.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng trống kỹ năng, qua đó thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phát huy tối đa vai trò của mình bằng việc hỗ trợ cung cấp thông tin và các chính sách khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy cho các bên. Cụ thể, bài viết đưa ra một số khuyến nghị chính sau:
(i) Tăng quyền tự chủ cho các trường đại học và cơ sở đào tạo. Quyền tự chủ cho phép các trường đại học có thể quyết định các nội dung đào tạo, linh hoạt đưa ra các thay đổi về chương trình đào tạo để phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên quyền tự chủ lớn hơn sẽ cần phải đi kèm với trách nhiệm giải trình lớn hơn.
(ii) Tạo động cơ khuyến khích trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các cơ chế phân bổ tài chính dựa trên kết quả. Điều này cần phải được thực hiện song song với quá trình cải thiện thông tin, xây dựng cơ chế yêu cầu các trường đại học cung cấp thông tin cũng như hoàn thiện quy trình kiểm định chất lượng đào tạo.
(iii) Tạo động cơ khuyến khích (về tài chính) cho doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với trường đại học (ví dụ: miễn giảm thuế…)
Chú thích:
1 QS (2018)
2 Minh Ngọc (2018)
3 WB (2014)
4 T&C Consulting (2013)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Mai Thị Quỳnh, Lan. (2018). Skill gap from employers’ evaluation: a case of VNU graduates. VNU Journal Of Science: Education Research, 34(2), 1-13.
- Minh Ngọc (2018). Nghịch lý đáng lo ngại về thị trường lao động của Việt Nam. [online] VnMedia. Available at: http://www. vnmedia.vn/kinh-te/201804/nghich-ly-dang-lo-ngai-ve-thi-truong-lao-dong-cua-viet-nam-599358/ [Accessed 13 Apr. 2019].
- Nguyễn Hoàng, Lan., & Nguyễn Minh, Hiển. (2015). Đánh giá của người sử dụng lao động về chất lượng đào tạo đại học: Một nghiên cứu đối với nhóm ngành kĩ thuật-công nghệ. Tạp Chí Khoa Học ĐHQGHN: Nghiên Cứu Giáo Dục, 31(2), 1-14.
- QS(2018). The Global Skills Gap in the 21st Century. Retrieved from http://info.qs. com/rs/335-VIN-535/images/The%20Global %20Skills%20Gap%2021st%20Century.pdf
- T&C Consulting (2017). Quan điểm của các doanh nghiệp trong việc hợp tác với các trường đại học - Kỳ 1 - T&C Consulting. Retrieved from http://tc-consulting. com.vn /2017/03/17/quan-diem-cua-cac-doanh-nghiep-trong-viec-hop-tac-voi-cac-truong-dai-hoc-ky-1/
- World Bank (2014). Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 - Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam. Retrieved from http://documents. worldbank.org/curated/en/951221468129871151/pdf/829400AR0VIETN0Box0379879B00PUBLIC0.pdf