Marketing mối quan hệ nhằm nâng cao sự trung thành của khách hàng tại các NHTM Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 14:55, 25/08/2019
Ngày nhận bài: 1/8/2019 - Ngày biên tập: 5/8/2019 - Ngày duyệt đăng: 8/8/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 16/2019
Tóm tắt: Marketing mối quan hệ (Relationship Marketing) là hoạt động được các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam và trên thế giới quan tâm. Mặc dù các NHTM Việt Nam đang sử dụng đa dạng các phương thức marketing mối quan hệ để nâng cao sự trung thành của khách hàng nhưng nhìn chung hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế. Có nhiều lý do dẫn đến thực tế này. Việc xác định đúng hạn chế và nhận diện rõ các nguyên nhân là hết sức cần thiết để thực hiện hoạt động marketing quan hệ hiệu quả hơn. Điều này đảm bảo cho NHTM có thể cung cấp các giải pháp phù hợp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing mối quan hệ, từ đó phát triển được số lượng khách hàng trung thành và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Từ khóa: marketing mối quan hệ, CRM, khách hàng trung thành, ngân hàng thương mại
Relationship marketing to enhance customer loyalty in Vietnamese commercial banks
Abstract: Relationship Marketing is an activity of interest in commercial banks in Vietnam and around the world. Although Vietnamese commercial banks are using a variety of relationship marketing methods to enhance customer loyalty, in general, banks now revealed definite limitations. There are many reasons for this fact. It is essential to define right limitations and their causes to carry out more effective relationship marketing. This ensures commercial banks to provide appropriate solutions to improve the performance of relationship marketing, thereby developing a number of loyal customers and improving business efficiency.
Key words: relationship marketing, CRM, loyal customers, commercial bank
1. Đặt vấn đề
Marketing mối quan hệ trong ngân hàng được hiểu là các hoạt động nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ với khách hàng trong dài hạn, từ đó tạo ra các khách hàng trung thành đối với ngân hàng. Thực tế cho thấy, các NHTM ở trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng tới hoạt động này trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Tuy nhiên, có nhiều phương thức thực hiện marketing mối quan hệ, trong quá trình thực hiện các NHTM có thể hiểu sai hoặc vận dụng không hiệu quả. Thực tế đó, đòi hỏi các ngân hàng phải nhận thức rõ được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện marketing mối quan hệ để có được chiến lược đúng đắn và có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện marketing mối quan hệ.
2. Marketing mối quan hệ và sự trung thành của khách hàng
2.1. Marketing mối quan hệ
Có nhiều khái niệm về marketing mối quan hệ. Tổng quát và dễ hiểu nhất thì marketing quan hệ là hình thức xây dựng, phát triển và duy trì mối quan hệ giá trị cao, hiệu quả về chí phí với khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên và các đối tác vì lợi ích lâu dài của hai bên.
Với khái niệm trên, có thể thấy marketing mối quan hệ hướng tới việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với các bên liên quan, trong đó có khách hàng. Hay nói cách khác, một trong những mục tiêu quan trọng mà marketing mối quan hệ hướng tới đó là tạo ra và duy trì sự trung thành của khách hàng.
2.2. Khách hàng trung thành
Nhiều NHTM vẫn quan niệm khách hàng trung thành dưới góc độ hành vi, theo đó khách hàng được coi là trung thành nếu họ có thời gian giao dịch với ngân hàng trong thời gian dài, khối lượng giao dịch lớn. Tuy nhiên, quan niệm về sự trung thành dưới góc độ hành vi chưa thể hiện đầy đủ các khía cạnh của khách hàng trung thành.
Quan niệm đầy đủ về khách hàng trung thành cho rằng ngoài khía cạnh hành vi, khách hàng trung thành còn thể hiện dưới khía cạnh thái độ. Theo đó, khách hàng trung thành thực sự cần có thái độ và cảm xúc tích cực đối với NHTM, đồng thời khách hàng phải cảm nhận sự khác biệt mà ngân hàng họ đang sử dụng với các NHTM khác. Việc không đặt nhiều quan tâm về khía cạnh thái độ trung thành của khách hàng làm cho NHTM tập trung vào các hoạt động không hiệu quả. Chẳng hạn, các NHTM tập trung quá nhiều vào việc kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ mà thiếu đi những biện pháp làm cho khách hàng yêu thích hơn đối với thương hiệu.
Mỗi sự kết hợp giữa hành vi sử dụng dịch vụ và thái độ của khách hàng tạo nên một loại khách hàng trung thành. Dick và Basu (1994) chia khách hàng trung thành làm 4 loại.
Theo sự phân chia này, khách hàng trung thành của ngân hàng có thể chia thành các loại như sau:
Loại 1: Khách hàng không trung thành với ngân hàng, là những người không sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Họ cũng không thích sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Loại 2: Khách hàng trung thành tiềm ẩn. Họ không sử dụng dịch vụ ngân hàng hoặc có nhưng ít. Nhưng họ có thái độ quan tâm cao đối với dịch vụ của ngân hàng.
Loại 3: Khách hàng trung thành “giả”. Những khách hàng này vẫn thường xuyên sử dụng dịch vụ ngân hàng nhưng họ có thái độ quan tâm hoặc ưa thích thấp đối với dịch vụ của ngân hàng. Lý do họ tiếp tục mua sắm bởi lẽ chi phí chuyển đổi cao hoặc họ chưa thấy có lựa chọn tốt hơn…
Loại 4: Khách hàng trung thành. Là những người thường xuyên sử dụng dịch vụ của ngân hàng và có thái độ ưa thích cao đối với dịch vụ của ngân hàng. Họ nhận thấy dịch vụ ngân hàng của một NHTM nào đó thực sự khác biệt và tốt hơn các ngân hàng khác.
3. Hạn chế trong thực hiện marketing mối quan hệ tại các NHTM
Để thực hiện marketing quan hệ, các NHTM chủ yếu hiện nay sử dụng hệ thống Customer Relationship Management (CRM). Hệ thống này bắt đầu bằng hoạt động thu thập dữ liệu của khách hàng. Trên cơ sở nguồn dữ liệu này sẽ thiết kế hệ thống CRM gồm cơ sở dữ liệu về khách hàng và các tính năng tự động liên lạc với khách hàng. Từ hệ thống CRM, cán bộ ngân hàng có thể thực hiện các hoạt động như liên lạc với khách hàng qua điện thoại, email hoặc giao dịch trực tiếp để tìm hiểu nhu cầu và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đồng thời cũng duy trì các mối quan hệ với mục đích nâng cao sự trung thành của khách hàng.
Nhìn chung, các NHTM đã ưu tiên dành khoản ngân sách lớn để phát triển hoạt động marketing mối quan hệ thông qua xây dựng và phát triển hệ thống CRM. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hệ thống CRM của các ngân hàng bộc lộ một số hạn chế, từ đó làm giảm đi tính hiệu quả của hoạt động marketing quan hệ. Có thể thấy một số hạn chế phổ biến của hoạt động marketing quan hệ tại các NHTM như sau:
3.1. Hoạt động khảo sát nhu cầu của cán bộ ngân hàng chưa hiệu quả
Khi thực hiện hoạt động marketing quan hệ, các NHTM thường tập trung nhiều hơn về khía cạnh công nghệ mà quên rằng công nghệ không phải là yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động marketing nói chung và marketing quan hệ nói riêng. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình CRM của các NHTM đã không phát huy được hiệu quả, một trong những thiếu sót phổ biến của quá trình xây dựng chiến lược marketing quan hệ là thiếu sự khảo sát nghiêm túc và chi tiết về nhu cầu trong công việc của những cán bộ ngân hàng giao dịch trực tiếp với khách hàng. Nhiều ngân hàng khi vận hành chương trình CRM mới nhận ra rằng các chương trình của mình không đáp ứng được nhu cầu của cán bộ làm việc ở các phòng giao dịch. Chẳng hạn khi một cán bộ tín dụng liên hệ với khách hàng, họ có thể có nhiều lần gặp với những nội dung khác nhau, trong đó có những lịch hẹn với khách hàng ở thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống CRM đã không thể có những tiện ích để cán bộ tín dụng có thể xây dựng một kế hoạch lịch hẹn gặp với khách hàng ở những lần đầu tiên cũng như các lần tiếp theo. Bên cạnh đó, họ cũng không thể ghi lại những nội dung dự định sẽ gặp khách hàng ở lần tiếp theo, cũng như không thể thiết lập chức năng nhắc lịch hẹn thông qua phần mềm CRM.
3.2. Thực hiện các khảo sát hành vi khách hàng không hiệu quả
Để thực hiện marketing quan hệ hiệu quả, các nhà quản lý phải thực hiện đúng quy trình và ý thức được tầm quan trọng của từng bước trong quy trình. Trong đó, quan trọng là những bước đầu tiên của quy trình, đó là thực hiện một khảo sát về hành vi khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng, trong đó cần xác định rõ nhu cầu cụ thể của khách hàng đối với từng dịch vụ và mong đợi của họ về mức chất lượng đạt được của dịch vụ. Tuy nhiên, có thể thấy trên thực tế đây là hoạt động các NHTM ít quan tâm. Để thực hiện nghiên cứu hành vi khách hàng hiệu quả, các NHTM cần phải làm tốt các hoạt động sau:
+ Xác định đúng khách hàng mục tiêu
+ Xây dựng bảng hỏi hợp lý
+ Chọn mẫu đảm bảo tính đại diện
+ Chọn đúng người tham gia khảo sát
+ Sử dụng phương pháp phân tích phù hợp
Thực tế cho thấy, trong mỗi hoạt động trên đều đòi hỏi những cán bộ có kỹ năng thực hiện, tuy nhiên do thiếu cán bộ có kỹ năng về khảo sát thị trường, thiếu sự quan tâm đến hoạt động khảo sát và phân tích hành vi khách hàng nên các NHTM chưa thực hiện tốt các hoạt động này. Hệ quả là nguồn dữ liệu để hình thành nên các chương trình CRM nói riêng và quản trị các mối quan hệ khách hàng nói chung có chất lượng thấp. Tất nhiên với dữ liệu này thì khó có được một hệ thống quản trị các mối quan hệ khách hàng hiệu quả.
3.3. Chưa phân biệt rạch ròi marketing giao dịch và marketing quan hệ
Có sự khác biệt giữa marketing giao dịch và marketing quan hệ, tuy nhiên nhiều NHTM không nhận thức được đầy đủ sự khác biệt này. Do vậy, một số NHTM vẫn đang thực hiện chủ yếu theo phương thức marketing giao dịch, điều này dẫn đến kết quả là NHTM không thể có được khách hàng trung thành. Có thể phân biệt marketing giao dịch và marketing quan hệ như sau:
- Marketing giao dịch là hình thức trao đổi giữa người mua và người bán, có đặc điểm là hoạt động truyền thông hạn chế, có ít hoặc không có mối quan hệ tiếp diễn.
- Marketing quan hệ là hình thức xây dựng, phát triển và duy trì mối quan hệ giá trị cao, hiệu quả về chi phí với khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên và các đối tác vì lợi ích lâu dài của hai bên.
Sự khác biệt lớn nhất giữa marketing giao dịch và marketing quan hệ đó là mối quan hệ với khách hàng. Marketing giao dịch thường tập trung thuyết phục khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ dưới các hình thức như giá rẻ, sự tiện lợi.
Những hoạt động này thường đơn giản và ngắn hạn, mong muốn bán thứ gì đó ngay lập tức. Có thể thấy rất nhiều các NHTM, doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện hoạt động marketing theo cách này.
3.4. Chưa xác định đúng khách hàng trung thành
Các NHTM hiện nay hầu hết chưa xác định đúng đối tượng khách hàng trung thành. Quan niệm phổ biến cho rằng khách hàng trung thành là những khách hàng thường xuyên giao dịch với ngân hàng trong thời gian dài. Tuy nhiên, cách hiểu này dẫn đến hạn chế là các NHTM chỉ xác định được khách hàng trung thành về mặt hành vi. Trên thực tế, hành vi không phải là chỉ báo đầy đủ về khách hàng trung thành, có nhiều khách hàng vẫn giao dịch thường xuyên với NHTM nhưng có thể sẵn sàng chuyển sang giao dịch ở NHTM khác. Từ cách tiếp cận khách hàng trung thành dưới góc độ hành vi, các NHTM tập trung chăm sóc những khách hàng có thời gian giao dịch dài, khối lượng và tần suất giao dịch lớn. Cách tiếp cận này dẫn đến hệ quả là các NHTM đã bỏ qua việc tập trung chăm sóc các đối tượng khách hàng trung thành khác.
3.5. Thiếu nhận thức và cam kết với chất lượng dịch vụ
Chất lượng dịch vụ là yếu tố đảm bảo cho hiệu quả của các hoạt động marketing quan hệ. Một chương trình CRM dù có phức tạp và chi tiết đến đâu thì cũng không hiệu quả nếu như ngân hàng không cung cấp dịch vụ có chất lượng.
Chất lượng dịch vụ là điều mà các NHTM cần coi trọng cũng như những tiêu chí/ khía cạnh nào để khách hàng đánh giá về chất lượng dịch vụ.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả marketing mối quan hệ
Để thực hiện hiệu quả hoạt động marketing mối quan hệ, các NHTM cần tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng sau:
4.1. Chú trọng hoạt động khảo sát và phân tích hành vi khách hàng
Khảo sát hành vi khách hàng góp phần cung cấp nguồn dữ liệu cho hệ thống CRM hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, các NHTM đang thiếu cán bộ có những hiểu biết sâu về hoạt động nghiên cứu thị trường. Thậm chí có nhiều trường hợp tại các bộ phận thực hiện thiết kế khảo sát nhu cầu thị trường, cán bộ không thể thiết kế một bảng hỏi chuẩn mực, điều này dẫn đến kết quả thu được thông qua khảo sát không đáng tin cậy. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ cũng không có kiến thức để xác định các thang đo trong bảng hỏi một cách chuẩn mực. Điều này cũng làm cho kết quả khảo sát không đáng tin cậy.
4.2. Chú trọng hoạt động khảo sát nhu cầu của cán bộ ngân hàng
Nhu cầu khách hàng thay đổi đòi hỏi các quy trình giao dịch cũng thường xuyên thay đổi. Vì vậy, các NHTM cần có hoạt động khảo sát nhu cầu của cán bộ, đặc biệt là những cán bộ phục vụ khách hàng trực tiếp một cách thường xuyên. Từ đó, xác định được những đòi hỏi cụ thể của các bộ phận, trên cơ sở đó mới thiết kế được các ứng dụng CRM đáp ứng được đòi hỏi trong công việc của cán bộ ngân hàng.
4.3. Xác định đúng khách hàng mục tiêu và nhu cầu của khách hàng mục tiêu
Để có thể có các hoạt động marketing quan hệ hiệu quả, các NHTM cần xác định đúng khách hàng mục tiêu, nếu không thực hiện tốt hoạt động này, các NHTM có thể tập trung vào những khách hàng không phù hợp. Điển hình nhất là việc nhân viên các NHTM gọi điện cho khách hàng để mời họ sử dụng các dịch vụ ngân hàng, chẳng hạn dịch vụ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nhân viên ngân hàng gọi điện cho nhiều khách hàng không phù hợp, do vậy tỷ lệ khách hàng từ chối rất cao. Cán bộ ngân hàng phải dành nhiều thời gian và nỗ lực cho hoạt động này nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Điều này cho thấy việc xác định khách hàng mục tiêu của các NHTM còn chưa thực sự có hệ thống, làm cho các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng mất thời gian và công sức trong việc tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu.
4.4. Nâng cao chất lượng dịch vụ
Mọi hoạt động marketing quan hệ sẽ không hiệu quả nếu ngân hàng cung cấp một dịch vụ ngân hàng kém chất lượng. Như đã phân tích ở trên, để nâng cao chất lượng dịch vụ các ngân hàng cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: Lãnh đạo cần nhận thức đầy đủ và có cam kết mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ.Thực tế cho thấy, nhiều lãnh đạo từ hội sở đến chi nhánh kêu gọi nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng lại chưa hiểu đầy đủ chất lượng dịch vụ được đánh giá ở những khía cạnh nào dưới quan điểm của khách hàng. Vì vậy, khó có thể truyền đạt được những thông điệp cụ thể để cấp dưới có thể có những định hướng cải tiến chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, tính cam kết về chất lượng dịch vụ chưa cao. Để khắc phục hạn chế này, các lãnh đạo cần phải có ý thức không ngừng tìm hiểu về chất lượng dịch vụ, bên cạnh đó cần có những quy chế thưởng phạt nghiêm khắc để duy trì chất lượng dịch vụ. Ví dụ, khi lãnh đạo các phòng giao dịch phát hiện ra nhân viên giao dịch ăn uống trong giờ làm việc; hoặc nói chuyện với nhau những nội dung không liên quan đến công việc trong khi đang tiếp xúc với khách hàng thì cần chấn chỉnh hoặc có hình thức kỷ luật phù hợp.
Thứ hai: Cần xây dựng một văn hóa chất lượng dịch vụ trong ngân hàng. Để thực hiện điều này cần phát động những đợt thi đua về nâng cao chất lượng dịch vụ, có những khen thưởng đối với nhân viên được đánh giá xuất sắc trong chất lượng dịch vụ. Đồng thời, có những đánh giá liên quan đến chất lượng dịch vụ gắn với KPI của các cá nhân, hoặc của phòng giao dịch. Điều này sẽ làm cho mọi người tập trung hơn vào nâng cao chất lượng dịch vụ. Đơn cử như các phòng giao dịch có thể có những đánh giá chất lượng dịch vụ theo kỳ, chẳng hạn 6 tháng. Những đánh giá này được thực hiện bằng phiếu phát cho khách hàng. Qua đó, các chi nhánh và hội sở có thể nắm được mức độ thay đổi về chất lượng dịch vụ của các đơn vị.
4.5. Nâng cao hình ảnh thương hiệu
Để có khách hàng trung thành, các NHTM phải làm cho khách hàng có thái độ tích cực đối với thương hiệu của mình. Trong đó, một trong những biện pháp các NHTM có thể quan tâm thực hiện hơn nữa đó là thực hiện trách nhiệm xã hội của mình với cộng đồng. Các hoạt động CSR mà ngân hàng thực hiện sẽ góp phần tạo nên cảm xúc tích cực của khách hàng đối với thương hiệu ngân hàng. Bên cạnh đó, NHTM cũng cần có các biện pháp truyền thông phù hợp để định vị NHTM là gần gũi và có đóng góp nhiều cho cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
- Peevers, G., Douglas, G., Marshall, D., & Jack, M. A. (2011). On The Role Of Sms For Transaction Confirmation With Ivr Telephone Banking. International Journal Of Bank Marketing, 29(3), 206-223.
- Dick, A. S. & Basu, K. 1994. Customer Loyalty: Toward An Integrated Conceptual Framework. Journal Of The Academy Of Marketing Science, 22, 99.
- Jones, T. O. & Sasser, W. E. 1995. Why Satisfied Customers Defect. Harvard Business Review, 73, 88-88.
- Whyte, R. 2004. Frequent Flyer Programmes: Is It A Relationship, Or Do The Schemes Create Spurious Loyalty? Journal Of Targeting, Measurement And Analysis For Marketing, 12, 269-280.
- Van Dinh & Lee Pickler 2012. Examining Service Quality And Customer Satisfaction In The Retail Banking Sector In Vietnam, Journal Of Relationship Marketing, 11:199–214
- Lưu Đan Thọ và Lương Văn Quốc 2016, Marketing mối quan hệ và quản trị quan hệ khách hàng, NXB Tài chính
- Trịnh Quốc Trung 2008, Marketing quan hệ trong hoạt động Ngân hàng, Công nghệ Ngân hàng