Tác động xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ của FED
Thị trường - Ngày đăng : 13:58, 24/06/2019
Quyết định của FED trong cuộc họp Chính sách tiền tệ tháng 6
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong phạm vi mục tiêu từ 2,25% đến 2,5%. Tuy nhiên, FED để ngỏ khả năng giảm lãi suất từ nay đến cuối năm. FED cho rằng tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, trong khi lạm phát đang thấp hơn mức mục tiêu 2%; đồng thời hạ dự báo lạm phát xuống 1,5%, từ mức 1,8% hồi tháng 3/2019.
Trước đó thị trường dự đoán xác suất FED hạ lãi suất tại cuộc họp lần này ở mức 26%. Trong khi đó, xác suất giảm lãi suất vào tháng 7/2019 tăng lên 82,5% và xác suất giảm lãi suất vào tháng 12/2019 ở mức 60,4%.
Mặc dù FED tuyên bố không tăng lãi suất trong cuộc họp lần này nhưng VCBS cho rằng việc FED đảo chiều tín chiều đối với chính sách điều hành lãi suất từ dự kiến tăng 3 lần tăng lãi suất cho cả năm 2019 (ghi nhận cuối năm 2018) xuống giữ nguyên thậm chí giảm lãi suất có tác động nhiều mặt tới thị trường tài chính, tiền tệ hay hàng hóa. Trong đó, đặc biệt phải kể tới giá cả các hàng được neo theo đồng USD.
Ảnh hưởng lên thị trường Việt Nam
Trong trung hạn, trong bối cảnh kinh tế - địa chính trị hiện tại khi mà xu hướng chung của dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả gián tiếp và trực tiếp) vẫn đang tìm cách rời khỏi những khu vực dân số già hóa và những khu vực bất ổn chính trị/chiến tranh leo thang, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài với những ưu thế không thể phủ nhận nhờ:
Môi trường chính trị ổn định;
Nền kinh tế tăng trưởng tốt, cơ cấu dân số tương đối trẻ và lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công tương đối cạnh tranh;
Chính sách điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định với định hướng giảm bớt rào cản gia nhập thị trường và kêu gọi đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp);
Có thể thấy, các số liệu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp đều cho thấy mức tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ khi (1) Lượng vốn FDI đăng ký 5T.2019 ghi nhận mức tăng ~ 27% so với cùng kỳ. (2) Dòng vốn huy động từ các quỹ ETF ngoại huy động từ Mỹ, thể hiện qua khối lượng chứng chỉ quỹ phát hành mới quỹ MVIS Việt Nam liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm từ ~21 triệu ccq cuối năm 2018 lên ~ 27 triệu ccq.
Theo đó, VCBS tiếp tục giữ quan điểm, xung quanh thời điểm thị trường thế giới đón nhận diễn biến bất ổn khó lường, tỷ giá có thể chịu áp lực tăng nhất định. Tuy nhiên, mức giảm giá của VND cho cả năm 2019 áp dụng cho tỷ giá trung tâm sẽ không vượt quá 2%.
Trong ngắn hạn, đối với thị trường cổ phiếu, tác động tích cực ngắn hạn đã được quan sát khi chỉ số cũng đã đón nhận nhịp hồi phục nhẹ 2 phiên cuối tuần khi chứng khoán Việt Nam phần nào vận động đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, sẽ cần thêm các tín hiệu về dòng tiền trước khi khẳng định xu hướng tích cực hơn của thị trường.
Ảnh hướng giá cả hàng hóa trong bối cảnh đồng USD được dự báo yếu đi
Giá vàng: Sau khi quyết định của FED trong cuộc họp tháng 6 được đưa ra, giá vàng trên thị trường thế giới liên tiếp các 2 phiên tăng mạnh. Cụ thể, giá vàng thế giới sáng ngày 21/6 đã vượt qua mốc 1.400 USD/oz, đẩy giá vàng miếng trong nước lên đỉnh của 6 năm.
Giá dầu thô: Đối với giá dầu thô thế giới, kỳ vọng đồng USD yếu hơn đi kèm với các diễn biến địa chính trị khó lường trong tuần vừa qua khiến giá dầu chứng kiến tuần tăng khá mạnh với mức tăng hơn 5% (tính đến ngày 21/6).