Xung quanh việc Facebook giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số Libra
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 12:16, 27/07/2019
Theo tuyên bố này, Libra sẽ trở thành một loại tiền tập hợp các đặc tính tốt nhất của tiền tệ như ổn định, lạm phát thấp, được chấp nhận và có khả năng trao đổi trên toàn cầu. Mục tiêu của Facebook là xây dựng một hệ thống thanh toán và chuyển tiền quốc tế mới dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Cơ quan quản lý đồng tiền số này là Hiệp hội Libra - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sỹ, có ngân hàng trung ương (NHTW) riêng - gọi là Libra Reserve và một Hội đồng quản trị gồm đại diện 27 doanh nghiệp công nghệ và thanh toán hàng đầu, mỗi doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư 10 triệu USD. Theo một số báo cáo, Facebook có thể cho phép các nhân viên trong tập đoàn tham gia dự án và nhận tiền mới dưới dạng tiền lương. Kết hợp với các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn, người dùng thông thường cũng có thể trao đổi và sử dụng Libra thông qua các thiết bị như máy rút tiền tự động ATM.
Sau hai lần ra mắt đồng tiền điện tử Libra, Facebook đã củng cố đồng tiền ảo này theo hướng phù hợp dần với chức năng của tiền tệ và lôi cuốn sự tham gia đồng quản lý của một nhóm doanh nghiệp có tên tuổi như Uber, Spotify, eBay, PayPal, Visa, Mastercard nhằm tăng cường khả năng thanh toán. Theo CEO Facebook, Libra được hứa hẹn sẽ rất thân thiện và được tích hợp vào Facebook và WhatsApp. Với sự hình thành NHTW riêng, Libra được hỗ trợ bởi các khoản dự trữ thực như USD, euro. Khi khách hàng sử dụng USD để mua Libra, đồng USD này sẽ được đưa vào lưu trữ trong hệ thống Libra Reserve, sẵn sàng sử dụng khi khách hàng bán Libra.
Được mô tả là cơ sở hạ tầng tài chính - tiền tệ mang tính toàn cầu, Libra được lãnh đạo Facebook khẳng định: “Không tạo ra với mục đích thay thế các ngân hàng trung ương lớn (NHTW) lớn”. Tuy nhiên, đồng tiền này được giới phân tích đánh giá có thể tạo nên cơn địa chấn toàn cầu trong ngành tài chính, có thể thu hút số lượng khách hàng rất lớn trên thế giới và nhu cầu về giao dịch trực tuyến ngày càng tăng cao.
Facebook đang lên kế hoạch thiết lập hệ thống thanh toán trực tuyến tại hàng chục quốc gia vào quý I năm sau. CEO Mark Zuckerberg đã gặp Thống đốc NHTW Anh - Mark Carney để thảo luận về cơ hội và rủi ro khi ra mắt đồng tiền kỹ thuật số, thảo luận với Bộ Tài chính Mỹ về quy trình định danh và các cách phòng chống nguy cơ rửa tiền. Facebook cũng đang đàm phán với các công ty chuyển tiền gồm Western Union, nhằm tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số có khả năng cung cấp các cách thức thanh toán an toàn với giá cả phải chăng cho cả những người không có tài khoản ngân hàng. Zuckerberg hy vọng sẽ phá vỡ các mạng lưới hiện có bằng cách vượt qua các rào cản tài chính, cạnh tranh với ngân hàng và giảm chi phí của người tiêu dùng.
Libra mở đầu cho tấn công của big tech vào lĩnh vực thanh toán?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Facebook tham gia vào thế giới tiền điện tử với Libra mở đầu cho một cuộc tấn công của big tech vào lĩnh vực thanh toán. Một số chuyên gia cho rằng Libra sẽ giúp đồng tiền điện tử nói chung có được sự chấp nhận rộng rãi của thị trường. Libra phù hợp với mục tiêu kết nối thế giới của Facebook, tạo ra một phương tiện trao đổi có khả năng vượt qua tầm kiểm soát của các NHTW hoặc các hệ thống quản lý tiền tệ trên khắp thế giới.
Trong bối cảnh Facebook đang phải hứng chịu vô số chỉ trích về vi phạm quyền riêng tư, bước đi mới trong lĩnh vực tài chính đã thu hút sự chú ý từ các cơ quan quản lý trên thế giới. Đây không phải lần đầu tiên Facebook nhảy vào lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Cách đây 10 năm, Facebook đã tạo ra Facebook Credits - một loại tiền ảo cho phép mọi người mua các mặt hàng trên hệ thống của mạng xã hội này. Tuy nhiên, dự án này phải dừng lại sau chưa đầy hai năm do Facebook thất bại trong việc gia tăng thanh khoản.
Libra sẽ hoạt động thế nào và Facebook sẽ bảo vệ khách hàng, cũng như thông tin dữ liệu ra sao?
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều thách thức mà Facebook cần vượt qua. Thứ nhất là sự ổn định. Hiện tại, Bitcoin và Ethereum là hai loại tiền điện tử được đánh giá quan trọng nhất. Tuy nhiên, do giá trị chao đảo quá lớn, chúng giờ đây giống như một loại hàng hóa hơn là một loại tiền tệ để thanh toán, không phù hợp cho các khoản thanh toán và giao dịch hàng ngày. Từ quan điểm này, việc định danh Bitcoin và Ethereum như một loại tiền tệ là không thành công. Giải pháp của Facebook là đảm bảo giá trị của đồng Libra bằng cách tạo ra một số lượng USD, Euro và các loại đồng tiền thực khác tương ứng. Đây là sự khác biệt so với những đồng tiền điện tử khác, đảm bảo cho sự ổn định về giá trị của đồng tiền này về mặt lý thuyết. Đây là hướng đi khả quan, nhưng đi kèm với nó là một loạt chi phí tăng thêm.
Thứ hai, vấn đề quy định về quyền lực với Libra. Một câu hỏi lớn đang được nhiều người đặt ra là Facebook sẽ kiểm soát như thế nào và ở mức độ nào với Libra. Công ty mạng xã hội này sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt từng giao dịch hay giao nó cho một sàn giao dịch. Nếu Facebook tiến hành phê duyệt từng giao dịch và theo dõi từng người dùng, nó sẽ không khác gì một hệ thống thanh toán tập trung như PayPal. Lúc này, khái niệm blockchain sẽ bị xem nhẹ. Còn nếu giao công việc đó cho các sàn giao dịch, công ty sẽ không còn toàn quyền kiểm soát và khó kiếm lợi nhuận hơn. Đồng tiền kỹ thuật số này cũng có thể nhanh chóng bị bọn tội phạm sử dụng cho nhiều mục đích bất hợp pháp.
Facebook cho biết, Hiệp hội Libra phi lợi nhuận sẽ quản lý đồng tiền này. Đây là tổ chức tập hợp nhiều công ty tài chính và công nghệ, cũng như các bên có khả năng quản lý mạng lưới tiền điện tử. Tuy nhiên, tổ chức này được tạo ra thông qua sự thỏa hiệp và rõ ràng không giải quyết được những khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận và phòng chống rửa tiền.
Thứ ba, Facebook phải đối mặt với khó khăn trong việc quản lý một bộ máy vận hành khổng lồ. Một khi được công chúng chấp nhận, lượng người dùng cũng như khối lượng giao dịch trên phạm vi toàn thế giới sẽ rất lớn, trong khi Facebook còn đang loay hoay trong việc quản lý hệ thống mạng xã hội của mình, sẽ không dễ dàng để có thể vận hành một cơ chế mới với quy mô rất lớn.
Nhưng bất chấp tất cả, Mark Zuckerberg đã lựa chọn hướng đi này. Nếu Libra thực sự thành công sau khi ra mắt, đồng tiền kỹ thuật số của Facebook sẽ trở thành một dạng tiền tệ mới trong thực tế cuộc sống. Lợi nhuận mà Facebook, với tư cách là nhà phát hành, có thể nhận từ nó sẽ là không thể tưởng tượng được.
Libra là bước đi liều lĩnh?
Ngày 19/6/2019, New York Times đã đăng tải bình luận với nhan đề “Ra mắt đồng tiền toàn cầu là bước đi kém cỏi và liều lĩnh của Facebook” của chuyên gia tài chính Matt Stoller. Theo đó, có 4 vấn đề với đồng Libra mà Facebook phải tìm cách giải quyết. Cụ thể:
Thứ nhất, tổ chức một hệ thống thanh toán là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải đầu tư rất lớn vào các hệ thống, có biện pháp tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế và làm giả. Việc tái tạo một hệ thống có tính phức tạp như vậy không phải là dự án do một tổ chức có vấn đề về quyền riêng tư như Facebook dẫn đầu. Tệ hơn, việc không tạo ra các biện pháp bảo vệ cần thiết có thể tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp, thậm chí là gián tiếp tạo điều kiện cho khủng bố hoạt động.
Thứ hai, kể từ sau cuộc nội chiến, Mỹ bắt đầu ban hành một lệnh cấm giữa ngân hàng và thương mại, và rào cản này được củng cố nhiều lần. Năm 1956, Mỹ thông qua Đạo luật Ngân hàng cổ phần và sửa đổi nó vào năm 1970. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã cấm các ngân hàng thực hiện các hoạt động phi ngân hàng thông qua mô hình công ty mẹ con. Lịch sử cho thấy, người Mỹ không muốn các ngân hàng cạnh tranh trực tiếp với khách hàng của họ.
Ngân hàng và thanh toán là lĩnh vực đặc biệt, cho phép ngân hàng được phép tiếp cận các bí mật kinh doanh của khách hàng. Nếu ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh của khách hàng và cạnh tranh với khách hàng, họ sẽ không có đối thủ.
Do có nhiều thông tin về khách hàng, nên khả năng Facebook sẽ bán thông tin cho bên thứ ba là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này dẫn đến nguy cơ làm khuynh đảo toàn xã hội, nhất là khi các ông lớn đều góp mặt trong Ban quản trị của hệ thống tiền ảo Libra này. Chẳng hạn, Uber có thể dùng loại tiền mới này để giảm giá cho khách hàng sử dụng dịch vụ của mình thay vì sử dụng dịch vụ của những hãng xe công nghệ khác. Một khi điều này xảy ra, Facebook sẽ mang lại những cuộc cạnh tranh không lành mạnh một cách có chủ đích trên toàn thị trường.
Thứ ba, Libra hoặc bất cứ hệ thống tiền ảo tư nhân nào đều mang lại những rủi ro cho nền kinh tế. Về lý thuyết, Libra được hỗ trợ bởi trái phiếu và tài sản dự trữ tại Libra Reserve. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu hành vi trộm cắp xảy ra với hệ thống, nhất là khi tất cả mọi người ồ ạt bán đồng Libra vào cùng một thời điểm.
Nếu hệ thống của Libra hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu theo mong đợi của Facebook, liệu các cơ quan quản lý nhà nước có sẵn sàng cứu trợ cho một hệ thống được quản lý bởi tư nhân. Điều này cho thấy, việc thiết lập một mạng thanh toán quốc tế tư nhân là rủi ro rất lớn.
Cuối cùng là các vấn đề về an ninh và chủ quyền quốc gia, việc cho phép một đồng tiền mở vượt mọi biên giới là lựa chọn khó khăn. Hầu hết các nước, đặc biệt là Mỹ, sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm cấm các cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia trong việc sử dụng hệ thống tài chính Mỹ để làm tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. Việc thực thi các lệnh trừng phạt này chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng, và không thể áp lệnh trừng phạt nếu thiếu vắng hệ thống ngân hàng. Với sự ra đời của một loại tiền tệ tư nhân, lệnh trừng phạt kinh tế của các chính phủ có thể trở nên vô nghĩa và không còn tác dụng. Liệu Facebook và các nhà đầu tư mạo hiểm vốn là lãnh đạo các công ty công nghệ sẽ quyết định áp dụng lệnh trừng phạt với một quốc gia nào đó theo yêu cầu của ai đó hay không? Câu trả lời có lẽ là không.
Ngoài ra, sẽ khó có dân chủ với Libra. Nhiều năm trước, nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg nói rằng, ông ta không nghĩ Facebook là một doanh nghiệp. Zuckerberg nhấn mạnh: “Theo nhiều cách, Facebook giống một chính phủ hơn là một công ty truyền thống, chúng tôi thực sự tạo ra các chính sách.”
Ví dụ, Mark Zuckerberg đang thiết lập những cơ quan giống tòa án tối cao để phán xét và kiểm duyệt nội dung. Giờ đây, Mark Zuckerberg lại muốn tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu.
Với dự án tiền ảo này, Facebook không chỉ thể hiện là doanh nghiệp big tech. Năm ngoái, tập đoàn này đã đầu tư gần 2 tỷ USD để thiết kế đồng tiền kỹ thuật số Libra, và hy vọng sẽ ra mắt trong những tháng tới đây. Tuy nhiên, các nhà điều tiết tài chính tại Mỹ và nhiều nước khác sẽ chặn đứng Libra trước khi ra mắt, nếu phát hiện lo ngại, công nghệ này sẽ hỗ trợ cho rửa tiền và những loại hình tội phạm như đã thường xuyên xảy ra đối với Bitcoin. Theo Bloomberg, thông báo mới phát đi từ Facebook ngay lập tức vấp phải sự phản đối tại châu Âu, với lời kêu gọi áp dụng những quy định chặt chẽ hơn. Bộ trưởng Tài chính Pháp - Bruno Le Maire cho rằng, không nên coi Libra là sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan tài chính Pháp kêu gọi nhóm Thống đốc NHTW các nước G7 chuẩn bị báo cáo về dự án này ngay trong cuộc họp tháng 7. Theo The Guardian, các nhà chức trách Mỹ và Vương quốc Anh đã bày tỏ lo ngại trước kế hoạch lấn sân sang mảng tài chính của Facebook.
Các cơ quan quản lý kêu gọi Facebook chấm dứt dự án đầy tham vọng này trước khi các nhà điều chỉnh xem xét chặt chẽ những rủi ro tiềm tàng do Facebook gây ra như các vụ tấn công mạng, vi phạm quyền riêng tư, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường quảng cáo, xói mòn tự do báo chí, kích thích làn sóng bài trừ sắc tộc. Trong một thư gửi ngày 2/7 đến CEO Mark Zuckerberg, David Marcus và COO Sheryl Sandberg, các nhà làm luật Mỹ đã yêu cầu Facebook và các đối tác cần chấp thuận ngừng các hoạt động liên quan đến Libra và ví Calibra. Hội đồng khẳng định dự án có thể tạo ra một “hệ thống tài chính toàn cầu mới có trụ sở tại Thụy Sĩ và điều này là đi ngược lại với chính sách tiền tệ của Mỹ và đồng Đô la.” Hội đồng cũng cho biết họ tin rằng những nỗ lực có thể làm vấn đề trầm trọng hơn:
Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đang cân nhắc áp mức trừng phạt hàng tỷ USD do Facebook tái vi phạm các quyền riêng tư, chống cạnh tranh trên thị trường quảng cáo, xói mòn tự do báo chí, kích thích các hoạt động thanh trừng sắc tộc. Mặc dù không phủ nhận vai trò của Facebook trong việc kết nối thế giới, thành lập trung gian trao đổi có tiềm năng vượt các NHTW, các cơ quan điều tiết ngân hàng và hệ thống tài chính hiện hành.
Chuyên gia Matt Stoller khẳng định, cách thức thế giới cấu trúc tiền tệ và các phương thức thanh toán là câu hỏi của các thể chế dân chủ, chứ không phải các tập đoàn công nghệ, không có công ty nào đủ lớn để điều hành một loại tiền tệ toàn cầu.
Facebook học mô hình của WebChat?
Mặc dù bị phản đối và phải đối mặt với không ít khó khăn trước mắt nhưng theo một số chuyên gia, Facebook không thực sự cần Mỹ hay châu Âu để giúp Libra thành công. Họ có thể tập trung vào hàng tỷ người không có tài khoản ngân hàng trên toàn cầu - những người cần một hệ thống thanh toán tiện lợi, giá rẻ nhưng chưa bao giờ có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, hạn chế của Facebook là chưa đủ năng lực để có thể vận hành hệ thống tiền tệ toàn cầu, thậm chí hệ thống thanh toán của Facebook còn được cho là tụt hậu khá xa so với các đối thủ Trung Quốc như AliPay và WeChat Pay.
Nhiều báo lớn như New York Times, Associated Press, Wall Street Journal đều cho rằng, tầm nhìn của Mark Zuckerberg đến từ phần mềm truyền thông xã hội WeChat của Tencent. Tại Trung Quốc, Tencent đã xây dựng nên một môi trường siêu đa năng, bao quanh tất cả các khía cạnh của cuộc sống với Wechat là trung tâm. Facebook với ma trận sản phẩm mạnh hơn, bao gồm WhatsApp, Instagram và Messenger, có thể tạo ra một đế chế mới với quy mô rộng lớn hơn. Tuy nhiên, Facebook không thể sao chép lại mô hình phát triển của WeChat, mà nguyên nhân cơ bản là sự khác biệt về điều kiện quốc gia và văn hóa. Tại Trung Quốc, người dùng WeChat có thói quen và nhiều sở thích chung, nền văn hóa Trung Quốc cũng tạo ra một sự nhất quán và tập trung riêng. Về đặc điểm này, Facebook rất khó thành công tại Mỹ, chứ chưa nói tới quy mô toàn cầu.
Với tổng cộng số người dùng các ứng dụng của Facebook là 2,7 tỷ người, nhưng trên 90% doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Báo cáo tài chính quý gần nhất cho thấy, doanh thu của Facebook đạt 12,972 tỷ USD, riêng quảng cáo chiếm 98,5%. Để duy trì mức doanh thu này, Facebook cần thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng để phân phối chính xác, đụng chạm vào quyền riêng tư của người dùng và điều này sẽ khiến công chúng phẫn nộ. Tháng 3/2018, Facebook đã dính vào vụ bê bối tiết lộ thông tin Cambridge Analytica. Sự kiện này khiến Mark Zuckerberg phải trải qua phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ kéo dài 10 giờ. Thế nhưng, hậu quả chưa dừng lại ở đó. Theo thống kê từ Stastata vào tháng 12/2018, Facebook đã trở thành công ty công nghệ không đáng tin cậy nhất ở Mỹ, hình ảnh của công ty bị phá hủy một cách nghiêm trọng. Tác động này không chỉ khiến Facebook mất khách hàng mà nó còn làm giảm sự tin tưởng và phụ thuộc của các công ty quảng cáo vào mạng xã hội này, từ đó ảnh hưởng tới doanh thu, hoạt động của công ty sau đó cũng bị hạn chế bởi những vấn đề liên quan tới quyền riêng tư.
Để ngăn chặn các vấn đề có thể xảy ra, Mark Zuckerberg phải tìm kiếm một sự định vị mới, cũng như chuyển đổi về cấu trúc doanh thu dựa trên quảng cáo và học hỏi kinh nghiệm của WeChat, nhằm tích hợp thanh toán di động, tài chính, hệ sinh thái các chương trình nhỏ và hệ sinh thái quảng cáo. Nói ngắn gọn, Facebook phải xây dựng một hệ sinh thái khép kín và mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm giản đơn.
Nguồn: Bloomberg, CNBC, NY Times, Reuters