Nỗ lực hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia
Tin tức - Ngày đăng : 13:57, 07/08/2019
Trong 6 tháng đầu năm 2019, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 4.458 xã (50,01%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 620 xã (6,96%) so với cuối năm 2018; có 80/664 đơn vị cấp huyện thuộc 35 tỉnh (11,6%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 16 đơn vị so với cuối năm 2018); bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Như vậy, các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 Quốc hội và Chính phủ giao đã hoàn thành và về đích sớm 18 tháng so với kế hoạch; có 30/36 địa phương ban hành văn bản cụ thể hóa các tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản; 762 thôn, bản vùng khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 43 địa phương ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 địa phương ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 03 địa phương phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025 hoặc gắn với lợi thế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; nợ đọng xây dựng cơ bản xây dựng nông thôn mới cơ bản được giải quyết;
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cả nước có 44/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hơn 60 xã và hơn 1.000 thôn bản đủ điều kiện để hoàn thành Chương trình 135; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hơn 1,3 triệu hộ nghèo, hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo và hỗ trợ các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường: tiểu học 99,84%; trung học cơ sở 98,73%; phổ thông trung học 98,21%.
Có được kết quả nêu trên là do có sự chỉ đạo đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hoạt động tích cực, hiệu quả, thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát, đôn đốc địa bàn được phân công quản lý. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương rất thấp, chỉ đạt 23%; vẫn còn chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền; việc triển khai thực hiện nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương của một số địa phương chưa đúng quy định của Luật đầu tư công và các văn bản liên quan; tỷ lệ xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thấp.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 yêu cầu trong những tháng cuối năm 2019, các Bộ, cơ quan nghiên cứu thực hiện chất lượng nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo năm 2019 và tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2030;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu, trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt kế hoạch sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; báo cáo đánh giá việc thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều trẻ em.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai việc phân bổ vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp;
Cùng với đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguồn kinh phí thực hiện khen thưởng cho các địa phương đã được khen thưởng theo Quyết định số 2001/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 để xử lý dứt điểm.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất định hướng xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia và nhu cầu về nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo trước khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về phương án nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2019 từ 8% lên 10% bảo đảm nguyên tắc không tăng cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý của ngân sách nhà nước.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc chỉ đạo các địa phương rà soát, báo cáo tổng hợp các xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đảm bảo thực chất;
Các thành viên Ban Chỉ đạo đẩy mạnh việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của các địa phương được phân công bảo đảm đúng quy định của Luật đầu tư công, giải ngân đúng tiến độ.