Thông điệp về chuẩn mực đạo đức gửi các cán bộ ngân hàng tân tuyển

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 16:18, 08/07/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 8/7/2019, tại Hà Nội, nhân lễ khai giảng Chương trình đào tạo nhân viên mới của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng đã có cuộc nói chuyện, chia sẻ với gần 140 học viên là cán bộ, nhân viên tân tuyển của Vietcombank về Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành ngày 25/2/2019.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Toàn Thắng gửi lời chúc mừng đến các đồng nghiệp trẻ đã trở thành cán bộ, nhân viên của Vietcombank

Mở đầu buổi nói chuyện, ông Nguyễn Toàn Thắng gửi lời chúc mừng đến các đồng nghiệp trẻ đã trở thành cán bộ, nhân viên của Vietcombank, một trong những ngân hàng có truyền thống lâu đời nhất ở Việt Nam, ngân hàng có nề nếp hoạt động quy củ, bài bản và có đội ngũ cán bộ đầu vào chất lượng thuộc loại tốt nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện này.

Theo ông Thắng, với Vietcombank, các bạn trẻ sẽ có điều kiện hưởng chế độ đào tạo, huấn luyện tốt, có những cơ hội để học tập nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và hoàn thiện bản thân. Tâm sự cùng các đồng nghiệp trẻ, ông nói “Nghề nào cũng có cái hay và cái vất vả riêng. Vượt qua được cái vất vả, sẽ thấy được cái hay và sẽ yêu nghề hơn”.

Về nghề ngân hàng

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, làm nghề ngân hàng, tức là làm trung gian tài chính với hoạt động cơ bản là (nhận) huy động tiền của người muốn gửi tiền vào ngân hàng và sử dụng tiền đó để cho vay những doanh nghiệp, những người có nhu cầu vay tiền cho các mục đích kinh doanh hoặc trang trải các nhu cầu cá nhân. Ba dịch vụ cơ bản của ngân hàng là nhận tiền gửi, cho vay và thanh toán. Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền, kinh doanh trên cơ sở chữ tín.

Nghiệp vụ ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro vì ngân hàng lĩnh rủi ro từ khách hàng về mình: từ người gửi tiền, từ việc cho vay, và từ dịch vụ thanh toán hộ khách hàng. Ngân hàng phải bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình để phòng ngừa, quản trị và xử lý các rủi ro phát sinh bảo đảm hoạt động an toàn, trôi chảy và hiệu quả. Có quản trị tốt rủi ro, ngân hàng kinh doanh mới có lãi, mới là nơi để khách hàng tin tưởng, “chọn mặt gửi vàng”.

Sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng quyết định đến sự an toàn, ổn định của nền kinh tế. Sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng đến lợi ích của hàng triệu người gửi tiền, đến hoạt động của các doanh nghiệp khác và tác động rất lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

“Người làm ngân hàng cần phải ý thức rõ được đặc thù nghề nghiệp của nghề ngân hàng, để hiểu và tuân thủ những yêu cầu, quy định khắt khe của ngành, trong đó rất quan trọng là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói.

Bước chân vào nghề ngân hàng, cần bắt đầu bằng việc chuẩn bị tâm thế, nắm được những giá trị cốt lõi cần có của một người cán bộ ngân hàng. Và việc cho cán bộ trẻ nghe chia sẻ về những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng ngay từ đầu chương trình đào tạo cho nhân viên mới làm quen với môi trường làm việc của Vietcombank là hết sức có ý nghĩa.

6 chuẩn mực đạo đức và 2 quy tắc ứng xử

Ông Nguyễn Toàn Thắng: "Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng đã tổng hợp, chắt lọc những yêu cầu có tính cốt lõi của một người cán bộ ngân hàng"

Để nêu cao những phẩm chất đạo đức cần thiết của người cán bộ ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngân hàng đối với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Sau khi ban hành đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho công bố rộng rãi và giao tổ chức thực hiện trong toàn ngành.

Bộ chuẩn mực đã tổng hợp, chắt lọc những yêu cầu có tính cốt lõi của một người cán bộ ngân hàng gồm 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử. Đó là:

Tính tuân thủ: Yêu cầu bắt buộc hàng đầu mà người cán bộ ngân hàng phải luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc như tuân thủ pháp luật về ngân hàng và các quy định pháp luật khác; Tuân thủ quy trình nghiệp vụ chung của Ngân hàng Nhà nước, của riêng từng ngân hàng. Không làm tắt, không bỏ khâu nào trong quy trình nghiệp vụ để tránh xảy ra sai sót.

Sự cẩn trọng: Cùng với tính tuân thủ, cẩn trọng mọi công việc là yêu cầu không thể thiếu, nhằm tránh sai sót, gây hậu quả khó lường. Làm ngân hàng không cho phép sự liều lĩnh, mạo hiểm, cần sự chắc chắn. Chắc chắn trong từng khâu, làm khâu nào chắc khâu ấy.

Sự liêm chính: Đây là yêu cầu đối với mọi ngành nghề; song đối với đặc thù của nghề ngân hàng - gắn với tiền, càng đòi hỏi người cán bộ ngân hàng phải rèn luyện phẩm chất này, phải kiên định, bản lĩnh, tránh sự cám dỗ của đồng tiền.

Sự tận tâm và chuyên cần: Có tận tâm chuyên cần mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ, mới không ngừng nâng cao được năng lực của bản thân, ngày càng tinh thông nghiệp vụ, từ đó càng đam mê, yêu nghề, gắn bó với nghề và cống hiến được nhiều nhất cho nghề. Có chu đáo, tận tâm trong quan hệ với khách hàng mới tạo ra chất lượng dịch vụ và sự hài lòng, chiếm được lòng tin của khách hàng.

Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng: Đây là yêu cầu mới đặt ra nhằm đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh công nghệ ngân hàng đang phát triển nhanh, mô hình hoạt động của ngân hàng đang trong thời kỳ chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số ứng dụng công nghệ mới. Cần có tinh thần sẵn sàng thay đổi, tiếp thu cái mới, mạnh dạn đổi mới sáng tạo cả trong tư duy và phong cách làm việc. Cùng đó, áp lực cạnh tranh gia tăng, cán bộ ngân hàng cần nâng cao khả năng thích nghi với điều kiện, môi trường xung quanh.

Ý thức bảo mật thông tin: Bảo mật thông tin ngân hàng và khách hàng là trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, vì lộ lọt thông tin có thể gây tổn hại đến tài sản, thương hiệu, uy tín của ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Trong thời đại mà thông tin, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý báu như hiện nay, yêu cầu về bảo mật thông tin của khách hàng, của ngân hàng và của chính từng người trở nên hệ trọng và cấp thiết.

Hai quy tắc ứng xử là: (1) Ứng xử trong nội bộ: Gồm ứng xử của cán bộ cấp dưới với cấp trên, cán bộ cấp trên với cấp dưới và đồng cấp với nhau; (2) Ứng xử với bên ngoài: Với khách hàng và đối tác bên ngoài. Thái độ, phong cách, tác phong làm việc và giao tiếp trong quan hệ nội bộ và với bên ngoài thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng. Nó tạo ra không khí làm việc nghiêm túc, tạo môi trường làm việc lành mạnh, giúp cho bộ máy ngân hàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài vận hành trôi chảy, thúc đẩy ngân hàng phát triển theo tầm nhìn chiến lược của ngân hàng, đáp ứng mọng đợi, kỳ vọng của nhân viên cũng như của khách hàng, của xã hội.

Ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh: “Một cán bộ ngân hàng nghiêm túc, kỷ luật, cẩn trọng, liêm chính, chuyên cần, tận tâm, biết chủ động, sáng tạo, năng động và biết bảo vệ sự an toàn của khách hàng, của ngân hàng sẽ là hình ảnh một người cán bộ ngân hàng mẫu mực trong điều kiện hiện nay".

Thông điệp nhắn gửi

Trong thông điệp gửi tới những cán bộ ngân hàng tân tuyển của Vietcombank, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: Ghi nhớ và thực hiện tốt theo những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử chung như trên cùng với việc nắm vững Bộ chuẩn mực sẽ giúp cho các cán bộ trẻ có định hướng tốt ngay từ ban đầu: Thế nào là một người cán bộ ngân hàng mẫu mực, những đức tính gì người cán bộ ngân hàng cần có, cần rèn luyện trong qua trình làm việc?.

Nắm vững bộ chuẩn mực cũng sẽ giúp nhanh chóng làm quen, thích nghi với công việc và cùng với việc rèn luyện hình thành những kỹ năng công tác cần thiết, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác của mình, đóng góp tốt cho sự phát triển của bộ phận mình cũng như các bộ phận khác liên quan, giúp giảm thiểu, ngăn ngừa được rất nhiều rủi ro cho ngân hàng. Đây cũng là lá chắn, sự tự bảo vệ của chính bản thân mình không mắc sai lầm, không vướng vào nhưng tình huống rắc rối không mong muốn, thậm chí kể cả rơi vào vòng lao lý.

Nếu không ý thức đầy đủ và thực hiện tốt theo những chuẩn mực nêu trên thì rất nhiều rủi ro có thể xảy ra. Có thể chỉ là một sơ suất nhỏ, một sự thiếu cẩn trọng, thiếu tập trung, lơ là trong giây lát, hậu quả hệ lụy khó lường sẽ xảy ra. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, người ta nói nhiều đến rủi ro đạo đức.

Rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng có thể xảy ra ở nhiều cấp độ. Và tác động của nó cũng vậy, thậm chí đến mức làm sụp đổ một ngân hàng, làm rung chuyển cả hệ thống ngân hàng và làm chậm tiến trình phát triển của đất nước. Đã có rất nhiều bài học xương máu trong thực tế ở khắp các nước và ở chính nước ta.

Ông Nguyễn Toàn Thắng nhắn gửi: “Các bạn cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện các đức tính, phẩm chất cần có của người cán bộ ngân hàng để luôn luôn chú ý, phấn đấu làm theo cái đúng, cái tốt, tránh cái sai, cái xấu, bảo vệ danh dự cho mình, uy tín cho ngân hàng của mình và cho hình ảnh của ngành ngân hàng trong con mắt của xã hội. Đó vừa là trách nhiệm và danh dự đặt lên vai các bạn. Chúng tôi rất tin tưởng vào thế hệ trẻ các bạn và hy vọng các bạn sẽ hoàn thành trọng trách của mình”.

 

Triển khai kế hoạch đào tạo năm 2019 đã được Ban lãnh đạo Vietcombank phê duyệt Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank phối hợp với các phòng, ban trung tâm tại hội sở chính xây dựng nội dung chương trình đào tạo với mục tiêu sau khóa đào tạo nhân viên mới sẽ giúp các cán bộ tân tuyển của Vietcombank nắm rõ được các kiến thức về văn hóa Vietcombank, pháp luật, an toàn bảo mật thông tin, phòng chống rửa tiền và quản trị rủi ro hoạt động, hiểu biết về hệ thống kế toán, công nghệ thông tin tại Vietcombank, bên cạnh đó cũng nắm rõ các kỹ năng trong làm việc nhóm, phát hiện tài liệu, hình dấu, chữ ký giả mạo để giảm thiểu rủi ro trong quá trình tác nghiệp và hiểu biết về các sản phẩm, dịch vụ bán buôn, bán lẻ tại Vietcombank.

Được biết, tham dự khóa học lần này có gần 140 học viên là cán bộ, nhân viên tân tuyển của Vietcombank đến từ các phòng ban trung tâm tại hội sở chính và các chi nhánh khu vực miền Bắc.

Mai Phan - Phạm Hiếu