Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 08:37, 01/07/2019
Những năm gần đây số lượng đảng viên mới được kết nạp tăng nhanh nhưng đang bộc lộ một số vấn đề cần tập trung giải quyết. Công tác kết nạp đảng viên có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng; có nơi kết nạp cả những người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện; động cơ vào đảng của một số cá nhân chưa thật sự đúng đắn. Những biểu hiện nói trên ngày càng có xu hướng phát triển rộng hơn là do không ít cấp ủy, cá nhân đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc kết nạp đảng viên; công tác tạo nguồn quần chúng ưu tú chưa được coi trọng; quy trình, thủ tục, nguyên tắc trong kết nạp đảng viên chưa được quan tâm đúng mức. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kết nạp đảng viên nói riêng, một số công tác khác liên quan đến đảng viên nói chung, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW (Chỉ thị 28), ngày 21/1/2019 về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò của công tác kết nạp đảng viên.
Công tác kết nạp đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức đảng nhằm gia tăng về mặt số lượng, đồng thời củng cố về mặt chất lượng góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh. Trách nhiệm thực hiện công tác này thuộc về tổ chức đảng nói chung, nhưng trước hết là cấp ủy các cấp trong việc tạo nguồn, kết nạp, giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên sau khi đã kết nạp. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy quan tâm đến công tác kết nạp đảng viên, ở đó đội ngũ đảng viên mạnh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên. Cấp ủy các cấp, nhất là chi ủy cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên; nắm chắc các quy định, quy trình, thủ tục và điều kiện xem xét, tổ chức kết nạp đảng viên; đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong xác minh, thẩm định lý lịch, hồ sơ và các mối quan hệ của quần chúng ưu tú khi được xem xét kết nạp đảng.
Thứ hai, chấn chỉnh công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.
Việc kết nạp đảng viên, công nhận đảng viên chính thức, phát và quản lý thẻ đảng viên phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Đảng viên mới được kết nạp phải thực sự là quần chúng ưu tú, được các tổ chức mà quần chúng tham gia rèn luyện, thử thách qua công việc thực tiễn, thể hiện là người có năng lực chuyên môn, đạo đức lối sống lành mạnh, mục đích và động cơ vào đảng trong sáng. Phải đảm bảo quần chúng ưu tú có đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của đảng viên thì mới làm quy trình kết nạp đảng.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên.
Quản lý đảng viên là một nội dung quan trọng trong công tác đảng viên, thông qua quản lý đảng viên, các cấp uỷ và tổ chức đảng nắm được đội ngũ đảng viên và từng cá nhân đảng viên để có chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng tổ chức đảng; góp phần bảo vệ nội bộ Đảng, ngăn ngừa phần tử xấu chui vào Đảng. Quản lý đảng viên là hoạt động chủ động, thường xuyên có mục đích của cấp uỷ, tổ chức Đảng có thẩm quyền nhằm tác động có định hướng vào đội ngũ đảng viên và từng đảng viên. Đối với tổ chức cơ sở đảng, cùng với việc quản lý tốt về hồ sơ, lý lịch Đảng viên còn phải quản lý hoạt động thực tiễn, việc thực hiện nhiệm vụ được giao, các mối quan hệ gia đình, xã hội và dư luận trong nhân dân về đảng viên thuộc phạm vi mình quản lý.
Giáo dục đảng viên, là toàn bộ hoạt động của tổ chức đảng có thẩm quyền sử dụng nội dung, hình thức, biện pháp tác động đến đảng viên thuộc thẩm quyền quản lý của mình để nâng cao đạo đức cách mạng, năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc giáo dục đảng viên phải tập trung vào nâng cao nhận thức lý luận chính trị; giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác của đảng viên. Trong công tác giáo dục đảng viên cần tập trung vào một số hình thức như: Một là, giáo dục qua các lớp học cho đảng viên, được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như: tập trung, không tập trung, ngắn hạn, dài hạn, giáo dục từ xa. Hai là, thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, tùy chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác để lựa chọn chương trình học tập cho phù hợp với từng đảng viên. Ba là, giáo dục đảng viên thông qua việc tổ chức cho đảng viên đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm, câu lạc bộ, hội thi giải quyết các tình huống trong công tác của đảng viên. Bốn là, giáo dục đảng viên thông qua việc học tập nghị quyết, thông qua sinh hoạt đảng, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức đảng, qua hệ thống thông tin nội bộ, các phương tiện thông tin đại chúng. Năm là, đảng viên tự giáo dục, rèn luyện thông qua việc thực hiện nhiệm vụ được giao, qua việc tự nghiên cứu, học tập và đúc rút kinh nghiệm của bản thân.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên.
Các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền phải thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên, nhất là từ các chi bộ để kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Theo Chỉ thị 28 thì đến ngày 19/5/2019, các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền phải tiến hành một đợt rà soát đội ngũ đảng viên mà mình quản lý để có báo cáo thể hiện rõ tình hình đội ngũ đảng viên, đồng thời báo cáo những trường hợp đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; đảng viên vi phạm quy định về chế độ, điều kiện sinh hoạt đảng; trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật đảng; mất uy tín, thiếu gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ để qua có có căn cứ sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng. Khắc phục tình trạng nể nang trong đánh giá, phân loại đảng viên.
Thứ năm, xử lý kịp thời, nghiêm minh cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm các quy định trong công tác kết nạp đảng viên.
Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa công tác kết nạp đảng viên và sàng lọc đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Các tổ chức đảng có thẩm quyền cần tiến hành rà soát đội ngũ đảng viên, rà soát công tác kết nạp đảng viên của cấp ủy đảng các cấp, trước hết là từ cấp chi bộ, qua đó nắm chắc tình hình và kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, những trường hợp kết nạp đảng mà chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn; xem xét quy trình, thủ tục kết nạp đảng; hồ sơ đảng viên và việc phát, quản lý, sử dụng thẻ đảng viên để xử lý nghiêm minh hoặc kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh. Trong xử lý vi phạm phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật thích đáng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất loạt không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”(1). Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định trong kết nạp đảng còn góp phần rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật của cá nhân đảng viên, tạo sự nghiêm minh của kỷ luật của Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân,... vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng”(2)
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, HN-2011, t.15, tr.323-324.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, HN-1996, tr. 143.