Các từ ngữ chuyên ngành về tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng

Hỏi - Đáp - Ngày đăng : 08:26, 23/07/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tài sản tài chính bao gồm các loại tài sản nào?

Theo NHNN, đó là các loại tài sản sau:

a) Tiền mặt;

b) Công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị khác;

c) Quyền theo hợp đồng để:

(i) Nhận tiền mặt hoặc tài sản tài chính khác từ đơn vị khác; hoặc

(ii) Trao đổi các tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính với đơn vị khác theo các điều kiện có thể có lợi cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

d) Hợp đồng sẽ hoặc có thể được thanh toán bằng các công cụ vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Nợ phải trả tài chính của các tổ chức tín dụng là các nghĩa vụ nào?

 Nợ phải trả tài chính là các nghĩa vụ sau:

a) Mang tính bắt buộc để:

(i) Thanh toán tiền mặt hoặc tài sản tài chính cho đơn vị khác; 

(ii) Trao đổi các tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính với đơn vị khác theo các điều kiện không có lợi cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hoặc

b) Hợp đồng sẽ hoặc có thể được thanh toán bằng các công cụ vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Thế nào là công cụ tài chính và công cụ vốn chủ sở hữu?

1. Công cụ tài chính là hợp đồng làm tăng tài sản tài chính của một bên và nợ phải trả tài chính hoặc công cụ vốn chủ sở hữu của bên khác.

2. Công cụ vốn chủ sở hữu là hợp đồng chứng tỏ được những lợi ích còn lại về tài sản của đơn vị sau khi trừ đi toàn bộ nghĩa vụ của đơn vị đó. Công cụ vốn chủ sở hữu có tính chất nợ do ngân hàng phát hành gồm cổ phiếu ưu đãi cổ tức và các công cụ vốn chủ sở hữu khác đáp ứng các điều kiện sau:

a) Được mua lại theo quy định của pháp luật và đảm bảo sau khi thực hiện vẫn tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ an toàn theo quy định;

b) Có thể dùng để bù đắp khoản lỗ mà ngân hàng không phải ngừng các giao dịch tự doanh;

c) Không phải trả cổ tức ưu đãi và chuyển cổ tức ưu đãi sang năm tiếp theo trong trường hợp việc trả cổ tức ưu đãi dẫn đến kết quả kinh doanh của ngân hàng bị lỗ.

 Nợ thứ cấp là khoản nợ thế nào?

 Nợ thứ cấp (subordinated debt) là khoản nợ mà chủ nợ đồng ý thỏa thuận thanh toán sau các nghĩa vụ, chủ nợ có bảo đảm và không bảo đảm khác khi đơn vị vay nợ bị phá sản, giải thể.

 Những khoản nợ nào nằm trong khoản phải đòi của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài?

  Khoản phải đòi của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

a) Các khoản cấp tín dụng, bao gồm cả khoản ủy thác cấp tín dụng và khoản mua có bảo lưu quyền truy đòi công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác, trừ các khoản mua có kỳ hạn công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác;

b) Giấy tờ có giá do đơn vị khác phát hành;

c) Quyền theo hợp đồng để nhận tiền mặt hoặc tài sản tài chính khác từ đơn vị khác theo quy định của pháp luật, trừ các khoản quy định tại điểm a và b khoản này;

 Danh mục cấp tín dụng bán lẻ phải đảm bảo những yêu cầu gì?

 Danh mục cấp tín dụng bán lẻ là danh mục các khoản cấp tín dụng cho khách hàng là cá nhân (không bao gồm các khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư 41/2016/TT-NHNN, khoản cho vay thế chấp nhà quy định tại khoản 11 Điều 2,  41/2016/TT-NHNN, các khoản cho vay để kinh doanh chứng khoán) mà số dư cấp tín dụng (đã giải ngân và chưa giải ngân) của một khách hàng đảm bảo đồng thời:

a) Không vượt quá 8 tỷ đồng Việt Nam;

b) Không vượt quá 0,2% tổng số dư của toàn bộ danh mục cấp tín dụng bán lẻ (đã giải ngân và chưa giải ngân) của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Khoản cho vay liên quan đến bất động sản bao gồm các khoản cho vay nào?

 Khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản là khoản cho vay đối với cá nhân, pháp nhân để mua bất động sản, thực hiện dự án bất động sản và được bảo đảm bằng chính bất động sản, dự án bất động sản hình thành từ khoản cho vay theo các quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo.

 Khoản cho vay thế chấp nhà là khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản đối với cá nhân để mua nhà đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Nguồn tiền trả nợ không phải là nguồn tiền cho thuê nhà hình thành từ khoản cho vay;

b) Nhà đã hoàn thành theo hợp đồng mua bán nhà;

c) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có đầy đủ quyền hợp pháp để xử lý nhà thế chấp khi khách hàng không trả được nợ theo quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo;

d) Nhà hình thành từ khoản cho vay thế chấp này phải được định giá độc lập (được bên thứ ba định giá hoặc được bộ phận độc lập với bộ phận phê duyệt tín dụng của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài định giá) với nguyên tắc thận trọng (giá trị không cao hơn giá thị trường tại thời điểm xét duyệt cho vay) theo quy định của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

  Khoản cấp tín dụng chuyên biệt (Specialised lending) phải đáp ứng các tiêu chí nào?

 Khoản cấp tín dụng chuyên biệt (Specialised lending) là các khoản cấp tín dụng để thực hiện dự án, đầu tư máy móc thiết bị hoặc mua hàng hóa, đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Khách hàng vay vốn là pháp nhân được thành lập chỉ để thực hiện dự án, khai thác máy móc thiết bị, kinh doanh hàng hóa được hình thành từ nguồn vốn cấp tín dụng, không có hoạt động kinh doanh khác;

b) Được bảo đảm bằng dự án, máy móc thiết bị, hàng hóa được hình thành từ nguồn vốn cấp tín dụng và toàn bộ nguồn tiền trả nợ là nguồn tiền hình thành từ việc kinh doanh, khai thác dự án, máy móc, thiết bị và hàng hóa đó;

c) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền theo hợp đồng cấp tín dụng để kiểm soát toàn bộ việc giải ngân theo tiến độ của dự án, đầu tư máy móc, thiết bị, mua hàng hóa và quản lý thu nhập, dòng tiền của việc kinh doanh, khai thác dự án, máy móc, thiết bị và hàng hóa đó để thu hồi nợ theo hợp đồng cấp tín dụng;

 Giao dịch Repo và Giao dịch Reverse Repo là gì?

  Giao dịch Repo là giao dịch trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định.

 Giao dịch Reverse Repo là giao dịch trong đó một bên mua và nhận chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính từ một bên khác, đồng thời cam kết sẽ bán lại và chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định, bao gồm cả giao dịch mua có kỳ hạn tài sản tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác.

 Các sản phẩm phái sinh bao gồm những loại nào?

  Sản phẩm phái sinh bao gồm:

a) Sản phẩm phái sinh theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng, gồm:

(i) Sản phẩm phái sinh tín dụng gồm các hợp đồng bảo hiểm tín dụng, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, hợp đồng đầu tư gắn với rủi ro tín dụng, hợp đồng phái sinh tín dụng khác theo quy định của pháp luật;

(ii) Sản phẩm phái sinh lãi suất gồm hợp đồng lãi suất kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất một đồng tiền, hợp đồng hoán đổi lãi suất hai đồng tiền hoặc hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo, hợp đồng quyền chọn lãi suất, các hợp đồng phái sinh lãi suất khác theo quy định của pháp luật;

(iii) Sản phẩm phái sinh ngoại tệ gồm các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ, giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ, các giao dịch phái sinh ngoại tệ khác theo quy định của pháp luật;

(iv) Sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa gồm các hợp đồng hoán đổi giá cả hàng hóa, hợp đồng tương lai giá cả hàng hóa, hợp đồng quyền chọn giá cả hàng hóa và các hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa khác theo quy định của pháp luật.

b) Chứng khoán phái sinh gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn và chứng khoán phái sinh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

c) Sản phẩm phái sinh khác theo quy định của pháp luật.

(Theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài)

N.L