Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2019 từ 6,6 - 6,8%
Sự kiện nổi bật - Ngày đăng : 08:25, 05/07/2019
|
Tập trung xử lý những tồn tại kéo dài
Phát biểu khai mạc hội nghị, sau khi điểm lại những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đề cập nhiều hơn, tập trung hơn vào những tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ, ngành, địa phương phải đối mặt. Trên cơ sở đó, các đại biểu cùng bàn kỹ để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất…
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, với trách nhiệm cao nhất, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề tồn tại kéo dài.
Toàn cảnh Hội nghị |
Sớm loại bỏ những nút thắt thể chế
Trong phần thảo luận, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bày tỏ đồng thuận cao với kế hoạch tăng tốc 6 tháng cuối năm mà Chính phủ đưa ra, đồng thời nêu rõ những nút thắt thể chế có nguy cơ làm chậm sự phát triển của địa phương và đất nước.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cải cách hành chính mạnh hơn nữa, đích đến là hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cán bộ thực thi công vụ; thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo nghị quyết của Quốc hội, xem đây là tiền đề để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển thành phố năm 2019 và các năm tiếp theo. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ sớm thông qua nghị quyết cho phép địa phương này thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Nêu tình trạng Hải Phòng đang gặp khó trong việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao), Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho hay, việc chậm thanh toán khiến địa phương sẽ phải chịu một phần lãi vay, nếu kéo dài thì thiệt hại tương đối lớn và kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho các chủ đầu tư thực hiện dự án BT ký sau thời điểm 1/1/2018.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cũng phản ánh, thời gian qua việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán quá nhiều đoàn, nội dung trùng nhau. "Riêng năm 2018, Hậu Giang tiếp 11 đoàn, chúng tôi thấy quá nhiều. Đề nghị các bộ, ngành trong khi lập kế hoạch tranh tra, kiểm tra, kiểm toán có sự thống nhất, tránh trùng lặp gây khó khăn cho địa phương" - ông Lê Tiến Châu nêu rõ. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành hai nghị định liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để địa phương thực hiện tốt và đồng bộ sắp xếp bộ máy theo tinh thần của Trung ương. Nếu để kéo dài việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, công chức.
Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2019 từ 6,6 - 6,8%
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chúng ta vừa ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đây là lợi thế cho những năm tới. Vấn đề quan trọng là chúng ta làm gì để tận dụng cơ hội từ hiệp định này. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ các rủi ro, thách thức từ bên ngoài, đòi hỏi chúng ta phải theo sát diễn biến, có giải pháp ứng phó đúng đắn.
Thủ tướng lưu ý thời gian tới, quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dứt khoát không điều chỉnh các chỉ tiêu. Nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương (BNĐP) phải bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cần theo dõi chặt diễn biến thế giới, tận dụng cơ hội các FTA đã ký, đón thời cơ thu hút các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu đến Việt Nam làm ăn; tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hoá, đội lốt nhãn mác hàng hoá Việt Nam. Các bộ, ngành tài chính thế giới, bảo đảm ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, tăng cường sức chống chọi với tác động bên ngoài..., phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP năm 2019 từ 6,6 đến 6,8%.
Để làm tốt việc đó, Thủ tướng yêu cầu các BNĐP cần chú trọng khai thác các động lực tăng trưởng; ngăn chặn hiệu quả dịch tả lợn châu Phi; chú trọng phát triển lĩnh vực nông sản, thủy sản; tích cực phòng chống thiên tai, cháy rừng. Thu hút đầu tư có chọn lọc, có chiến lược; chú trọng kêu gọi các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới vào đầu tư ở Việt Nam. Kết hợp kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, đầu tư FDI; tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước và DN FDI. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ODA; các BNĐP phải lập tổ công tác thúc đẩy việc giải ngân; có chế tài điều chuyển vốn những ngành, địa phương giải ngân chậm. Đẩy nhanh việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tích cực xử lý nợ xấu, giữ an toàn hệ thống ngân hàng; tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên, chống thất thu thuế, chống chuyển giá...
Thủ tướng đặc biệt chỉ đạo các BNĐP tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thực chất. Phải rà soát lại các khâu, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, cản trở phát triển. Các bộ, ngành khẩn trương rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết để giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan tâm thực sự môi trường kinh doanh để có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Các bộ, ngành chức năng nghiên cứu sửa đổi một số quy định để phát triển DN.
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76% Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm giai đoạn 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018. Điểm sáng của khu vực này là thủy sản tăng trưởng 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau, củ, quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước. Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng. Số liệu cập nhật ngày 2/7/2019 của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018. |