Xây dựng chính phủ kiến tạo cần ưu tiên xây dựng nền kinh tế tri thức

Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 13:41, 15/07/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Tri thức quyết định sức mạnh của một dân tộc, một đất nước. Tiến lên và tụt hậu là kết quả của chính sách ưu đãi và tạo điều kiện để nhân tài phát triển. “Đất lành chim đậu” cũng là một quy luật của dòng chảy chất xám từ nơi này đến nơi khác để lao động và thụ hưởng thành quả lao động ...

Từ thế kỷ 18, một làn sóng các nhà khoa học di cư từ châu Âu sang châu Mỹ để làm việc và mưu cầu cuộc sống tốt hơn. Những năm 1930 trở đi lại xuất hiện một dòng chảy các nhân tài từ Đức di cư sang Anh và Mỹ, vì ở Đức lúc ấy nhân tài không được trọng dụng, đặc biệt là đối với các nhà khoa học gốc người Do thái. Họ có nhiều người rất tài giỏi, nhưng hầu hết đều bị xã hội Đức ngược đãi bởi sự phân biệt chủng tộc. Năm 1950, người phát ngôn của Chính phủ Hoàng gia Anh đã nhắc đến cụm từ “Brain Drain” – nghĩa là sự “chảy máu chất xám” đang diễn ra ở Vương Quốc Anh lúc đó. Bấy giờ nhiều nhà khoa học Anh đã tìm đường qua Mỹ vì điều kiện làm việc và thu nhập  tốt hơn.

Sau khi gia nhập EU năm 1991, hơn một triệu công dân Ba Lan trẻ dưới 35 tuổi, có trình độ, kiến thức đã ồ ạt di cư sang các nước Anh, New Zealand và các quốc gia giàu có khác ở châu Âu. Ngay tại Công hòa liên bang Đức trong thập niên đầu của thế kỷ 21 đã có khoảng 140 ngàn trí thức và nhà khoa học đi định cư tại các nước có thu nhập cao hơn.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, các cơ quan nghiên cứu khoa học của Liên bang Xô Viết bị tư nhân hóa dần dần. Những người tài giỏi như viện sỹ hàn lâm, nhà khoa học từ chỗ được ưu đãi đặc biệt của nhà nước Liên Xô cũ đã rơi vào thảm cảnh thất nghiệp, nhiều vị giáo sư, tiến sĩ khoa học phải sống trong hoàn cảnh túng thiếu, vì vậy một số đã đi định cư ở những nước giàu để tìm kiếm việc làm và thu nhập tốt hơn.

Nhà khoa học đến định cư ở nước khác hầu hết là vì lý do kinh tế. Với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, nơi nào có lương cao, chế độ chính trị ổn định, môi trường làm việc thân thiện, điều kiện thăng tiến công bằng... thì “tri thức” sẽ hội tụ theo lẽ thường tình.

Một người bạn hiện đang định cư ở Pháp nhân dịp về thăm họ hàng ở Việt Nam đã tâm sự: Anh từng làm việc ở một cơ quan nghiên cứu khoa học ở Hà Nội, nhưng lương thời ấy không đủ sinh hoạt hằng ngày và chi trả cho con đi học mẫu giáo. Anh lý giải việc ra đi của mình: “Người tri thức mà không làm ra đủ tiền để nuôi bản thân và gia đình thì đừng mong họ có kết quả nghiên cứu khoa học tốt”.

Đối với các quốc gia đang phát triển công nghiệp hóa như Việt Nam hiện nay thì việc “chảy máu chất xám” là vô cùng tai hại. Nhà nước mất tiền của, công sức để đào tạo nhân tài, sau khi “đủ lông đủ cánh” lại bị nước giàu hơn, lôi kéo về làm việc với họ. Trong khi đó, chúng ta cũng lại phải đi thuê chất xám từ bên ngoài về làm việc theo điều kiện lương và phụ cấp do họ đặt ra.

Theo thống kê năm 2018, các quốc gia châu Phi chi bình quân hơn 5 tỷ đô la Mỹ hằng năm để thuê khoảng 150 ngàn chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Trong khi đó, ở  đây tỷ lệ chất xám rời bỏ tổ quốc ra đi thuộc vào loại cao nhất thế giới. Ở các nước Mỹ La tinh, Jamaica và Haiti hiện mức sống người dân vẫn nghèo khổ, nhưng ở đó có đến 80% các nhà khoa học, chuyên gia giỏi đã ra đi định cư ở các quốc gia giàu có và phát triển…

Thu hút, giữ nhân tài và tri thức bằng biện pháp kinh tế là cách đơn giản và hiệu quả nhất, đặc biệt là trong thời đại kinh tế mở và hội nhập như hiện nay. Ở thế kỷ 20, người Mỹ đã rất thành công trong việc tạo dòng chảy chất xám hướng  vào nước họ. Sau 2 cuộc chiến tranh thế giới thứ Nhất và thứ Hai, những nhà khoa học Đức như Wernher von Braun hay Einstein đã được chính phủ Mỹ mời chào với nhiều ưu đãi đặc biệt. Đó là chìa khóa dẫn đến thành công của các chương trình vũ khí hạt nhân  hay chương trình sản xuất tên lửa hành trình sau này của Mỹ. Rất nhiều nhà khoa học nước ngoài đã được giải thưởng Nobel tại Mỹ trong thế kỷ 20 và hai thập niên đầu của thế kỷ 21 là minh chứng hùng hồn nhất.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng là hai quốc gia khá thành công trong việc “xuất nhập khẩu tri thức” để làm giàu cho đất nước. Họ thường tài trợ cho những học sinh xuất sắc đi du học ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp…, sau khi du học sinh ra trường họ chủ trương cho tiếp tục ở lại để học thêm những ngành nghề khoa học chuyên sâu. Một thời gian sau các du học sinh đã có kinh nghiệm và tiền bạc, họ lại kêu gọi du học sinh mang “chất xám” quay về quê hương. Để bảo đảm cho chính sách có sức mạnh thực sự, họ đã có những ưu đãi về tiền lương và thu nhập khác, cộng thêm các chế độ đặc biệt khác cho kiều bào yên tâm về nước lao động và cống hiến. Từ đó, nhiều công nghệ tiên tiến của những nước phát triển được chính những du học sinh này mang về triển khai trên quê hương mình, đó chính là cách làm kinh tế tri thức khôn khéo và hiệu quả nhất.

Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn dành cho các chuyên gia cao cấp Hoa kiều được hưởng các chế độ thu nhập lương khủng, con cái họ được học trong những trường lớp tốt nhất để họ không có cảm giác khác biệt lớn giữa làm việc ở nước ngoài hay tại quê nhà. Còn ở Philippines - một quốc gia ở trong khối 10 nước ASEAN, tuy thu nhập GDP chỉ vào loại trung bình của thế giới, nhưng từ lâu đã có chính sách khuyến khích “xuất nhập khẩu chất xám” rất có lợi cho đất nước họ. Theo thống kê, cứ 10 người tri thức ở Philippines thì có 1 người ra nước ngoài làm việc. Hằng năm, số tri thức này đóng góp khoảng hơn 15 tỷ đô la tương đương với 13% thu nhập quốc dân của nước họ.

Nhớ lại, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Pháp đã mời về một đội ngũ tri thức người Việt trẻ. Sau này, họ đều trở thành những cán bộ cốt cán và đã đặt nền móng khoa học cho nước nhà. Trong thế kỷ 20, hàng chục ngàn trí thức trẻ Việt Nam được đào tạo ở các nước Đông Âu và Liên Xô đã quay về tham gia xây dựng đất nước sau chiến tranh. Họ trở về cội nguồn lúc bấy giờ vì nghĩa tình quê hương và lòng yêu nước.

Năm 2019, gần 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, và chính sách đổi mới, mở cửa, xây dựng Chính phủ kiến tạo, Việt Nam đã và đang tiếp tục “xuất khẩu” nhiều tri thức ra nước ngoài làm việc. Tuy vậy, lượng chất xám này không nhiều so với dân số 94 triệu người. Những người Việt Nam được đào tạo trình độ đại học và trên đại học tại các trường danh tiếng còn quá khiêm tốn so với Trung Quốc (5%), Ấn Độ (7%), châu Phi (50%) hay Mỹ La Tinh (60%)...

Nguyễn Tấn Tuấn